YEUSUVIET - Gần 3 tháng sau khi chiếm được Sơn Tây, Pháp bắt đầu tấn công Bắc Ninh. Ngày 8 tháng 3 năm 1884, lữ đoàn 2 của Pháp do tướng Négrier chỉ huy từ Phả Lại xuất quân chiếm Yên Định, Xuân Hòa, Đáp Cầu rồi tiến thẳng về Bắc Ninh. Ngày 13 tháng 3 năm 1884, quân Pháp đặt đại bác trên đồi cao chung quanh thành rồi nhất loạt bắn dữ dội vào thành. Cùng lúc đó, lữ đoàn 1 do tướng Brière d’Isle chỉ huy từ Hà Nội qua sông Đuống, tiến sát Bắc Ninh.
Bài liên quan
Quân đội nhà Thanh rút chạy về Thái Nguyên. Bắc Ninh rơi vào tay Pháp. Sau Sơn Tây và Bắc Ninh, Hưng Hóa là căn cứ cuối cùng của lực lượng chống Pháp trong quân đội triều đình Huế còn sót lại ở chiến trường Bắc Kỳ. Đây cũng là căn cứ cuối cùng do Hoàng Kế Viêm đang nắm giữ. Chưa tiêu diệt được Hưng Hóa cũng đồng nghĩa với việc chưa tiêu diệt được Hoàng Kế Viêm. Ngày 12 tháng 4 năm 1884, tướng Brière d’Isle và tướng Négrier phối hợp chỉ huy 7.000 quân chiếm đánh Hưng Hóa, cứ điểm cuối cùng của Hoàng Kế Viêm. Chúng dùng khinh khí cầu chở người bay lên cao quan sát trận địa, chỉ điểm, hướng dẫn cho bộ binh tiến công và pháo binh bắn phá. Cũng như những lần ở Sơn Tây và Bắc Ninh, thấy quân Pháp tập trung hỏa lực ồ ạt, nên quân Thanh hốt hoảng rời bỏ hàng ngũ rút chạy về Yên Bái, gây rối loạn cho quân Hoàng Kế Viêm đang chiến đấu dũng cảm.
Cuối cùng, Hoàng Kế Viêm không thể cứu vãn được nên cũng phải rút quân từ Đan Phượng về đóng ở Thục Luyện, chỉ để lại Tuần phủ Hưng Hóa là Nguyễn Quang Bích và Lưu Vĩnh Phúc đóng giữ mấy đồn ngoại vi thành Hưng Hóa. Được tin Hưng Hóa thất thủ, triều đình một mặt cử quan mới đến làm việc dưới quyền kiểm soát của Pháp, mặt khác xuống dụ cách chức Thống đốc Quân vụ của Hoàng Kế Viêm và buộc ông phải về kinh chờ lệnh. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thất bại của Trương Quang Đản và Hoàng Kế Viêm là do quân Pháp biết lợi dụng việc nội bộ triều đình rối loạn, nhiều lần xuống dụ triệt binh, buộc hai ông về kinh.
Bên cạnh đó, việc quân Thanh tháo chạy đã làm cho quân lính của ông có phần hoang mang, rối loạn chiến trận. Do đó quân Pháp đã biết khai thác triệt để những điểm này để đánh chiếm Hưng Hóa. Ngày 6 tháng 6 năm 1884, triều đình Huế đã ký với thực dân Pháp Hiệp ước Patơnốt bao gồm 19 khoản, xác định rõ hơn địa vị bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Bắc và Trung Kỳ, biến nhà nước phong kiến thành công cụ tay sai trong nền đô hộ thuộc địa. Sau đó không lâu, vua Kiến Phước lại bị mất ngôi vào tháng 7 năm 1884. Việc chọn người kế vị đều nằm trong ý đồ của các viên quan đại thần đại diện cho phe chủ chiến hay phe chủ hòa và có sự can thiệp của người Pháp. Người đứng đầu phe chủ chiến ở triều đình Huế lúc này là Tôn Thất Thuyết, một người cộng sự với Hoàng Kế Viêm trong nhiều năm ở Bắc Kỳ.
- Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô Sĩ Liên >>> Mua sách ngay
- Đại Việt sử ký tiền biên - Ngô Thì Sĩ >>> Mua sách ngay
- Đại Việt thông sử - Lê Qúy Đôn >>> Mua sách ngay
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục - Quốc sử quán triều Nguyễn
- Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí - Phan Huy Chú - Tập 5: Binh Chế Chí, Văn Tịch Chí, Bang Giao Chí >>> Mua sách ngay
Một ông vua đang còn rất trẻ tên là Ưng Lịch (con thứ 5 của Kiên Quốc công) được đặt lên ngai vàng với niên hiệu Hàm Nghi. Được sự phò giúp của Tôn Thất Thuyết và lực lượng của phe chủ chiến tại triều đình Huế nên Hàm Nghi có tinh thần kháng chiến rất cao. Nhận thấy không còn có thể dựa vào danh nghĩa triều đình để xây dựng lực lượng chống Pháp trên đất Bắc Kỳ nên tư tưởng từ quan, tìm nơi vui thú điền viên nảy sinh trong lòng Hoàng Kế Viêm. Mặc dù Hoàng Kế Viêm đã dâng sớ xin nghỉ hưu nhưng đơn xin của ông đã bị triều đình mới, dưới sự khống chế của thực dân Pháp đã xuống dụ buộc ông phải vào Huế, ở tại nhà vợ quá cố là Công chúa Hương La trong làng Lại Thế, phía hữu ngạn sông Hương. Sau đó ông giữ chức Thương thư bộ Công.
Ngày 5 tháng 7 năm 1885, triều đình Huế dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết đã mở cuộc tấn công Pháp ngay tại kinh thành Huế nhưng bị thất bại. Kinh đô thất thủ, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi xuất bôn ra các tỉnh phía Bắc, xuống dụ Cần Vương, phát động phong trào chống Pháp trên khắp cả nước, tạo thành phong trào Cần Vương và được các văn thân, sĩ phu yêu nước ở các địa phương miền Trung và miền Bắc ủng hộ sôi nổi. Sau ngày thất thủ kinh đô, chính quyền Huế rơi vào tay thực dân Pháp. Người Pháp đã lập anh ruột vua Hàm Nghi là Ưng Đường lên ngôi, lấy niên hiệu là Đồng Khánh, biến triều đình Huế thành bộ máy bù nhìn để phục vụ cho công cuộc cai trị của thực dân Pháp. Sau khi De Courcy (Đờ Cuốc-xy) bị triệu hồi về Pháp, ngày 27 tháng 1 năm 1886, Pôn-be (Paul Bert) được cử sang cai trị hai xứ Trung - Bắc Kỳ, mở đầu chế độ quan văn thay cho chế độ quan võ. Paul Bert (Pôn-be) cho rằng, cuộc vây đuổi của người Pháp không những không đàn áp được phong trào mà còn như lửa đổ thêm dầu. Do đó, Pôn-be quyết định sử dụng triều đình Đồng Khánh vào công cuộc chinh phục bằng phủ dụ.
Tháng 6 năm 1886, Pôn-be bắt buộc Đồng Khánh phải thân chinh ra Quảng Bình phủ dụ vua Hàm Nghi về Huế. Pôn-be tin chắc chắn rằng, người phủ dụ Cần Vương đắc lực nhất hơn ai hết chính là vua Đồng Khánh, một ông vua ngoan ngoãn theo Pháp. Trong suốt ba tháng ở Quảng Bình, dù Đồng Khánh ra sức thực hiện đủ âm mưu với một bộ máy tùy tùng hết sức đồ sộ nhưng cũng không thu được kết quả gì trong việc phủ dụ vua Hàm Nghi. Cuối cùng, Đồng Khánh đành phải trở về Huế. Sự bất lực của Đồng Khánh làm cho Pôn-be nghĩ ra một nước cờ cao tay hơn, đó là cưỡng bức những nhân vật đã từng chống lại Pháp đứng ra phủ dụ Cần Vương với mục đích dù không lôi kéo được các lãnh tụ chủ chốt thì cũng gây hoang mang, dao động hàng ngũ chống Pháp. Hoàng Kế Viêm chính là nhân vật mà người Pháp nhắm đến.
Khi phong trào Cần Vương nổ ra mạnh mẽ ở Quảng Bình, tên thực dân Pôn-be xảo quyệt đã tìm cách lợi dụng uy tín của Hoàng Kế Viêm để giải giáp lực lượng Cần Vương nên đã xúi tên vua bù nhìn Đồng Khánh phong cho ông làm An Phủ sứ Hữu Trực Kỳ đi chiêu dụ các nghĩa quân Cần Vương. Năm 1887, dưới sự giật dây của người Pháp, vua Đồng Khánh phục hồi chức tước cho Hoàng Kế Viêm, xuống dụ buộc Hoàng Kế Viêm nhận chức An Phủ sứ Hữu Trực Kỳ (từ Quảng Bình đến Thanh Hóa) nhưng thực chất là phủ dụ các toán quân Cần Vương ở địa bàn. Đây là một bước ngoặt hết sức quan trọng đối với cuộc đời của Hoàng Kế Viêm. Biết không thể từ chối lệnh vua vì lúc này đã trong vòng cương tỏa của Pháp và triều đình, ông đã thi hành mệnh lệnh bằng việc lên đường.
Tuy nhiên, Hoàng Kế Viêm đã tuyên chiến một cách khéo léo bằng việc đòi Pháp phải cấp cho ông 500 quân lính và 500 khẩu súng kiểu mới. Hoàng Kế Viêm thừa biết là bọn Pháp không dại gì mà cấp quân lực và vũ khí cho ông. Đây là một trong những kế sách khôn ngoan của ông nhằm mục đích từ chối khéo công việc mà thực dân Pháp và triều đình bắt ông làm. Như vậy, thực dân Pháp đã không thể lợi dụng được Hoàng Kế Viêm mà còn phải bị động đối phó với ông nên thực dân Pháp phải lệnh cho vua Đồng Khánh triệu hồi ông về lại Kinh. Kết quả là chỉ trong vòng 8 tháng giằng co khá gay gắt, Pháp đã thất bại. Không cam chịu tuân theo điều trái đạo lý nhưng cũng không thể bất tuân chỉ dụ của vua nếu không muốn phạm trọng tội "khi quân", ông đã tương kế, tựu kế "gậy ông đập lưng ông", dùng ngay kế của Pháp và triều đình (dùng ông để phủ dụ Hàm Nghi) làm cơ hội bảo vệ nghĩa sĩ Cần Vương.
Ông đã lợi dụng quyền đó để yêu sách với Pháp và Nam triều, làm kế "hoãn binh", che chở cho phong trào kháng Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương ở Quảng Bình. Đến đây, âm mưu sử dụng người phe chủ chiến để đánh bại phe kháng chiến, dùng người Việt đánh người Việt của Pháp đã bị thất bại. Biết rằng không thể lợi dụng được Hoàng Kế Viêm nên trong các bức điện của Toàn quyền Đông Dương gửi cho Khâm sứ Huế ngày 28/9/1887 và bức điện của Khâm sứ Huế trả lời Toàn quyền Đông Dương vào tháng 29/9/1887, họ buộc phải cay đắng thừa nhận thất bại của mình, chấp thuận nguyện vọng nghỉ hưu của Hoàng Kế Viêm. Có thể nói, bằng hành động, việc làm cụ thể và thiết thực, các danh tướng Quảng Bình và từ mọi miền Tổ quốc đến Quảng Bình, dù ở chế độ và thời đại nào, bằng tấm lòng trung quân ái quốc đã không phụ lòng ủy thác của triều đình (phong kiến), của Nhà nước giao cho, làm tròn trách nhiệm của mình là lãnh đạo quân dân lập nên những chiến công vẻ vang cho dân tộc và quê hương.
Trong suốt cuộc đời mình, Hoàng Kế Viêm lúc nào cũng thể hiện một tấm lòng yêu nước mãnh liệt, tinh thần quyết tâm chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc. Hoàng Kế Viêm là một người có tinh thần yêu nước chống Pháp quyết liệt, có tấm lòng thương dân sâu sắc, trước sau đều có những cách ứng xử, đối phó thích hợp. Trên chiến trường, ông luôn luôn chứng tỏ bản thân là một vị tướng có tài, cương quyết tiêu diệt kẻ thù; đối với dân là một sự quan tâm chăm sóc đến đời sống và hết lòng phục vụ nhân dân. Với cuộc đời 24 năm làm quan văn, 19 năm làm võ tướng, được phong nhiều chức quan nhưng khi về hưu, ruộng lộc điền Hoàng Kế Viêm nhận là cồn hoang Thế Lộc và xin khẩn hoang làm ruộng tự điền quanh cồn Thế Lộc, một cồn đất nước mặn bốn bề, cách hói cách sông. Ông đã bắt con cháu tự đi khai khẩn ruộng hoang để sinh sống.
Chính điều đó càng làm tỏa sáng thêm nhân cách cao đẹp của một bậc chính nhân quân tử, luôn luôn sống khiêm nhường, giản dị, không màng tới danh lợi của Hoàng Kế Viêm. Dù xuất thân con nhà Thượng thư triều Gia Long, thân làm Phò mã của vua Minh Mạng nhưng Hoàng Kế Viêm nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, luôn tận tụy với nhân dân và tìm cách giúp dân an cư lạc nghiệp. Bên cạnh tài năng quân sự, tài năng của ông còn được thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị qua thời gian làm quan trị nhậm tại các tỉnh như giải quyết nạn đói, vỡ đê và an dân ở Hưng Yên năm 1856. Năm 1863, Hoàng Kế Viêm được triều đình điều đến làm Tổng đốc An - Tĩnh, đây là một trong những địa phương nghèo, cư dân lương - giáo đang mâu thuẫn.
Vì vậy, việc đầu tiên khi Hoàng Tá Viêm đến Nghệ An là ông khéo léo xoa dịu mâu thuẫn lương - giáo, lấy đó làm biện pháp an dân lâu dài. Ông đã không quản sự lao tâm khổ trí tìm kế sách mở mang nông nghiệp, phát triển giao thông về đường bộ, xây dựng các kênh thủy lợi phục vụ vấn đề tưới tiêu, mở mang giao thông và phát triển thương mại. Ông vận động nhân dân ủng hộ và tham gia việc đào kênh Thiết Cảng, sau đó ông đã mời nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ đến giúp lập phương án đào kênh để chủ động tưới nước, mở mang giao thông và phát triển thương mại. Kênh Thiết Cảng sau khi hoàn thành đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế An - Tĩnh theo hướng khởi sắc và phồn thịnh, góp phần không nhỏ trong việc bình ổn tình hình, chấn hưng thế nước.
Khởi đầu là một quan văn nhưng trong sự nghiệp làm quan của mình, dù ở cương vị nào thì ông cũng luôn luôn thể hiện được tài năng “kinh bang tế thế” của mình. Làm quan ở nhiều địa phương, ông đặc biệt quan tâm đến đời sống nhân dân nên dân được an cư lạc nghiệp và có cuộc sống ổn định. Cuộc đời của Hoàng Kế Viêm khắc họa một cách chân thực chân dung một con người vì dân vì nước theo chủ nghĩa “trung quân ái quốc”.
Hoàng Kế Viêm không chỉ là một võ tướng uy dũng mà ông còn là nhà thơ, nhà sử học với nhiều tác phẩm để đời. Về cuối đời, ông vẫn giữ được sự thanh bạch của một vị quan thanh liêm, sự khiêm nhường của một nhà nho nặng lòng đối với nhân dân và đất nước. Ông từ chối mọi chức tước, bổng lộc của vua ban để sống một cuộc sống gần gũi với dân chúng. Hoàng Kế Viêm qua đời ở làng Văn La năm 1909, thọ 89 tuổi. Với những đóng góp to lớn của mình, Hoàng Kế Viêm thật sự xứng đáng là một người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, một tấm gương sáng chói cho thế hệ trẻ chúng ta noi theo.
Tên tuổi của Hoàng Kế Viêm mãi mãi được khắc ghi vào trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc như một biểu tượng cao đẹp cho tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập tự do, ý chí tự cường và tinh thần dũng cảm trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, để lại nhiều bài học quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
YÊU SỬ VIỆT st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét