Sơn Triều chống Pháp của vua Hàm Nghi ở Quảng Bình - Phần 1
YEUSUVIET - Đầu tháng 9 năm 1885, sau nhiều ngày trèo đèo lội suối trên đất Lào, khi vượt qua đèo Quy Hợp đến vùng Hàm Thao, gần Sơn phòng Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi được Tổng đốc Nghệ An kiêm chỉ huy Sơn phòng Hà Tĩnh là Nguyễn Chánh đem quân đón tiếp, đưa về trú ở làng Phú Gia thuộc huyện Hương Khê. Phạm Văn Mỹ hay tin đem 500 quân nhập vào đoàn tuỳ tùng của vua Hàm Nghi. Sau đó, Phan Đình Phùng đón vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết về Sơn phòng Hà Tĩnh. Tại Sơn phòng Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết tiến hành củng cố nhân sự, tổ chức chiêu mộ nghĩa quân, bố trí đồn trại ở các chỗ hiểm yếu...
Bài liên quan
>>> Danh tướng Quảng Bình: Hoàng kế Viêm - Tận trung báo quốc - Phần 1
>>> Danh tướng Quảng Bình: Hoàng kế Viêm - Một đời tận trung báo quốc - Phần 2
>>> Danh tướng Quảng Bình: Hoàng kế Viêm - Một đời tận trung báo quốc - Phần cuối
>>> Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du.
>>> Danh nhân văn hóa thế giới – Nguyễn Trãi.
Vua phong cho Phan Quang Cự làm Bố chánh Hà Tĩnh, Huỳnh Xuân Phong làm Sơn phòng Chánh sứ, Nguỵ Khắc Kiều làm Phó sứ, Phan Khắc Hoè làm Án sát, Phan Đình Phùng làm Tán lý, Phan Trọng Mưu làm Tham biện. Trương Quang Ngọc là một thổ ty vốn người to khoẻ, giỏi võ ở vùng Thanh Lạng cũng đem đội quân thiện chiến người Mường đến ứng nghĩa, được vua Hàm Nghi phong chức Hiệp quản, bổ sung vào đoàn quân hộ giá. Biết tin vua Hàm Nghi ở tại Ấu Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh, ngày 17 tháng 10 năm 1885 thiếu tướng Prud’homme tổ chức lực lượng tiến đánh để bắt nhà vua nhằm dập tắt phong trào kháng chiến.
Tôn Thất Thuyết vội đưa vua Hàm Nghi cùng tùy tùng lui vào vùng Bãi Đức, Quy Đạt thuộc huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình để tránh giặc. Theo gót Hàm Nghi có Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Đàm,11 Tôn Thất Tiệp,12 Trần Xuân Soạn với chừng 100 lính và đoàn dân công chuyển 50 thùng vật dụng, 3 thớt voi và 5 con ngựa. Đạo quân Mường của Trương Quang Ngọc đi đoạn hậu để chặn giặc.
Đoàn quân kháng chiến đi về phía xóm Đồng Nguyên thuộc làng Cổ Liêm,13 nhưng không tìm thấy địa thế thích hợp, nên kéo đến xóm Lim ở làng Ba Nương. Tám ngày sau, quân Pháp từ Bãi Đức tiến đến Trành (làng Kiên Trinh thuộc tổng Thanh Lạng), vua Hàm Nghi liền vào trú quân ở sách Cát Đặng trong thung lũng Ma Rai thuộc tổng Kim Linh. Một ngày sau, toán quân gồm 35 lính Pháp do đại uý Hugo chỉ huy kéo đến Ba Nương. Không thấy nghĩa quân, giặc bèn tra khảo một người dân địa phương để nắm tin tức, rồi đuổi theo vua Hàm Nghi đến núi Lập Cập (còn gọi là eo Lèn hay Hung Ải).
Quân nhà vua đã phục kích sẵn tại eo Lập Cập thấy quân Pháp đến liền nổ súng, đạn và tên nỏ của nghĩa quân bắn ra tới tấp, hơn một nữa đội quân Pháp bị thương vong, đại uý Hugo bị thương đến hai lần do trúng tên. Bị thất trận, Hugo phải thu quân về Bãi Đức, hợp với cánh quân đang đồn trú tại đó kéo toàn bộ trở lại Vinh vào ngày 28 tháng 12 năm 1885. Đến ngày 3 tháng 1 năm 1886, Hugo chết vì tên tẩm độc đã phát tác. Vùng Ma Rai rất rộng, lọt thỏm giữa một thung lũng hẹp bốn bên núi rừng cao ngất, là một địa bàn hiểm yếu.
Chiều dài của thung lũng theo hướng Đông Tây khoảng 10km, chiều rộng khoảng 1-2km. Muốn vào thung lũng này phải qua hai cái đèo (tiếng địa phương gọi là eo): đèo Ông Ðùng, hay còn gọi là eo Cà Bời, ở phía Đông (nếu đi theo con đường nay thuộc xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa vào); đèo Lập Cập ở phía Bắc (nếu đi theo con đường này thuộc các xã Hóa Tiến và Hóa Hợp, huyện Minh Hóa vào). Từ thung lũng này muốn rút lui có hai đường: vượt qua núi Pun về phía Tây ra La Văn đến Khe Ve, hoặc vượt qua dãy Trường Sơn ở phía Nam theo ngả đèo Mụ Giạ (nay thuộc xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá) để qua Lào.
Sau trận thắng Lập Cập, do địa thế vùng Ma Rai đất rộng, rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt nhưng lại quá nghèo, nếu giặc bao vây chặn mất đường eo Lập Cập thì khó liên hệ được bên ngoài để mở rộng địa bàn hoạt động và tập hợp lực lượng chống Pháp; nên sau 3 tháng trú đóng, đầu năm 1886, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết quyết định rút khỏi thung lũng Ma Rai đi về hướng Tây qua núi Pun, theo đường La Văn về Tân Yên,19 sau đó chuyển lên Tà Bảo, rồi Khe Ve thuộc tổng Thanh Lạng.
Vua Hàm Nghi lập căn cứ ở cửa Khe, đắp luỹ cao hai thước tạo thành đồn chiến đấu. Đây là căn cứ nằm bên bờ sông Nan - một nhánh quan trọng thuộc thượng nguồn sông Gianh. Trên địa bàn Khe Ve có rất nhiều hang động, nhờ đó vua Hàm Nghi gặp thuận lợi hơn trong việc đóng quân và cất giấu lương thực. Muốn đến vùng Khe Ve, phải qua hai dãy núi đá Ma Rai và Lập Cập rất hiểm trở.
Nhân dân Mường chung quanh tuy nghèo khổ vẫn mang lương thực đến ủng hộ khá nhiều, vua Hàm Nghi thấy vậy liền sai người đem tiền trả lại cho đồng bào. Đầu tháng 1 năm 1886, lại một cánh quân từ Vinh do trung uý Camus chỉ huy phối hợp với quân Pháp trú phòng ở Hà Tĩnh lên đường tìm bắt vua Hàm Nghi. Ngày 10 tháng 1 năm 1886, từ Hà Tĩnh quân Pháp kéo lên Tốc Kỳ, Làng Mai và đến gần cửa Khe Ve ở thượng nguồn sông Nan thì phát hiện dấu vết của nghĩa quân. Rút kinh nghiệm sau trận đại bại của Hugo, lần này quân Pháp tiến rất chậm, song vẫn bị nghĩa quân theo dõi từng bước.
Ngày 17 tháng 1 năm 1886, quân Pháp đến gần cửa Khe Ve thì bị nghĩa quân chặn đánh. Cuộc giao chiến diễn ra ác liệt, Camus trúng tên bị thương nên giao quyền chỉ huy lại cho trung uý Freystatter. Quân Pháp lại tiếp tục kéo binh vượt qua Khe Ve thì bị nghĩa quân mai phục bên bờ hữu ngạn đánh úp, Camus cùng 3 lính Pháp tử trận tại chỗ, 8 lính Pháp khác bị thương, cuộc hành binh bị bẻ gãy hoàn toàn. Freystatter vội vàng đem tàn quân chạy về Bãi Đức, từ đó rút về Vinh vào ngày 21 tháng 1 năm 188623.
YÊU SỬ VIỆT st từ SKHCN Quảng Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét