YEUSUVIET - Có thể nói rằng, hiếm có triều đại nào oai hùng và bi hùng như Nhà Hậu Lê do Lê Thái Tổ khai mở cơ nghiệp. Bằng cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Ngô, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, nhân dân được sống lại dưới gầm trời Đại Việt. Tuy nhiên, sau khi Thái Tổ qua đời, các hoàng tử dưới sự điều khiển của các phi tần đã gây ra một cuộc tranh chấp quyền lực đẫm máu, dẫn đến những cái chết oan khiên của các công thân, đặc biệt chính là thảm án "tru di tam tộc" của công thần Nguyễn Trãi. Sư việc tranh chấp quyền lực này diễn ra vào ngày 28/10/1459, Sử Việt gọi là "Chính biến Thiên Hưng".
Bài liên quan
Tên gọi Thiên Hưng được lấy theo khoảng thời gian 8 tháng nằm trong niên hiệu Thiên Hưng (1459-1460) của vua Lê Nghi Dân. Lê Nghi Dân chỉ là tên gọi, không phải hiệu của một hoàng đế chính thống Nhà Hậu Lê. Nghi Dân lên ngôi bằng một cuộc binh biến, giết chết đương kim hoàng đế em trai mình là Lê Nhân Tông, chính điều này khiến cho triều thần không đồng ý việc ông giữ ngôi báu. Nhưng cũng phải nói rõ, Nghi Dân là con trưởng của Lê Thái Tông cùng Ái phi Dương Thị Bí, sinh năm 1439 và sang năm sau 1440 ông đã được làm Hoàng thái tử, kế vị ngôi vua. Tuy nhiên, Lê Thái Tông lại dựa vào sủng ái của mình đối với các phi tần mà phế - lập ngôi Hoàng tử. Dẫn đến khi Ái phi bị thất sủng, ông cũng phế ngôi kế vị của Nghi Dân mà dành cho Lê Bang Cơ, con của Thần phi Nguyễn Thị Anh. Do đó, Lê Nghi Dân mang lòng oán hận.
Trái lại, sau khi đã lên ngôi năm 1442 lúc mới 1 tuổi cho đến khi trưởng thành, Hoàng đế Lê Nhân Tông (tức Lê Bang Cơ) lại không hề giữ khoảng cách hay nghi kỵ anh mình là Nghi Dân. Năm 1452, Lê Nhân Tông bắt đầu coi việc chính sự, dưới sự phò tá của các đại thần và hoàng hậu. Suốt gần 8 năm, Nhân Tông cũng đã kịp để lại nhiều dấu ấn của mình trong việc điều hành, cai quản quốc gia. Nhiều chính lệnh được ban bố giúp dân chúng vượt qua thiên tại, nạn bệnh; các cuộc thi tuyển kén chọn người tài giúp nước cũng được tổ chức. Trong gần 18 năm dưới sự cai trị của Lê Nhân Tông và nhiếp chính của Hoàng hậu cùng sự giúp sức của các đại thần, Đại Việt thật sự đang đi vào ổn định, nhưng chỉ có có một người luôn mang mối hận trong lòng, đó chính là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân.
Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân. Ảnh: Phòng tranh Cu Tí |
Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) Lê Nghi Dân cùng viên chỉ huy sứ Lê Đắc Ninh, là người chỉ huy vệ binh làm nội ứng, cùng các thủ hạ tin cậy là Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng và hơn 100 quân ban đêm bắc thang chia làm ba đường vào cung cấm giết chết Lê Nhân Tông ở tẩm điện. Hôm sau, nhóm quân đó giết chết cả Hoàng thái hậu. Đến đây, một trong số ít những vị vua sáng giá của Nhà Hậu Lê đã phải chịu cái chết đoản mệnh khi còn quá trẻ, mới 18 tuổi...
Năm 1459, Lê Nghi Dân lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiên Hưng, tỏ ra đối xử với hai em mình là Lê Khắc Xương và Lê Tư Thành rất trọng hậu. Tháng giêng, năm Canh Thìn (1460), Thiên Hưng đế phong Bình Nguyên vương Lê Tư Thành làm Gia vương, Tân Bình vương Lê Khắc Xương làm Cung vương , đặc biệt cho xây phủ đệ ở bên hữu nội điện cho Gia vương Tư Thành ở. Tháng 2 năm 1460, Nghi Dân bàn việc đặt phủ huyện, lại đặt 6 bộ, 6 khoa và các quan ở phủ, huyện, châu. Đây được coi như là thành tựu lớn nhất của ông, và chính sách này vẫn được các triều vua sau làm theo. Tuy nhiên, hành động giết vua cướp ngôi của ông chắc chắn đã không được các đại thần đồng ý, cuộc chính đầu tiên đã nhanh chóng nổ ra chỉ 5 tháng sau khi Nghi Dân cướp ngôi.
Tháng 5 năm 1460, các tể tướng đại thần là Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê bí mật bàn việc lật đổ. Việc bại lộ, tất cả đều bị bắt giết. Sau lần đó, Lê Nghi Dân tin dùng bọn gian nịnh, thay đổi nhiều pháp chế của đời trước, mọi người oán giận. Sau vụ đảo chính không thành của Lê Ê, Nhập nội kiểm hiệu Á thượng hầu là Lê Lăng bàn mưu với Thái bảo Nguyễn Xí và Xa kỵ tổng tri Lê Niệm, Á hầu Lê Nhân Thuận, Quan phục hầu Trịnh Văn Thái, Điện tiền ty đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung lật đổ Nghi Dân lần nữa. Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1460, Lê Lăng, Nguyễn Xí phát động binh biến, chém bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở nghị sự đường, nắm lấy cấm binh, đóng chặt cửa thành, sai Lê Ninh Thuận bắt vây cánh của vua Thiên Hưng hơn 100 người. Sau đó các đại thần giáng Nghi Dân làm Lệ Đức hầu. Lê Lăng cầm giải lụa đến chỗ Lệ Đức hầu bắt phải tự thắt cổ chết.
Tháng 6 năm 1460, Lê Tư Thành được đón về kinh, triều thần tôn lên ngôi vua, ông chính là Hoàng đế Lê Thánh Tông - vị hoàng đế sáng giá và vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong 37 năm trị quốc, Lê Thánh Tông đã ban bố rất nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, kinh tế, giáo dục – khoa cử, luật pháp và áp dụng các giá trị Tân Nho giáo vào việc trị an, khiến Đại Việt trở thành một quốc gia ổn định và văn minh. Đối với kinh tế, Lê Thánh Tông ông hết mực chăm lo nông nghiệp và khuyến khích dân mở chợ để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa trong nước. Nhà vua còn dành nhiều công sức cho việc cải tổ, huấn luyện quân đội, trực tiếp chỉ huy các cuộc bành trướng về phía Nam và Tây, mà cụ thể là cuộc xâm chiếm Chiêm Thành năm 1471, Lão Qua và Bồn Man năm 1479.
Tuy nhiên vết nhơ lớn nhất trong cuộc đời Lê Thánh Tông là việc giết công thần Lê Lăng có công giúp mình lên ngôi và bức tử anh trưởng Lê Khắc Xương, sau khi chính người anh trưởng đã từ chối ngôi vua khi các đại thần tiến cử đầu tiên. Sau khi giết Lê Lăng vào năm 1462, thì đến năm 1467, lấy cớ là có người tố cáo Cung vương mưu phản. Lê Thánh Tông lập tức cho người bắt giam. Cung vương Lê Khắc Xương uất ức, lo nghĩ, chết trong tù. Việc Lê Thánh Tông bức tử anh trai Lê Khắc Xương, người đã từ chối cơ hội làm vua để nhường cho mình được nhiều người nhận định rằng là lấy oán báo ơn.
Nguyễn Thị Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét