Tây Sơn thất hổ tướng - Các Vị gồm những ai?
YEUSUVIET - Tây Sơn thất hổ tướng là danh hiệu của 7 tướng lĩnh, thủ lĩnh quân sự của nhà Tây Sơn ở thời kì đầu, gồm có Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc.
Bài liên quan
Tây Sơn thất hổ tướng - VÕ VĂN DŨNG
Trong "Tây Sơn thất hổ", Võ Văn Dũng đứng đầu. Ông năm sinh không rõ, chỉ biết mất có lẽ vào năm 1802 khi triều Tây Sơn bị diệt. Đương thời, ông là một dũng tướng trong cuộc chinh Nam dẹp Bắc dưới trướng Hoàng đế Quang Trung. Ông nguyên là tướng Lê-Trịnh, sau khi đi Quy Nhơn thuyết khách Nguyễn Hữu Chỉnh không được, lại có thêm thiện cảm với Tây Sơn, ông bị tống giam. Khi Nguyễn Huệ hạ thành Phú Xuân, ông được thả và gia phong làm Chiêu viễn đại tướng quân.
Nhưng đáng tiếc, dù là dũng tướng và công thần hàng đầu của vương triều, nhưng ông cùng lục hổ tướng còn lại đã không thể giữ vững được sự đoàn kết cao trong nội bộ kể từ sau ngày Hoàng đế mất. Đây quả là điều đáng tiếc nhất để dẫn đến sự suy vọng của một triều đại oai hùng mà đoản mệnh - Tây Sơn.
Khi Hoàng đế Quang Trung còn tại vị, ông được giao các nhiệm vụ quan trọng như dẫn đại quân hai lần đánh Bắc hà, làm trấn thủ Hải Dương và đặc biệt đi sứ nhà Thanh ngày 18/1 năm Kỷ Dậu - tức ngay sau khi đuổi quân Thanh về nước. Hoàng đế Quang Trung là người chí khí, mặc dù biết phải xin hòa nhưng trong thư biểu gửi vua Càn Long cũng dùng lời ngạo nghễ, không chịu cúi đầu. Mặc dù vậy, ông vẫn thành công trong việc đi sứ và góp phần ngăn chặn 50 vạn quân Thanh tái xâm lược nước ta.
Những trận thua và mất thành từ Quy Nhơn, Phú Xuân, Nghệ An... đặc biệt là trận đại bại tại Đầm Thị Nại do Võ Văn Dũng thống lĩnh trước Lê Văn Duyệt đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của nhà Tây Sơn. Sau này, dù cố gắng vòng qua Lào để hội quân với vua Cảnh Thịnh, ông đã bị quân Nguyễn bắt trước khi gặp được vua.
Tây Sơn thất hổ tướng - TRẦN QUANG DIỆU
Trần Quang Diệu sinh năm 1760, mất năm 1802, là mãnh tướng trong Thất hổ tướng Tây Sơn, cùng Quang Trung Hoàng đế lập nên bao chiến công hiển hách ghi dấu mãi chói sáng trong lịch sử dân tộc. Nhưng sau này, khi Gia Long Nguyễn Ánh thống nhất nước Nam, trả thù tàn bạo Nhà Tây Sơn và những người có liên quan, Trần Quang Diệu cũng không tránh khỏi cái chết.
Nhưng, trong khúc ca bi tráng của cuộc đời gắn chặt với nhà Tây Sơn, Trần Quang Diệu lại được người đời sau hết lòng tưởng nhớ vì hình ảnh nhân từ, độ lượng của ông.
Chuyện kể năm 1792, vua Quang Trung mất, ông giữ chức Thái phó, theo di mệnh của vua Quang Trung, một lòng giúp vua Cảnh Thịnh. Năm 1801, ông cùng với Vũ Văn Dũng dốc quân đánh thành Quy Nhơn (tức thành Bình Định), lúc đó do tướng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh trấn giữ. Hết lương thực, Võ Tánh gửi thư cho ông nói rằng: “Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết dưới cờ. Các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại”. Võ Tánh chất rơm cỏ tự thiêu, Hiệp trấn Ngô Tòng Châu uống thuốc độc tự tử.
Khi hạ được thành, Trần Quang Diệu đã làm một việc được người đời khen là vị tướng nhân đức: Chôn cất hai người tử tế và tha cho tướng sĩ chúa Nguyễn, không giết một ai.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Tây Sơn thất hổ tướng - Côn thần Võ Đình Tú
Trong cuộc nội chiến giữa Nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn, cả hai bên đều hội tụ những bậc võ tướng tài năng và quân sư đầy mưu trí. Tây Sơn đánh cho Chúa Nguyễn chạy dài nhưng không diệt được hậu duệ của Chúa Nguyễn Hoàng. Con cháu Chúa Nguyễn dù liên tục thua trận nhưng chưa bao giờ khát vọng khôi phục cơ nghiệp của tổ tiên bị lụi tàn. Kết cục cuối cùng khi Quang Trung đột ngột qua đời và Gia Long thống nhất Đại Việt sau hơn 200 năm chia cách, chỉ có thể gói gọn trong hai từ: số mệnh. Và câu chuyện về những "chiến hổ tướng" dưới trướng các Ngài cũng mang đậm hai từ số mệnh đó. Trong Tây Sơn thất hổ tướng, Võ Đình Tú được xưng tụng là "Côn thần" hay "Thiết côn vô địch", có cuộc đời phần nào như thể hiện tất cả những hùng tráng và bi ai của hai từ số mệnh trên đây.
Năm 1799, chúa Nguyễn Ánh cử Nguyễn Huỳnh Đức và Võ Tánh đánh thành Quy Nhơn. Võ Đình Tú từ Phú Yên kéo quân về tiếp ứng. Gặp kế trá hàng, Võ Đình Tú rơi vào trận phục kích. Hỏa lực quân Nguyễn quá mạnh, giữa vòng vây siết chặt, ngựa chiến của Võ Đình Tú hí vang trời rồi nhảy khỏi vòng vây mà chạy một mạch về Phú Phong. Đến nơi, ngữa ngã ra chết, Võ Đình Tú cũng đã tay chân lạnh ngắt, tử tiết vào cuối tháng 4 năm Kỷ Mùi 1799.
Cuộc đời Côn thần Võ Đình Tú với những câu chuyện ly kỳ và hào hùng khiến cho người đời sau đọc lại không khỏi ngậm ngùi. 10 năm từ thời niên thiếu tỏ chí bình sanh mà rèn luyện tài năng đến nhất bật côn thần. Trải hơn 20 năm chinh chiến dưới cờ Tây Sơn mà góp phần bình Nam dẹp Bắc cùng Hoàng đế Quang Trung gây dựng cơ đồ hùng vĩ. Chỉ tiếc rằng Hoàng đế mất sớm, đoàn hổ tướng như mất vị Chúa sơn lâm mà rồi đành tan tác dẫn đến cơ nghiệp một đời cùng chí hướng phải sớm lụi tàn.
Tây Sơn thất hổ tướng - Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết
Trong "Tây Sơn thất hổ tướng", Nguyễn Văn Tuyết có xuất thân là tướng cướp...! Tương truyền rằng, ông người Quảng Trị, ông rõ năm sinh, tuẫn tiết trong trận chiến bảo vệ thành Hà Nội năm 1802. Khi còn trẻ, ông là người giỏi võ, có sức mạnh nhưng lại tập họp làm đầu nhóm du thử du thực. Trên bước đường phiêu bạt, ông tình cờ gặp một thầy dạy võ. Được lời thầy khuyên răn, dạy bảo ông thay đổi tính tình, chí thú luyện tập. Sau lại được thầy gả con gái cho, ông lại càng thay đổi hơn mà trở thành người cương trực, trượng nghĩa.
Khi Tây Sơn Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, chiêu dụ hào kiệt bốn phương ông liền cùng vợ xin theo về dưới trướng. Năm 1773, khi Nguyễn Nhạc đánh chiếm huyện Tuy Viễn, phủ Hoài Nhơn ông được sai làm trấn thủ. Cuối năm 1788, 29 vạn quân Thanh tràn sang xâm lược nước ta, Đại tư mã Ngô Văn Sở cho quân lui về phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, ông lãnh trọng trách cấp tốc về Phú Xuân trình bày tình hình chiến sự cho Nguyễn Huệ.
Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788) Nguyễn Huệ lên ngôi vua lấy hiệu Quang Trung Hoàng đế, thống lĩnh đại quân Bắc tiến, Nguyễn Văn Tuyết được sai thống lĩnh tả quân Tây Sơn, vượt sông Lục Đầu, tiến ra Nhị Hà uy hiếp mặt trận phía Đông của Tôn Sĩ Nghĩ. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Hoàng đế gây nên khúc anh hùng ca bất tử trong 5 ngày quét sạch 29 vạn quân Bắc xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Sau đại phá quân Thanh, sử sách không ghi lại chi tiết về ông.
Giữa năm 1802, Gia Long Nguyễn Ánh dẫn đại quân tiến ra Bắc Thành, ông cùng vợ mình là Trần phu nhân hết sức chống giữ. Sau một hồi kịch chiến, ông tử trận trên chiến trường vào ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất. Trần phu nhân dẫn vua Cảnh Thịnh chạy trốn, nhưng sau bị bắt, bà đã cùng thái hậu Bùi Thị Nhạn tự sát để bảo toàn khí tiết.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Tây Sơn thất hổ tướng - Lê Vô Địch Lê Văn Hưng
Trong "Tây Sơn thất hổ tướng", Lê Văn Hưng có kết thúc bi ai nhất. Ông năm sinh và mất đều chưa rõ, khi hàn vi thì làm phường trộm cướp. Ông là người có sức khỏe, tài năng sử dụng trường côn có thể đánh được cả chục người. Sau khi được một vị sư thầy truyền đạt võ nghệ, ông tụ tập đồng đảng đi đánh cướp vùng Phú Yên và các huyện xa, dân tại huyện quê vì vậy không có ác cảm với ông và băng nhóm. Xoay quanh chuyện đánh cướp, có hai chuyện khác ảnh hưởng đến cuộc đời ông rất sâu đậm.
Chuyện đầu tiên, ông đánh cướp nhà một phú hộ giàu có họ Dương. Ông phú hộ cùng gia nhân cũng có nghề tập võ, ra sức chống cự đuổi theo. Lê Văn Hưng lãnh trách nhiệm đánh tập hậu. Sau một hồi đánh nhau giữa đôi bên, dù đã nương tay để tẩu thoát mà ông phú hộ vẫn bám sát quyết đánh, Lê Văn Hưng lỡ ra đòn chí mạng làm ông phú hộ chết tại chỗ. Tuần phủ Quy Nhơn và Phú Yên ra lệnh truy tầm rất gắt, Văn Hưng đành trốn lên Tây Sơn ghi danh vào nghĩa quân. Dần dà thấy ông có tài năng mà tính tình khẳng khái, vua Thái Đức đã thăng ông đến chức Đô đốc hàm sau Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu.
Bản tính ông là người chân chất, ngay thẳng, dù không biết chử nghĩa nhưng là bậc trượng phu, anh hùng. Ông giữ thành Diên Khánh mà quân Nguyễn không thể xâm phạm. Gia Long vì tài ông mà gọi 3 từ Lê Vô Địch một cách trang trọng. Ông từng cùng Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm La tại Rạch Gầm - Xoài Mút, đánh bại đại quân của Tôn Thất Mậu, bắt sống đại tướng Nguyễn Huỳnh Đức của Gia Long.
Vì là người đồng xứ với Thái sư Bùi Đắc Tuyên và bản chất chân chất, nên lúc đầu ông hay nghe lời Tuyên. Về sau khi thấy Tuyên ngày càng chuyên quyền, o ép thiếu đế, hãm hại trung thần nên Lê Văn Hưng ra mặt chống đối, quyết không nghe lời Tuyên, vạch rõ điều làm sai trái. Nên sau này ông bị Tuyên hãm hại, bức tử chết nhưng vẫn khẳng khái đón nhận. Giả thuyết này được các nhà nghiên cứu cho rằng là phù hợp nhất.
Từ sau cái chết của Lê Văn Hưng, Võ Văn Dũng kéo quân về tiêu diệt Bùi Đắc Tuyên cùng đồng bọn, Trần Quang Diệu thấy biến liền kéo đại quân về đương cự ở sông Hương. Triều Tây Sơn từ đây rối loạn, cơ đồ của Hoàng đế Quang Trung sắp tới ngày đổ nát.
Tây Sơn thất hổ tướng - Đô đốc Lý Văn Bưu
Trong "Tây Sơn thất hổ tướng", Lý Văn Bưu là tướng huấn luyện chiến mã. Ông năm sinh năm mất đều không rõ. Trong thất hổ, ông là người có cuộc đời chinh chiến khác hẳn với các vị tướng còn lại. Phần vì do bản tính, phần vì do cuộc sống riêng của ông mà có sự khác biệt như thế.
Ông còn có tên gọi khác là Mưu, sinh ra trong gia đình giàu có ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định ngày nay. Gia đình ông từ đời cố tổ chuyên về nghề buôn ngựa, dựa vào địa thế của vùng đất rộng thưa người lại nhiều đồi, cỏ, cây mọc chen chúc nhau mà phát triển sự nghiệp. Ông tuy gia thế giàu có nhưng là người hào sảng, tính tình chân chât, có tài thuần phục ngựa hoang và thích giao kết với hào kiệt bốn phương.
Ông từng chọn riêng cho Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân những ngựa chiến tốt nhất cho hai danh tướng này trước ngày Tây Sơn khởi nghĩa. Riêng Bùi Thị Xuân, cả hai bên đều tâm đắc và thường xuyên trao đổi với nhau về phương pháp huấn luyện ngựa chiến. Ông đã chỉ lại cho Bùi Thị Xuân các phương pháp huấn luyện của mình và sau này, nữ tướng họ Bùi đã dựa vào đó mà phát triển khả năng huấn luyện voi chiến cho đoàn quân Tây Sơn.
Khi Hoàng đế băng hà, ông vẫn tận trung với nhà Tây Sơn. Nhưng trước tình hình đoàn kết nội bộ dần tan ra, quan văn lộng quyền, vua Cảnh Thịnh không đủ tài năng mà các tướng thì cứ bất hòa. Triều Tây Sơn không còn được như trước, ông xin cáo lão về quê trở lại nghề nuôi ngựa và sống hết phần đời còn lại trong cảnh điền viên.
Cuộc đời ông kết thúc không bằng cuộc trả thù tắm máu của Nguyễn Ánh nên không bi hùng như các đại tướng còn lại. Đoàn kỵ binh Tây Sơn cùng voi chiến, thuyền chiến và hỏa hổ là nỗi khiếp sợ của chính quyền Gia Định, điều đó đủ nói lên tài năng và vị trí của ông trong triều Tây Sơn. Nhưng khi thời vận đã hết, định mệnh của triều Tây Sơn đã đến hồi chấm dứt, đã không còn đủ khả năng để lãnh trọng trách của thời đại, mà thay vào đó là Nguyễn Ánh. Vậy nên việc ông cáo lão về quê là điều có thể thấu hiểu được!
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Tây Sơn thất hổ tướng - Đô đốc Nguyễn văn Lộc
Trong "Tây Sơn thất hổ tướng", Đô đốc Nguyễn Văn Lộc có kết thúc bình yên nhất. Cũng đáng tiếc như một số vị tướng Tây Sơn thất hổ khác, năm sinh và năm mất của ông đều không rõ, chỉ biết quê ông nay là xã Phước Sơ, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông từ nhỏ là người giỏi võ nghệ, thân hình cường tráng, có sức khỏe nên làm nghề chăn trâu, gác mướn thuở hàn vi. Thấy ông người có sức khỏe mà lại đôn hậu, nên một vị sư đi ngang qua biết đã truyền lại võ nghệ cho ông.
Khi Tây Sơn dựng cờ đào, ông đến xin gia nhập. Khi Thái Đức hoàng đế lên ngôi, ông được phong hữu đô đốc cùng tả đô đốc Nguyễn Văn Tuyết. Từ đó, ông ra tài đánh nam dẹp bắc, cùng quân Tây Sơn đánh cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Năm 1773, Nguyễn Văn Lộc cùng Nguyễn Văn Tuyết làm tả hữu tiền quân, theo Chinh nam đại tướng quân Ngô Văn Sở tiến đánh Diên Khánh, Bình Thuận và Phú Yên. Quân Tây Sơn đại thắng, tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền bị giết, Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống. Đô đốc Lộc được giao trấn thủ thành Bình Phú Yên.
Năm 1786, ông được phong chức Thủy sư Đô đốc theo Nguyễn Huệ tiến đánh thành Tuận Hóa của chúa Trịnh do Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể trấn giữ. Hoàng Đình Thể cùng hai con chết tại trận, Phạm Ngô Cầu bị ông bắt sau đó bị giết chết. Cuối cùng, ông cùng nhà Tây Sơn giành lấy xong đất Thuận Hóa.
Sau khi Hoàng đế Quang Trung mất năm 1792, Nguyễn Văn Lộc cùng các tướng Tây Sơn cố gắng đánh lui các cuộc tiến quân của Gia Long. Ông nhiều lần chạm trán cùng các đại tướng trong "Ngũ hổ tướng Gia Định" như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành trong các trận tại thành Quy Nhơn, thành Quảng Nam.
Khi vua Cảnh Thịnh bị bắt, triều Tây Sơn đến điểm cuối của chuỗi sụp đổ hoàn toàn, ông giải toán đạo quân của mình rồi lên núi Dương An trú ẩn. Nhiều lần ông cùng cựu tướng Tây Sơn là Nguyễn Quang Huy gặp nhau, ông tỏ chí muốn khôi phục nhà Tây Sơn, ông Huy nói:
- Khi Tây Sơn dựng cờ đào, tôi thần nhà Tây Sơn không ai là không tận sức. Nhưng Hoàng đế mất, nghiệp Tây Sơn đã dứt, thì nay ta còn tận trung với ai? Tôi thần của Lê Chiêu Thống ngoài Bắc hà chiêu tập binh mã dấy loạn mấy năm nay gọi là khôi phục nghiệp nhà Lê, nhưng làm cho nhân dân trăm họ lầm than, đau khổ, loạn ly... Nếu vì một cái trung với một nhà mà làm cho nhân dân phải khổ thì cái trung ấy không nên nghĩ đến.
Lời của Nguyễn Quang Huy như lời kết thúc cho thời đại vỏn vẹn 25 năm của triều Tây Sơn oai hùng. Dù cái bóng anh hùng của Hoàng đế Quang Trung có thật sự rộng lớn như chúng ta đã biết, thì cũng không thể nào chối cãi được sự thống nhất đất nước sau hơn 200 năm chia cắt của Hoàng đế Gia Long Nguyễn Thế tổ. Vậy nên đất nước cần đến ngày hòa bình, thôi nạn binh đao để trâu ra đồng, người ra chợ mà vực dậy nền kinh tế tiêu điều của quốc gia...
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét