YEUSUVIET - Trong lịch sử Việt Nam, cuộc nội chiến giữa hai họ Trịnh và họ Nguyễn có thể nói là một trong những cuộc nội chiến Việt Nam dài hơi, đẫm máu nhất cả trước và sau thế kể XVII. Mỗi phe Trịnh hoặc Nguyễn đều có những lý tưởng riêng để tập họp lực lượng chống đối lẫn nhau và luôn có những đại tướng có tài thao lược trận mạc để khiến cả đôi bên phải kiêng dè, kính nể. Trong phe Chúa Nguyễn, Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến nổi lên như là một trong những chiến tướng, quân sư từng mấy lần khiến quân Trịnh bạt vía trong những cuộc Bắc tiến. Ông là người trực tiếp tham gia vào trận đánh dinh Quảng Bình năm 1648, được sử nhà Nguyễn khen là "võ công bậc nhất" của quân Nguyễn trong suốt thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh.
Bài liên quan
Nguyễn Hữu Tiến sinh năm 1602 tại vùng đất nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, không rõ năm bao nhiêu, ông di cư vào sinh sống tại vùng Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định này nay. Trong tác phẩm Việt Nam Sử Lược, ông được sử gia Trần Trọng Kim đánh giá là người "võ nghệ tinh thông, dùng binh rất có kỷ luật, thật là một người làm tướng có tài vậy". Qủa nhiên như thế, cùng với Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, ông đã tạo nên một "Bộ ba" kiến trúc sư lừng danh của quân Chúa Nguyễn trong việc "bày mưu định kế, luyện tập quân lính, xây đồn đắp lũy để chống với quân họ Trịnh", tạo ra một sức mạnh quân sự từng Bắc tiến gần đến tận thành Thăng Long và mở rộng bờ cõi về phía Nam... Tuy nhiên, nhìn về phía người dân trong thời kỳ ấy, khi quân Nam chiếm giữ vùng đất Nam Bố Chính, tức phía nam sông Linh Giang, cũng là lúc khởi đầu cho khoảng 45 năm tai hại nội chiến diễn ra ở vùng đất Quảng Bình, Hà Tĩnh bây giờ...
Năm 1627, Trịnh Tráng sau hai lần khuyên dụ Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nộp thuế và về Thăng Long không được, liền dấy binh tiến đánh nhưng không thành, Sử Việt gọi đây là trận chiến đầu tiên của thời kỳ "Trịnh - Nguyễn phân tranh". Sau trận đánh đầu tiên đó, Quân sư Đào Duy Từ của quân Nguyễn nhận thấy sự hùng mạnh và tinh nhuệ của quân Trịnh, nên cần thiết phải có một "bức trường lũy" tựa vào Hoành Sơn để làm thành trì trấn giữ cho quân Nam. Bởi vậy, Lũy Thầy (còn có tên khác là lũy Đào Duy Từ) được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng bắt đầu từ năm 1630 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong trước các cuộc tấn công của chúa Trịnh Đàng Ngoài. Khu vực xây Lũy Thầy ngày nay thuộc Đồng Hới, Quảng Bình. Nhưng chẳng may năm 1634, Đào Duy Từ mất, Chúa Nguyễn tiếc thương kính cẩn gọi là Thầy nên công trình phòng thủ trọng yếu của Nam triều cũng được gọi là Lũy Thầy như trên.
Sau khi Đào Duy Từ mất, Nguyễn Hữu Tiến cùng Nguyễn Hữu Dật tiếp tục phò tá các đời Chúa Nguyễn ngăn chặn các cuộc Nam tiến của quân Trịnh và thậm chí còn tiến quân vượt sông Gianh, mở ra cửa ngõ Thăng Long nhưng chỉ vì nội bộ mất đoàn kết mà đành uổng mất cơ hội ngàn năm có một đó. Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm trong tác phẩm "Nam triều công nghiệp diễn chí" đã vừa mô tả, vừa tiểu thuyết hóa những trận chiến ác liệt của đôi bên, đặc biệt dưới sự thống lĩnh của hai danh tướng Nam triều cùng các anh hùng từ đất Thăng Long. Trong 7 lần quân chúa Trịnh và quân chúa Nguyễn đánh nhau, theo sử liệu thì Nguyễn Hữu Tiến đã cầm quân ra trận 2 lần, đó là vào năm 1648 (lần thứ tư) và năm 1655-1660 (lần thứ 5).
Tạo hình (lần lượt từ trái qua phải): Nguyễn Hữu Tiến, Đào Duy Từ, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Hữu Dật. Nguồn: Nguyễn Tự |
Cuộc chiến lần thứ tư của cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh ngoài cuộc đối đầu của hai vị chúa Trịnh Tráng và Nguyễn Phúc Nguyên còn là cuộc đối đầu của các danh tướng Lê Văn Hiểu, Trần Ngọc Hậu (quân chúa Trịnh) và Trương Phúc Phấn, Nguyễn Hữu Tiến (quân chúa Nguyễn). Cuộc chiến lần thứ tư này, nhờ có Lũy Trường Dục kiên cô bảo vệ, Nguyễn Hữu Tiến cùng quân Nam giữ vững được lãnh thổ phía Nam sông Gianh nhưng cả hai bên đều hao bỉnh, tổn tướng rất nhiều. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan mất, con là Nguyễn Phúc Tần lên thay, gọi là Chúa Hiền. Chúa thấy quân Trịnh đánh mấy phen đều không thành, mà thực lực quân Nam cũng đã mạnh, tướng tài trong tay không phải ít, quân lính tinh nhuệ trải chiến trận đã nhiều, lương thảo cũng đầy đủ, liền quyết định Bắc tiến, tìm cơ hội thu phục Thăng Long, đó là vào năm 1655.
Có thể nói, cuộc đại chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh lần thứ 5 là cuộc quyết chiến kéo dài nhất, từ năm 1655 đến năm 1660 và cũng là lần duy nhất quân Nguyễn chủ động tiến binh ra Bắc.
Tháng 4 năm 1655, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật mang quân vượt sông Gianh đánh Bắc Bố Chính. Tướng Trịnh là Phạm Tất Toàn đầu hàng. Tiến và Dật thừa thắng tiến lên đánh Hoành Sơn, Lê Hữu Đức thua chạy. Quân Nam tiến đánh luôn Hà Trung, Lê Văn Hiểu thua chạy nốt, cùng Đức lui về giữ An Trường (Nghệ An). Kết cục năm này, 7 huyện Nghệ An ở phía nam sông Lam là Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương về tay chúa Nguyễn. Sau đó, quân Trịnh củng cố lực lượng và cũng bởi vì trong hàng ngũ quân Bắc vẫn còn một viên tướng họ Trịnh đủ sức cầm binh đương đầu với các hảo tướng phía Nam, đó là Ninh quốc công Trịnh Toàn và sau này là Định Nam vương Trịnh Căn. Cuộc đối đầu của Trịnh Toàn, Trịnh Căn và Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật chính là cuộc đối đầu trực diện của hai thế lực Trịnh - Nguyễn trên chiến trường.
Nguyễn Hữu Tiến lãnh binh tiến đánh Đại Nại giành chiến thắng, Trịnh Toàn lại đưa quân đến giành lại. Trịnh Toàn đuổi quân Nam đến Tam Lộng lại bị Hữu Tiến, Hữu Dật đón đánh phải thua... Chiến trận cứ thế, hai bên giành giật nhau từng tấc đất ở bắc sông Gianh. Sách Việt Nam sử lược mô tả trận này hai bên có thắng có thua, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư của Lê - Trịnh mô tả trận này quân Trịnh thắng lớn, ngược lại sách Đại Nam thực lục tiền biên của nhà Nguyễn soạn sau này lại mô tả trận này quân Nguyễn thắng. Các nhà nghiên cứu thống nhất với Việt Nam sử lược rằng hai bên có thắng có thua: sau trận thắng đầu quân Trịnh bị thua, nếu không đang đà thắng lợi phải tiến lên chứ không thể lui về giữ An Trường.
Sau đó, nội bộ hai bên lại lục đục. Trịnh Toàn bị anh mình là Trịnh Tạc nghi kỵ, vì Ninh quốc công đối đãi quân sĩ, dân chúng rất hậu, được lòng người yêu mến, phục theo. Nên sau khi Tạc lên ngôi chúa, sai con là Trịnh Căn dẫn quân mang tiếng tiếp ứng nhưng để kiềm chế, rồi sai phải về kinh và giết đi. Trịnh Căn tiếp tục đương đầu với quân Nam triều. Phần Nguyễn Hữu Tiến cùng Nguyễn Hữu Dật sau nhiều trận đánh, nhận thấy có cơ đồ thu phục Thăng Long, Chúa Hiền lại đem binh tiếp ứng nhưng Hữu Dật lại về trước ra mắt chúa mà không báo Hữu Tiến hay, vậy là sinh ra hiềm khích. Bởi vậy, tháng 11 năm 1660, biết bên Nguyễn các tướng bất hòa, quân lại bỏ trốn, Trịnh Căn sai Lê Thì Hiến và Lê Sĩ Triệt đánh huyện Nghi Xuân, Hoàng Nghĩa Giao và Nguyễn Năng Thiệu đánh huyện Thiên Lộc, phá tan quân Nguyễn. Quân Trịnh lấy lại 7 huyện ở Nghệ An mất từ năm 1655. Tới đây năm 1660, cuộc đại chiến lần thứ năm của Trịnh - Nguyễn dần chấm chứt.
Sau khi kết thúc cuộc chiến lần thứ 5, Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến vẫn tiếp tục được Chúa Nguyễn sai canh phòng, trấn giữ vùng biên ải, đến năm 1666 thì qua đời. Theo tiểu thuyết "Nam triều công nghiệp diễn chí", trước khi mất, ông vẫn còn canh cánh nỗi lo của kẻ bề tôi chưa hoàn thành được sứ mệnh Chúa Nguyễn giao phó:
- Ta đội ơn được thánh thượng quý trọng tin dùng đã lâu, làm quan đã đến tột bực của đại thần, được hưởng phú quý hơn người nhiều lắm. Chỉ giận nỗi chưa diệt trừ được họ Trịnh giúp chúa Nguyễn thu phục cơ đồ thống nhất để thỏa nguyện của kẻ bề tôi. Các ngươi hãy về triều bẩm lên thánh thượng biết để dưới suối vàng ta khỏi mắc tội phụ ơn bậc thánh vương. - Thuận Nghĩa nói xong thở dài mấy tiếng rồi mất, thọ sáu mươi lăm tuổi...
Cuộc đời của danh tướng thời nội chiến Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến không được sử sách chép lại nhiều. Nhưng trong tổng thể cuộc nội chiến thế kỷ XVII, Thuận Nghĩa hầu đã giữ một vị trí quan trọng nhất định trong hàng ngủ quân Nam của Chúa Nguyễn, dùng tài thao lược của mình để mưu nghiệp lớn thống nhất Đại Việt dẫu rằng không được như ý. Tuy nhiên, mỗi thời đại lại có những đòi hỏi khác nhau để mỗi danh tướng phụng sự và Thuận Nghĩa hầu cũng thế. Ông đã tận trung đời mình cho sự nghiệp quân Nam và cuối cùng hơn một thế kỷ sau, quân Nam đã tiến về Thăng Long và khôi phục nền thống nhất như công nghiệp Nhà Hậu Lê đã làm vào thế kỷ XV.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét