Sơn Triều chống Pháp của vua Hàm Nghi ở Quảng Bình - Phần 2
YEUSUVIET - Qua hai lần thất trận nhục nhã, người Pháp xác định phải đánh đồn cửa Khe và tiêu diệt Sơn Triều của Hàm Nghi bằng mọi giá. Cuộc hành quân qui mô của Pháp đã được vạch ra: một cánh của thiếu tá Plagnol từ Vinh tiến lên Bãi Đức, cánh thứ hai của thiếu tá Pelletier từ Hà Tĩnh vượt qua đèo Quy Hợp, xuôi theo Khe Ròi thọc xuống. Cả hai cánh quân cùng lúc đánh vào căn cứ cửa Khe Ve của vua Hàm Nghi. Đây là một trận đánh sinh tử bởi vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, nên dù chiến đấu anh dũng, gây nhiều thiệt hại cho Pháp, nghĩa quân Hàm Nghi vẫn phải rút chạy.
Bài liên quan
>>> Danh tướng Quảng Bình: Hoàng kế Viêm - Tận trung báo quốc - Phần 1
>>> Danh tướng Quảng Bình: Hoàng kế Viêm - Một đời tận trung báo quốc - Phần 2
>>> Danh tướng Quảng Bình: Hoàng kế Viêm - Một đời tận trung báo quốc - Phần cuối
>>> Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du.
>>> Danh nhân văn hóa thế giới – Nguyễn Trãi.
Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn đem một ít quân theo ngã Quy Đạt ra Hà Tĩnh, rồi sau đó ra Bắc để qua Trung Quốc cầu viện vào tháng 2 năm 1886. Đạo quân Mường của Trương Quang Ngọc cùng hai anh em Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Tiệp đưa vua Hàm Nghi rút sâu vào rừng núi phía Tây. Trong trận này nghĩa quân Hàm Nghi bị tổn thất khá nặng, bỏ lại nhiều ngựa, gươm súng và áo quần thường dùng của nhà vua. Từ căn cứ cửa Khe Ve, vua Hàm Nghi sang núi Ma Rai, rồi từ đó thường xuyên luân chuyển, khi thì ở Ma Rai, khi thì về Thanh Cước, lúc lại sang Khe Ve, quanh quẩn mãi trong vùng rừng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh và Cam Môn (thuộc Lào).
Hai lữ đoàn tăng cường của trung tá Metzinger và trung tá Mignot đưa quân săn lùng ráo riết nhưng không tài nào tìm được vua Hàm Nghi, nên cuối cùng phải rút về đóng ở Quảng Khê (cửa sông Gianh) và thành Đồng Hới. Ngày 16 tháng 2 năm 1886, đích thân thiếu tướng Prud’homme ra Quảng Bình chỉ huy chiến dịch bao vây Hàm Nghi. Quân Pháp triển khai chiếm đóng Hà Tĩnh, thiết lập căn cứ chợ Đồn và ở cửa sông Gianh để kiểm soát. Đạo quân “miền thượng nguồn” của Metzinger được lệnh bao vây thung lũng phía trên sông Gianh, chặn các đường giao thông phía Tây và phía Nam vùng Khe Ve. Còn đạo quân “miền hạ lưu” của Mignot thì chịu trách nhiệm kiểm soát khu vực phía dưới. Ngày 28 tháng 2 năm 1886, quân Pháp đến vùng Khe Ve, vua Hàm Nghi theo con đường mòn bí mật qua phía Nam vùng Khe Ve đến Ngả Hai, sau đó đi vào khu vực biên giới và trú ngụ tại đó để tránh sự truy lùng.
Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 3 năm 1886, từ Khe Ve quân Pháp toả đi các hướng chung quanh, chiếm các điểm cao chia cắt Khe Mòi với sông Nan, lục soát Khe Doi nơi vua Hàm Nghi từng trú ẩn, nhưng vẫn không thu được kết quả. Quân Pháp tiếp tục truy lùng thêm 10 ngày nữa rồi đành bỏ cuộc kéo quân trở về Đồng Hới. Sau cuộc rút lui của quân Pháp vào tháng 3 năm 1886, hoạt động điều hành cuộc kháng chiến của Sơn Triều do vua Hàm Nghi đứng đầu tỏ ra có hiệu quả hơn trước. Từ Sơn Triều ở Quảng Bình, vua Hàm Nghi và bộ tham mưu chỉ đạo hoạt động chống Pháp thông qua việc phong chức cho các thủ lĩnh và phân công địa bàn phụ trách như Nguyễn Quang Bích nhận hàm Lễ bộ Thượng thư phụ trách vùng Tây Bắc (Bắc Kỳ); Nguyễn Thiện Thuật nhận hàm Bố chánh Hải Hưng, sau thăng làm Hiệp thống Bắc Kỳ Quân vụ đại thần, lãnh đạo phong trào chống Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ…
Tôn Thất Đàm là con trai trưởng của Tôn Thất Thuyết, theo cha phò vua Hàm Nghi cứu nước, đến tháng 2 năm 1886 khi Tôn Thất Thuyết lên đường ra Bắc rồi sang Trung Quốc cầu viện, Tôn Thất Đàm được giữ chức Khâm sai Chưởng lý Quân vụ đại thần, chịu trách nhiệm trực tiếp ban phát mệnh lệnh của vua Hàm Nghi cho các tướng sĩ khắp cả nước, đồng thời phụ trách việc điều động binh đội từ các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình trở vào các tỉnh trong Nam. Việc điều động các toán quân từ Nghệ An trở ra các tỉnh ngoài Bắc được giao phó cho Trần Xuân Soạn26. Chỗ dựa trực tiếp về quân sự của Sơn Triều Hàm Nghi ở Quảng Bình là lực lượng của Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân, được vua phong làm Hồng lô tự khanh sung Tán lý quân vụ.
Đầu năm 1886, sau khi Tôn Thất Thuyết ra Bắc rồi sang Trung Quốc cầu viện, Nguyễn Phạm Tuân được thăng chức Thượng tướng quân, làm việc bên cạnh Tôn Thất Đàm để giúp vua đánh giặc. Căn cứ kháng chiến của Nguyễn Phạm Tuân ở vùng Yên Lương - Cổ Liêm27 thuộc thượng lưu sông Gianh, nằm sát vị trí đóng quân của vua Hàm Nghi ở Khe Ve, quân số có đến ngàn người. Nguyễn Phạm Tuân đã sát cánh cùng với Khâm sai Tán lý Quân vụ đại thần Tôn Thất Đàm chiến đấu bảo vệ căn cứ Khe Ve của Sơn Triều Hàm Nghi rất tích cực. Đến tháng 4 năm 1886, nhận thấy cần phải xây dựng một cơ sở cố định để nắm bắt tình hình và điều hành cuộc kháng chiến, dựa vào Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Đàm đã đem một viên tá sứ, một viên tham biện cùng 30 nghĩa quân từ nơi ở của vua Hàm Nghi tại tổng Thanh Lạng đến xóm Thác Đài, làng Cổ Liêm thiết lập một văn phòng trung tâm thu nhận tin tức, tấu, sớ, biểu của các thủ lĩnh Cần Vương khắp nơi gửi về rồi chuyển cho vua Hàm Nghi phê duyệt và nhận chỉ thị trực tiếp từ nhà vua để truyền đạt lại.
Vùng thượng nguồn sông Nan, sông Gianh bao quanh khu vực vua Hàm Nghi ở đều có nghĩa quân đóng giữ. Còn vùng trung lưu sông Gianh thì có Đề đốc Lê Trực xây dựng căn cứ kháng chiến tại Thanh Thuỷ. Nghĩa quân của Lê Trực nhiều lần phối hợp với Nguyễn Phạm Tuân và Tôn Thất Đàm chiến đấu chống Pháp hành quân ở thượng nguồn, trực tiếp bảo vệ Sơn Triều của vua Hàm Nghi. Tài liệu của Pháp cho biết rằng:
Từ mùa xuân, vùng thượng lưu giữa sông Nậy và sông Gianh không nối được, các làng đặt dưới quyền kiểm soát của quân phiến loạn (nghĩa quân - TG).
Trước sự lớn mạnh của Sơn Triều ở Quảng Bình và phong trào kháng chiến khắp cả nước, vua Đồng Khánh do Pháp lập nên ở Huế (từ 14/9/1885) đã ra đạo dụ mới kêu gọi những người kháng chiến về đầu thú, hứa thưởng tước “Nam” và hàm nhị phẩm cho những ai đưa được Hàm Nghi về Huế. Trong hai năm 1886-1887, các cuộc khởi nghĩa ủng hộ Sơn Triều của vua Hàm Nghi nổ ra khắp nơi, đẩy quân Pháp vào thế bị động cả về quân sự lẫn chính trị.
Do vậy, địch càng muốn mau chóng bắt đuợc Hàm Nghi để đè bẹp ý chí chiến đấu của những người kháng chiến. Pháp bao vây căn cứ của vua Hàm Nghi bằng cách chặn các con đường tiếp tế của nghĩa quân, xây dựng nhiều đồn bốt dọc theo sông Gianh, cắt đứt liên lạc giữa dân chúng với quân kháng chiến và thực hiện việc đốt phá, khủng bố dã man, tàn bạo. Ngày 27 tháng 2 năm 1887, quân Pháp chia làm hai cánh, do Bertrand dẫn một cánh đi qua Troóc và Cổ Liêm đánh vào nơi tập trung quân của Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Đàm ở Thác Đài, cánh còn lại do Trupel chỉ huy từ Quảng Khê men theo Rào Nan đánh lên.
Nghĩa quân đã chặn đánh quyết liệt, làm cánh Trupel bị tổn thất nặng và chúng không hội quân được với nhau. Tuy căn cứ Thác Đài bị mất. Lãnh binh kiêm hy sinh cùng nhiều nghĩa quân khác, song quân Pháp vẫn thất bại, rút quân về lại Quảng Khê. Ngày 9 tháng 4 năm 1887, quân Pháp do đại uý Mouteaux chỉ huy chia làm hai cánh, đem theo Nguyễn Trọng Duật đã phản bội và một lý trưởng cũ để chỉ đường tiến đánh làng Yên Lương trên Rào Nan. Nguyễn Phạm Tuân bị bắn trọng thương, bị bắt và hôm sau thì chết, các tướng lĩnh dưới quyền của ông đều bị xử bắn ở chợ Minh Cầm.
Nhằm tiêu diệt hết các cánh quân bảo vệ Sơn Triều Hàm Nghi, ngày 17 tháng 4 năm 1887 quân Pháp tiến đánh căn cứ Hạ Trang (Lệ Sơn), rồi dồn binh càn quét vùng Troóc và tấn công căn cứ Cao Mại của Mai Lượng. Mặc dù chiến đấu anh dũng, nhưng do tổn thất quá nặng, Mai Lượng phải rút qua Vàng Liêu hội quân với Tôn Thất Đàm. Cuối năm 1887, được Tôn Thất Đàm giao quyền chỉ huy quân đội triều đình Hàm Nghi tại Vàng Liêu, Mai Lượng ra sức củng cố lực lượng nghĩa quân, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân và giành lại quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn. Ngày 19 tháng 6 năm 1887, Mouteaux bất ngờ đánh xuống căn cứ Thanh Thuỷ của Đề đốc Lê Trực, hầu hết nghĩa quân và vợ con Lê Trực bị bắt sống, chỉ có Lê Trực và một ít nghĩa quân trốn thoát. Từ đây lực lượng của Lê Trực yếu dần và không có được trận đánh nào đáng kể nữa.
Nguyễn Phạm Tuân hy sinh, nghĩa quân Lê Trực tan rã, Tôn Thất Đàm thì rút ra và bị cô lập ở vùng rừng núi Hà Tĩnh, nghĩa quân Mai Lượng bị khống chế hoạt động, xem như lực lượng trực tiếp bảo vệ Sơn Triều của Hàm Nghi bị tan tác, các vùng trên sông Gianh lần lượt lọt vào tay Pháp, chỉ còn tổng Thanh Lạng là khu vực mà vua Hàm Nghi có thể ẩn náu. Tuy nhiên, nhờ địa thế trắc trở và lòng yêu nước của những người hộ giá, Sơn Triều của vua Hàm Nghi vẫn tồn tại, tránh được móng vuốt của các đoàn quân Pháp đang ngày đêm lùng sục.
Nhưng dần dà về sau, một số người đi theo vua Hàm Nghi bắt đầu có tư tưởng mệt mỏi, muốn về đầu thú với Pháp. Thông qua Phạm Văn Mỹ là kẻ theo đuôi những người cộng tác với Pháp, người Pháp nắm được tư tưởng của Trương Quang Ngọc nên tìm cách liên lạc. Ngày 18 tháng 7 năm 1887, Mouteaux từ đồn Minh Cầm kéo quân lên Khe Ve rồi qua Thanh Cước để gặp Trương Quang Ngọc, vì biết y thường lui tới chỗ cha vợ là Cả Hinh trú ở vùng này. Quân Pháp đến Thanh Cước mới hay Trương Quang Ngọc đang dừng chân ở Chà Mạc. Khi quân Pháp đi sang Chà Mạc thì Trương Quang Ngọc đã chạy thoát. Mouteax liền nhờ dân địa phương chuyển lại bức thư dụ hàng với những hứa hẹn tốt đẹp.
Vài hôm sau, dân Mường Cơ Sa30 bỏ vua Hàm Nghi quay sang hàng Pháp, Mouteaux liền nhờ viên chánh tổng trả ống thuốc phiện và cái bàn đèn thu được của Trương Quang Ngọc tại Chà Mạc, đồng thời gửi cho vua Hàm Nghi một tạ gạo trắng cùng 2 bức thư của bà Thái hậu Từ Dũ và vua Đồng Khánh khuyên hàng. Trương Quang Ngọc cũng có thêm một bức thư riêng của Mouteaux thương lượng bắt vua Hàm Nghi lập công, lập tức y nhận lời giúp Pháp bắt vua Hàm Nghi, nhưng do bị trượt gãy chân trong lần trốn chạy ở Chà Mạc, nên hẹn đợi đến lúc lành bệnh sẽ bắt tay thực hiện31. Đầu năm 1888, vành đai bao vây Sơn Triều của vua Hàm Nghi xiết chặt dần, Tôn Thất Tiệp muốn đưa vua ra Bắc tiếp tục chiến đấu song không thành.
Có người tuyệt vọng quá liền đặt vấn đề điều đình với Pháp, lập tức bị Tôn Thất Tiệp chém đầu. Lúc này quanh nhà vua chỉ còn lại Tôn Thất Tiệp, hai cha con Thống chế Nguyễn Thuý và hai người lính Mường cùng vài người khác từng đi theo vua Hàm Nghi nhưng không còn được Tôn Thất Tiệp tin cậy nữa, vì thế Trương Quang Ngọc chưa thể thực hiện ý đồ phản bội. Ngày 12 tháng 10 năm 1888, viên đội trước đây vốn theo hầu Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình đến đầu thú Pháp ở đồn Đồng Ca và tiết lộ tin tức nhà vua cho giặc. Đại uý Boulangier liền phái Nguyễn Đình Tình liên lạc với Trương Quang Ngọc.
Vài ngày sau, hai kẻ phản bội nhận lời bắt vua cho thực dân Pháp. Ngày 1 tháng 11 năm 1888, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tình đem theo 20 lính Mường lấy ở Thanh Lạng, Thanh Cước kéo lên Chà Mạc. Đến 10 giờ đêm, toán quân phản bội tiến đến chỗ vua Hàm Nghi bên bờ Khe Tà Bảo. Đó là một ngôi nhà lợp tranh, vách nứa đơn sơ mới được dựng lên chừng sáu, bảy tháng. Cha con Thống chế Nguyễn Thuý nghe động, từ trong nhà lao ra liền bị Trương Quang Ngọc và đồng bọn dùng giáo đâm chết. Tôn Thất Tiệp vác gươm ra đánh cũng bị lính Mường phóng giáo xuyên qua ngực gục tại chỗ. Vua Hàm Nghi vừa chợt tỉnh giấc, cầm gươm bước ra thì bị rơi vào tay những kẻ phản bội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét