Thân thế và cuộc đời của vua Hàm Nghi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
YEUSUVIET - Sau ngày kinh đô Huế thất thủ (5/7/1885), với địa thế hiểm trở và nhân tình thuận lợi ở vùng rừng núi phía Tây, Quảng Bình đã trở thành địa bàn xung yếu trong công cuộc kháng Pháp giành độc lập dân tộc từ sự khởi xướng của vua Hàm Nghi.
Bài liên quan
Vua Hàm Nghi sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi (3/8/1871), là con thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (Hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị) và bà Phan Thị Nhàn. Anh ruột của vua Hàm Nghi là Nguyễn Phúc Ưng Kỳ (cũng gọi là Đường), tức vua Đồng Khánh (9/1885-1/1889) và Nguyễn Phúc Ưng Đăng, tức vua Kiến Phúc (12/1883-7/1884). Lúc chưa lên ngôi, vua Hàm Nghi huý là Nguyễn Phúc Ưng Lịch; sau khi lên ngôi chọn chữ thứ 5 là Minh (明) trong 20 chữ thuộc bộ Nhật ở Kim Sách làm tên.
Từ một cậu bé hoàng tộc nhưng quen sống đời dân dã ngoài kinh thành, Ưng Lịch được phái chủ chiến triều đình Huế đưa vào cung, trở thành người đại diện tối cao cho nhân dân Việt Nam đang nung nấu trong tim ý chí quyết chiến chống lại bè lũ thực dân và tay sai kể từ lễ đăng quang ngày 2 tháng 8 năm 1884. Do mới 13 tuổi, dĩ nhiên vua Hàm Nghi chưa thể nào có được ý thức đầy đủ về thù nhà, nợ nước; cũng như chưa hiểu hết được vai trò của một vị hoàng đế trong bối cảnh đất nước bị ngoại bang xâm lược và lăm le đặt nền thống trị trên toàn quốc. Nhưng cuộc tấn công quân Pháp ở kinh thành Huế của quân đội triều Nguyễn rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 đã đưa đẩy vua Hàm Nghi bước vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc, khi kinh đô Huế thất thủ vào tay quân Pháp.
Đường lên eo Lập Cập, xưa gọi là eo Lèn hay eo Ải (Ảnh 2004) Nơi quân vua Hàm Nghi phục kích đánh quân Pháp những năm 1885-18862 Rời kinh đô Huế, đoàn ngự giá của vua Hàm Nghi ra hành cung Quảng Trị, rồi lên thành Tân Sở phát dụ Cần Vương vào ngày 13 tháng 7 năm 1885. Từ đó cho đến khi vượt qua Lào để ra Sơn phòng Hà Tĩnh, và nhất là giai đoạn đứng chân ở miền núi Quảng Bình từ cuối tháng 10 năm 1885, vua Hàm Nghi đã chịu nhiều khổ ải vì phải luồn lách giữa núi rừng hiểm trở, giữa thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, giữa muôn vàn thiếu thốn, bệnh tật, đói khát và tính mạng luôn bị đe doạ.
Chân dung Vua Hàm Nghi (1871-1943) bị người Pháp lưu đày sang Algeria. Dòng chữ Hán ghi Ngài là Hoàng đế nước Đại Nam. Ảnh chụp từ bộ sưu tập gia đình Amandine Dabat, cháu 5 đời của vị Vua Việt Nam. |
Trước nỗi gian khó và sự hy sinh không quản ngại, quyết tâm giúp vua chống Pháp đến cùng của những người theo phò tá, của nhân dân các địa phương; vị vua trẻ tuổi ý thức sâu sắc hơn về sứ mệnh lịch sử của mình, và đủ hùng tâm để theo nghĩa quân lên thác, xuống ghềnh, chui bờ, lủi bụi, vào sinh ra tử, nếm mật nằm gai trong gần 4 năm trời, duy trì triều đình kháng chiến chống Pháp ở núi rừng Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình,3 lãnh đạo phong trào Cần Vương cả nước cho đến khi bị rơi vào tay giặc đêm ngày 1 tháng 11 năm 1888.
Bắt được Hàm Nghi, Pháp đưa vua ra bến Ngả Hai xuôi bè về đồn Thanh Lạng, Đồng Ca; sau đó giải về Quảng Khê và đến đồn Thuận Bài vào chiều ngày 14 tháng 11 năm 1888. Thiếu tá Dabat và trung uý Bonnefoy đem một toán sen đầm từ Huế ra dàn quân chào đón. Ngày 15 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi được đưa qua Bố Trạch rồi vào Đồng Hới và về Thuận An (Huế) hôm ngày 22 tháng 11 năm 1888. Sáng ngày 25 tháng 11 năm 1888, quân Pháp đưa vua Hàm Nghi về Lăng Cô để đi tàu vào Sài Gòn. Đến ngày 13 tháng 12 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu mang tên Biên Hoà để vượt đại dương đi đày sang Bắc Phi.
Cuộc lưu đày của vua Hàm Nghi đến xứ lạ quê người là bản án mà người ký quyết định thi hành không ai khác chính là bản thân nhà vua. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng Pháp, ba bà thái hậu và vua Đồng Khánh ở Huế liên tục gửi thư kêu gọi Hàm Nghi về Huế, nhưng nhà vua khẳng khái từ chối. Toàn quyền Paul Bert cũng từng mặc cả việc lập Hàm Nghi làm vua 4 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình, để vua chấp nhận trở về nhưng cũng không thành. Đến khi bị bắt, nhà vua vẫn cự tuyệt không đầu hàng Pháp. Rõ ràng vinh hoa phú quý và sự nhọc nhằn gian khổ đã không thể làm lay chuyển ý chí của nhà vua trẻ đã giác ngộ.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, chiều ngày 13 tháng 1 năm 1889, Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algérie, lúc sắp bước qua tuổi 18. Lúc đầu, Hàm Nghi tạm trú tại Tòa nhiếp chính (L'Hôtel de la Régence), sau đó chuyển về biệt thự rừng thông (Villa des Pins) ở El Biar, cách Alger 5km. Suốt gần một năm đầu, Hàm Nghi nhất định không chịu học hay nói tiếng Pháp và vẫn dùng khăn lượt, áo dài theo nếp cũ; mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn. Về sau, nhận thấy người Pháp ở Algérie thân thiện, khác với người Pháp ở Việt Nam, nên từ tháng 11 năm 1889, Hàm Nghi bắt đầu học tiếng Pháp, có thể nói và viết tiếng Pháp rất sành. Hàm Nghi cũng giao du với những trí thức Pháp và học thêm cả hội họa để vẽ tranh.
Năm 1904, Hàm Nghi kết hôn với bà Marcelle Laloe (1884-1974), con gái của Chánh án Tòa Thượng thẩm Alger và có ba người con là công chúa Như Mai (1905-1999), công chúa Như Lý/Luân (1908-2005) và hoàng tử Minh Đức (1910-1990). Ngày 14 tháng 1 năm 1944, Hàm Nghi qua đời tại Alger vì bị ung thư dạ dày, mang theo nỗi hờn vong quốc do chưa thấy được ngày độc lập của dân tộc.
YÊU SỬ VIỆT st từ SKHCN Quảng Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét