Thanh thực lục và giá trị sử liệu về quan hệ giữa Nhà Thanh và Nhà Tây Sơn. .
YEUSUVIET - Trong sử tịch cổ Trung Quốc viết về lịch sử triều Thanh có nói đến các mối quan hệ giữa nhà Thanh đời Càn Long (1736-1795) và nhà Tây Sơn (1788-1802) Việt Nam, thì Thanh thực lục là một trong những nguồn tài liệu đầy đủ nhất, cung cấp cho chúng ta nhiều sự kiện lịch sử khá chân thật, phản ánh khá sát đường lối, chủ trương của Càn Long trong quan hệ đối với nhà Tây Sơn, đặc biệt kể từ năm 1788, là năm nhà Thanh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (cuối năm 1788 và kết thúc vào đầu năm 1789), đến 1792, là năm Quang Trung qua đời.
Bài liên quan
Sau khi Quang Trung mất, Nguyễn Quang Toản kế vị, hai lần đổi niên hiệu, Cảnh Thịnh (1793-1801) và Bảo Hưng (1801-1802). Bảo Hưng là niên hiệu cuối cùng của nhà Tây Sơn trước khi bị Nguyễn Ánh tiêu diệt. Ở Trung Quốc, sau 60 năm trị vì, đến năm 1795, Càn Long nhường ngôi cho con là Ái Tân Giác La Ngung Diễm, tức Nhân Tông, lấy niên hiệu là Gia Khánh (1796-1820).
Như vậy là mối quan hệ giữa nhà Thanh và nhà Tây Sơn kéo dài khoảng 14 năm, tức là từ năm Càn Long thứ 53 (1788), tới năm Gia Khánh thứ 7 (1802). Nhưng quan hệ giữa nhà Thanh với nhà Tây Sơn diễn ra sôi nổi, lý thú nhất là vào giai đoạn Càn Long - Quang Trung, một ông vua dày dạn ở vào tuổi 80, còn một người áo vải khởi nghĩa xưng vương mới ngót 40, đã được ghi lại tường tận trong Thanh thực lục.
Thanh thực lục, tên gọi đầy đủ là Đại Thanh lịch triều thực lục, nhưng thường được gọi là Đại Thanh thực lục, hay Thanh thực lục, là bộ sử liệu trường biên, viết theo thể biên niên, do sử quan đời Thanh biên soạn bao quát từ Thái Tổ (Ái Tân Giác La Nỗ Nhĩ Cáp Xích), niên hiệu Thiên Mệnh (1616-1625) đến Đức Tông (Ái Tân Giác La Tá Khoát), niên hiệu Quang Tự (1875-1908), tất cả 11 triều vua [Thái Tổ, Thái Tông (1626-1635)], Thế Tổ [niên hiệu Thuận Trị (1644-1661)], Thánh Tổ [niên hiệu Khang Hy (1662-1722)], Thế Tông [niên hiệu Ung Chính (1723-1735)], Cao Tông [niên hiệu Càn Long (1736-1795)], Nhân Tông [niên hiệu Gia Khánh (1796-1820)], Tuyên Tông [niên hiệu Đạo Quang (1821-1850)], Văn Tông [niên hiệu Hàm Phong (1851-1861)], Mục Tông [niên hiệu Đồng Trị (1862-1874)] và Đức Tông, cộng thành 4355 quyển.
Ngoài ra còn có tổng mục, tựa, phàm lệ biên soạn, mục lục, biểu dâng thực lục, các quan toản tu, gồm 51 quyển, gộp tính tất cả là 4406 quyển (chưa kể còn có Mãn Châu thực lục 8 quyển và Đại Thanh Tuyên Thống chính kỷ (đời Phổ Nghi) 179 quyển.
Nếu tính từ khi khởi soạn Thanh Thái Tổ thực lục vào năm thứ 9 niên hiệu Thiên Thông (1635), đời Thái Tông đến lúc hoàn thành Đức Tông thực lục (Quang Tự) năm 1927, phải mất 300 năm Thanh thực lục mới được biên soạn xong .
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Trong Thanh thực lục thì Cao Tông thực lục là bộ sách đồ sộ nhất, dày 1500 quyển, ghi chép thực về lịch sử triều Càn Long, bắt đầu từ tháng 8 năm Ung Chính thứ 13 (1735) và dừng lại ở tháng giêng năm Gia Khánh thứ 4 (1799). Vào tháng 2 năm Gia Khánh thứ 4, Thanh Nhân Tông sai Khánh Quế làm quan Giám tu Tổng tài và nhóm Đổng Hạo, Đức Anh, Tào Chấn Dung làm quan Tổng tài, phụ trách biên soạn, trong 8 năm từ năm 1799 đến năm 1807 hoàn thành Thanh Cao Tông thực lục.
Cao Tông là miếu hiệu, còn Càn Long là niên hiệu của Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (con thứ 4 của Thanh Thế Tông Dận Chân Ung Chính). Hoằng Lịch làm vua từ 1736 đến 1795.
Dưới triều Càn Long nhà Thanh có tiềm lực quân sự mạnh và nhiều tham vọng bành trướng lãnh thổ cả ở phía bắc, phía tây và phía nam như thu phục và thiết lập bộ máy quân sự cai quản vùng Tân Cương (bộ tộc Duy Ngô Nhĩ ở phía bắc, bộ tộc Hồi ở phía nam…, đưa nhà Thanh trở thành một đế chế có lãnh thổ rộng lớn, tương đương với lãnh thổ Trung Quốc ngày nay.
Đối với phương Nam, Việt Nam là đất nước mà nhà Thanh (cũng như các triều đại phong kiến Trung Hoa Tống, Nguyên, Minh) luôn mưu toan xâm lược, thôn tính, nhất là vào thời kỳ ở Việt Nam trong nước xẩy ra biến cố thay đổi dòng họ thống trị, tình hình xã hội bất ổn, suy yếu.
Vào giữa năm 1788, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ra Bắc (lần thứ hai) và quyết định loại bỏ Lê Duy Kỳ tức Lê Chiêu Thống (được làm Tự hoàng sau khi Lê Hiển Tông qua đời (1786) vì Duy Kỳ “ngu muội, ươn hèn”. Nguyễn Huệ giao Bắc Hà cho Ngô Văn Sở cai quản rồi lại trở về Phú Xuân. Lê Chiêu Thống trốn chạy, cầu viện nhà Thanh. Đây là cơ hội nhà Thanh lấy cớ “phù Lê, diệt Nguyễn (Tây Sơn)”, mang quân xâm lược Việt Nam dưới chiêu bài “hưng diệt kế tuyệt”, nghĩa là “làm hưng thịnh nước đã bị diệt, làm dòng họ bị đứt được tiếp nối”.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Việc chuẩn bị cuộc chiến xâm lược Việt Nam của nhà Thanh thời Càn Long cũng như quá trình diễn biến và kết thúc cuộc chiến được ghi chép tập trung trong Cao Tông thực lục, từ quyển 1308 (ngày 1 tháng 7 năm Càn Long thứ 53, tức 2-8-1788) đến quyển 1321 (ngày 25 tháng giêng năm Càn Long thứ 54, tức ngày 19-2-1789).
Cao Tông thực lục từ quyển 1321 đến quyển 1434 (từ năm Càn Long thứ 54 đến năm Càn Long thứ 58 (1793) là những quyển ghi chép về quan hệ “bang giao hảo thoại” giữa nhà Thanh và nhà Tây Sơn, trong đó sự kiện nổi bật nhất, được Càn Long quan tâm nhất là việc sứ bộ Tây Sơn do Quang Trung (giả) dẫn đầu sang dự lễ “bát tuần khánh thọ” của Càn Long năm 1790.
Lịch sử bang giao giữa đời Càn Long nhà Thanh và nhà Tây Sơn có thể nói là hết sức thú vị. Nếu như về quân sự, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do chính Càn Long theo dõi chỉ đạo chặt chẽ, đã bị Quang Trung nhanh chóng đánh bại, giành thắng lợi oanh liệt, thì sau chiến tranh, trong bang giao hai nước, nhà Tây Sơn cũng đạt được thành tích nổi trội ở thế mạnh, khiến Càn Long phải nể trọng, thậm chí còn bị Tây Sơn lấn lướt.
Tất cả sự thật lịch sử đó đã được ghi chép ở Thanh Cao Tông thực lục. Mặc dầu khi Nhân Tông Gia Khánh sai sử quan biên soạn bộ Cao Tông thực lục, đối với những gì làm giảm oai thanh về võ công của Càn Long đã được họ chỉnh sửa để đề cao Càn Long, đồng thời hạ thấp chiến thắng của Tây Sơn…, song phần lớn sự thực lịch sử về quan hệ nhà Thanh với nhà Tây Sơn vẫn được phản ánh khá đầy đủ trong bộ sách này.
Bởi vậy, đứng về mặt sử liệu, những ghi chép trong Thanh Cao Tông thực lục, nói về quan hệ giữa nhà Thanh và nhà Tây Sơn, là nguồn thông tin quý giá, không thể thiếu, khi nghiên cứu lịch sử bang giao Trung Quốc - Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét