YEUSUVIET - Trong lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử của những buổi đầu triều đại, không thiếu những "Khai quốc công thần" phải chuốc lấy những số phận thảm kịch, bi đát. Triều đại Nhà Hậu Lê tuy là triều đại có công lao giành lại độc lập dân tộc từ Nhà Minh, chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ Bắc thuộc nhưng cũng không tránh khỏi vết xe đổ trên. Bên cạnh cái chết oan khuất, "tru di tam tộc" của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn là một trong những khai quốc công thần đã phải đón nhận cái chết tang thương, đau đớn trong thời bình...
Bài liên quan
Trần Nguyên Hãn sinh năm 1390, thuộc dòng dõi của Thái sư Trần Quang Khải và là cháu nội Tư đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, tuy nhiên không rõ cha ông là ai. Tư đồ Trần Nguyên Đán làm vua thời cuối Nhà Trần, khôn khéo gửi gắm con cái, gia đình mình cho Hồ Qúy Ly nên khi Họ Trần bị diệt, Trần Nguyên Đán và gia đình không bị giết theo. Đến đời con của Tư đồ là Trần Thúc Quỳnh và Trần Thúc Giao ra làm quan cho Nhà Minh, bị Nhà Hậu Trần giết chết nhưng không rõ Trần Nguyên Hãn là con ai trong số hai người này. Ngoài ra, Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi còn là anh em con cô, con cậu cùng gọi chung Trần Nguyên Đán là ông nội (ngoại).
Sau khi Nhà Minh đánh bại Nhà Hồ năm 1407, Hồ Qúy Ly và Hô Nguyên Trừng bị bắt giải về Nam Kinh, thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư với sự đô hộ của Nhà Minh lên Đại Việt chính thức bắt đầu. Các cuộc khởi nghĩa giành lại độc lập - đặc biệt là cuộc khởi nghĩa bi hùng của Nhà Hậu Trần, tất cả đều bị quân xâm lược nhấn chìm trong biển máu. Lê Lợi lúc đó làm phụ đạo ở vùng Lam Sơn, sau nhiều năm tháng nhẫn nhịn, quyết định dựng cờ khởi nghĩa bằng việc tập họp những nhân vật quan trọng nhất của nghĩa quân và mở Hội thề Lũng Nhai để nguyện dốc sức, đồng lòng cùng nhau. Tuy có nhiều nhân vật tài ba đại diện cho các lực lượng kháng chiến trong cả nước quy tụ về, nhưng sự góp mặt của Trần Nguyên Hãn có vai trò rất đặc biệt.
"Đại Việt là thiên hạ của Họ Trần" - chắc chắn vẫn là suy nghĩ chính thức của người Việt khi Hồ Qúy Ly chiếm ngôi và quân Minh hoàn thành xâm lược nước ta. Do đó, các cuộc khởi nghĩa giành độc lập, tự chủ lúc bấy giờ để tập trung ý chí, quyết tâm và lòng dân thì khó tránh khỏi ngoài việc nêu cao ngọn cờ khôi phục độc lập dân tộc còn phải dựa vào hình ảnh của tiền triều Nhà Trần để làm điểm chung gắn kết mọi người. Giai đoạn đầu khởi nghĩa Lam Sơn không nhắc nhiều đến yếu tố này, tuy nhiên, khi Nhà Minh binh bại như núi lở, tìm cách rút lui đã tiếp tục dựa vào Nhà Trần để gây khó dễ cho việc lên ngôi của Bình Định vương. Ngoài ra, đặt mình vào thời kỳ chống ngoại xâm bấy giờ, khó tránh khỏi việc lòng dân còn nhìn về Nhà Trần, nhất là việc con cháu Nhà Hậu Trần đã anh dũng, bi hùng hy sinh vì dân tộc như thế nào.
Trong bối cảnh đó, Trần Nguyên Hãn như một ngọn cờ quy tụ lòng người, một biểu tượng đoàn kết trên dưới một lòng, không phân biệt dòng họ, chỉ một mục đích duy nhất là đánh đuổi giặc phương Bắc giành lại độc lập cho cõi trời Nam. Qủa thực vậy, Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi đã mong mỏi dặm trường tìm gặp minh chúa Lê Lợi, dù là tôn thất chính thống của Họ Trần nhưng trong suốt cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của Nghĩa quân Lam Sơn, sử sách sau này đều ghi nhận hai ông không làm điều gì hổ thẹn gây mất đoàn kết lòng quân, lòng dân. Nguyễn Trãi là quân sư tài ba, dùng mưu phạt tâm công đã hàng phục hàng chục tướng lĩnh, thành trì quân Minh về cho Bình Định vương. Ngược lại, Trần Nguyên Hãn là dũng tướng sa trường, góp mình trong những chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân tại Tân Bình, Thuận Hóa, Xương Giang, Chi Lăng...
Nhưng có một điều đặc biệt đáng lưu ý, đó là khi Tổng binh Vương Thông đồng ý đầu hàng, hai bên lập Hội thề Đông Quan để quân Việt hứa giữ đường cho quân Hán về nước, trong danh sách những người tham gia dự Hội thề Đông Quan này, tên của Trần Nguyên hãn đứng thứ hai...Hơn nữa, lúc này Trần Cảo đã được lập làm vua theo ý Nhà Minh và Bản văn hội thề Đông Quan cho thấy có ít nhất 5 vị đại thần được ban quốc tính (họ Trần): Trần Ngân, Trần Văn Xảo, Trần Bi, Trần Lý, Trần Văn An. Điều này cho thấy, tự nguồn gốc và tài năng của mình, Trần Nguyên Hãn cùng với Họ Trần vẫn có một vị trí đặc biệt trong nghĩa quân...
Năm 1427, Bình Định Vương Lê Lợi tiến vào thành Đông Quan, nước nhà sạch bóng quân Hán xâm lược, tên nước Đại Việt được khôi phục như xưa. Đại Việt sử ký toàn thư ở chương X viết "Đại hội các tướng và các quan văn võ để định công, ban thưởng, xét công cao thấp mà định thứ bậc. Lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Quan phục hầu; tư đồ Trần Hãn làm Tả tướng quốc; Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm Thái Bảo; đều được ban quốc tính". Chức Tả tướng quốc là chức vị cao trong triều đình, cùng với chức Hữu tướng quốc là hai cấp bậc cao nhất trực tiếp giúp vua trong việc trị nước. Điều này một lần nữa cho thấy vị trí đặc biệt của Trần Nguyên hãn trong bộ máy Nhà Hậu Lê khi mới thành lập...
Tuy nhiên, "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ thịt; chim bay cao chết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong, mưu thần bị giết" như một điềm báo cho những bậc khai quốc công thần xấu số và Trần Nguyên hãn lại ứng vào lời báo này. Năm 1429 - hai năm sau khi khôi phục Đại Việt, Trần Nguyên Hãn xin từ quan về quê vì nhận thấy "Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể yên hưởng vui sướng được". Nhưng đáng tiếc ông nhận ra kết cục của các trung thần khai quốc nhưng lại không chọn cách đúng đắng để thu xếp phận số mình cho an yên. Ông về quê lại xây nhà to, lát đá ngọc, đóng thuyền chứa binh khí, không biết lý do vì sao lại làm nhửng điều này.
Tác phẩm "Lam Sơn tụ nghĩa" - Video YouTube YÊU SỬ VIỆT
Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép ngắn gọn có người tố cáo ông mưu phản. Lê Lợi sai lực sĩ xá nhân bắt về hỏi tội. Thuyền đi đến bến xã Đông Sơn, Trần Nguyên Hãn phẫn uất khấn trời rằng:
Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm mà hại tôi. Hoàng thiên biết xin soi xét cho.
Nhưng cũng có nhiều điều cần suy xét kỹ lại. Như việc Sử ký chỉ ghi ông làm nhà cao, lát đá ngọc, đóng thuyền chứa binh khí nhưng lại tuyệt nhiên không có dòng nào khẳng định ông có âm mưu tạo phản khi viết về cuộc đời ông. Những khẳng định Trần Nguyên hãn có âm mưu tạo phản đều gián tiếp từ các đoạn khác trong Sử ký khi viết về Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Tuy nhiên, cho đến tận đời vua Lê Thánh Tông, khi các trung thần khác như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo, lê Sát đều đã được minh oan, Trần Nguyên Hãn vẫn không được rửa sạch oan uổng này. Phải chăng vì ông là người Họ Trần? Tất cả chỉ là phỏng đoán của người đời sau và các bộ sử sau như Đại Việt thông sử của Lê Qúy Đôn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Nhà Nguyễn cũng chỉ viết lại, có khảo cứu những gì được viết trong Đại Việt sử ký toàn thư...
Cuối cùng, cho đến hôm nay, sử sách và hậu thế vẫn ghi nhận công lao trước hết của Trần Nguyên hãn là một khai quốc công thần của Nhà Hậu Lê, có công lao to lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược Nhà Minh, giành lại độc lập cho dân tộc Việt. Còn những câu chuyện xoay quanh cuộc đời ông, về chính trường, về quyền lực, về tham vọng... thì đời nào cũng có, ai đã đứng trên chiếc thuyền quyền lực cũng đều phải đương đầu. Lê Thái Tổ dẫu có đúng như các sử thần đời sau viết, vì lo sợ con thơ bị công thần cướp ngôi mà phải diệt trừ trước, thì có trách cũng trách công thần từng vào sinh ra tử mà không biết ý Hoàng đế, đến lúc nên bỏ áo từ quan, sống làm người dân thường trong thời bình lại không làm được...
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét