YEUSUVIET - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, đã có bao anh hùng dân tộc cất cao tiếng nói về lòng yêu nước, tiếng nói của họ không chỉ đại diện riêng cho một cá nhân mà là cả một dân tộc. Lần giở lại lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm bất khuất của cha ông chúng ta có rất nhiều dẫn chứng bằng máu để minh họa cho truyền thống đó.
Bài liên quan
Những năm đầu công nguyên, khi quân Hán đang đo hộ nước ta, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo. Căn cứ theo giả thuyết do Thiên Nam ngữ lục nêu mà sử gia Đào Duy Anh đồng tình, cuộc nổi dậy chống nhà Đông Hán đã diễn ra vào nửa cuối năm 39 và bị Tô Định trấn áp khiến Thi Sách bị hại. Sau khi Thi Sách bị Tô Định giết, Trưng Trắc và các Lạc tướng càng căm thù, quyết tâm chống lại nhà Hán để trả thù. Bà cùng Trưng Nhị mang quân bản bộ về giữ Hát Môn.
Tháng 9 năm 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị tập hợp các tướng lĩnh cùng nhau làm Hội thề ở cửa sông Hát (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuộc huyện Mê Linh thời đó. Thiên Nam ngữ lục ghi lời thề của Trưng Trắc như sau:
"Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này".
Có lẽ Hai Bà Trưng là những người đầu tiên chủ trương “rửa sạch nước thù” bằng việc đứng lên quyết một phen sống mái với quân thù, dùng máu của mình để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, chấm dứt những năm tháng khổ đau, tủi nhục của một dân tộc bị kẻ thù xâm lược.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Thế kỷ XIII, đất nước ta đứng trước những thử thách lớn nhất khi phải đương đầu với đế quốc Mông - Nguyên hùng mạnh và đấy cũng là thế kỷ mà cha ông ta dưới sự lãnh đạo của nhà Trần đã làm nên những chiến thắng lừng lẫy nhất trong lịch sử khi ba lần đánh bại sự xâm lược của kẻ thù. Có nhiều nguyên nhân để giúp nhà Trần giành thắng lợi và theo chúng tôi một trong những nguyên nhân quan trọng nhất chính là những người đứng đầu nhà Trần đã bộc lộ rõ lòng yêu nước và quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập của dân tộc.
Thắng lợi quân sự đặc biệt của phía Đại Việt gắn liền với tên tuổi của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Tháng 12 năm Giáp Thân-1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng:
“Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?"
Hưng Đạo Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!!”
Vua Trần Nhân Tông nghe thế yên lòng. Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam, và thảo bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn (thường gọi là Hịch tướng sĩ) để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Nguyên-Mông lần 2.
Bài hịch kích động lòng tự tôn dân tộc của tướng lĩnh, quyết tâm rửa nhục nước, không quản hy sinh. Quyết tâm đó của cả một dân tộc được thể hiện:
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gôi, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.
Hơn nữa, bài hịch xây dựng tư tưởng quyết chiến, quyết thắng, đả phá thái độ thờ ơ, hưởng lạc, kêu gọi huấn luyện quân sĩ tập dượt cung tên để đánh bại hoàn toàn quân Nguyên xâm lược. Lời văn sục sôi nhiệt huyết, tràn đầy lòng tin ở chiến thắng khinh địch. Một lần nữa, chủ trương dùng máu hay cao hơn nữa là hy sinh thân mình để đảm bảo độc lập tự do cho dân tộc được thể hiện rõ. Bài hịch truyền cho tướng sĩ tinh thần quyết chiến sắt đá thể hiện ở hai chữ ”Sát Thát” xăm trên cánh tay và dẫn đến thắng lợi ở Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vân Đồn, cuối cùng là ở Bạch Đằng (1288).
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Đến nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đất nước chìm trong vòng nô lệ của thực dân Pháp. Nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước đã đứng lên tập hợp nhân dân chống kẻ thù xâm lược, trong đó tiêu biểu phải kể đến: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Hoàng Hoa Thám. Một số vị đại quan triều Nguyễn như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết cùng một số vị vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đã sẵn sàng rời bỏ tất cả để đồng cam cộng khổ với nhân dân quyết tâm “chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại bờ cõi”.
Ở đây, chúng tôi tập trung trình bày về vị vua yêu nước Duy Tân, bởi không chỉ ông là một trong những hoàng tử được kế vị ngai vàng trẻ tuổi nhất mà còn là vị hoàng đế sớm bộc lộ được tình cảm yêu nước thương dân một cách mạnh mẽ và sâu sắc.
Tấm lòng yêu nước của vị vua trẻ Duy Tân được thể hiện qua nhiều câu chuyện không chỉ được các sử gia chép lại mà còn được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Khoảng năm 1912, Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé mở một chiến dịch tìm vàng ráo riết. Mahé lấy tượng vàng đúc từ thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, đào lăng vua Tự Đức và đào xới lung tung trong Đại Nội để tìm vàng. Vua Duy Tân phản đối quyết liệt những hành động thô bạo đó, nhưng Mahé vẫn làm ngơ. Duy Tân ra lệnh đóng cửa cung không tiếp ai. Toà Khâm sứ Pháp làm áp lực với nhà vua thì Duy Tân đe đọa sẽ tuyệt giao với các nhà đương cục ở Huế lúc bấy giờ. Cuối cùng Toàn quyền Albert Pierre Sarraut từ Hà Nội phải vào giải quyết vua Duy Tân mới cho mở hoàng thành.
Năm vua Duy Tân 13 tuổi, ông xem lại những hiệp ước mà hai nước Việt - Pháp đã ký. Nhà vua cảm thấy việc thi hành của hiệp ước ấy không đúng với những điều kiện mà hai bên đã ký kết với nhau nên một hôm giữa triều đình, nhà vua tỏ ý muốn cử ông Nguyễn Hữu Bài là người giỏi tiếng Pháp sang Pháp để yêu cầu duyệt lại hiệp ước ký năm 1884 (Patenôtre). Nhưng cả triều đình không ai dám nhận chuyến đi đó.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Năm 15 tuổi, vua Duy Tân đã triệu tập cả sáu ông đại thần trong Phụ chính, bắt buộc các vị phải ký vào biên bản để đích thân vua sẽ cầm qua trình với Toà Khâm sứ nhưng các đại thần sợ người Pháp giận sẽ kiếm chuyện nên từ chối không ký và phải xin yết kiến bà Thái hậu để nhờ bà can gián nhà vua. Từ đó không những nhà vua có ác cảm với thực dân Pháp mà còn ác cảm với triều đình. Một lần vua Duy Tân ra ngồi câu cá trước bến Phu Văn Lâu. Thượng thư Nguyễn Hữu Bài cùng đi. Mãi không thấy con cá nào cắn câu, vị hoàng đế trẻ bèn ra câu đối:
Ngồi trên nước không ngăn được nước, trót buông câu nên lỡ phải lần.
Sau khi nghĩ ngợi một lúc, Thượng thư Nguyễn Hữu Bài đối lại:
Nghĩ việc đời mà ngán cho đời, đành nhắm mắt đến đâu hay đó.
Nghe đồn Duy Tân phê Nguyễn Hữu Bài là người cam chịu trước số mạng.
Nhà vua còn bảo:
“Theo ý trẫm, sống như thế buồn lắm. Phải có ý chí vượt gian khó thì cuộc sống mới có ý nghĩa".
Một lần khác nhà vua thiếu niên từ bãi tắm Cửa Tùng (Quảng Trị) lên (hàng năm ông hay ra đây nghỉ mát), tay chân dính cát. Thị vệ bưng chậu nước cho vua rửa. Duy Tân vừa rửa vừa hỏi:
“Khi tay bẩn thì lấy nước mà rửa, khi nước bẩn thì lấy chi mà rửa?"
Người thị vệ chưa biết trả lời ra sao thì vua Duy Tân nói tiếp:
“Nước bẩn thì phải lấy máu mà rửa”
Chỗ này, một số tài liệu ghi chép, vua Duy Tân nói với người thị vệ rằng: “Nước bẩn thì phải tìm cách trừ khử những chất ngoại lai lẫn vào trong đó, hiểu không?”
Tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc, thừa hưởng tấm lòng yêu nước của vua cha Thành Thái, vị vua trẻ Duy Tân đã một lần nữa khẳng định trước lịch sử: không thể chấp nhận nỗi nhục mất nước, phải đứng lên sống mái với kẻ thù, dù phải dùng máu của mình cũng phải quyết tâm giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Việt Nam Quang phục hội là một tổ chức yêu nước Việt Nam được Phan Bội Châu thành lập từ 1912 ở Trung Quốc. Biết được vua Duy Tân là người yêu nước chống Pháp nên Việt Nam Quang phục hội quyết định móc nối. Hai lãnh đạo của Hội là Trần Cao Vân và Thái Phiên bỏ tiền vận động người tài xế riêng của vua Duy Tân xin thôi việc. Thay vào đó là Phạm Hữu Khánh, một thành viên của hội.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Tháng 4 năm 1916, khi vua Duy Tân ra bãi tắm Của Tùng nghỉ mát, Phạm Hữu Khánh có đưa cho vua một bức thư của hai lãnh tụ Trần Cao Vân và Thái Phiên. Duy Tân đọc thư và muốn gặp hai người này. Ngày hôm sau, ba người cùng đến câu cá ở Hậu hồ, vua Duy Tân đồng ý cùng tham gia khởi nghĩa. Khởi nghĩa dự định được tổ chức vào 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5.
Nhưng cuối tháng 4 năm 1916, một thành viên của Việt Nam Quang phục hội ở Quảng Ngãi là Võ An đã làm lộ tin. Chiều ngày 3, thực dân Pháp ra lệnh thu súng ở các trại lính người Việt cất vào kho và cấm trại không cho một người lính Việt nào ra ngoài.
Đêm 3 tháng 5 năm 1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên đưa thuyền đến bến Thương Bạc đón vua Duy Tân. Nhà vua cải trang theo lối thường dân đi cùng hai người hộ vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu. Họ tới làng Hà Trung lên nhà một hội viên Việt Nam Quang phục hội để chờ giờ phát lệnh bằng súng thần công ở Huế. Nhưng chờ đến ba giờ sáng vẫn không nghe hiệu lệnh, biết đã thất bại, Trần Cao Vân và Thái Phiên dự định đưa vua Duy Tân tới vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy nhiên sự việc không thành, sáng ngày 6 tháng 5 năm 1916, họ bị bắt tại Huế.
Khâm sứ tại Huế và Toàn quyền thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng nhưng ông không đồng ý.
“Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam, thì hãy coi tôi như là một ông vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với Chính phủ Pháp”.
Pháp bắt triều đình Huế phải xử, Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung được ủy nhiệm thảo bản án. Các vị lãnh đạo Quang phục hội là Thái Phiên, Trần Cao Vân đang ở trong ngục chờ ngày ra pháp trường viết vào một miếng giấy vấn thuốc một bức thư nhờ người bí mật đưa tận tay ông Hồ Đắc Trung. Đó là câu đối:
Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt!
Trời còn đó, đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Miễn sao thánh thượng sinh toàn.
Ông Hồ Đắc Trung làm án đổ hết tội cho bốn người Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu. Bốn người bị xử chém ở An Hòa. Vua Duy Tân bị đày đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái vào năm 1916.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Sống lưu đày nơi đất khách, xa quê hương 30 năm song tấm lòng yêu nước của Duy Tân vẫn không hề thay đổi. Trong 30 năm ấy, có lẽ sự khổ cực về vật chất không là gì so với nổi đau tinh thần mà vua Duy Tân phải chịu đựng. Tuy nhiên “nhờ cái khổ ấy mà vua Duy Tân còn sống mãi trong lòng người Việt Nam”. Đau đáu nỗi đau về quê hương còn bóng quân xâm lược, muốn được trở về để phụng sự tổ quốc nhưng khi nhận ra mình sẽ là con bài trong tay kẻ thù thì ông đã cự tuyệt, chấp nhận tiếp tục cuộc sống lưu đày để rồi chết trong một vụ tai nạn máy bay với nhiều tình tiết uẩn khúc, mờ ám mà hầu hết người dân Việt Nam đều tin rằng cái chết đó là do sự sắp đặt của hai đế quốc thực dân Anh - Pháp.
Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin đúc rút ra một số nhận xét về vị vua yêu nước Duy Tân như sau:
1. Cũng giống như vua cha Thành Thái, Duy Tân là một vị vua bất đắc dĩ. Vĩnh San - vị hoàng tử thứ bảy của Thành Thái được đưa lên ngôi vua lúc chỉ mới bảy tuổi là do sự sắp đặt của người Pháp bởi chúng không cần một người đã trưởng thành và biết cách cai trị đất nước mà cần một vị vua bù nhìn, do đó càng nhỏ tuổi, nhút nhát càng dễ bề sai khiến. Vĩnh San lên ngôi vua trong hoàn cảnh đó.
2. Duy Tân đã sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước thương dân, có nhiều suy nghĩ, hành động và lời nói nhằm chống thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc. Với việc nhà vua trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa Trung Kỳ năm 1916 đã là nguồn động lực to lớn với những người tham gia và gây hoảng loạn cho kẻ thù. Mặc dù không thành công song cuộc khởi nghĩa do Thái Phiên, Trần Cao Vân khởi xướng do vua Duy Tân đứng đâu đã viết tiếp trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, để lại tiếng thơm muôn đời.
3. Duy Tân là một người thông minh, ham học hỏi, rất giàu nghị lực để vượt qua những thời khắc khó khăn của cuộc đời mình do những điều kiện lịch sử khách quan và chủ quan đem lại.
4. Dù rất muốn được trở về quê nhà sau gần 30 năm bị đày sang đảo Réunion song khi biết được âm mưu lợi dụng danh nghĩa yêu nước của mình cho mục đích tái xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, Duy Tân đã thẳng thừng từ chối, và theo chúng tôi, có lẽ vì điều này mà kẻ thù đã tìm cách sát hại ông.
YÊU SỬ VIỆT theo bài viết của TS. Nguyễn Tất Thắng
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét