YEUSUVIET.COM - Đà Nẵng, địa danh đã từng được người Phương Tây biết đến với tên gọi là Tourane, là thương cảng thu hút các luồng giao thương của các thương gia phương Tây, là điểm dừng chân đầu tiên cho những nhà truyền giáo ở xứ Đàng Trong và là nơi chủ nghĩa thực dân phương Tây chọn làm nơi khai hoả đầu tiên trong tiến trình xâm lược nước ta, nhằm thực hiện ý đồ chiếm giữ cả vùng Viễn Đông rộng lớn.
Bài liên quan
Song cái địa danh mà người địa phương gọi là Cửa Hàn hoặc Đà Nẵng, người phương Tây gọi là Turon, Tourane… còn lắm người tranh cãi này đã được xác định như thế nào trên bản đồ của Việt Nam từ xưa đến nay? Hẳn đó là một câu hỏi khá lý thú. Vùng đất được gọi là Đà Nẵng xưa kia, chính là cửa biển Đà Áo – một cách gọi của người xưa về Đà Nẵng ngày nay. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, Đà Nẵng chỉ giới hạn từ làng Thạch Thang đến cầu Phương Chính.
Năm 1888, Pháp ép vua Đồng Khánh ký một đạo dụ giao 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho chúng kiến thiết đô thị thì Đà Nẵng lúc này gồm các xã: Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên. Từ thế kỷ XVI trở đi, người ta lấy địa danh Đà Nẵng được ghi chú trong bảng đồ xứ Đàng Trong “An Nam hình thắng đồ”, lúc này Đà Nẵng là vùng đất nằm ven “Đà Nẵng môn”- chữ Đà viết thiếu nét. Trong “An Nam thống quốc toàn đồ”chữ “Đà Nẵng môn” được ghi đủ nét.
Tương tự như vậy, trong các bản đồ thời Hồng Đức hay bản đồ của các thương nhân, giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam từ xưa đến nay đều dành những nét vẽ và ghi chú chi tiết về địa danh có tên là Hàn hay Tourane này. Ngày nay, Đà Nẵng đã được xác định chính xác trên bản đồ Việt Nam và thế giới, nó được định vị tại toạ độ 108010‟30‟‟ kinh tuyến Đông đến 16617‟30‟‟ vĩ tuyến Bắc. Phía Bắc và phía tây Bắc của Đà Nẵng tiếp giáp với tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Đông vòng đến đông Nam giáp với biển Đông, phía Nam và tây Nam giáp với tỉnh Quảng Nam. Về khí hậu, Đà Nẵng có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa trung bình hằng năm là 2000mm, song độ chiếu nắng trong năm là tương đối lớn. Điều này cho ta thấy rằng khí hậu Đà Nẵng là tương đối phức tạp, song có phải sức nóng ở đây làm cho hằng trăm tên lính Pháp – Tây Ban Nha chiến ở Đà Nẵng trong 2 năm 1858 – 1860 phải chết hay không thì còn là việc phải bàn, hay đó chỉ là lời nguỵ biện?
Đường Thiên Lý chạy suốt từ Bắc vào Nam đi qua đèo Hải Vân hùng vĩ mà Hải Vân Quan còn lại cho đến ngày nay là cửa ải ghi dấu lại con đường xưa. Đoạn đường Thiên Lý đi qua tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ có đến 7 trạm khác nhau, các sử gia nhà Nguyễn gọi là Thất trạm, gồm các trạm: Nam Chân (dưới núi Chân Sảng, nơi nhà Nguyễn thiết lập đồn Chân Sảng), Nam Ô (gần cửa sông Cu Đê, thuộc làng Hoá Ổ, nay là phường Hoà Hiệp), Nam Giản, Nam Phước, Nam Ngọc, Nam Kỳ và Nam Vân. Núi Hải Vân còn là ranh giới tự nhiên giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, tại đây trước kia họ Trịnh từ đắp luỹ để chống Tây Sơn nên còn gọi là Đỉnh Luỹ.
Năm Minh Mạng thứ tư đặt tên núi là Định Hải, có xây pháo đài ở đây. Ngoài biển về phía Đông bắc nổi vọt lên một ngọn núi, năm Minh Mạng thứ 21 đặt tên là Ngự Hải, đây là mốc giới phía Bắc của cửa biển Đà Nẵng. Phía Tây Đà Nẵng có dãy núi Phước Tường với nhiều ngọn nhấp nhô, có ngọn cao đến 282m chạy dài ra đến tận núi Hải Vân, tạo thành một vòng cung bao bọc lấy Hoà Vang và Đà Nẵng. Đặc biệt, phía Bắc có “Núi Sơn Trà hình thế chót vót cao chục tầng mây, mây mù tự đấy mà ra. Phía Đông liền biển, Phía Đông Nam có một hòn núi tiếp liền trong như hình sư tử nên gọi là hòn Nghê. Phía Tây có hòn Mỏ Diều, có pháo đài Phòng hải ở đây, Phía Bắc là núi Cổ Ngựa, đối nhau với hòn Ngự Hải đứng sừng sững ở cửa biển. Phía Tây của cửa biển là Vũng Trà Sơn, là chỗ ẩn cho tàu thuyền”.
Chính tại bán đảo Sơn Trà này còn là nơi các vua Nguyễn đã thiết lập một hệ thống phòng thủ liên hoàn hòng giữ lấy cửa biển Đà Nẵng, cũng chính nơi đây liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã dùng làm chốn dung thân trong suốt 18 tháng trời đánh chiếm Đà Nẵng. Vì là vùng đất nằm ven sông Hàn và cửa biển nên về mặt địa chất Đà Nẵng chiếm đến 2/3 là đất cát, khi thực dân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng thì loại hình đất trên đã tạo thuận lợi cho quân dân ta thời bấy giờ dễ dàng thiết lập được hệ thống công sự kiên cố để chống Pháp. Điều này được ghi nhận bởi lời tường trình của tên sĩ quan Pháp tham chiến lúc bấy giờ là:
Chỉ trong một đêm họ đã làm xong phòng tuyến mới để chống lại chúng tôi.
Vùng đất của Đà Nẵng từ đèo Hải Vân cho đến Ngũ Hành Sơn, có các con sông quan trọng ăn sâu vào nội địa như: sông Cu Đê, sông Thanh Khê, sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò. Sông Cẩm Lệ thì “chảy qua xã Cẩm Lệ, chảy chừng 7 dặm qua xã Hoá Khuê Trung và Hoá Khuê Tây làm thành sông Hàn, rồi đổ ra cửa biển Đà Nẵng”. Ở đây cần nói thêm rằng: con sông Thu Bồn có một nhánh nhỏ chảy về phía Bắc đi qua địa phận Vĩnh Điện rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ trước khi đổ ra vịnh Đà Nẵng, chính lẽ đó mà khi Pháp đánh Đà Nẵng thì triều đình Nhà Nguyễn và Tuần phủ Quảng Nam sức nhân dân ở đây lấp sông Vĩnh Điện để ngăn không cho tàu Pháp tiến sâu vào nội địa.
Riêng sông Cổ Cò thì “ở hạ bàn hai huyện Hoà Vang và Diên Phước từ xã Thanh Châu phía Bắc cửa Đại Chiêm, chảy về phía Bắc mất 42 dặm, qua phía Tây núi Ngũ Hành Sơn rồi vào sông Cẩm Lệ, lại đổ ra cửa biển Đà Nẵng. Dòng sông bị cát bồi lấp nông cạn, phải đợi thuỳ triều lên thuyền mới có thể thông”. Hồi đầu thế kỷ XX, sông Cổ Cò vẫn còn đi lại được song đến nay, qua khảo sát thì con sông nổi tiếng một thời từng là đường giao thông huyết mạch giữa Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An đã bị biến thành đồng lúa thuộc các phường Hoà Quý và Hoà Hải. Sở dĩ phải dẫn giải chi tiết vị trí và tên gọi các dòng sông Cu Đê, Cẩm Lệ, Cổ Cò vì chúng quan hệ mật thiết đến việc khảo sát trên thực địa các cuộc chiến đẫm máu đương thời của sự kiện quân dân Đà Nẵng kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược 1858-1860.
Cuối cùng cần phải nói đến vịnh Đà Nẵng. Theo đánh giá của các nhà hàng hải trong và ngoài nước từ xưa đến nay thì vịnh Đà Nẵng được xem là một trong những hải cảng tốt nhất Việt Nam. Các sử gia nhà Nguyễn cũng đã dành nhiều dòng ghi chép về vịnh này:
Vịnh Đà Nẵng ở phía Bắc huyện Hoà Vang lại có tên là vũng Trà Sơn, phía đông là núi Sơn Trà, phía Bắc là núi Hải Vân; phía Tây là tấn Cu Đê, dài rộng chừng 29 dặm linh, phía Đông Nam là vũng Trà Sơn là vũng biển lớn, vừa rộng vừa sâu có thể chứa được hàng ngàn nghe thuyền, phía ngoài có núi che, không phải lo về sóng, tàu thuyền đi lại gặp lúc chưa tiện đều đỗ ở đây.
Ngày nay, theo tài liệu có được thì chiều sâu trung bình của vịnh Đà Nẵng là 20m, riêng chiều sâu thuỷ lộ sông Hàn là 7m thương thuyền trọng tải 2000 tấn có thể ra vào neo đậu tại bến sông Hàn rất dễ dàng, tàu có trọng tải từ 5000 tấn trở lên thì đậu ở cảng nước sâu Tiên Sa để bốc dỡ hàng. Chính nhờ vào vị trí địa dư thuận lợi đó mà kể từ thế kỷ XVII trở đi, Đà Nẵng dần trở thành một thương cảng vô cùng hấp dẫn đối với các nhà buôn và hàng hải phương Tây cũng như các nước bên bờ vùng Thái Bình Dương này.
Hải An Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét