Những chuyến thám hiểm đầu tiên của người Pháp ở Tây Nguyên.
YEUSUVIET - Cùng với các nhà truyền giáo, những khám phá của các nhà thám hiểm người Pháp dần hé lộ rất nhiều bí ẩn ở vùng núi phía nam Đông Dương, nơi trước đó vốn được coi là “rừng thiên nước độc”. Trong những chuyến khảo sát, các nhà thám hiểm cũng phát hiện nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đang bị bỏ quên ở Tây Nguyên. Báo cáo của họ là một trong những căn cứ quan trọng để Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur général de l'Indochine française) Paul Doumer xây dựng kế hoạch cho chương trình khai thác thuộc địa vào cuối thế kỷ XIX, cũng như các chương trình kinh tế xã hội khác được triển khai ở vùng người Thượng trong những giai đoạn sau.
Bài liên quan
Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, Thống đốc Le Myre de Vilers đã ra lệnh cho trung úy Amédée Gautier điều tra ranh giới phía đông bắc của phần lãnh thổ này. Năm 1881, Gautier khởi hành từ thác Trị An, đi ngược sông Đồng Nai. Sau một hành trình dài, theo hướng dẫn của người dẫn đường, viên trung úy dừng lại để khảo sát tại vùng người S’tiêng ở Bù Đăng, lưu vực sông Da Glun (một nhánh của sông Bé). Để chuẩn bị và chủ động loại bỏ những rắc rối do Xiêm gây ra ở các vùng giáp ranh giữa Việt Nam với Trung Quốc và Việt Nam với Campuchia, Auguste Pavie được giao nhiệm vụ khảo sát các vấn đề về địa chất và quân sự, sau đó, là lập bản đồ Đông Dương.
Vào những năm 1890 và 1891, dưới sự lãnh đạo của Pavie, hai nhóm khảo sát có nhiệm vụ điều tra vùng Tây Nguyên đã được thành lập. Đội đầu tiên bao gồm hai đại úy De Malglaive và Tunnelet Faber được phân công điều tra khu vực Sébang-biên. Đội còn lại gồm hai đại úy Cupet và Cogniard, trung úy Dugast, và thanh tra Garnier được giao nhiệm vụ khảo sát khu vực từ Pleiku đến Kon Tum.
Tháng 7 năm 1890, bác sĩ Alexandre Yersin đã lên kế hoạch cho một chuyến đi đường bộ từ Nha Trang lên Tây Nguyên, sau đó trở về Sài Gòn. Tuy nhiên, do không tìm được người dẫn đường cho lộ trình dự kiến, ông đến Phan Rí (tỉnh Bình Thuận) và từ đó đi lên Di Linh. Sau khi trở về Nha Trang, vào tháng 4 năm 1892, ông lại tổ chức một chuyến đi khác từ Nha Trang đến Stung Treng (Campuchia). Vào tháng 3 năm 1893, một lần nữa, Bác sĩ Alexandre Yersin đã tổ chức một chuyến thám hiểm từ Nha Trang đến Phan Thiết. Ngày 21 tháng 6 cùng năm, ông đến cao nguyên Langbian và bị thu hút nhiều bởi địa hình, cảnh quan, và khí hậu mang đậm nét Âu châu ở đó. Dựa trên phát hiện này, năm 1899, ông đã khuyên Toàn quyền Doumer chọn Đà Lạt làm trung tâm nghỉ dưỡng cho các sĩ quan quân đội và công chức hành chính Pháp ở miền nam Đông Dương.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Năm 1904, thanh tra viên Prosper D'Odend'hal (người trước đó từng tham gia cuộc thám hiểm của Pavie) rời Phan Rang để đến Langbian và Đắk Lắk. Trên đường đi, D'Odend'hal dừng lại tại Cheo Reo để liên lạc với Vua Lửa (Oi Ât) và đã được chào rất nồng nhiệt. Tuy nhiên, do đang bị bệnh, các nhà thám hiểm đã từ chối lời mời uống rượu và ăn thịt gà từ phía chủ nhà. Nghiêm trọng hơn, D'Odend'hal khăng khăng đòi được xem thanh kiếm thiêng mà chỉ duy nhất “nhà vua” mới được nhìn thấy. Những cử chỉ này đã tạo ra sự ngờ vực từ phía chủ nhà. Vụ việc được đẩy đến đỉnh điểm khi Odend'hal gửi một bức thư cho chỉ huy đội quân đồn trú tại Cheo Reo.
Cho rằng đó là yêu cầu tiếp viện để đàn áp cộng đồng của mình, Vua Lửa Oi Ất đã ra lệnh cho thuộc hạ giết chết viên thanh tra vào ngày 07 tháng 4 năm 1904. Cuối cùng, một trong những nhà thám hiểm không thể không đề cập tới là Henri Maitre, người đã khảo sát Buôn Mê Thuột và các cao nguyên xung quanh trong vòng ba năm để viết nên tác phẩm nổi tiếng Rừng người Thượng (Les jungles Mọi), công bố lần đầu tại Paris năm 1912. Bên cạnh vai trò của một nhà thám hiểm và nhà văn, Maitre còn là một sĩ quan quân đội (đại úy, đồn trưởng đồn Bu Méra). Cũng vì vai trò này mà ông bị phục kích và giết chết bởi N'Trang Lơng, một lãnh tụ nghĩa quân nổi tiếng của người M’nong vào tháng 8 năm 1914.
YÊU SỬ VIỆT
theo Nguyễn Văn Bắc - Khoa Lịch sử, Trường ĐH Đà Lạt.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét