Phạm Quỳnh (1892 - 1945) - Một nhà Nho, một nhân sĩ yêu nước.
YEUSUVIET – Lịch sử Việt Nam trước những ngày hòa bình, độc lập luôn là những ngày của tranh đấu và đấu tranh. Trong những ngày tháng “tiền hòa bình, độc lập” đó, không ít những con người Việt Nam đã phải vĩnh viễn nằm lại phía bên bờ chương mới của lịch sử dân tộc, và cụ Phạm Quỳnh (1892 – 1945) là một người Việt Nam như thế.
Bài liên quan
Cụ Phạm Quỳnh sinh năm 1892 tại Hà Nội nhưng có nguyên quán tại Hải Dương ngày nay. Sau này, khi bắt đầu có những ảnh hưởng trong đời sống văn hóa, chính trị Việt Nam, khi có người chỉ trích ông “bán nước”, ông đã đáp lại với câu nói nổi tiếng: Khi tôi sinh ra thì nước đã mất rồi, tôi làm sao bán được! Chưa đến 10 tuổi, Cụ đã mất cả cha lẫn mẹ, nhờ bà nội lo toan mà học hành thành tài về sau. Cụ Phạm Quỳnh học giỏi, có học bổng, đỗ đầu bằng Thành chung (tốt nghiệp) Trường trung học Bảo hộ (tức Trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn). Từ năm 1916, ông tham gia viết báo cho một số tờ. Ông làm chủ bút (tương đương chức vụ Tổng biên tập) của Nam Phong tạp chí từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 cho đến năm 1932.
Việc thành lập tạp chí "Nam Phong tạp chí" là chủ trương của chính phủ Liên bang Đông Dương do toàn quyền Pháp là Albert Sarraut đề xướng với mục tiêu đẩy mạnh ảnh hưởng văn hóa và chính trị của Pháp. Kinh phí của báo là do chính phủ Pháp trang trải, cùng đứng tên là Giám đốc Sở mật thám Đông Dương Louis Marty. Bằng vai trò chủ bút “Nam Phong tạp chí”, Cụ Phạm Quỳnh đã đặt những viên gạch đầu tiên của riêng mình về việc truyền bá, phổ biến văn hóa dân tộc bằng chữ Quốc ngữ đến đông đảo thành phần dân chúng hơn. Cụ viết, trình bày các vấn đề về văn hóa, kinh tế, chính trị, dân tộc… theo cách dân dã, dễ hiểu và tuyệt nhiên chưa bao giờ có dòng nào hạ thấp văn hóa dân tộc trong “Nam Phong tạp chí”. Nam Phong tạp chí tuyên bố mục đích là gây dựng một nền học thuật mang tính dân tộc và đại chúng của người Việt nhằm phát triển văn hóa và khoa học của Việt Nam có thể sánh vai với các nước trên thế giới.
Từ những mốc thời gian 1930, 1939, 1945… tình hình chính trị, xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bắt đầu có những biến động từ nhỏ lẻ đến lớn mạnh nhất định. Chủ nghĩa Cộng sản nổi lên như sự đối kháng hữu hiệu nhất với Chủ nghĩa Thực dân cũ và từng bước thể hiện vai trò quan trọng của mình trong các phong trào giành độc lập tuyệt đối cho Việt Nam trong thời kỳ này. Trong hoàn cảnh đó, Cụ Phạm Quỳnh chọn cho mình một lối đi không chống lại nhưng cũng không hoàn toàn đi theo. Như cả cuộc đời mình, Cụ hết lòng, hết sức cho một Việt Nam độc lập khỏi sự cai trị và đô hộ của người Pháp nhưng dường như con đường cuối cùng Cụ hướng đến là nền Quân chủ Lập hiến cho Việt Nam hơn là một nền Dân chủ Cộng hòa.
Là một con người mang nặng tinh thần chủ nghĩa dân tộc, một nhà Nho truyền thống và thông hiểu văn hóa Đông – Tây, Cụ chọn cho mình lối đi từng bước lấy lại nền độc lập cho người Việt Nam bằng những cam kết sẽ trao trả của người Pháp, như Cụ đã từng viết:
Về phương diện quốc gia thì sự khủng hoảng ấy có thể tóm lại một câu như sau: Chúng tôi là một dân tộc đang đi tìm tổ quốc mà chưa thấy tổ quốc ở đâu… Chúng tôi chỉ thỉnh cầu ngài có một điều, một điều rất thiết tha quan hệ hơn cả các điều khác, là xin ngài cho chúng tôi cái tổ quốc để chúng tôi thờ.
Tuy nhiên, là một phần của lịch sử, lịch sử của thời kỳ trước năm 1945 đã không chọn lối đi riêng của Cụ… Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Việt Minh giành chính quyền và kết thúc tất cả Chính phủ mới của thủ tướng Trần Trọng Kim kể cả chế độ quân chủ dưới quyền vua Bảo Đại. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại quảng trường Ba Đình, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chấm dứt 80 năm đô hộ của người Pháp. Nhưng ít ngày sau ngày Độc lập, Cụ Phạm Quỳnh bị du kích địa phương (Thừa Thiên – Huế) xử bắn, kết thúc cuộc đời của một người Việt Nam đang gắng gượng, vẫy vùng vươn lên khỏi dòng chảy lịch sử.
Vẫn còn rất nhiều những câu hỏi về cái chết của Cụ Phạm Quỳnh, nhưng như sử gia Trần Huy Liệu đã nói:
Cái chết của Phạm Quỳnh là hậu quả tất yếu của chủ nghĩa tả khuynh ở một địa phương cụ thể, chủ nghĩa tả khuynh ở địa phương này (và một số không ít địa phương khác) lạc lõng trong toàn bộ cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đại đoàn kết toàn dân và cơ bản không đổ máu do đường lối chính sách của Hồ Chí Minh. (https://xuanay.vn/pham-quynh-va-ban-tu-hinh-doi-voi-ong/).
Cuối cùng, là một con người của lịch sử, sinh ra trong thời kỳ Tổ quốc đã mất về tay người ngoại bang, Cụ Phạm Quỳnh đã chọn cho mình con đường đi theo chủ nghĩa dân tộc, giải phóng dân tộc từ con đường văn hóa, tri thức… nhưng đau đớn kết thúc cuộc đời mình trong bi kịch của những tiếng nói không đúng về cuộc đời Cụ. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:
Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này.
Đến hôm nay, lịch sử hiện đại đã đánh giá lại, rõ ràng hơn, khách quan hơn, công bằng hơn cho cuộc đời Cụ Phạm Quỳnh.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua một thế kỷ XX đầy những biến động, chứng kiến lớp lớp người Việt Nam sôi sục một lòng yêu nước nồng nàn quyết dốc hết đời mình đấu tranh, phụng sự cho nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Có những người đã trải qua những ngày tháng máu lửa và rồi điền viên với những năm tháng cuối đời trong hòa bình. Nhưng cũng có những con người đã hy sinh cho lý tưởng mình theo đuổi, gánh chịu những tai tiếng không có và cũng đến ngày được rửa sạch nỗi oan khuất… Người mất nhưng tinh thần, ý chí và danh tiếng của người sẽ mãi còn với núi sông, là như vậy!
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét