Như bao người An Nam khác, tôi sinh ra trong một gia đình trí thức thẩm nhuần đạo lý làm người truyền thống mà chúng tôi kế thừa từ những bậc thánh hiền Trung Hoa, đó là phải biết sống vị tha và vô vụ lợi. Đây là một điểm chung giữa người An Nam chúng tôi và chúng tôi có thể phô trương đức tính đó của mình mà không sợ bị cho là huênh hoang, khoác lác. Vậy tôi có biết tận dụng cái đức tính vốn như một di sản luân lý mà ông cha để lại cho mình hay không? Thú thật là tôi chẳng dám khẳng định gì. Lúc nào cũng vậy, chẳng hề làm ra vẻ coi thường đối với mọi của cải trên thế giới này, ngay từ khi còn trẻ, tôi chưa bao giờ bị dục vọng có được sự giàu sang phú quý và những danh vọng giả tạo dằn vặt, trong khi đó là những thứ mà ở đâu người ta cũng ham thích vô cùng, ngay cả ở các đất nước theo đạo Cơ Đốc, nơi người ta được dạy dỗ phải trở thành người chỉ tích lũy những gia tài mà ngay cả kẻ trộm hay cái chết cũng không thể cướp đi được. Chẳng có chút tham vọng, tôi sống mà không hề cầu đến mánh khóe, thủ đoạn, những thứ mà tôi nhận thấy mình chẳng có chút năng khiếu nào.
Vào cái thời mà đất nước An Nam vẫn còn thuộc về người An Nam và bề ngoài chịu thần phục Trung Hoa – tức chỉ giữ môi quan hệ truyền thừa về nòi giống với dân tộc này, bởi lịch sử đã cho chúng ta biết rằng tổ tiên của người An Nam là nhánh tách ra từ một dòng họ có nguồn gốc ở Trung Hoa – thì chủ nghĩa anh hùng, đức tính vị tha, tinh thần hy sinh quên mình, nhất là sự coi khinh tài phú, không phải là những phẩm chất hiếm thấy ở một giống nòi vốn là hậu duệ của Thần Nông. Theo những trang sử biên niên đầu tiên của dân tộc chúng tôi, Kinh Dương Vương đã dẫn dắt con cháu Thần Nông xuống những vùng đất ở phía Nam Á Châu để định dân, lập nên nước Giao Chỉ, một nước chư hầu cuối cùng được Trung Hoa – nước thiên tử – ban cho các quốc hiệu Nam Việt và An Nam.
Lịch sử của chúng tôi cho chúng tôi biết rằng dưới các triều đại cũ, trong tầng lớp trí thức An Nam có những người được xem như là hình mẫu cho sự đức độ và tính liêm khiết, và vì thế họ xứng đáng được xếp vào hàng ngũ các bậc hiền nhân. Về vấn đề này, tôi mạn phép trích dẫn một tấm gương trong gia đình tôi, không phải để khoe khoang về gia thế của mình mà chỉ nhằm nói về những gì tôi thực sự thấu suốt, và bên cạnh đó cũng nhằm chỉ ra rằng tấm gương này không hề là một ngoại lệ trong thời kỳ yên bình khi người An Nam chúng tôi còn giữ được quyền tự chủ của mình. Vả chăng, chung quy thì người ta ai cũng có thể xuất thân từ một gia đình tầm thường, không có chút tài sản nào, một gia đình tiện dân nghèo khó, và đều có thể thành tài và trở nên con người có phẩm hạnh đạo đức cao đẹp, trong khi lịch sử luôn cho ta biết rằng ở đâu cũng vậy, ở khắp các quốc gia trên thế giới, người ta gặp không ít những kẻ đần độn, ngu xuẩn, những kẻ nhơ nhớp, bần thỉu về mọi phương diện ở giữa những hậu duệ hoàng gia hay con cháu của các vị quyền cao chức trọng của nhà nước.
Cùng với những trí thức danh tiếng nhất của dân tộc, cụ của tôi được khắc tên lên bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Hà Nội, nơi được ví như điện Panthéon của người An Nam. Cụ làm quan dưới triều nhà Lê và là một tấm gương cho sự thanh liêm. Cha mẹ của cụ, tức là các kỵ của tôi không hề là những người phú quý, nhưng đã truyền lại cho cụ đức tính chính trực, biết hành xử tiết chế, và trong các chặng hoạn lộ của mình, cụ được hầu hết mọi người thừa nhận là có phẩm cách đạo đức cao quý. Từ hồi còn rất trẻ, cụ đã được nhận vào các lớp bậc cao ở Quốc Tử Giám và được bổ nhiệm làm quan, thăng tiến rất nhanh và cuối cùng đạt đến đỉnh cao quyền lực khi nắm giữ chức vụ thừa tướng trong triều đình nhà Lê, được phong tước hầu, chức quan này tương đương với chức thủ tướng ngày nay. Kỳ thực, cụ là một hầu tước chẳng có chút tài sản nào, luôn sống đạm bạc, thậm chí có thể nói là chật vật. Tất cả tài sản cụ để lại cho các con mình chỉ là một ngôi nhà nhỏ nằm ở làng Đông Ngạc, Hà Nội, nơi cụ đã sống những năm tháng cuối đời. Dẫu vậy, cụ vẫn để lại cho con cháu một món gia tài vô giá, món gia tài mà tôi muốn nói đến đó là sự giáo dục cẩn trọng và nề nếp gia đình thông qua những hành động làm gương, tỏ rõ một cuộc đời đã sống và giữ được trọn vẹn phẩm giá, danh dự chân xác của một con người.
Ở An Nam, dưới những triều đại cũ, những vị quan có chức tước cao nhưng lại tình nguyện sống đời đạm bạc để làm gương cho người dân không phải hiếm. Ta có thể dẫn ra đây một nhân vật được nhiều người Pháp biết đến, đó là ngài Phan Thanh Giản, vị đại thần từng giữ chức Kinh lược sứ, tức quản toàn bộ vùng đất bao gồm Nam kỷ lục tỉnh mà nay đã thành Nam kỳ thuộc Pháp, trong những năm đầu tiên xảy ra chiến tranh giữa An Nam và Pháp. Vị đại thần này, người thực hiện nhiệm vụ nghị hòa với Pháp quốc, sau khi thay mặt hoàng đế An Nam ký một hòa ước nhượng lại vùng đất phía Nam của đất nước, đã lui về sống ẩn dật ở một căn nhà nhỏ tồi tàn vốn là tư dinh và cũng là tài sản duy nhất của ông. Cuối cùng, ông đã tự tử để khỏi phải sống trong nỗi ô nhục và trong cảnh nước mất nhà tan.
Thế nhưng, chắc chắn là tinh thần hy sinh quên mình này, vốn là phẩm chất đạo đức mà người An Nam chúng tôi xem trọng nhất, lại không có giá trị như thế ở các nước tư bản châu Âu. Ngày nay, nếu có người sống ở một nước tư bản châu Âu cho rằng cần phải ca ngợi tinh thần coi thường vinh hoa phú quý và xem đó như một phẩm chất đạo đức cao quý, người ta sẽ không quên cười vào mũi anh ta, xem anh ta chẳng khác gì một kẻ ngây thơ, ngốc nghếch, và ranh mãnh nói với anh ta rằng anh ta đã sinh nhằm thời rồi. Vì rằng trong cái thời thống trị của chủ nghĩa tư bản, tiền không chỉ là động lực thúc đẩy chiến tranh mà còn là một thứ gì đó tốt đẹp hơn nữa, một thứ rất hữu ích trong thời bình: tiền cho phép người ta muốn làm gì thì làm, tiền là chiếc chìa khóa vạn năng giúp người ta mở ra mọi cánh cửa, tiền là thứ bùa mê thu hút tất cả những người có danh vọng, địa vị trong giới thượng lưu đến với nó. Kể từ thời khắc một kẻ hãnh tiến sở hữu được nhiều tiền bạc, trong tay nằm đầy tiền mà y có thể tùy ý sử dụng thì quá khứ ít nhiều đáng khinh bỉ của y nào có sá chi. Vụ án Bolo' và bao vụ việc khác không diễn ra để thuyết phục những người hoài nghi nhất, không tính vào số này những kẻ ưa phiêu lưu có cùng một giuộc với công chúng vô tri, chỉ bằng cái lý lẽ đó là trong quá khứ họ không hề có vinh dự xem một vụ án lớn được xét xử công khai.
Chúng ta hãy nghe lời biện hộ của luật sư Moro-Giatleri dành cho thân chủ của ông là ông Caillaux trước Tòa Nghị viện (Revue des causes célèbres (Tạp chí những vụ kiện nổi tiếng), số 66, ngày 1 tháng Bảy năm 1920): “Ở chỗ ông Bolo, một nhân vật rất Paris đã tiếp đón cả Paris, người ta đã gặp được các viện sĩ viện hàn lâm, Chúa tha thứ cho con, những nghị viên của Thượng viện lẫn Viện Đại biểu', các vị bộ trưởng, các vị tỉnh trưởng, các nhà báo lớn, một người thú vị tên Henri Cain và tướng Quincandon. Ở nhà Bolo tại Biarritz, nếu tôi không nhầm thì vào đúng dịp, người ta có thể nghe được quan điểm sắc bén tuyệt vời không sao bì được của ông Barthou và một vài bài nói chuyện quen thuộc về liên hiệp quốc từ người đồng nghiệp của tôi, luật sư Hennessy. Cuối cùng mọi người đều đã thấy điều đó...
“Đó là đời sống ở Paris, khi một người được nhìn thấy đi ăn tối trong một khách sạn hạng sang, anh ta là một người Paris. Nếu thi thoảng anh ta đến chỗ một người có danh vọng, địa vị ăn tối thì anh ta là một nhân vật rất Paris; nhưng nếu anh ta có một cái bàn ăn và có thể mở cửa đón khách thì ta hãy chắc một điều: anh ta luôn có khách đến thăm và đó là một nhân vật lớn của Paris. Tầm cỡ của anh ta có khi phụ thuộc vào vị đầu bếp và cái bàn ăn của anh ta.”
Tóm lại, chuyện ăn uống, những thú vui phàm tục, trong sự tiện nghi hiện đại thoải mái nhất, đó là những thứ lý tưởng trong xã hội hiện tại của chúng ta. Để có được những thứ này thì phải có tiền, có tiền nữa và có tiền mãi.
Hãy tiếp tục, vì chúng ta đang nói về vấn đề phong tục, lối sống của thời đại mình. Tốt hơn hay tệ hơn còn tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người: vì thực ra, có lẽ chẳng có gì là tốt hay xấu trên thế giới này, điều gì cũng có hai mặt ý nghĩa. Chúng ta có thể nói về những bà chủ của các dinh thự hạng nhất luôn kín cổng cao tường, những nữ thương gia lớn bị xem là kiểu người tầm thường, hoặc giả bạn thích nói thế này hơn, là những người phụ nữ một khi đã tích lũy đủ một tài sản sẵn có là rút lui, không kinh doanh nữa và trở thành những bà chủ lâu dài được người dân ở nơi mà họ đã tạo dựng sản nghiệp kính trọng, quý mền. Vì họ giàu có và còn có tầm ảnh hưởng nữa, hai thứ này thường phải đi cùng nhau, nên nhiều người đến tìm kiếm sự bảo trợ của họ cho các việc từ thiện. Ôi, mỉa mai làm sao! Chúng ta có thể tự tưởng tượng ra cái cảnh người khác van nài họ chấp nhận ngôi vào chiếc ghế chủ tịch của một hội được lập ra nhằm bảo vệ và phục hồi tinh thần cho những cô gái trẻ bất hạnh chẳng may bị đàn ông quyến rũ và bỏ rơi. Sau rốt, có một điều không quá nghịch lý là trước hết người ta có thể đã tin tưởng họ: dường như họ là những quý bà cao thượng, những người có nhiều kinh nghiệm trên trường đời, những người có phẩm chất tốt hơn bất kỳ ai trong việc giúp những cô gái là nạn nhân của ái tình và những người bị tước quyền thừa kế tài sản có thể vực dậy tinh thần vì họ có nhiều sự từng trải trong quá khứ.
Ở quê hương tôi, cũng có một kiểu phụ nữ bị xem là có lối sống phóng túng. Đó là những người phụ nữ sau một thời gian dài sống leo lắt với nghề nghiệp tầm thưởng của mình, bằng một sự tình cờ may mắn, đã dùng được vẻ duyên dáng của bản thân để quyến rũ thành công một ông chủ thấu công trình công lớn người Pháp. Trong một thời gian ngắn, người tình này sẽ tạo dựng cho cô ấy một cơ ngơi khá lớn bằng cách giao cho cô một phần lớn việc làm ăn của mình. Trở nên giàu có, người phụ nữ đó sẽ tạo ra những mối quan hệ quyền lực với những người có ảnh hưởng trong cộng đồng người Pháp, đó là những người có thể tác động để họ được chính quyền Pháp trao tặng tước hiệu mệnh phụ cao quý mà thuở xưa triều đình An Nam đã ban để tôn vinh những người phụ nữ đức cao vọng trọng, những người phụ nữ khác xa với họ. Người đàn bà tầm thường bỗng dưng trở thành một mệnh phụ và được phong tước vì mục đích vinh danh.
Cô ta có kẻ hầu người hạ, có xe ngựa đưa đón. Người ta bảo rằng cô ta thường lui tới giao du với những quý bà châu Âu, những người thường thường chỉ nhìn người An Nam bằng nửa con mắt và đối xử như thể đó là một giống nòi bẩn thỉu; kể ra, không hẳn là không có lý do khi thừa nhận rằng một giống nòi bị bắt phải phục tùng một giống nòi khác thì đó hẳn là một giống nòi thấp hèn. Người ta cũng nói rằng cô ta có những người bạn là người da trắng, những người thường ghé thăm và gửi cho cô ta các tấm thiệp kèm những lời xã giao khách khí nhất. Nhưng việc đó có gì là lạ lùng? Nếu lối sống của người đàn bà giảo hoạt đó là đáng khinh khi, đáng bị xem nhẹ thì đồng tiền của cô ta vẫn có sức nặng và không hể bốc mùi kia mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét