[Trịnh - Nguyễn phân tranh ] - Nguyễn Hữu Dật (1603-1680) - Một danh tướng văn võ song toàn - Phần 1
YEUSUVIET - Nguyễn Hữu Dật, vị danh tướng trải 4 đời các chúa Nguyễn, là người trải qua 52 năm (1620-1672) trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh ác liệt nhất. Ông nguyên quán ở ngoại trang làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa; sinh năm 1603 ở Thăng Long, theo cha là tham tướng Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn vào Nam năm 1608, “nhập tịch ở Phong Lộc” (theo Đại Nam nhất thống chí), định cư ở làng Vạn Toàn, tổng Hoành Phổ, huyện Khang Lộc, phủ Quảng Bình, sau đổi là làng Vạn Xuân, nay là thôn Bến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Bài liên quan
Mới 16 tuổi, Nguyễn Hữu Dật đã được chúa Nguyễn Phúc Nguyên chọn làm văn chức, nhưng do còn xốc nổi nên chúa sai Triều Văn đưa về rèn cặp để sau dùng vào việc lớn. Năm 1620, quân Trịnh có thư nội gián đã kéo vào Nhật Lệ. Nội gián bị lộ, quân Trịnh rút lui. Cuộc chiến lần thứ nhất do quân Trịnh phát động không thành. Nguyễn Phúc Nguyên quyết chí đoạn tuyệt với Đàng Ngoài, tích cực thực hiện chiến lược phòng thủ để cát cứ Đàng Trong. Năm 1626, Nguyễn Hữu Dật được Phúc Nguyên cho gọi vào cung làm quan văn.
Năm 1627, quân Trịnh gây cuộc chiến lần hai. Quân Nguyễn do Phúc Vệ chỉ huy, Hữu Dật làm giám chiến, chỉ đóng nơi hiểm yếu, bất ngờ đánh mấy trận lớn. Hữu Dật lại cho gián điệp ra Bắc tung tin ở Thăng Long có biến loạn. Quả nhiên, Trịnh Tráng phải rút quân. Vị giám chiến Nguyễn Hữu Dật 24 tuổi lần đầu ra trận, bằng mưu kế phản gián lừa địch đã bộc lộ tài năng góp phần giành thắng lợi nhanh chóng mà ít tổn thất xương máu. Sau trận thắng, Nguyễn Hữu Dật được phong tước Chiêu Vũ tử. Vừa kết thúc trận chiến, được gặp vị danh sư ra phò chúa Nguyễn là Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, vị tướng trẻ như diều được gió.
Nguyễn Hữu Dật thường xuyên đàm đạo với quân sư, tham gia cùng Đào Duy Từ đốc thúc việc đắp lũy Trường Dục năm 1630, lũy Đầu Mâu - Nhật Lệ năm 1631. Cuối năm 1633, đầu 1634, quân Trịnh gây trận chiến lần thứ ba ở cửa Nhật Lệ, Chiêu Vũ tử Nguyễn Hữu Dật được cử làm Đốc thị. Chuẩn bị cho cuộc chiến, ông đã hiến kế cắm cọc gỗ chắn cửa Nhật Lệ, đắp lũy cát Trường Sa để phòng thủ. Trận chiến Trịnh - Nguyễn lần thứ ba kết thúc. Quân Trịnh thất bại rút chạy. Đôi bờ sông Gianh trở thành chiến tuyến của 2 tập đoàn phong kiến cát cứ: Trịnh ở Đàng Ngoài, Nguyễn ở Đàng Trong. Âm mưu thôn tính lẫn nhau càng sâu sắc; hoạt động chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp tục phát động tích cực hơn.
|
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Hệ thống chiến lũy theo ý đồ thiết kế của Đào Duy Từ mới xây dựng thì cuối năm 1634 quân sư Đào Duy Từ qua đời; năm 1635 chúa Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, Phúc Lan kế vị. Kế thừa một cách sáng tạo tư tưởng chiến lược của Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật trở thành “Khổng Minh” của các chúa Nguyễn. Ông cùng cha là tham tướng Nguyễn Triều Văn dốc tài dốc trí phò chúa Nguyễn. Bắc Bố Chính có Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn là kẻ gian manh được chúa Trịnh ban quốc tính thành Trịnh Bách. Bằng mưu kế ly gián của Nguyễn Hữu Dật, Hiền Tuấn bị rơi đầu theo lệnh của Trịnh Tráng năm 1640.
Cùng cha tham gia trận chiến khốc liệt lần thứ tư với quân Trịnh năm 1648, tham tướng Triều Văn hầu lãnh thủy binh; đốc chiến Chiêu Vũ hầu lãnh bộ binh. Trên hệ thống chiến lũy Trường Dục, Đâu Mâu - Nhật Lệ, lũy cát Trường Sa, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Quân Trịnh tràn chiếm vùng Võ Xá, đã bị quân Nguyễn dùng voi chiến xua xuống đầm lầy Võ Xá. Kết quả, quân Nguyễn đã chiến thắng trong trận chiến lần thứ tư. Dân gian lưu truyền rằng: Nhất sợ ma lũy Thầy; Nhì sợ đầm lầy Võ Xá. Hai mươi tám năm, 4 lần quân Trịnh vào Quảng Bình đều thất bại trên hệ thống phòng tuyến dọc sông Nhật Lệ cho thấy vị trí phòng thủ chiến lược của hệ thống lũy Đào Duy Từ.
Nguyễn Triều Văn qua đời ở tuổi ngoài 75, sau thắng lợi của trận chiến 1648, cho thấy lòng trung thành với chúa Nguyễn của cha con ông. Nguyễn Phúc Lan qua đời (1648), Nguyễn Phúc Tần kế nghiệp ngôi chúa. Nguyễn Hữu Dật được thăng chức Cai cơ, tước Chiêu Vũ hầu, làm Ký lục dinh Bố Chính. Mưu kế giả trang quân Trịnh để đánh quân Trịnh của ông bị Tôn Thất Tráng dèm tấu. Hữu Dật bị chúa Nguyễn tống ngục năm 1650. Tập “Hoa Vân cáo thị” viết ở trong ngục đã bày tỏ tâm chí của ông. Chúa Hiền đọc tác phẩm đã cảm kích nói rằng: “Chiêu Vũ vin vào cốt truyện để nói lên tấm lòng thành của mình.
Những kẻ dèm pha là bởi tỵ hiềm với tài năng của Chiêu Vũ!” (theo Vĩnh Nguyên - Danh nhân Quảng Bình, Tập 2). Được trả tự do và chức tước, được trọng dụng theo sự mách bảo tâm linh của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần: “Tiên kết nhân tâm thuận; Hậu thi đức hóa chiêu; Chi diệp kham thôi lạc; Căn bản dã nan dao.” (Trước liên kết lòng người thuận; Sau thi hành ơn đức giáo hóa cho sáng tỏ; Lá cành có thể xô gãy rụng; Nhưng gốc rễ khó lung lay). Chữ Thuận ứng với Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến, con rể Đào Duy Từ; chữ Chiêu ứng với Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật. Từ đó, hai người càng được chúa Nguyễn trọng dụng. Ông cùng Tiết chế Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến phò chúa Nguyễn và tung hoành ngang dọc từ Quảng Bình ra đến sông Lam xứ Nghệ.
(còn tiếp)
NNC. TRẦN VĂN CHƯỜNG
Cán bộ hưu trí tại Quảng Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét