Hoạt động thương mại, truyền giáo của Bồ Đào Nha, Pháp tác động đến sự tiếp nhận văn hóa phương Tây của Đại Việt.
YEUSUVIET - Sau phát kiến địa lý của Vasco de Gama, Bồ Đào Nha đã khai mở thành công con đường từ châu Âu qua châu Phi đến châu Á vào cuối thế kỷ thứ XV. Việt Nam là nước có vị trí địa lý chiến lược nên đã trở thành nơi mà Bồ Đào Nha và Pháp đặt quan hệ thương mại và truyền giáo. Bài viết nhận định những giá trị tích cực của văn hóa phương Tây đã du nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động thương mại và truyền giáo, dù trải qua nhiều thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị, và những giá trị tích cực này đã có những đóng góp nhất định vào việc đa dạng văn hóa Việt Nam, bên cạnh đó chỉ ra những mặt hạn chế trong quá trình tiếp biến văn hóa.
Bài liên quan
Từ việc chỉ ra những giá trị tích cực và mặt hạn chế trong quá trình giao lưu văn hóa, chúng ta đưa ra giải pháp lọc chọn những giá trị tinh hoa nhân loại để học hỏi trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hội nhập, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa mà vẫn giữ được bản sắc của mình.
Bối cảnh quốc tế và khu vực diễn ra quá trình giao lưu Đông – Tây Châu Âu, sau các cuộc phát kiến địa lý của thế kỷ XV, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hết sức mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Đối với châu Âu, các cuộc phát kiến địa lý đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tìm ra những vùng đất mới và nối liền hoạt động thương mại giữa phương Đông và phương Tây. Ở châu Âu giai đoạn này nổi bật lên là phong trào văn hóa phục hưng, nó như một cuộc cách mạng tinh thần, hướng tới chủ nghĩa nhân đạo, cách mạng khoa học. Phong trào quan trọng nữa là phong trào cải cách tôn giáo và canh tân giáo hội, nhằm khẳng định vị trí của Thiên chúa giáo so với Hồi giáo, và việc mở rộng ảnh hưởng của Thiên chúa giáo ra bên ngoài (không chỉ bó hẹp ở châu Âu).
Bồ Đào Nha, trước thế kỷ XI, nằm dưới sự thống trị của người Hồi giáo giống như những vùng đất khác trên bán đảo Iberia. Từ phong trào Phục hồi (Reconquista), nước Bồ Đào Nha độc lập ra đời, với việc Henri de Borgonha (1066 – 1112) lập nên vương triều Borgonha, cai trị từ năm 1093 đến năm 1383. Nét đặc biệt trong quá trình thiết lập vương quốc Bồ Đào Nha là đã diễn ra hai cuộc đấu tranh chống xâm lược, can thiệp của ngoại bang: thế lực Hồi giáo và các vương quốc khác trên bán đảo Iberia. Nếu như cuộc đấu tranh chống người Hồi giáo dẫn tới sự thành lập vương triều thứ nhất – vương triều Borgonha, thì cuộc đấu tranh chống lại ý muốn cai trị đất nước của các thế lực khác trên bán đảo Iberia dẫn tới sự thành lập vương triều thứ hai, vương triều Aviz (1385 – 1580).
Đây là thời kỳ đạt đến sự phát triển đỉnh cao về kinh tế, chính trị, quân sự. Cũng trong thời kỳ của vương triều này, Bồ Đào Nha đã tiến hành các cuộc phát kiến địa lý, và kết quả là họ đã tìm được đường biển nối liền châu Âu và châu Á, do vậy trung tâm thương mại thế giới đã chuyển dịch từ Địa Trung Hải sang Đại Tây Dương. Nước Pháp, là một bộ phận của châu Âu, nước Pháp dưới triều vua Henri và Louis cũng đã có những thay đổi lớn trên tất cả các phương diện, vừa mang đặc điểm chung của khu vực vừa có những nét riêng biệt từ quá trình vận động nội tại.
Về mặt tôn giáo, trước sự lan tỏa nhanh chóng của đạo tin lành, giới trí thức Pháp chia làm hai phe: phe ủng hộ và phe bài trừ, và mâu thuẫn dẫn đến Cuộc chiến tranh tôn giáo ở Pháp. Về chính trị, sau khi vua Louis XVIII qua đời, năm 1643 vua Louis XIV lên ngôi mở ra một trang mới trong lịch sử nước Pháp “Vua Mặt trời”, là mẫu hình nhà nước chuyên chế, có quân đội mạnh, kỷ luật cao, tiềm lực quân sự vào loại bậc nhất châu Âu, kinh tế phát triển, giao thông, xuất khẩu và công nghiệp được mở rộng.
Việt Nam trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á, Đông Nam Á trong giai đoạn này, chính quyền phong kiến đang trên đà suy yếu, nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông kết hợp chặt chẽ với thủ công gia đình, lương thực chính vẫn là lúa, tuy nhiên, về văn hóa, người Đông Nam Á sống trong mối quan hệ làng xóm bền chặt với tính cố kết cộng đồng rất cao, văn hóa làng xã là đặc trưng của văn hóa Đông Nam Á.
Việt Nam cũng nằm trong sự chuyển biến chung của khu vực Đông Nam Á, xã hội truyền thống với tư tưởng “trọng nông ức thương” nên nền kinh tế khép kín mang nặng tính tự cung tự cấp trong suốt hàng chục thế kỷ. Bước vào các thế kỷ XVII - XVIII, những cuộc nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến thống trị đã hình thành nên nhu cầu mua vũ khí và các nhu yếu phẩm phục vụ cho chiến tranh của các tập đoàn này, khiến giai cấp thống trị không ngần ngại đẩy mạnh quan hệ buôn bán với các nước phương Tây. Nằm trên con đường thương mại quốc tế, Việt Nam đã trở thành cửa ngõ giao thương của các luồng hàng từ châu Âu sang châu Á; từ Trung Quốc, Nhật Bản đến các nước Đông Nam Á.
Bối cảnh lịch sử của thế giới, khu vực, từng nước đã hội đủ những yếu tố để tiến hành thiết lập các mối quan hệ thương mại và truyền giáo. Việc xuất hiện các đoàn thuyền buôn phương Tây cùng với hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ, Việt Nam đã tiếp nhận một phần phương thức sản xuất mới (so với phương thức sản xuất phong kiến trước đó) – phương thức tư bản chủ nghĩa, văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam trong cách ứng xử, kiến trúc, lối sống, tôn giáo và cả chữ viết, một số giá trị văn hóa vẫn còn tồn tại ở Việt Nam đến ngày hôm nay và làm đa dạng thêm văn hóa truyền thống dân tộc.
YÊU SỬ VIỆT st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét