Lý Chiêu Hoàng - Vị vua có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử Việt Nam!
YEUSUVIET - Là nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử vương triều phong kiến Việt Nam, song Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh) ở ngôi báu chỉ hơn một năm. Vì thế sách sử khi viết về bà cũng chỉ đề cập đến với những dòng sơ lược. Vậy nên ngày nay hậu thế biết rất ít về cuộc đời lắm nỗi truân chuyên của bà.
Bài liên quan
"Nữ hoàng duy nhất nước Nam ta
Bi kịch cuộc đời, nỗi xót xa
Chồng phụ: Trao duyên cho chị ruột
Mẹ gian: Quên hận giết cha già
Nhường ngôi, mang tội, xa hoàng tộc
Tái giá, giảm điều hận kiếp hoa
Mọi chuyện đều do ai dàn dựng
Trẻ thơ, sao đảm việc sơn hà."
(Nguồn: thivien.net)
Trải qua 7 chức vị trong cuộc đời: từ Công chúa của triều Lý, được sắc phong làm Hoàng Thái tử, lên ngôi Hoàng đế nhà Lý lúc mới tròn 6 tuổi, lấy Trần Cảnh (Trần Thái Tông) và trở thành Hoàng hậu nhà Trần, lại xuống làm Công chúa, đi tu và thành Sư cô, cuối cùng là Phu nhân tướng quân nhà Trần. Có thể nói, cuộc đời của Vua Lý Chiêu Hoàng là cuộc đời lạ lùng nhất, bi kịch nhất và nhiều nước mắt nhất trong lịch sử Việt Nam!
Vua Lý Chiêu Hoàng tên khai sinh là Lý Phật Kim, là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông và Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung (hay còn gọi Kiến Gia Hoàng Hậu, Thuận Trinh Hoàng Hậu). Sinh ra vào buổi loạn thời, Nhà Lý bắt đầu suy vi, nhà Trần lại đang lớn mạnh, bà như một quân cờ để chính những người thân ruột thịt điều khiển trên bàn cờ chính trị. Vua cha là Lý Huệ Tông, vào những năm cuối đời mắc bệnh, không thể đảm đương việc triều chính. Giặc cướp nổi lên như ong, chính sự ngày một đổ nát.
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), Vua Lý Huệ Tông bị Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ xa của Hoàng hậu Trần Thị Dung) ép đi tu, nhường ngôi lại cho con gái Lý Phật Kim. Sau khi lên ngôi năm 6 tuổi, Lý Phật Kim đổi tên thành Lý Chiêu Hoàng. Từ đây, mọi sóng gió bắt đầu phủ xuống đầu vị Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam.
Lên ngôi khi còn non nớt, mọi việc chưa thể cai quản, Lý Chiêu Hoàng vẫn sống vô tư như một đứa trẻ, không hề biết bao nhiêu toan tính đang bủa vây mình. Có lẽ ngài cần lắm một người bầu bạn để có thể bớt nỗi cô đơn trong cung điện xa hoa lộng lẫy này. Hiểu điều đó, năm 1225, Trần Thủ Độ đưa cháu của mình là Trần Cảnh (sau là vua Trần Thái Tông) vào cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng yêu mến, thường xuyên gần gũi, trêu đùa.
Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Ảnh: Thanh Niên |
Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép:
Một hôm, Cảnh lúc ấy 8 tuổi phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng thấy thế làm ưa, mỗi khi chơi đêm đều cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng trên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh.
Những việc như vậy Trần Cảnh đều kể lại cho Trần Thủ Độ, và ông không cho rằng đó là việc trẻ con. Nhân cớ ấy, ông bèn tác hợp cho nhà vua và cháu mình. Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (1225), theo sự “gợi ý” của Trần Thủ Độ, Vua Lý Chiêu Hoàng ra chiếu chỉ nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, cháu Trần Thủ Độ.
Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An. Trước bá quan văn võ, vua Lý Chiêu Hoàng cởi hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trần Thái Tông; đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất. Trần Cảnh lên làm Vua, phong cho Lý Chiêu Hoàng làm Lý Chiêu Thánh Hoàng hậu.
Sau khi bà đã nhường ngôi cho chồng để lui về làm Hoàng hậu, thuận lợi chuyển giao từ nhà Lý sang nhà Trần mà không vướng phải sự phản đối nào từ triều đình và dân chúng. Triều đại nhà Trần bắt đầu từ đây.
Nhưng bi kịch từ đó mới bắt đầu ập đến với bà. Vua Trần Cảnh và Hoàng hậu Lý Chiêu Thánh sống chung tình. Đến năm Quý Tỵ (1233), thì sinh ra Thái tử Trần Trịnh, nhưng vừa sinh ra, Thái tử đã chết. Lúc này, Trần Thủ Độ và vợ là Trần Thị Dung sợ Vua Trần Thái Tông tuyệt tự, không người nối dõi ngôi Vua, cho nên vào tháng 1 năm Đinh Dậu (1237), họ ép Công chúa Lý Thuận Thiên (chị ruột của Lý Chiêu Hoàng), vợ Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh) khi ấy đang có mang, lấy Trần Cảnh, lập làm Thuận Thiên Hoàng hậu. Thật đau xót lắm thay cho thân phận nữ nhi thời phong kiến! Cho dù là Nữ hoàng, là Hoàng Hậu nhưng cũng không có bất kì quyền hành triều chính, thậm chí không có quyền quyết định cuộc đời, quyết định hôn nhân của chính mình…
Thương vợ, Hoàng đế Trần Thái Tông kịch liệt phản đối. Tình cảm vợ chồng hơn mười năm bên nhau từ thuở còn thơ, nhờ bà mà ngài mới có ngày hôm nay. Vì vậy bà được nhà vua hết sức chiều chuộng và kính trọng. Không đành lòng, ngài bỏ lên núi Yên Tử tìm sư Phù Vân để nhờ nương tựa nhưng bị Trần Thủ Độ ép phải quay về. Còn về phần Lý Chiêu Hoàng, vì quá buồn rầu nên bà đã đi tu để không còn vướng bận cuộc đời đã quá đỗi đau thương, đầy nước mắt.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ nhất (1257 - 1258), tướng Lê Tần lập được nhiều chiến công, được vua khen ngợi, cho đổi tên thành Lê Phụ Trần và gả vợ cũ là Chiêu Thánh Công chúa cho. Có lẽ ngài thương xót cho số phận của bà, cho những bất hạnh mà bà phải chịu. Ngài muốn bù đắp cho bà, mong bà bớt cô đơn khi tuổi già. Về chuyện này, Đại Việt sử kí toàn thư có chép:
Vua nói rằng: Trẫm không có khanh há có được ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc trọn vẹn về sau.
Và năm 40 tuổi, bà một lần nữa kết hôn với Lê Phụ Trần sau bao năm tháng cô đơn lẻ bóng, được ông yêu thương hết mực. Theo một số tư liệu, sau khi được gả cho Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh theo chồng về ở tại đất Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), sau đó về Ái Châu ( Thanh Hóa ngày nay). Vợ chồng bà có hai người con một trai một gái. Con gái là Ứng Thụy Công chúa Lê Ngọc Khuê. Con trai chính tên là Lê Tông, đến khi trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu, được Vua ban quốc tính và đổi tên thành Trần Bình Trọng. Trần Bình Trọng là danh tướng với câu nói bất hủ:
Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.
Lý Chiêu Hoàng mất năm 60 tuổi, được an táng ở bìa rừng Báng, người đời sau lập đền thờ cho bà gọi là Long miếu (đền Rồng). Miếu này đến nay không còn. Tương truyền, khi qua đời, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn ửng hồng. Thật là hồng nhan bạc phận!
Ở Bắc Ninh có đền thờ Lý Bát Đế, thờ 8 vị vua triều Lý, gọi là đền Đô. Như vậy, không có Lý Chiêu Hoàng. Vì dân gian cho rằng bà đã làm mất ngôi nhà Lý, có tội với hoàng tộc. Về vấn đề này, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn đã phán đoán: Lý Chiêu Hoàng không được thờ ở đền Đô có thể vì bà mới làm Vua được 2 năm, mà năm lên làm Vua mới 7- 8 tuổi, cho nên không nắm thực quyền...
Thương cảm trước số phận Lý Chiêu Hoàng, nhà thơ Tản Đà có bài thơ Vịnh Lý Chiêu Hoàng như sau:
Quả núi Tiên Sơn có nhớ côngMà em đem nước để theo chồngẤy ai khôn khéo tài dan díuNhững chuyện hoa tình có biết không?Một gốc mận già thôi cũng phảiHai trăm năm lẻ thế là xongHỏi thăm sư cụ chùa Chân GiáoKhách khứa nhà ai áo mũ đông
Bài viết đã đăng trên fanpage YÊU SỬ VIỆT - https://www.facebook.com/yeusuviet/posts/4666396580076480
CTV Tạ Phương Hảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét