YEUSUVIET - Biết chắc thế nào Pháp cũng đánh Thuận An và kinh thành Huế, việc chuẩn bị lực lượng quân sự đánh trả đã trở nên hết sức cấp bách đối với quân quan nhà Nguyễn, vua Tự Đức lại giao cho Lê Sĩ nhiệm vụ rất nặng nề là Đặc sứ phòng tuyến Thuận An. Sau khi nhận nhiệm vụ, Lê Sĩ đã kiện toàn lại lực lượng, bổ sung vũ khí, củng cố thêm thành Trấn Hải để chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công của địch đã đến rất gần.
Bài liên quan
Ngày 19 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức mất. Triều đình Huế lục đục với việc suy tôn người kế vị. Nạn phế lập xảy ra liên miên, các quan trong triều tìm cách tranh giành quyền bính và chia làm hai phái chủ hoà, chủ chiến cấu xé lẫn nhau. Lợi dụng tình hình rối ren của nhà Nguyễn, quân Pháp mở chiến dịch tấn công cửa biển Thuận An. Ngày 16 tháng 8 năm 1883, quân ta phát hiện 7 quân hạm treo cờ Pháp từ ngoài khơi tiến vào, chĩa thẳng mũi súng vào phòng tuyến cửa biển Thuận An. Dàn xong thế trận, Đô đốc Courbet tức tốc phái một sĩ quan đáp thuyền vào bờ, chuyển tối hậu thư cho trấn thủ phòng tuyến Thuận An là Hữu quân Đô thống Lê Sĩ.
Nhận được tối hậu thư, vua Hiệp Hoà sai các đại thần Nguyễn như Trọng Hợp Nguyễn Thành Úy, Phạm Như Xương, Trần Thúc Nhẫn đi xuống Thuận An ngay tối 16 tháng 8 để gặp đại diện Pháp đặt vấn đề thương thuyết. Tổng uỷ viên Pháp Hác-măng (Harmand) đòi phải thương thuyết tại Huế và đưa ra nhiều yêu sách ngang ngược như triều đình Huế phải triệt binh và phá huỷ hết đạn dược, lương thực trong các đồn binh từ cửa biển Thuận An lên Huế, triệt bỏ các chông trà, vật cản ở cửa sông Hương, trả lại 2 chiếc tàu nước Pháp đã tặng cho triều đình Huế theo Điều ước Giáp Tuất... hạn cuối cùng là ngày 18 tháng 8 năm 1883.
Ý định đánh chiếm kinh thành Huế của giặc đã rõ ràng. Với khả năng tư duy nhạy bén, Lê Sĩ hiểu rất rõ dã tâm của Pháp là dùng tối hậu thư để uy hiếp và bắt triều đình Huế phải đầu hàng, dâng đất nước Việt Nam cho Pháp. Ông không mơ hồ cầu mong thiện chí của quân giặc và không hy vọng gì cuộc thương thuyết kết quả có lợi cho phía ta như những kẻ cầu hoà và thoả hiệp ảo tưởng. Sự tồn vong của dân tộc đang ngàn cân treo sợi tóc; thành Trấn Hải và phòng tuyến cửa biển Thuận An rất có thể sẽ rơi vào tay giặc Pháp. Hoà hay chiến? Đó là một câu hỏi lớn đối với ông lúc này.
Nhưng với khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất, không sợ hy sinh, ông cương quyết không thoả hiệp, đầu hàng, không chấp nhận cùng chung sống với bọn cướp nước và bè lũ tay sai. Thái độ của ông là dứt khoát phải đánh, phải trả lời tối hậu thư bằng quyết tâm tiêu diệt hết bọn cướp nước. Và đúng như ông tiên đoán, do thái độ không thiện chí và ngang ngược của Pháp nên cuộc thương thuyết bị thất bại. Đến hạn, yêu sách không được chấp nhận, chiều 18 tháng 8 năm 1883, quân Pháp dùng toàn bộ hoả lực trên 6 chiến hạm đồng loạt xả đạn lên phòng tuyến Thuận An. Quân ta bắn trả quyết liệt, nhưng do vũ khí thô sơ, không tiêu diệt được các tàu địch.
Cuộc chiến đấu kéo dài vài giờ thì tạm ngừng. Đạn pháo của Pháp đã phá huỷ nhiều thành luỹ của quân ta, làm thương vong một số binh sĩ. Sáng ngày 19 tháng 8, quân ta nổ súng phản công, quân Pháp nổ súng đánh trả nhằm tiêu diệt súng đại bác của ta, sau đó đổ bộ lên chiếm kinh thành Huế, nhưng do sóng to gió lớn, giặc Pháp không thực hiện được mưu đồ đổ bộ lên bờ. Ngày 20 tháng 8 năm 1883, Thống chế Courbet xua quân lên bờ chiếm bờ phía Bắc và đánh úp phía Nam, hãm đồn Trấn Hải. Quân ta đánh trả quyết liệt, nhiều chiến sĩ rất dũng cảm ném trái nổ thành hàng rào lửa ngăn chặn sự tiến công của quân Pháp. Nhưng lực lượng của địch quá mạnh, lại có vũ khí tối tân nên quân ta bị thương vong nhiều. Thống chế Lê Chuẩn bị trúng đạn tử trận, Chưởng vệ Nguyễn Trung cũng hy sinh.
Hữu quân Đô thống Chưởng phủ sự Lê Sĩ tuy bị thương nặng nhưng vẫn chỉ huy quân lính chiến đấu, song do vết thương quá nặng ông đã hy sinh anh dũng tại mặt trận, trước niềm tiếc thương vô hạn của tướng sĩ và nhân dân. Đạn pháo, thuốc súng bốc cháy mịt mù, tối đen cả một vùng, mấy ngày sau chưa tan hết. Máu chảy lênh láng làm đỏ ngầu cửa biển Thuận An. Sau 3 ngày chiến đấu anh dũng với tinh thần dũng mãnh, quật cường, quyết bảo vệ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng do vũ khí thô sơ, trình độ tác chiến quân sự của ta còn lạc hậu, lực lượng không cân sức, cuối cùng thành Trấn Hải và toàn bộ phòng tuyến Thuận An đã rơi vào tay giặc Pháp. (chi tiết trận chiến đấu này tham khảo thêm các tài liệu (“Việt sử tân biên” của Phạm Đình Sơn, “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, “Việt Nam Pháp thuộc sử” của Phan Khoang).
Lê Sĩ hy sinh ngày 20 tháng 8 năm 1883, triều vua Hiệp Hoà. Sau khi Hữu quân Đô thống Chưởng phủ sự Lê Sĩ hy sinh, để ghi nhận lòng trung quân ái quốc và những công lao của ông, vua Hiệp Hoà xuống chỉ cho các tỉnh tế lễ một tuần và truy tặng ông danh hiệu Kiên dũng tử, được thờ vào Trung Nghĩa đền và ban tặng nhiều phẩm vật quý, cấp tự điền để hàng năm cúng tế . Thi hài của ông được triều đình cho phép đưa về an táng tại làng Võ Xá (nay là xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh). Khi đám tang đi qua các nơi đông dân cư đều có lập hương án đón rước.
Nêu lên vài nét chính về hành trạng của Lê Sĩ như vậy để khẳng định: Lê Sĩ xuất hiện và hoạt động trên vũ đài chính trị nước nhà trong hoàn cảnh chế độ phong kiến Việt Nam suy vong cuối thế kỉ XIX. Vua quan thì tham quyền cố vị, tranh giành vương triều, quan liêu, tham nhũng, bắt nhân dân lao động khổ sai để xây dựng lăng tẩm, đền chùa; kinh tế trì trệ, quốc phòng yếu kém, trình độ tác chiến lạc hậu, triều đình thì chia ra 2 phái, chủ hoà và chủ chiến, mà phái chủ hoà đang thắng thế, chỉ muốn cắt đất cầu hoà; quan hệ với nước ngoài thì thi hành chính sách bế quan toả cảng.
Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản Pháp đang phát triển mạnh mẽ, có nền kinh tế và quân sự mạnh gấp ta nhiều lần, đang muốn thôn tính nước ta. Vì vậy, khi Pháp nổ súng xâm lược nước ta, một cuộc đối đầu quá chênh lệch về sức mạnh như vậy, nhà Nguyễn bị thất bại cũng là điều dễ hiểu.
Trận chiến đấu không cân sức ở cửa biển Thuận An có lẽ là trận chiến đấu mang dáng dấp của một cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên diễn ra trên đất nước ta, quân thù có vũ khí hiện đại và tối tân vào bậc nhất thời bấy giờ mà quân đội nhà Nguyễn phải đối đầu. Trận chiến đấu tuy bị thất bại nhưng đã thể hiện ý chí chiến đấu quật cường, với hào khí dũng mãnh, một mất một còn của chiến sĩ ta vì độc lập dân tộc, gương sáng hy sinh quên mình và phẩm chất cao đẹp của Lê Sĩ. Trách nhiệm để mất cửa biển Thuận An không thuộc về Lê Sĩ mà do vua quan nhà Nguyễn quá yếu hèn, chỉ muốn cầu hoà để được yên thân.
Cuộc đời binh nghiệp ra vào nơi súng đạn, lúc Nam xuôi, lúc Bắc tiến, suốt đời lận đận vì việc dân, việc nước, khi nhận nhiệm vụ vua Tự Đức giao chỉ huy phòng tuyến cửa biển Thuận An, với những khó khăn chồng chất, lại không có một lực lượng hỗ trợ cần thiết nào đáng kể, có chăng chỉ là một truyền thống yêu nước chống ngoại xâm anh hùng của dân tộc và sự quyết tâm chiến đấu của quân sĩ, chắc Lê Sĩ cũng đã biết kết cục của cuộc chiến. Nhưng ông không coi bản thân mình là trọng. Cái đáng trọng, theo ông, là lòng người, là sự tồn vong của dân tộc. Ông biết cuộc đối đầu giữa quân ta và quân xâm lược Pháp ở cửa biển Thuận An do ông chỉ huy, khó tránh khỏi thất bại, nhưng có lẽ sâu thẳm trong lòng, ông vẫn tin tưởng rằng sự nghiệp chống Pháp cứu nước của nhân dân ta nhất định rồi sẽ thắng lợi.
Lê Sĩ đã có những cống hiến to lớn trên lĩnh vực quân sự. Ông đỗ đạt hay không đỗ đạt? nhưng chỉ qua hai lần làm giám thí thi tiến sĩ võ vào các năm 1868, 1871 đã nói lên ông là một võ quan có tài. Những đóng góp của ông đối với công cuộc chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỉ XIX là rất lớn, cần được lịch sử ghi nhận. Lê Sĩ không chỉ là một danh tướng quân sự mà ông còn là một nhà nho chân chính. Ông không giống như một số nhà nho tiêu cực, khi thuận lợi thì làm quan, khi khó khăn thì bỏ về ở ẩn hay dạy học, hoặc cam tâm làm tay sai cho giặc.
Ông không trốn tránh trách nhiệm, sẵn sàng nhận lấy sứ mệnh quang vinh của một nhà nho chân chính trước vận mệnh mất còn của Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời làm quan, ông luôn giữ được tấm lòng trung quân ái quốc, bảo vệ danh dự Tổ quốc. Trong bối cảnh triều đình rơi vào tình trạng hỗn loạn, Lê Sĩ vẫn đứng ngoài mọi sự đấu đá, tranh giành quyền bính đang diễn ra dồn dập. Ông không lợi dụng tình hình rối ren này để đục nước béo cò, mà luôn giữ trọn khí tiết thanh cao, không màng danh lợi, chỉ một lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những nơi gian khổ và nguy hiểm nhất.
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thấy có sử liệu nào nói ông thuộc phái chủ hoà hay chủ chiến. Nhưng qua những việc ông làm, những nơi ông đến và tinh thần chống Pháp quyết liệt, không khi nào thoả hiệp của ông, chúng ta có thể khẳng định Lê Sĩ là một võ tướng cả đời vì nước vì dân, chống Pháp đến hơi thở cuối cùng như vậy, nhất định ông phải là người thuộc phái chủ chiến, và nếu còn sống đến khi vua Hàm Nghi khởi chiếu Cần Vương, ông cũng sẽ là người hăng hái sát cánh với các đồng chí của mình phò vua Hàm Nghi, cùng dân tộc đứng lên chống Pháp, và ông cũng sẽ đứng vào hàng ngũ những người lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp quyết liệt nhất cuối thế kỉ XIX. Ông là một tấm gương sáng về lòng trung dũng chống Pháp xâm lược đến hơi thở cuối cùng.
Nhà nước đã xếp hạng lăng mộ Lê Sĩ là di tích cấp Quốc gia và đã cho trùng tu tôn tạo lại lăng mộ của ông. Tỉnh Quảng Bình cũng đã quyết định đặt tên đường Lê Sĩ tại thành phố Đồng Hới, ấy cũng là sự tri ân của hậu thế với tiền nhân.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét