Bài đề tựa của Ngô Sĩ Liên trong sách Đại Việt sử ký toàn thư.
YEUSUVIET - Sử để ghi chép việc, mà việc hay hay dở dùng làm gương răn cho đời sau. Đời xưa các nước, nước nào cũng có sử, như Xuân Thu của nước Lỗ, Đào Ngột của nước Tấn, Thặng của nước Sở, đều là sử cả. Nước Đại Việt ta ở phía nam Ngũ lĩnh, thế là trời đã chia vạch Nam Bắc; thủy tổ ta ra tự con cháu Thần nông thị, thế là trời đã sinh ra chân chúa. Vì thế mới cùng với Bắc triều đều làm chủ một phương. Nhưng vì nước ta thiếu sử sách biên chép, mà sự thực đều do truyền văn, lời ghi có phần quái đản, công việc hoặc có sót quên, cho đến sao viết không đúng, biên chép phiền tạp, chỉ làm loạn mắt, còn dùng làm gương sao được.
Bài liên quan
Trần Thái Tôn mới sai học sĩ Lê Văn Hưu soạn lại bắt Triệu Võ Đế trở xuống đến năm đầu Lý Chiêu Hoàng, bản triều Nhân Tôn lại sai tu sử Phan Phu Tiên chép nối từ Trần Thái Tôn trở xuống đến khi người Minh trở về nước, đều gọi là Đại Việt sử ký, từ đấy về sau sự tích của các triều đại mới rõ ràng có thể xem được.
Văn Hưu là đại thủ bút của đời Trần, Phu Tiên là bậc cố lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên chép lịch sử của nước nhà, tìm khắp các sách sử còn lại, tóm chép thành sách, để cho người xem sau này không còn tiếc nữa là được. Song ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn, người đọc không khỏi có chỗ còn chưa vừa ý. Chỉ có bộ Việt sử cương mục của Hồ Tông Xác làm là chép việc thận trọng mà có phép tắc, bàn việc thiết đáng mà không rườm, cũng là bực giỏi. Nhưng mà sau cuộc binh lửa, sách ấy không truyền. Hoàn thành bộ sử kể cũng rất khó, hoặc giả còn chờ ngày nay.
Hoàng thượng trung hưng cơ nghiệp, sùng nho trọng đạo, săn sóc sách vở, khảo xét văn chương, khoảng năm Quang Thuận, xuống chiếu tìm kiếm dã sử và các truyện ký xưa nay của các tư nhân chứa giữ, đều khiến dâng cả lên để sẵn tham khảo. Lại sai các nho thần thảo luận biên chép, thần trước ở Sử viện đã được dự vào. Đến khi lại được trở vào Sử viện thì sách ấy đã dâng lên, để ở Đông Các, không được trông thấy.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Trộm tự nghĩ rằng: May gặp trời trong sáng, thẹn mình không chút báo đền, nên không tự nghĩ sức học kém cỏi, lấy hai bộ sách của tiên triều sửa chữa chép lại, thêm vào một quyển Ngoại kỷ, cộng thành mấy quyển gọi là Đại Việt sử ký toàn thư, có việc nào sót quên thì bổ thêm vào, có lệ nào chưa đúng thì cải chính lại; văn có chỗ nào chưa ổn thì đổi đi, gián hoặc có việc hay dở có thể khuyên răn được thì góp thêm ý kiến quê mùa ở sau. Thần rất biết như thế là càn bậy, tội không chỗ trốn được, song chức phận phải làm, không dám lấy tài thức hẹp hòi bỉ lậu mà từ chối được. Kính cẩn biên thành sách, lưu ở Sử quán, tuy lời khen chê chưa có thể làm công luận cho muôn năm về sau, cũng có thể giúp đỡ cho việc tra xét một chút vậy.
Năm Kỷ Hợi, Hồng Đức thứ 10 (1479) tiết đông chí.
Tứ Đại Bảo Nhâm Tuất khoa đồng tiến sĩ, Lễ bộ hữu thị lang Triều liệt đại phu kiêm Quốc tử giám tư nghiệp, kiêm Sử quan tu soạn, Ngô Sĩ Liên đề tựa.
Trích "Đại Việt sử ký toàn thư"
YÊU SỬ VIỆT
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét