Chính sách dân tộc của người Pháp ở Tây Nguyên thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam. - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Chính sách dân tộc của người Pháp ở Tây Nguyên thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam.

Share This
Chính sách dân tộc của người Pháp ở Tây Nguyên thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam.
Lịch sử việt nam, vietnamese history, ho chi minh, vo nguyên giáp general, trần hưng đạo, việt nam sử lược, trần trọng kim, lê thái tổ, nhà trần, gia long, quang trung, lê thánh tông, chiêm thành, thăng long, phan thanh giản, Tứ Phủ Xét Giả, board game, sách lịch sử việt nam

YEUSUVIET - Để chuẩn bị cho việc bình định các khu vực miền núi ở Đông Dương, năm 1880, Thống đốc Le Myre de Vilers đã đề ra chính sách đầu tiên dành cho cộng đồng người Thượng. Gói chính sách này gồm ba nội dung chính là: i) Khảo sát địa hình và phong tục truyền thống tại các khu vực có hoạt động nổi dậy hoặc nơi các nhà thực dân chuẩn bị chiếm đóng; ii) Xây dựng một hoặc nhiều đồn quân sự để gây ảnh hưởng và thiết lập một đại diện hành chính để cai quản mỗi khu vực; & iii) Tìm những vùng dân chúng dễ hợp tác và sử dụng các biện pháp thân thiện để thu hút họ, tránh sử dụng vũ lực.

Chính sách này được thực hiện trong giai đoạn 1881 - 1885 nhưng không mang lại nhiều kết quả. Các tộc người “hung hăng” như S’tiêng luôn chiến đấu chống lại sự hiện diện của các nhà thực dân, trong khi những cộng đồng được cho là hiền lành hơn như Mạ thì cố gắng tránh xa họ. Ngoài ra, trong thời kỳ này nhiều cuộc nổi dậy liên tiếp nổ ra trên địa bàn Trường Sơn-Tây Nguyên, vì vậy các nhóm người Thượng thường từ chối hợp tác với người Pháp.

Với lý do Trường Sơn từng là căn cứ kháng chiến Sơn Phòng của quân Khởi nghĩa Cần Vương, người Pháp buộc triều đình Huế phải ký một đạo dụ vào năm 1888. Theo dụ này, những người nước ngoài thường trú ở An Nam có quyền sở hữu và chuyển nhượng đất đai ở khu vực Trường Sơn mà không cần nộp tiền hoặc chỉ nộp một khoản phí nhỏ mang tính chất tượng trưng. Kết quả là nhiều đồn điền của các điền chủ người Pháp đã mọc lên, ví dụ như: Các cánh đồng lúa và đồn điền mía đường của Borel và Richardson ở An Diệm; Các đồn điền trồng lúa và trang trại quế ở Trà My; Đồn điền cà phê và cao su Delignon-Paris ở An Khê; và Một nông trang trồng lúa và thuốc lá gần Quy Nhơn... 

Mười một năm sau, bằng một đạo dụ ban hành ngày 28 tháng 4 năm 1899, triều đình Huế đã đồng ý bàn giao quyền cấp quyền sử dụng đất cho chính quyền thực dân. Ngày 16 tháng 10 cùng năm, người Pháp buộc vua Đồng Khánh (1885-1889) ký một tuyên cáo, giao cho họ toàn quyền tổ chức hệ thống hành chính thuộc địa và trực tiếp cai trị các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Cũng trong thời kỳ đó, Quốc vương Xiêm, sau khi kiểm soát miền Nam Lào, bắt đầu đưa ra những yêu sách đối với một số vùng đất gần Tây Nguyên do Pháp đang nắm giữ. Trong bối cảnh đó, một người Pháp gốc đảo Corse tên là Charles-Marie David de Mayréna đã xin đi khám phá Tây Nguyên để tiếp cận các dân tộc thiểu số. Đề nghị này được Toàn quyền Đông Dương Ernest Constans chấp thuận vào năm 1888. Nhờ các kỹ năng bắn súng, đấu kiếm, và hùng biện, Mayréna đã được một số làng người Thượng mời làm trưởng làng trong thời gian ông lưu trú ở Kon Tum. Với sự giúp đỡ của viên Công sứ Bình Định và các vị giáo sĩ từ Quy Nhơn đến Kon Tum như Pierre Irigoyen (1856-1935) và Jean Baptiste Guerlach (1858-1912), Mayréna đã thuyết phục được người Ba Na và Sédang rằng họ có thể tạo lập một vương quốc riêng. 

Kết quả là vào ngày 03 tháng 6 năm 1888, Vương quốc Sédang (Royaume des Sédangs) đã ra đời với quốc kỳ, tiền giấy, và các quy định pháp lý riêng; Mayréna tự phong cho mình là Vua Marie đệ nhất (Marie Premier, Roi des Sédangs). Tuy nhiên, do vị “quốc vương” này ngày càng bộc lộ tư tưởng ly khai nên trong thời gian ông trở về châu Âu để xin viện trợ từ các cường quốc phương Tây, chính phủ Pháp đã phái Công sứ Quy Nhơn, Edmond Guiomar, lên Kon Tum giải tán Vương quốc Sédang và cũng là giành lại quyền kiểm soát vùng đất Tây Nguyên. Vương quốc Sédang bị xóa tên sau một năm thành lập, do vậy, Tây Nguyên, từ năm 1889, được đặt dưới quyền quản lý của Công sứ Quy Nhơn. Sau khi từ châu Âu trở lại “vương quốc” của mình, vị “quốc vương” này đã bị chính phủ Pháp cấm nhập cảnh vào Đông Dương. Cái chết của Mayréna không lâu sau đó (vào ngày 11 tháng 11 năm 1890) tại Tioman (một hòn đảo nhỏ trong vịnh Thái Lan) đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời đầy phiêu lưu của ông.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX, vin vào những điều chỉnh trong chính sách cai trị, các nhà cầm quyền thuộc địa5 đã tìm nhiều cách khác nhau để sa thải các nhân viên người Việt Nam từng làm trung gian trong các hoạt động thương mại ở vùng đồng bào thiểu số nhưng bị cáo buộc lạm dụng sự tín nhiệm của người Thượng. Từ đó về sau, quan chức hàng tỉnh trong chính quyền thực dân trực tiếp làm việc với các cộng đồng địa phương, chỉ trừ một số ít những cuộc đàm phán phức tạp. Để thúc đẩy các hoạt động thương mại giữa người Thượng với người Kinh, một số chợ địa phương đã được lên kế hoạch thành lập và đặt dưới sự giám sát của đại diện của công sứ các tỉnh.

Sang đầu thế kỷ XX, sau khi về cơ bản “bình định” các hoạt động kháng chiến dưới ảnh hưởng của ngọn cờ Cần Vương, thực dân Pháp liên tiếp thành lập nhiều đồn quân sự và cơ quan hành chính để cai trị các vùng dân tộc thiểu số. Năm 1900, đồn An Lão (nay thuộc Bình Định) được xây dựng. Năm sau đó, chính quyền thực dân thành lập đại diện hành chính ở Trà My và đồn quân sự tại Ba Tơ, Lang Ri, Minh Long, và Nước Vong để kiểm soát các nhóm người Thượng. Năm 1904, một trụ sở hành chính được thiết lập ở Ninh Hòa để cai trị các dân tộc thiểu số ở khu vực M'drac và tỉnh Khánh Hòa. Năm 1905, Sơn Phòng Trấn (một đơn vị hành chính được hình thành từ thời các chúa Nguyễn, chạy dọc theo dãy Trường Sơn, bao gồm các huyện miền núi của năm tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận) và các hệ thống phòng thủ chống lại sự xâm nhập của các nhóm thiểu số đã chính thức bị bãi bỏ. Tại các khu vực mà hoạt động bình định đã đạt được thành công đáng kể, các chức vụ hành chính quân sự được chính quyền thực dân chuyển đổi thành các cơ quan hành chính dân sự.

YÊU SỬ VIỆT
theo Nguyễn Văn Bắc - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (368) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (161) su-viet-hom-nay (100) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (85) su-kien-su-viet (76) sach-lich-su (73) facebook (53) sach-su-hien-dai (51) chong-phap (47) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (30) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (27) dia-danh-su-viet (23) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) cong-giao (5) ho-chi-minh (5) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)