Huyền thoại trận địa cọc trên sông Bạch Đằng năm 938.
YEUSUVIET - Năm 179 trước Công nguyên, lịch sử Việt Nam chứng kiến sự kiện đau thương, tang tóc nhất, khi An Dương Vương thất bại trước cuộc xâm lược của Nhà Tần, dẫn đến dân tộc Việt Nam phải cam chịu cảnh Bắc thuộc suốt hơn 1.000 năm, Sử Việt gọi là "ngàn năm Bắc thuộc". Dẫu chưa bao giờ chịu khuất phục, nhưng phải đợi đến năm 938, khi lịch sử Việt Nam bước đến giai đoạn chín mùi nhất, tất yếu nhất với những thiên thời - địa lợi - nhân hòa để giành lại toàn bộ nền tự chủ quốc gia cho người Việt. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam, chính là chiến thắng của Ngô Vương Quyền với trận địa cọc trên sông Bạch Đằng năm 938 trước quân Nam Hán.
Phim lịch sử Việt Nam "Lửa Phật"
Bài liên quan
Toàn cảnh trước năm 938
Từ năm 179 TCN đến năm 938, người Việt đã đứng lên khởi nghĩa với quyết tâm giành lại nền tự chủ cho mình, khởi đi từ cuộc khởi nghĩa đầu tiên năm 40 của Hai Bà Trưng, tạm lấy sự kiện Khúc Thừa Dụ tiến vào thành Đại La năm 906, có thể thấy trong 10 thế kỷ đó, người Việt vẫn mỏi mòn trông đợi ngày Tổ quốc độc lập trước sự cai trị của người Hán ở phương Bắc. Lịch sử Việt Nam đã ghi lại những cuộc khởi nghĩa lớn gần nhất với sự kiện chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền như Khởi nghĩa của Lý Tự Tiên năm 687, Khởi nghĩa năm 713 của Mai Hắc Đế với bản hùng ca Hoan Châu khởi nghĩa và cuộc khởi nghĩa năm 791 của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng...
Sau những sự kiện chính đó, suốt trong thế kỷ thứ IX từ năm 800 cho đến những năm 880, dù người Việt không chịu khuất phục, nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa trong thế kỷ này đều không thể đánh bại được sức mạnh cai trị của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Trong thời kỳ đầu, nhà Đường còn mạnh, các cuộc nổi dậy của người Việt ít xảy ra và hay bị đàn áp nhanh chóng. Từ sau loạn An Sử (755-763), nhà Đường phải đối phó với nạn phiên trấn cát cứ. Từ 10 Tiết độ sứ thời Đường Huyền Tông tăng lên thành 40-50 trấn, sự kiểm soát của chính quyền trung ương ngày càng yếu đi. Đó chính là điều kiện cho các cuộc nổi dậy của người Việt trong thế kỷ 9 thường xảy ra hơn.
Mặt khác, người Việt thuộc tầng lớp trên ngày càng có vai trò quan trọng hơn trước trong bộ máy cai trị, dù nhìn chung họ vẫn bị người phương Bắc áp chế. Một số hào trưởng người Việt được nhà Đường sử dụng vào việc cai trị ở địa phương để quản lý người bản địa. Điển hình trong những người Việt thăng tiến nhất là Khương Công Phụ đã sang phương Bắc thi đỗ tiến sĩ và làm quan ở trung nguyên. Năm 866, nhà Đường đổi Phủ Đô hộ An Nam thành Tĩnh Hải quân. Tận dụng thời cơ ngàn năm có một khi Nhà Đường đại loạn, bằng tài năng và cơ trí, năm 906 - Khúc Thừa Dụ tiến vào nhận chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, khéo léo tận dụng thời cơ trời cho nước Nam, kết lòng người dân Việt từ đồng bằng đến vùng núi cao, thi hành những chính sách đặt nền móng xây dựng tiềm lực quốc gia, chuẩn bị thực hiện khát vọng thoát Bắc thuộc suốt ngàn năm nay của bao thế hệ cha ông người Việt xưa...
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Trận địa cọc trên sông Bạch Đằng năm 938
Trận địa cọc trên sông Bạch Đằng xuất hiện cuối năm 938, giống như một nửa đời người trôi qua kể từ ngày người Việt - có lẽ là quan trọng nhất của "đêm trường Bắc thuộc" xuất hiện và nắm giữ vị trí cai trị cả vùng đất Giao Châu - Tĩnh Hải quận. Trong 30 năm kể từ khi Khúc Thừa Dụ tiến vào Đại La cho đến năm 938, con và cháu của ông có người cố gắng nhưng cũng có người đã không thể giữ được những viên gạch nền móng quan trọng mà Khúc Tiên Chủ gầy dựng nên. Vì năm 930, cháu nội của Khúc Tiên Chủ là Khúc Thừa Mỹ không có được khả năng cai trị như ông và cha mình nên đất nước lại sớm bị rơi vào tay quân Nam Hán.
Như vậy, trong thời khắc năm 930 khi Khúc Thừa Mỹ thất bại trước đội quân Nam Hán do hai tướng Lý Thủ Dung và Lương Khắc Trinh cầm đầu và bắt về Trung Hoa, cánh cửa Bắc thuộc tối tăm một lần nữa lại mở ra và đặt con dân nước Việt trước thời khắc lịch sử phải quyết tâm kế thừa cho bằng được thành quả gần 30 năm Khúc Tiên Chủ đã "dựng nền tự chủ", còn nếu không, chưa thể biết vận mệnh quốc gia, dân tộc sẽ còn chịu tăm tối trong bao nhiêu thế kỷ nữa... Trong bối cảnh đó, một thuộc tướng của Khúc Hậu Chủ Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ đang cai quản vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay dẫn 3.000 "giả tử - con nuôi" là quân Hoan - Ái tiến thẳng ra Đại La, đánh đuổi quân Nam Hán đang đóng tại đây chạy về nước, đó là năm 931.
Đến năm 937, nha tướng của Dương Công là Kiều Công Tiễn tạo phản, âm mưu với quân Nam Hán, giết chết chủ tướng, tự lập mình làm Tĩnh Hải quân. Trước tình cảnh đất nước hết sức rối ren, thù trong giặc ngoài đã hiện rõ mồn một, cũng chính là thời khắc lịch sử Việt Nam chính thức chuyển mình, cánh cửa Bắc thuộc vừa hé mở đã buộc phải đóng sầm trước dã tâm của hậu duệ Hán Cao Tổ Lưu Bang, khi người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền từ Hoan Châu kéo đại quân về Đại La nhanh chóng đánh dẹp Kiều Công Tiễn, lập lại trật tự năm 906 của Khúc Tiên Chủ, nối kết một lòng người Việt từ trên xuống dưới, từ đồng bằng châu thổ đến núi non cao, tạo nên bức tường thành đoàn kết sừng sững trước cơn bão giông xâm lược từ phương Bắc đang chực chờ kéo về, bức tường thành đó sừng sững dựng lên trên sông Bạch Đằng vào một ngày cuối đông, năm 938.
[ADS] THẾ GIỚI DEAL.COM
Lưu Cung vua Nam Hán không chịu nhục mất Giao Châu, quyết cử con mình là Thái tử Lưu Hoằng Thao dẫn đại quân Nam Hán hai đường thủy bộ tiến vào lãnh thổ Nước ta. Lưu Hoằng Thao tự mình dẫn thủy binh, hống hách, tự khoe sẽ sớm nuốt chửng cả đất Giao Châu, bất kể người đất này là ai. Ngô Vương Quyền xem Thao như đứa trẻ dại, chẳng đáng bận tâm ngoài số lượng binh thyền hùng hậu. Nhưng trời cao đã định, nước Nam của người Nam, nên trong hoàn cảnh khốn khó nhất lúc đó, Ngô Vương Quyền có quyết định táo bạo nhất để chính thức đưa Ngài vào Ngôi đền huyền thoại của các Anh hùng dân tộc Việt Nam: đánh thẳng, trực diện và tiêu diệt toàn bộ thủy quân Nam Hán ngay trên sông Bạch Đằng, để chấm dứt một lần và mãi mãi giấc mộng xâm lấn nước Nam của người phương Bắc.
Vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, binh thuyền do Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng với hơn một nửa quân sĩ.
Trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 do Ngô Vương Quyền lãnh đạo nhân dân Tĩnh Hải quân năm ấy, vĩ đại như thể một huyền thoại rằng làm sao có thể tạo nên một trận địa cọc đủ sức đâm thủng và nhấn chìm hàng trăm chiến thuyền Nam Hán như thế? Huyền thoại của trận địa cọc năm 938 không phải vì người đời sau không tin hay không thể tái hiện - vì năm 981, 1288 đã được lặp lại, nhưng vì ý nghĩa lớn lao, quá mức vĩ đại của một chiến thắng để quyết định vận mệnh của một dân tộc mà khiến bao thế hệ người Việt Nam không khỏi bồi hồi, xúc động khi tưởng nhớ đến!
Vận mệnh dân tộc trong dòng chảy lịch sử Việt Nam tự chủ khởi đi từ Ngô Vương Quyền đã bao lần được khẳng định bằng ý chí và quyết tâm của chính người Việt Nam. Trải qua bao bể dâu, thăng trầm, đứng trước những thời khắc lịch sử, tổ tiên, cha ông chúng ta luôn biết quyết định chọn lấy vận mệnh của mình để giữ lấy Đất nước, Tổ quốc mình. Những thế hệ người Việt Nam chúng ta hôm nay và mai sau chắc chắn không để phụ lòng những bậc tiên hiền, trí dũng đời trước, mà phải quyết tâm, quyết chí, quyết lòng thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng mạnh và tự cường, đó mới là sự xứng đáng to lớn nhất với huyền thoại giữ nước của Cha Ông xưa!
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét