YEUSUVIET - Lê Sĩ sinh năm 1816, ở một vùng đất địa linh nhân kiệt thuộc làng Võ Xá, thôn Tiền, huyện Phong Lộc, nay là thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống võ tướng: Cố của ông được phong tước Tín Nghĩa Đô thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765); ông nội được sắc phong Chưởng vệ phẩm dõng tướng quân cầm binh thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777); ông thân sinh ra Lê Sĩ cũng là một võ tướng mang quân hàm Chưởng vệ thuỷ trang phẩm cấm y vệ, có danh tiếng dưới thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị.
Bài liên quan
Thuở thiếu thời, Lê Sĩ được tiếp thu một nền giáo dục nho phong và tính chất anh hùng mã thượng của gia đình, lại chịu ảnh hưởng truyền thống xứ võ của quê hương Võ Xá, nên dù học văn hay học võ, Lê Sĩ đều có chí hướng về binh nghiệp. Ông thường nghiên cứu các sách về binh thư đồ trận, sách lược về trị quốc an dân. Riêng về võ nghiệp, ông dốc tâm rèn luyện nên lúc chưa đầy 20 tuổi ông đã tinh thông cả thập bát ban võ nghệ và điêu luyện thập thất nhị huyền công. Cũng như nhiều trí sĩ khác, với mong muốn thực hiện lý tưởng trị quốc bình thiên hạ, Lê Sĩ đã hăm hở bước vào con đường hoạn lộ.
Trong cuộc đời 40 năm làm quan (1843-1883), trải qua 4 đời vua (Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hoà), Lê Sĩ đã tiến nhanh trên con đường danh vọng, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng vào bậc nhất trong triều (Chưởng quản Hữu và Tả Dực doanh vũ Thống chế, Hữu dực doanh vũ lâm, Đổng lý Sở Dương Xuân, Giám khảo khoa thi tiến sĩ võ, Đô thống Phủ Đô thống Chưởng phủ sự, rồi thay vua Tự Đức kính đền đài xã tắc, làm lễ kính cáo Tiết Ngũ tuần đại khánh, duyệt tuyển lực lượng quân đội...) hay ngoài các địa phương: Lãnh binh tỉnh Ninh Bình, Đốc binh Quân thứ Quảng Nam, Phó Đề đốc Quân thứ Biên Hoà, Gia Định, Định Tường; Đề đốc tỉnh Bình Thuận, Phó Đề đốc Quân thứ Hải Dương, Đề đốc tỉnh Bắc Ninh.
Lê Sĩ ra làm quan vào thời kỳ có nhiều biến động, nhà nước phong kiến Việt Nam đã lún sâu vào vũng lầy suy vong; phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, liên tục cho tàu chiến vào thị uy ở Đà Nẵng (1843, 1845). Năm 1847, hai chiến hạm Pháp lại đến Đà Nẵng ngang nhiên bắn đắm chiến thuyền Việt Nam rồi bỏ đi. Quảng Nam - Đà Nẵng là vùng chiến lược quan trọng ở gần kinh đô Huế, chỉ cần vượt qua đèo Hải Vân là đã chiếm được Huế, bắt vua Nguyễn phải đầu hàng, bẻ gãy ý chí kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Ngày 1 tháng 9 năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, chiếm bán đảo Sơn Trà và tìm cách tấn công lên đất liền, mở rộng chiến tranh trên toàn đất nước Việt Nam. Đầu năm 1859, Lê Sĩ đang làm Lãnh binh tỉnh Ninh Bình, được vua Tự Đức sung Đốc binh Quân thứ Quảng Nam, sau đó được bổ làm Binh vệ uý. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương và Lê Sĩ, mặt trận Đà Nẵng được giữ vững.
Sau hơn 5 tháng tấn công, quân giặc hầu như vẫn dẫm chân tại chỗ, không uy hiếp được kinh thành Huế. Đà Nẵng, sau 19 tháng bị giặc Pháp chiếm đã thoát khỏi tay giặc. Bị sa lầy ở mặt trận Đà Nẵng, thực dân Pháp phải thay đổi kế hoạch xâm lược, đem quân vào đánh Gia Định (gồm 6 tỉnh: Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), vì đây là vùng giàu lúa gạo, hậu cần tại chỗ rất tốt cho quân đội viễn chinh. Đánh lục tỉnh cắt đường nguồn tiếp tế lúa gạo cho triều đình Huế, đồng thời làm giảm uy tín của triều đình Huế với Cămpuchia và Thái Lan, khiến cho hai nước này nhân đó chống lại Việt Nam.
Ngày 17 tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh thành Gia Định. Được tin Gia Định bị tấn công, triều đình Huế cử Thượng thư bộ Hộ Tôn Thất Cáp làm Tổng thống Quân vụ mặt trận Gia Định. Nhưng khi Tôn Thất Cáp đem quân vào tới nơi thì Gia Định đã lọt vào tay giặc Pháp, Tôn Thất Cáp phải đóng đại bản doanh ở Biên Hoà, đồng thời mộ quân ở các tỉnh miền Trung chuẩn bị chống giặc. Tổng đốc Vĩnh Long - Định Tường là Trương Văn Uyển đem quân tới Gia Định phản công thì bị giặc tập kích, bị trọng thương phải rút về Vĩnh Long. Tình hình Gia Định trở nên hết sức căng thẳng, nguy cơ lục tỉnh miền Nam rơi vào tay giặc Pháp đang bị đe dọa.
Để tăng cường thêm quân lực và hậu cần cho kế hoạch chiến đấu lâu dài, tháng 11 năm 1861, vua Tự Đức cho Án sát xứ tỉnh Quảng Ngãi là Nguyễn Văn Hiển sung làm Tán tương Quân thứ Biên Hoà và Vệ uý Lê Sĩ làm Phó Đề đốc Quân thứ Biên Hoà, phòng giữ và vận chuyển, chuyên lo lương thực, hậu cần, quân nhu, quân dụng cho quân đội. Sau một thời gian ngắn phụ trách công tác hậu cần, quân dụng, Lê Sĩ đã dự trữ được nhiều lương thực, đạn dược chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, dưới sức ép của Pháp, triều đình Huế đã ký với Pháp bản “Hiệp ước hoà bình và hữu nghị”, còn gọi là Điều ước Nhâm Tuất, nhượng hẳn cho Pháp 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà), gọi là Nam Kỳ thuộc Pháp và đảo Côn Lôn, mở cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho Pháp và Tây Ban Nha tự do buôn bán.
Như vậy, về chính trị, thực dân Pháp đã bắt đầu nô dịch và chia cắt nước ta, biến Nam Kỳ thành thuộc địa và cột Nam Kỳ vào chủ nghĩa đế quốc Pháp, lấy Nam Kỳ làm bàn đạp chiếm cả nước Việt Nam. Tháng 5 năm 1862, Lê Sĩ được bổ làm Đề đốc tỉnh Bình Thuận. Đây là vùng đất phên dậu phía Nam, giáp với Nam Kỳ thuộc Pháp.
Vào đầu những năm 60 của thế kỉ XIX, giặc cướp nổi lên ở các tỉnh miền Bắc như ong vỡ tổ. Miền Bắc xảy ra nhiều cuộc giao chiến giữa quân triều đình với nghĩa quân nông dân và các toán giặc cướp khác. Cuộc hỗn chiến đã làm sức dân kiệt quệ, dân tộc bị chia rẽ, tạo cơ hội cho thực dân Pháp tiến quân ra Bắc. Trước tình hình chính trị và quân sự hỗn loạn, có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của triều đình Huế, vua Tự Đức chọn bình định đất Bắc làm mục tiêu chủ yếu để giữ vững những vùng đất còn lại. Sau khi dâng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, Tự Đức điều động các tướng lĩnh chủ chốt khỏi chiến trường lục tỉnh để ra Bắc đánh dẹp.
Tháng 3 năm 1863, đang làm Đề đốc Bình Thuận, Lê Sĩ được điều về làm Phó Đề đốc quân thứ Hải Dương. Ở Hải Dương một thời gian ngắn, do yêu cầu củng cố quân đội ở kinh thành Huế, Lê Sĩ lại được Tự Đức sung làm Hữu dực doanh vũ lâm. Tháng 3 năm 1864, bọn cướp và thổ phỉ Trung Quốc quấy rối ở các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Ninh, đời sống nhân dân ở hai tỉnh này hết sức cực khổ, triều đình giao cho Lãnh binh Bắc Ninh là Đặng Văn Siêu và Án sát Hoàng Văn Giản dẹp loạn nhưng không được, vua Tự Đức lại phải giao cho Lê Sĩ làm Đề đốc Bắc Ninh.
Sau khi chiếm được lục tỉnh (1867), thực dân Pháp gấp rút thực hiện âm mưu chiếm miền Bắc và miền Trung. Giữa lúc Đô đốc quân đội Pháp Đuy-pơ-rê đang muốn tìm cớ để đưa quân ra miền Bắc thì chính triều đình Huế lại mở cửa cho Đuy-pơ-rê hành động. Ngày 31 tháng 8 năm 1873, một phái bộ của triều đình Huế vào Sài Gòn yêu cầu Pháp cử người ra Bắc dàn xếp vụ tên lái buôn Đuy puy (Jean Dupuis) gây ra các vụ cướp phá tại Hà Nội, đánh đồn canh của quân đội triều đình, thế là Pháp đàng hoàng đem quân ra Bắc, nhằm đánh chiếm Hà Nội và Bắc Kỳ. Đưa quân ra Hà Nội chưa đầy một tháng, Gác-ni-ê (Francis Garnier), xua quân lần lượt đánh chiếm các thành Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định.
Ngày 20 tháng 11 năm 1873, quân Pháp dưới sự chỉ huy của đại uý F. Garnier đánh chiếm thành Hà Nội. Lúc này Hoàng Kế Viêm được cử làm Tiết chế Quân vụ Bắc Kỳ để chỉ huy, đôn đốc việc phòng thủ chống Pháp. Ở chức vụ này, Hoàng Kế Viêm đã chỉ huy quân dân Hà Nội phối hợp với quân Cờ Đen đánh thắng cuộc tấn công của quân Pháp vào thành Hà Nội, giết chết tên đại uý chỉ huy F. Garnier. Ở miền Trung, giặc Pháp thường cho tàu diễu võ dương oai, khiêu khích nhân dân dọc theo bờ biển. Đưa tàu chiến đến đậu trước cửa sông Hàn, quyết tâm uy hiếp, gây áp lực buộc triều đình Huế phải ký hàng ước.
Trước tình hình nguy biến đó, Tự Đức vô cùng hoảng hốt, tìm mọi lý lẽ đổ trách nhiệm cho các tướng lĩnh ngoài Bắc, thi hành kỷ luật đối với họ. Đồng thời, Tự Đức lệnh cho Tổng đốc Hoàng Kế Viêm, Tham tán Tôn Thất Thuyết, Tán tương Trương Quang Đản đưa quân về phòng giữ các tỉnh còn lại, chờ điều đình với Pháp, nếu bị thất bại thì đánh. Ở kinh đô Huế, việc canh giữ cần phải nghiêm ngặt, cẩn thận nên Tự Đức lại cử Hữu quân Đô thống Lê Sĩ cùng Chưởng vệ Tôn Thất Thể và Hình bộ Tham tri Phạm Ý, Tả phó đô ngự sử Trần Văn Thiều, canh giữ kinh thành, tuần kiểm dự bị, canh phòng sông biển.
Vì vậy, khi quân Pháp tấn công Hà Nội, Lê Sĩ không thể cùng quân dân Hà Nội trực tiếp đánh Pháp. Ngày 15 tháng 3 năm 1874, triều đình Huế ký với Pháp bản hiệp ước mang tên "Hiệp ước hoà bình và liên minh", còn được gọi là Điều ước Giáp Tuất, với việc xác nhận chủ quyền của Pháp trên toàn bộ Nam Kỳ, vào lúc phong trào nhân dân kháng chiến đang có cơ sở phát triển. Trong khi đó chủ nghĩa tư bản Pháp đang trên đà chuyển mạnh sang giai đoạn lũng đoạn lại ráo riết chuẩn bị mọi mặt để hoàn thành việc đánh chiếm Việt Nam. Chiếm hẳn Bắc Kỳ và toàn bộ Việt Nam là mục tiêu tối thượng của Pháp.
Vì thế, tháng 3 năm 1882, một lần nữa Pháp xé bỏ hiệp ước đã ký, mở rộng đánh chiếm nước ta. Thống đốc Nam Kỳ được lệnh phái Ri-vi-e (Henri Rivière), đưa quân từ Sài Gòn ra Bắc với cớ là triều đình Huế đã vi phạm các điều khoản của hiệp ước như vẫn cấm và giết Công giáo, không đảm bảo cho tàu Pháp đi lại buôn bán trên sông Hồng, tiếp tục có quan hệ với nhà Thanh. Khi đưa quân ra Bắc, Rivière được giao nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào phải chiếm được miền Bắc và miền Trung để hoàn thành công cuộc xâm lược Việt Nam. Sau khi nhận thêm viện binh từ Sài Gòn ra, từ Pháp sang, ngày 25 tháng 4 năm 1882, quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Hà Nội, mỏ than Hòn Gai (12/3/1883), thành Nam Định (27/3/1883), tiến đánh Sơn Tây là đại bản doanh của các lực lượng kháng chiến ngoài Bắc và chuẩn bị tấn công cửa biển Thuận An.
Tình hình chiến sự lúc này lại diễn ra giống như tình hình chiến sự năm 1873, khi Gác-ni-ê (Francis Garnier) đưa quân ra Bắc. Trong trận đánh ra cửa ngõ phía Tây Hà Nội, tướng giặc là Rivière lại rơi vào trận địa phục kích của quân dân Hà Nội và đã bỏ mạng (19/5/1883). Nhưng lần này thực dân Pháp không chịu dừng bước như trận thất bại ở Cầu Giấy năm 1873.
(Còn tiếp)
Nguyễn Thị Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét