Dương Tự Minh - Anh hùng cuối triều đại Nhà Lý.
YEUSUVIET - Dương Tự Minh, vị thủ lĩnh dân tộc Tày, quê gốc ở Quan Triều, phủ Phú Lương (nay thuộc phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Hiện chưa rõ chính xác năm sinh và năm mất của ông, nhưng phần lớn các tài liệu đều ghi nhận, ông sống và hoạt động trong khoảng nửa đầu thế kỷ XII. Trong giai đoạn này, nhà Lý sau gần một thế kỷ hưng thịnh, đến đời vua Lý Thần Tông, Lý Anh Tông đã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu.
Bài liên quan
Đương thời, biên giới phía Bắc Đại Việt, đặc biệt là các vùng đất thuộc phủ Phú Lương liên tục có biến động bởi sự nổi dậy của các tù trưởng người dân tộc thiểu số và sự xâm lấn đất đai của nguời Tống. Trong bối cảnh đó, là thủ lĩnh phủ Phú Lương, Dương Tự Minh đã có những đóng góp to lớn trong việc đoàn kết các dân tộc để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới của quốc gia. Có lẽ, ông là nhân vật duy nhất trong lịch sử dân tộc từng 2 lần được phong làm Phò Mã: năm Đinh Mùi (1127), ông được vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình; năm Giáp Tý (1144) lại được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung, phong làm Phò Mã Lang (Phò Mã Đô uý). Những sự việc này là minh chứng xác thực cho thấy vị trí đặc biệt của Dương Tự Minh trong vương triều Lý.
Đại Việt sử ký toàn thư chép về Dương Tự Minh như sau:
Mùa đông tháng 10 năm Đại Định thứ ba (1142): “Sai thủ lĩnh Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy”;Tháng 8 năm Đại Định thứ tư (1143): “Xuống chiếu cho Dương Tự Minh cai quản các công việc khe động dọc biên giới về đường bộ”;Đầu năm Đại Định thứ năm (1144): “Gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh, phong Dương Tự Minh làm Phò Mã lang”;Tháng 8 năm Đại Định thứ năm (1144): “Có kẻ yêu thuật tự xưng là Triệu tiên sinh nói dối là vâng mệnh đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các khe động dọc biên giới có nhiều người theo, Hữu Lượng bèn đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Nguyên... Vua xuống chiếu cho Phò Mã Dương Tự Minh và văn thần Nguyễn Như Mai, Lý Nghĩa Vinh đi đánh, lấy được ải Lũng Đồ, châu Thông Nông, bắt được bọn bè đảng của Hữu Lượng là bọn Bá Đại, tổng cộng 21 người”...
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Khâm định sử thông giám cương mục của Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi chép về Dương Tự Minh như sau:
“Tháng 9 năm 1138, vua Lý Thần Tông băng hà, Hoàng Thái tử Thiên Tộ nối ngôi báu khi mới được 3 tuổi, hiệu là Anh Tông Hoàng đế, tôn mẹ là Hoàng hậu Lê Cảm Thánh làm Hoàng Thái hậu. Do vua Lý Anh Tông còn nhỏ, nên quyền hành trong triều đều do Thái uý Đỗ Anh Vũ nắm cả. Lợi dụng vị trí mình là em ruột của Đỗ Thái hậu (mẹ của vua Lý Thần Tông), Anh Vũ tự do ra vào cung cấm, tư thông với Thái hậu, dở thói càn rỡ, ức hiếp vua, khinh miệt, uy hiếp quan lại trong triều. Ai ai cũng vừa lo sợ, vừa căm ghét Đỗ Anh Vũ. Niên hiệu Đại Định thứ 11 (1150), Dương Tự Minh cùng nhiều đại thần trong triều, như Vũ Đái, Trí Minh vương, Bảo Ninh vương trị tội Đỗ Anh Vũ lộng hành và tư thông với (Lê) Thái hậu. Họ đã bắt Vũ giam ở hành lang Tả Hưng thánh, giao cho Đình uý tra xét. Do Vũ Đái - nhân vật số một của cuộc nổi dậy đã nhận vàng hối lộ của Lê Thái hậu nên không giết Đỗ Anh Vũ mà chỉ bắt đi đầy làm “Cảo điền nhi” (bắt làm dân binh, vừa phải tập luyện quân sự, vừa đi cầy cấy, làm ruộng như một nông phu ở huyện Từ Liêm). Khi Đỗ Anh Vũ được thả và được phục chức Thái uý Phụ chính Triều đình, hắn bèn tâu vua Lý Anh Tông xử tội những người tham gia cuộc truất phế. Sau đó, mấy chục quan tướng, từ Vũ Đái tới Đỗ Ất, Đồng Lợi… đều bị giết chết rất dã man. Nhiều vương tôn, quý tộc bị giáng chức tước; Dương Tự Minh cùng 30 người bị lưu đầy vào nơi rừng thiêng nước độc”.
Các tư liệu ở địa phương xác nhận, Dương Tự Minh về sống ở vùng chân núi Đuổm cùng hai nàng công chúa và mất ở đấy… Từ nguồn tư liệu trên cho thấy, Dương Tự Minh là một người con ưu tú của đất Thái Nguyên, là một trong những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tận trung báo quốc. Hơn thế nữa, cuộc đời và sự nghiệp của ông là một biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong buổi đầu xây dựng quốc gia Đại Việt. Ông đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ đất đai, bờ cõi và phục hồi phát triển kinh tế cho đất nước, đặc biệt là vùng đất Phú Lương, nơi ông trực tiếp làm Thổ tù.
Với những đóng góp lớn lao, Dương Tự Minh đã được triều Lý phong là “Uy viễn Đôn tinh Cao sơn Quảng độ chi thần”, các triều đại sau đều sắc phong cho ông là “Cao sơn Quý minh”, “Thượng đẳng phúc thần”. Hiện trên khắp các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đều có đền thờ Dương Tự Minh. Qua chính sử và một số tư liệu còn lưu giữ ở những nơi thờ tự liên quan, Dương Tự Minh được ghi nhận là một vị thủ lĩnh người Tày có tài, có đức, thẳng thắn, chính trực, tận trung và có nhiều đóng góp trong việc giữ yên biên giới quốc gia, có uy tín với đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc...
YÊU SỬ VIỆT theo Di sản
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét