YEUSUVIET - Lăng vua Thiệu Trị là một khu vực rộng lớn, bao gồm 3 khu lăng: Xương lăng, Hiếu Đông lăng và Xương Thọ lăng, ngoài ra còn có nhiều tẩm mộ của một số thành viên trong gia đình vua Thiệu Trị.
Bài liên quan
>>> Đại Việt những năm tháng điêu tàn - Cuối đời Nhà Lý
>>> Ngô Quyền khôi phục quốc thống, giành lại trời Nam
>>> Nội chiến Việt Nam - Trịnh - Nguyễn phân tranh và mưu đồ dòng họ.
>>> Ngô Quyền khôi phục quốc thống, giành lại trời Nam
>>> Nội chiến Việt Nam - Trịnh - Nguyễn phân tranh và mưu đồ dòng họ.
- Xương lăng: Có bố cục chia thành 2 phần: khu tẩm thờ (bên hữu) và khu lăng mộ (bên tả), đặt song song với nhau, đều dựa lưng vào núi thấp, hướng mặt ra đồng ruộng, về phía tây bắc, không có la thành bao bọc; tổng diện tích khu vực này khoảng 6ha. Về quy mô và hình thức kiến trúc, các công trình tại Xương lăng gần tương tự với Hiếu lăng của vua Minh Mạng, nhưng nhỏ và đơn giản hơn. Mở đầu trục tẩm thờ là bình phong xây gạch, tiếp đó là ao bán nguyệt (rộng 2.400m2), đến phường môn bằng đá cẩm thạch, rồi sân tế với 3 tầng, lát gạch Bát Tràng, lối giữa lát đá Thanh.
Khu vực tẩm điện có tường thành hình chữ nhật bao bọc, trổ cửa 4 phía; mặt trước là Hồng Trạch Môn, cấu trúc tựa Hiển Đức Môn của lăng Minh Mạng, tiếp đến là điện Biểu Đức(mặt nền 23,4m x 21,5m), cấu trúc nhà kép gần như điện Sùng Ân, trước và sau ở 2 bên cũng có Tả hữu vu, Tả hữu tòng viện. Cổng sau kiểu cửa vòm xây gạch. Trục lăng mộ mở đầu bằng hồ Nhuận Trạch hình bán nguyệt (3.300m2), sau đó là bình phong xây gạch, nghi môn đúc bằng đồng, rồi đến sân chầu lát gạch Bát Tràng với hai bên là thạch tượng sinh (voi, ngựa, quan văn, quan võ).
Tiếp theo là tòa bi đình, đặt trên nền đài cao 2,65m, cấu trúc gần giống nhà bia lăng Minh Mạng bên trong đặt tấm bia Thánh Đức Thần Công do vua Tự Đức soạn. Tiếp đến là Đức Hinh lâu, và chếch ra sau là Hiển Quang Các. Đức Hinh Lâu kiến trúc tương tự như Minh Lâu nhưng chỉ còn lại nền móng (mặt nền 18,5m x 18,5m); hai bên có 2 trụ biểu xây gạch. Tiếp theo là hồ Ngưng Thuý, rộng 7.600m2, hình bán nguyệt, ôm bọc lấy Bảo thành hình tròn. Nối thông qua hồ là 3 chiếc cầu: Chánh Trung, Đông Hòa (tả) và Tây Định (hữu). Bảo thành xây gạch, cửa bằng đồng, chu vi 260m, bên trong trồng thông um tùm tựa bảo thành lăng Minh Mạng.
- Xương Thọ lăng: Là lăng của bà thái hậu Từ Dũ (thân mẫu vua Tự Đức), nằm ở phía tây của phần tẩm thờ, cấu trúc khá đơn giản. Phía trước có hồ bán nguyệt, sau là 3 tầng sân tế. Bảo thành gồm 2 lớp hình chữ nhật lồng vào nhau. Lần tường ngoài cao 3,6m, chu vi 89,4m; lần tường trong cao 2,65m, chu vi 60,5m; trước sau đều có bình phong che chắn, cánh cửa làm bằng đồng. Bảo phong xây kiểu thạch thất như lăng Gia Long.
- Hiếu Đông lăng: Là lăng của bà Thái hậu Hồ Thị Hoa, thân mẫu vua Thiệu Trị. Lăng nằm phía trước Xương lăng, gần bờ sông Hương. Bố cục chia thành các phần: khu ngoại lăng, khu nội lăng, khu tẩm phụ thuộc. Khu ngoại lăng gồm Bến Ngự (bến thuyền bên sông Hương), Ngự Lộ (con đường đất rộng 3m dẫn vào lăng), 2 Trụ biểu xây gạch cao 15m, Công Sở Đài (tòa nhà dành cho binh lính canh trực, rộng 5 gian, nay đã bị hủy hoại). Khu nội lăng bắt đầu bằng hồ bán nguyệt (rộng hơn 2.000m2), rồi đến 3 sân chầu; sân tế lát gạch Bát Tràng (lối giữa lát đá Thanh); rồi đến Bảo thành. Bảo thành quy chế 2 lớp bao bọc lấy Bảo phong ở trong; lớp tường ngoài dài 26m, rộng 20,7m, cao hơn 3m; tường trong dài 16m, rộng 13,8m, cao 2,6m. Bảo phong xây đá Thanh, kiểu thức như lăng Thiên Thọ, dài 4m, rộng 3,12m, cao 1,3m; phía trước có hương án bằng đá; trước sau đều có bình phong che chắn. Các lăng mộ phụ thuộc có lăng cố Hoàng Nữ, lăng Tảo Thương và lăng Chư Công; đây là tẩm mộ của những người con của nhà vua bị chết khi còn nhỏ.
Lăng vua Tự Đức
Đây là khu lăng mộ rộng lớn với tổng diện tích gần 500ha, riêng nội lăng khoảng 15ha, bao gồm 3 khu lăng: Khiêm Lăng, Khiêm Thọ Lăng và Bồi Lăng. Điểm đặc biệt của khu lăng này là toàn bộ việc thiết kế đều do vua Tự Đức thực hiện, và trong khoảng 16 năm sau khi xây dựng xong (1867-1883) nó là một ly cung, sau đó mới trở thành khu lăng tẩm.
- Khiêm Lăng: Về bố cục, nhìn chung lăng Khiêm Lăng kế thừa các ý tưởng của Xương Lăng (cũng là khu lăng do vua Tự Đức thiết kế) để chia lăng thành 2 trục: Lăng và Tẩm (nhưng Tẩm đặt bên tả, Lăng đặt bên hữu), đồng thời bổ sung thêm kiến trúc vườn cảnh ở mặt trước, bao quanh hồ Lưu Khiêm, nên tổng thể khu lăng trông mềm mại, nên thơ hơn rất nhiều. Ngoài 2 trục lăng chính thì Khiêm Thọ Lăng và Bồi lăng đều là những lăng mộ được táng vào sau, không theo quy hoạch từ đầu nên đã ảnh hưởng đến tổng thể kiến trúc của lăng Tự Đức. La thành xây bằng gạch, đá núi, cao 2,5m, dài hơn 1500m, mở 3 cửa: Vụ Khiêm, Thượng Khiêm và Tự Khiêm.
Khu vực cảnh quan phía trước chủ yếu là hồ Lưu Khiêm, lấy nước từ bên tả, chạy suốt ôm vòng cả hai trục lăng và tẩm. Giữa hồ có Khiêm Đảo, trên dựng 3 ngôi đình nhỏ là Nhã Khiêm, Lạc Khiêm và Tiêu Khiêm, bên bờ hồ có 2 tòa thủy tạ Dũ Khiêm và Xung Khiêm; lại có 3 chiếc cầu gạch Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm nối liền hai bờ hồ và chiếc cầu gỗ nối qua đảo. Trục Tẩm nguyên là phần chính của ly cung, ngoài có 2 tòa nhà vuông Công Khiêm, Cung Khiêm, cửa chính là Khiêm Cung Môn, 3 gian, có cổ lâu. Qua cửa hai bên là Lễ Khiêm Vu và Pháp Khiêm Vu, điện chính Hoà Khiêm làm theo kiểu nhà kép (mặt nền), là nơi thờ bài vị vua Tự Đức và hoàng hậu.
Phía sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, vốn là tẩm cung dành vua nghỉ ngơi, sau thành nơi thờ Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua); hai bên là Ôn Khiêm Đường (nhà để trang phục) và Minh Khiêm Đường (nhà hát riêng của vua), phía sau là Tòng Khiêm viện và Dụng Khiêm viện. Sau nữa lại có Ích Khiêm Các, vườn hoa. Bên hữu trục tẩm có một khu vực rộng với nhiều dãy nhà ngăn thành các phòng nhỏ, là nơi dành cho phi tần ở mỗi khi nhà vua lên Khiêm Cung. Gần ra phía trước là Chí Khiêm Đường (nơi thờ cung phi tiền triều), hai bên có Y Khiêm Viện và Trì Khiêm Viện. Trục lăng đặt lùi về phía sau so với trục tẩm (xây dựng cũng muộn hơn).
Mở đầu là sân chầu với hai hàng thạch tượng sinh (tượng đắp vôi vữa), tiếp đến là bi đình trong đặt tấm bia khổng lồ khắc bài Khiêm Cung Ký do chính vua Tự Đức soạn. Bia cao 4m, rộng 2,15m đặt trên bệ đá cao 1m, dài 3,08m, rộng 1,6m. Tiếp đến là ao Tiểu Khiêm hình bán nguyệt, rồi bảo thành 2 lớp, trong dựng bảo phong bằng đá Thanh, kiểu dáng tựa Bảo phong lăng Gia Long. Bảo phong dài 2,96m, rộng 1,58m, cao 2,47m. Khiêm lăng cũng là ngôi lăng hiếm hoi mà quy chế về Huyền cung được quy định rõ. Một bản Tấu năm 1883 được phê chuẩn đã cung cấp những thông tin rất quý cho việc tìm hiểu khu lăng mộ này:
“Đã cho xây dựng Huyền Cung, tầng thứ nhất dùng quách gỗ, tầng thứ hai dùng quách đá, tầng thứ ba và dưới đáy đều lát 5 phiến đá; chu vi lần trong xây 2 lượt đá, lần ngoài xây gạch (dày 1 thước 5 tấc), bên trên xây nhà đá, kỷ đá, đều một tòa; mặt trước mở đường hầm, sẽ có xe rồng để đẩy vào. Lại xây tường thành, trong làm bình phong trước sau, cửa lầu, cửa ngách, cánh cửa bằng đồng, cột đồng trụ chạm vẽ hình rồng. Các khoản vật liệu cần dùng: đá Thanh, đá Quảng khoảng hơn 2000 phiến; các hạng gạch hơn 400.000 viên; các hạng ngói hơn 7000 viên; các hạng vôi hơn 20.000 cân; các hạng trà hơn 480.000 cân; nhựa thông hơn 700 cân; chì hơn 1000 cân, mật mía hơn 30.000 cân; sắt hơn 3000 cân; lưới rách hơn 200 cân; còn các hạng thuốc trên dưới 20, 30 cân; Quản suất viên binh hơn 1200 người; thợ đá 200 tên, thợ mộc 150 tên, thuyền Ô, thuyền Lê, san bản 15 chiếc, nhận làm việc 1 năm 2 tháng17”.
- Lăng Khiêm Thọ: Quy mô khá nhỏ, nằm bên tả phần Lăng, đối diện qua hồ Lưu Khiêm. Khu lăng chỉ bao gồm 5 sân tế trong đó có 4 tầng lát gạch, bảo thành và bảo phong. Trên sân tế có sẵn nền nhà và các lỗ cột để dựng nhà Hoàng ốc mối khi tế lễ. Bảo thành 2 lớp tường, trước sau đều có bình phong che chắn. Tường ngoài 31,5m x 21,3m; tường thành trong 19m x 14,55m. Bình phong trước của lăng Khiêm Thọ được trang trí ghép sành sứ rất đẹp. Bảo phong xây bằng đá Thanh, tương tự lăng vua, dài 2,96m, rộng 1,58m, cao 2,5m. Việc xây dựng lăng Khiêm Thọ đã được chuẩn bị từ năm 1888 dưới thời vua Đồng Khánh, khi đó triều đình đã bắt đầu cho xây Huyền cung, làm toại đạo. Sau khi hoàng hậu Lệ Thiên qua đời, triều đình mới hoàn chỉnh việc xây dựng và dâng tên lăng (năm 1902).
- Bồi lăng: Lăng được xây dựng năm 1884, sau khi vua Kiến Phúc băng hà sau 4 tháng trị vì. Vị vua này là một trong 3 người con nuôi của vua Tự Đức nên trong bối cảnh đất nước vô cùng khó khăn, triều Nguyễn đã quyết định bồi táng ông vào khuôn viên lăng vua cha, lấy tên là Bồi Lăng. Lăng nằm ở bên tả ngạn hồ Lưu Khiêm, cùng phía với Khiêm Thọ Lăng. Khu lăng chia thành 2 phần: phần Tẩm thờ sử dụng tòa Chấp Khiêm Trai (đổi thành Chấp Khiêm Điện) làm nơi thờ tự, bên tả là lăng nhà vua. Chấp Khiêm Điện kiểu nhà kép nhưng cấu trúc đơn giản (mặt nền 16,3m x 10,8m), bên hữu còn có hành lang, nhà phụ. Sau điện có nền móng Di Khiêm Lâu, đây vốn là tòa nhà 2 tầng (36 cột trụ, mặt nền 16,3m x16,3m), đặt trên nền cao 1,56m, khi xây Bồi Lăng bị triệt giải. Khu lăng có 3 tầng sân tế, 2 vòng tường thành, vòng ngoài 14,7m x 16,9m, cao 2,4m; vòng trong 10,2m x 8,2m, cao 1,8m. Bảo phong xây rất thấp, cao 0,37m, dài 2,7, rộng 1,4m, bên dưới là Huyền cung, quy cách xây dựng cũng được tư liệu ghi rõ.
Bài tiếp theo: Quy mô, cấu trúc và vật liệu xây dựng lăng Vua Nguyễn - Dục Đức, Đồng Khánh và Khải Định.
Nguyễn Phúc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét