YEUSUVIET - John Barrow sinh ngày 19 tháng 6 năm 1764 ở Ulverston thuộc tỉnh Lancashire, vùng bờ biển thuộc phía Tây nước Anh, là con một tiểu trại chủ. Ngay từ khi còn trẻ, chàng trai hiếu động này đã làm những công việc khác nhau như gia sư, nhân viên trợ lý kiểm tra nhà đất, trưởng thủ thư của một xưởng đúc ở Liverpool. Chàng thanh niên đã có thời gian dạy toán ở một trường tư; và trong lớp có một cậu học sinh là con trai của nhà quý tộc G. Staunton; Barrow được ông này mời về nhà làm gia sư kèm thêm cho con trai mình. Staunton lại là thuộc hạ của Bá tước Macartney.
Bài liên quan
Năm 1792, Macartney được cử sang Trung Quốc làm đại sứ đầu tiên của Anh tại nước này. Trong phái bộ, G. Staunton là thư ký riêng của Macartney, mang theo con trai, học trò của Barrow. Được sự giới thiệu của Staunton và nhờ sự lanh lẹ và trí thông minh của mình (Barrow đã học nói được tiếng Trung Quốc trong một thời gian rất ngắn), chàng trai Barrow - lúc đó 28 tuổi - được cử đi tháp tùng phái bộ với tư cách là quản gia của ngài đại sứ Macartney. Trong chuyến du hành, phái bộ có ghé lại một số nơi, trong đó có vùng vịnh Đà Nẵng của xứ Nam Hà.
Năm 1794, Barrow từ Trung Hoa trở về, sau đó được cử làm thư ký riêng cho Macartney, và được phái tới vùng nội địa Nam Phi, với nhiệm vụ dàn xếp những cuộc xung đột giữa các bộ tộc Boers và Kaffirs. Trong thời gian này, ông kết hôn với Anna Maria Truter và trở về Anh năm 1803. Do sự năng động và có vốn kiến thức rộng, Barrow được chính phủ Anh bổ nhiệm làm thư ký thứ hai của Bộ Hải quân Hoàng gia Anh (sau này được thăng làm thư ký thường trực).
Tại đây, ông góp phần tích cực vào công việc sắp xếp, hợp nhất và cải tiến tổ chức việc điều hành trong Bộ. Sau khi quân đội Anh đại thắng quân Pháp ở trận Waterloo (1815), chính Barrow là người đầu tiên đề xướng ra việc đày Hoàng đế Napoléon tới đảo Saint-Hélène ở phía Nam Đại Tây Dương.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Từ thời trẻ, J. Barrow đã có tinh thần phiêu lưu mạo hiểm, đi tới nhiều nơi trên thế giới. Barrow đã lập ra Hội Địa lý Hoàng gia và tổ chức nhiều cuộc du hành tới vùng Bắc Mỹ gần Bắc cực. Ở đó, người ta lấy tên ông đặt cho Mũi Barrow ở điểm cực Bắc của nước Mỹ tại Alaska, cũng như Eo Barrow ở vùng Canada. Trong gian nhà của mình, ông vẫn thường giữ một vật lưu niệm là một chiếc xương hàm cá voi ở Greenland, và trco nó ở trước cửa.
Barrow đã viết nhiều cuốn du ký, ký sự kể về những cuộc phiêu lưu và những chuyến du hành của mình. Năm 1835, ông được phong tòng nam tước. Từ 1845, ông lui về sống ẩn dật, chuyên tâm viết hồi ký về những cuộc thám hiểm vùng Bắc cực, và viết tự truyện kể về cuộc đời mình. Barrow mất ngày 23 tháng 11 năm 1848, thọ 84 tuổi.
Cuốn A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793)), xuất bản ở London năm 1806, đã được J. Barrow khởi thảo trong chuyến đi của mình tới Trung Hoa, có lưu lại vùng biển Đà Nẵng xứ Nam Hà. Bản thảo cuốn sách trước hết dựa trên những tư liệu rút ra từ những ghi chép nhật ký của bản thân Barrow cũng như của phái bộ, trong đó có nhật ký của Macartney. Đặc biệt, theo lời Barrow, ông đã tham khảo khá kỹ bộ du ký của người sếp của mình, ông Staunton, có nhan đề An Authentic Account of an Embassy from Great Britain to the Emperor of China (Một bản tường thuật chân thực của một Đại sứ nước Anh đến Hoàng đế Trung Hoa) gồm hai quyển, xuất bản tại London năm 1797.
Một nguồn tư liệu quan trọng khác để Barrow tham khảo trong khi biên soạn, vẫn theo lời tác giả, là bản thảo gồm những ghi chép của ông Barissy, một trợ thủ tình nguyện đắc lực giúp Nguyễn Ánh trong công cuộc chống lại Tây Sơn, đảm trách việc tiếp tế quân dụng. Nói như vậy để thấy rằng cuốn du ký-du khảo này có thể được coi như một nguồn tư liệu gốc đương thời; công trình được xuất bản vào năm 1806, tức là 13 năm sau cuộc du hành. Vì vậy, không kể đến niên đại ghi trong đầu đề cuốn sách, J. Barrow đã nói tới nhiều sự kiện, sử liệu trong những thời gian sau này, kể cả khi Nguyễn Ánh đã thống nhất đất nước, lên ngôi năm 1802, chẳng hạn như việc phái bộ Anh do J.W. Roberts cầm đầu đã đến Đà Nẵng năm 1804.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Cuốn sách của J. Barrow mà chúng ta đang có trên tay là bản dịch trích từ ba chương IX, X và XI của cuốn du ký-du khảo nói trên của tác giả nói về xứ Đàng Trong Nam Hà vào thời điểm từ cuối thế kỷ XVIII đến XIX. Cũng tương tự đối với Đàng Ngoài-Bắc Hà, những tư liệu của người nước ngoài mang tính đương đại nói về miền Nam nước Việt trong những thế kỷ XVII-XIX khá phong phú. Không kể đến những du ký của các tác giả người Trung Hoa viết về Đàng Trong-Nam Hà như Thích Đại Sán, Thái Đình Lan hoặc những người Nhật Bản như Kondo Morishiga, một số khá nhiều các tác giả phương Tây đã để lại những cuốn du ký-du khảo nói đến hoặc có những phần nói đến xứ Đàng Trong-Nam Hà. Trước J. Barrow, trong thế kỷ XVII, người ta có thể kể đến những cuốn du ký của Borri, Vachet, Careri, Choisy, Bowyear, sang the ky XVIII là Poivre, Koffler, Chapman. Sau J. Barrow, trong nửa đầu thế kỷ XIX lại có những cuốn của Roberts, White, Finlayson, Crawfurd...
Tuy nhiên, cuốn sách của J. Barrow đã có một địa vị và giá trị đặc biệt. Tác phẩm đã kết hợp một cách khá nhuần nhuyễn giữa tính chất du ký (miêu tả và tường thuật sự việc) với tính chất du khảo (nghiên cứu và biên soạn tư liệu). Cũng như vậy, nó đã kết hợp thành công giữa ba mặt lịch sử chính trị - quân sự, khảo sát dân tộc học - xã hội học và nghiên cứu kinh tế đối ngoại, được trình bày phân bố trong ba chương. Mặt khác, với ngòi bút sắc sảo của một chàng trai đương tuổi 30, đầy nhiệt huyết và ưa thích phiêu lưu, J. Barrow đã thu hút sự quan tâm của độc giả qua những quan sát, nhận xét, cảm xúc cũng như những đoạn bình luận, tranh luận độc đáo và khá hấp dẫn. Ít sa vào việc kể lể nhiều hoặc nêu những con số, J. Barrow đã chú ý đến việc phân tích, so sánh, khơi gợi ra những vấn đề lớn từ những chi tiết nhỏ, không bó buộc vào phạm vi và nội dung trình bày.
Những tranh biện của ông cũng không cứng nhắc, gò bó vào ý thức hệ và lập trường chính trị, mà tỏ ra khá phóng khoáng tự do, nhiều chiều, pha trộn những luận điểm lô-gích vững vàng với những tình cảm nhiệt thành và một óc hài hước sắc bén. Trong chương “Xử Nam Hả”, tác giả J. Barrow đã phác họa những nét khái quát về địa lý, lịch sử của hai xứ Nam Hà và Bắc Hà, đặc biệt về cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, cũng như cá nhân con người Nguyễn Ánh. Những sự kiện về lịch sử Việt Nam nói chung được Barrow trình bày, trừ đoạn miêu tả về trò lừa gạt của Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An với Càn Long và triều đình nhà Thanh, còn thường là sơ sài và đôi khi thiếu chuẩn xác.
Tuy nhiên, nó đã được bù lại bằng những chi tiết khá lý thủ có liên quan đến những việc Nguyễn Ánh cầu viện Pháp, giám mục Adran và số phận của hiệp ước Versailles, những cuộc thủy chiến “giặc mùa” giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, lực lượng quân đội và vũ khí, tàu thuyền của Nguyễn Ánh.
Như trên đã nói, khi viết phần này, Barrow đã dựa khá nhiều vào một bản thảo của Barissy, một nhân vật trong nhóm người Pháp tình nguyện của giám mục Adran phò tá cho Nguyễn Ánh. Mặt khác, Barrow đã viết chương này sau khi Tây Sơn sụp đổ và Gia Long lên ngôi vua. Do vậy, thái độ của tác giả phê phán Tây Sơn là kẻ tiếm ngôi, cũng như ủng hộ và ca ngợi Nguyễn Ánh - nhà vua hợp pháp - là điều dễ hiểu. Barrow đã không tiếc lời đề cao con người và sự nghiệp của Nguyễn Ánh, đến mức mô tả là:“con người phi thường, một trong số ít người sinh ra với tài năng bẩm sinh để thống trị thế giới”, sánh ngang với những đại đế lừng danh trong lịch sử như Alfred của nước Anh và Peter của nước Nga.
YÊU SỬ VIỆT theo Lời giới thiệu
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét