Lịch sử xây dựng lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn. - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Lịch sử xây dựng lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn.

Share This
Lịch sử việt nam, vietnamese history, ho chi minh, vo nguyên giáp general, trần hưng đạo, việt nam sử lược, trần trọng kim, lê thái tổ, nhà trần, gia long, quang trung, lê thánh tông, chiêm thành, thăng long, phan thanh giản, Tứ Phủ Xét Giả, board game

YEUSUVIET - Lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn là một trong những bộ phận quan trọng trong tổng thể kiến trúc kinh đô Huế - Di sản văn hóa thế giới được UNESCO tôn vinh từ năm 1993. Nói đến Huế, người ta không chỉ nghĩ đến thành trì, cung điện, đàn miếu, chùa quán mà còn nghĩ ngay đến các khu lăng tẩm rộng lớn của các vua Nguyễn, những công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống và sự hài hòa với tự nhiên.  

Bài liên quan

Ảnh hưởng sâu sắc quan niệm "sinh kí tử quy" (sống gửi, thác về), từ hàng ngàn năm trước, vua chúa Trung Hoa đã hết sức quan tâm đến việc xây dựng lăng mộ-ngôi nhà ở thế giới bên kia của họ. Các từ lăng mộ, lăng tẩm... đều xuất phát từ Trung Quốc. Lịch sử cũng ghi nhận từ hàng ngàn năm trước Trung Quốc đã có những ngôi lăng mộ vĩ đại, được xem là những kì quan của phương Đông cổ, như lăng Tần Thủy Hoàng, lăng của Hán Võ Đế, lăng của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên.vv.. 

Do có lịch sử lâu đời và tồn tại như một dòng kiến trúc đặc thù, lăng mộ Trung Quốc từ rất sớm đã có những quy thức riêng và ở từng thời kì lịch sử cụ thể cũng có sự khác biệt. Đây là nguyên do kiến trúc lăng mộ Trung Quốc có nhiều phong cách khác nhau, như lăng mộ thời Tần- Hán; lăng mộ thời Tam Quốc; lăng mộ thời Đường-Tống; lăng mộ thời Minh -Thanh... Do chịu ảnh hưởng từ lâu đời của văn hóa Trung Hoa, ở Việt Nam, kiến trúc lăng mộ cũng xuất hiện sớm. Khảo sát của giáo sư Chu Quang Trứ cho thấy, từ thời Ngô Quyền đã chú ý đến việc xây cất lăng mộ, còn lăng của các vua Trần ở Thái Bình thì đã được xây dựng với quy mô khá lớn. 

Ở các triều đại tiếp theo, lăng tẩm của vua chúa, hậu phi cũng luôn được xây dựng công phu, nhất là lăng tẩm của vua Lê ở vùng Lam Kinh, Thanh Hóa. Tuy nhiên, phải đến thời Nguyễn (1802-1945), kiến trúc lăng mộ mới trở thành một dòng riêng và đạt đến những thành tựu độc đáo. Thực ra từ trước đó, thời các chúa Nguyễn (1558-1775), đặc biệt là ở giai đoạn cuối, cùng với việc kiến thiết Huế trở thành Kinh đô của vương quốc Đàng Trong, vấn đề quy hoạch vị trí các lăng tẩm cho các chúa và phi đã được giải quyết khá hoàn chỉnh. Quan sát kỹ khu vực Huế trên Bình Nam Đồ của Bùi Thế Đạt vẽ năm Gíap Ngọ (1774), chúng ta có thể thấy rõ điều này. 

Khi ấy, Đô thành Phú Xuân đã được xây dựng ở bờ bắc sông Hương (bên trong Kinh thành hiện nay), xây mặt về hướng nam; các khu buôn bán và cảng thị Thanh Hà nằm ở phía đông, phía hạ lưu sông Hương; còn đàn miếu của hoàng triều cùng lăng mộ các chúa và phi đều được bố trí ở phía tây và tây-nam, trên thượng nguồn sông Hương. Nghĩa là quy hoạch đô thị Huế lúc ấy đã gần tương tự như dưới thời Nguyễn. Tuy nhiên, về mặt quy mô, lăng mộ của các chúa ở thời kì này chưa thể so sánh với lăng tẩm các vua Nguyễn sau đó. Đáng tiếc là hầu hết các lăng mộ chúa Nguyễn đều bị tàn phá dưới thời Tây Sơn và được tái cấu trúc lại dưới thời vua Nguyễn nên rất khó có thể đưa ra các nhận xét cụ thể hơn. Nhưng kết quả khảo sát các lăng mộ này vẫn đủ để chúng tôi khẳng định rằng, từ thời các chúa Nguyễn, ứng dụng phong thủy trong việc xây dựng lăng mộ đã được rất chú ý.
 
Lịch sử việt nam, vietnamese history, ho chi minh, vo nguyên giáp general, trần hưng đạo, việt nam sử lược, trần trọng kim, lê thái tổ, nhà trần, gia long, quang trung, lê thánh tông, chiêm thành, thăng long, phan thanh giản, Tứ Phủ Xét Giả, board game

Sau khi sáng lập ra triều Nguyễn, chính trên cơ đồ mà tổ tiên đã dày công xây đắp, vua Gia Long (1802-1820) đã cho xây dựng kinh đô Huế với quy hoạch gần tương tự như thời kỳ đô thành Phú Xuân của các chúa, nhưng quy mô lớn hơn rất nhiều. Đối với việc kiến trúc lăng mộ, sau khi cho xây dựng lại hệ thống lăng các chúa và phi bị tàn phá trong thời Tây Sơn, vua Gia Long đã tự chọn đất để xây dựng cho mình một “ngôi nhà vĩnh cửu” ở trong khu vực mà tổ tiên ông đã chọn làm nơi yên nghỉ cho họ Nguyễn, gọi là Thiên Thọ lăng, bắt đầu từ năm 1814 và hoàn thành năm 1820. Khu lăng này về sau phát triển rộng ra, trở thành một quần thể với 7 khu lăng mộ khác nhau, rộng đến 2.875ha, chủ yếu thuộc đất làng Định Môn, huyện Hương Trà, cách trung tâm Kinh thành gần 16 km. Đây cũng là vị trí xa nhất, vị trí tận cùng ở phía tây nam Kinh thành. 

Các vua Nguyễn về sau đều chọn các địa điểm gần Kinh thành hơn và đều nằm hai bên bờ sông Hương. Có thể nói rằng, vua Gia Long là người sáng lập ra triều Nguyễn, là người cho xây dựng Kinh thành Huế và đặt một số cơ sở đầu tiên cho các quy thức về kiến trúc lăng mộ. Tuy nhiên, những quy thức, định chế ấy về cơ bản là do vua Minh Mạng đặt ra và chúng tiếp tục được bổ sung bởi các vua Nguyễn đời sau. 

Năm 1840, vua Minh mạng bắt đầu cho khởi công xây dựng Hiếu Lăng cho chính mình sau 14 năm đi tìm kiếm vùng đất tốt, tại núi Cẩm Kê cạnh ngả ba Bằng Lãng. Tuy nhiên, việc xây cất mới bắt đầu thì nhà vua đột ngột băng hà. Vua Thiệu Trị (1841-1847) tiếp tục xây dựng khu lăng tẩm này. Hiếu Lăng được xây dựng chủ yếu từ năm 1840-1843, sau còn được hoàn chỉnh thêm. Tổng thể Hiếu lăng theo quy hoạch, rộng gần 500ha. Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà sau 7 năm trị vì, vị hoàng đế kế vị là vua Tự Đức đã chọn vùng đất ở xã Cư Chánh, huyện Hương Thủy để xây dựng Xương lăng cho cha mình. Công việc xây lăng chủ yếu thực hiện trong năm 1848, sau có bổ sung thêm. 

Tổng thể lăng vua Thiệu Trị, bao gồm cả Hiếu Đông lăng (lăng của bà Hồ Thị Hoa, thân mẫu nhà vua, được xây dựng từ trước, tôn tạo thêm trong các năm 1841- 1843) có quy mô 475ha. Từ năm 1864-1867, sau khi chọn được vùng đất “vạn niên cát địa” ở làng Dương Xuân, cách Kinh thành khoảng 7km, vua Tự Đức cho xây dựng Khiêm Cung, chuẩn bị ngôi nhà vĩnh hằng cho chính mình. Khiêm Cung tồn tại như một ly cung từ năm 1867- 1883, rồi mới trở thành Khiêm Lăng sau khi nhà vua băng hà và được an táng tại đây. Năm 1884, triều Nguyễn xây thêm Bồi Lăng trong phạm vi Khiêm Lăng để an táng vua Kiến Phúc (vị vua này vốn là con nuôi của vua Tự Đức và chỉ tại vị trong 4 tháng); năm 1902, lại xây thêm Khiêm Thọ Lăng để an táng bà Lệ Thiên Anh hoàng hậu Võ Thị Duyên (chính thất của vua Tự Đức). 

Như vậy, khu lăng Tự Đức có đến 3 khu lăng tẩm khác nhau. Nếu tính chung cả khu vực lăng vua Đồng Khánh thì tổng diện tích toàn khu vực này cũng gần 500 ha. Lăng vua Dục Đức, tên chữ là An Lăng, được vua Thành Thái (con trai nhà vua) cho xây dựng vào năm 1890 dưới chân núi Ngự Bình; sau đó bổ sung một số công trình vào năm 1899. Đây là lăng mộ được xây dựng đơn giản nhất, quy mô chỉ có 3.445m2. Về sau, người ta an táng thêm vua Thành Thái (vào năm 1954) và vua Duy Tân (cải táng năm 1987). Khu lăng mộ này không chỉ an táng 3 vị vua (cũng là ba thế hệ tiếp nối ông-cha-con) mà còn có nhiều thành viên trong gia đình. Khu lăng này chỉ cách Kinh thành 3km về phía nam. 

Lăng vua Đồng Khánh, tên chữ là Tư Lăng, được xây dựng từ năm 1889, sau khi vị vua này băng hà, tuy nhiên điện thờ chính thì sử dụng luôn điện Truy Tư vốn là điện thờ thân phụ nhà vua-ông Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai) làm tẩm điện, (đổi tên là điện Ngưng Hy). Thời vua Khải Định (1916-1925), triều đình cho xây dựng lại phần lăng mộ bằng các vật liệu mới, chủ yếu trong các năm 1916-1917. Đây là khu lăng mộ nằm kế bên lăng vua Tự Đức và vẫn được xem là cùng khu vực bảo vệ của khu lăng này. Lăng vua Khải Định, tên chữ là Ứng Lăng, ở vùng Châu Ê, được chính nhà vua chọn đất và cho khởi công xây dựng từ năm 1920. Sau khi vua băng hà và được an táng vào năm 1925, công trình được tiếp tục xây dựng đến năm 1931 mới hoàn thành. Đây là khu lăng được xây dựng muộn nhất nhưng cũng có thời gian lâu nhất của triều Nguyễn. 

Về quy trình xây dựng các lăng tẩm, do thiếu tư liệu nên chưa rõ thời chúa Nguyễn được tiến hành ra sao, còn quy trình xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn thì khá đồng nhất, bao gồm các công đoạn sau: 

- Tìm đất: Đây là công việc hết sức hệ trọng, tư liệu cho thấy hầu hết các lăng đều được chọn lựa vị trí rất công phu. Triều Nguyễn gọi đây là cuộc đất Vạn niên cát địa, nên dốc rất nhiều sức lực để kiếm tìm. Các thầy địa lý, quan lại đại thần giỏi về phong thủy đều được huy động tham gia công việc này. Lăng vua Gia Long do Lê Duy Thanh, con trai của Lê Quý Đôn tìm ra; lăng vua Minh Mạng thì do đại thần Lê Văn Đức tìm ra sau 14 năm tìm kiếm! Qúa trình tìm kiếm khu đất Vạn niên cát địa đều được tường thuật rõ trong văn bia Thánh đức thần công dựng tại các lăng. Sau khi chọn được đất quý, đích thân hoàng đế sẽ xem xét, quyết định phê duyệt, đổi tên đất, tên núi cho phù hợp. 

- Vẽ bản đồ địa cuộc, xác định vị trí đặt huyệt, quy hoạch các khu vực. Công việc này phần lớn do đích thân hoàng đế quyết định và bộ Công là cơ quan triển khai (trừ lăng vua Thiệu Trị, Dục Đức và Đồng Khánh do họ đột ngột băng hà). 

- Tiến hành xây dựng, bao gồm cả khâu chuẩn bị và chuyên chở vật liệu xây cất. Các vật liệu chính là gỗ, tre, gạch đá, ngói lợp, gốm sứ… Và chủ yếu được vận chuyển theo đường sông Hương để lên các khu lăng. Việc xây lăng bao giờ cũng huy động tài lực của cả quốc gia, tập trung các vật liệu tốt, thợ khéo từ các địa phương (như đá Thanh Hóa, gạch Bát Tràng, gỗ lim Thanh-Nghệ… hay thời Khải Định, triều đình còn nhập khẩu gốm sứ, ngói lợp từ châu Âu về). Lễ khởi công được xem là thời điểm xây dựng lăng. Người ta thường xây khu tẩm điện (phục vụ nghỉ ngơi, thờ cúng) trước, sau khi nhà vua băng hà mới xây Huyền cung, an táng và hoàn chỉnh các công trình ở khu vực lăng như nhà bia, tượng người, voi, ngựa. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhà vua băng hà đột ngột thì triều đình cho xây phần Huyền cung trước, sau đó mới hoàn chỉnh các phần khác. 

- Sau khi hoàn thành, triều đình tổ chức lễ tạ Sơn thần/Thổ thần (mỗi khu lăng đều có miếu thờ Sơn thần, vị thần được giao nhiệm vụ trông giữ khu vực lăng tẩm). 

Nhìn chung các khu lăng tẩm thời Nguyễn đều được xây dựng trong thời gian khá dài, lăng Gia Long 6 năm (1814-1820), lăng Minh Mạng 4 năm (1840-1843), lăng Tự Đức 4 năm (1864-1867), lăng Khải Định 11 năm (1920-1931)... và còn được bổ sung, tu bổ trong nhiều giai đoạn khác nhau. Như vậy, các lăng tẩm của triều Nguyễn tại Huế được xây dựng trong hơn 100 năm, chủ yếu từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 (chưa kể các lăng tẩm của chúa Nguyễn được xây dựng từ thế kỷ 18). Đây là giai đoạn đỉnh cao cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, cũng là giai đoạn tiếp thu mạnh mẽ những yếu tố văn minh bên ngoài, nhất là văn minh phương Tây. Chính vì vậy, quy thức lăng mộ cũng mang nhiều đặc điểm độc đáo, vừa kế thừa những yếu tố truyền thống, vừa có những điểm mới lạ do tiếp thu các yếu tố văn hóa ngoại lai.

Bài tiếp theo: Về tên gọi các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn.

Nguyễn Phúc Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (368) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (161) su-viet-hom-nay (100) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (85) su-kien-su-viet (76) sach-lich-su (73) facebook (53) sach-su-hien-dai (51) chong-phap (47) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (30) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (27) dia-danh-su-viet (23) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) cong-giao (5) ho-chi-minh (5) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)