YÊU SỬ VIỆT - Thời kỳ Nam - Bắc triều, lịch sử Việt Nam xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử có tài dũng lược, thông minh, tài trí nhưng cũng đầy lòng nhân hậu, trung chánh.
Trong cuộc nội chiến Đại Việt vào thế kỷ XVI đó, Khiêm vương Mạc Kính Điển nổi lên như một trong những trụ cột quan trọng nhất của Bắc triều Nhà Mạc. Tuy không lên ngôi hoàng đế và dù đã qua đời, nhưng dòng dõi Khiêm vương lại có ảnh hưởng đến sự duy trì quyền lực của Nhà Mạc ở vùng đất Cao Bằng đến gần cả trăm năm sau khi họ Mạc bị mất Đông Đô - Thăng Long về tay họ Trịnh.Bài liên quan
>>> Sự kiện Mạc Đăng Dung lập ra nhà Mạc - Nhà Lê hết thì đến nhà Mạc lên thay, đó là tất yếu.
>>> Nhìn nhận công lao nhà Mạc và chúa Nguyễn
>>> Hoàng đế Minh Mạng được viết trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim.
>>> Nội chiến Nam - Bắc triều - Nhà Mạc và bài học đoàn kết quốc gia.
>>> Đức Thánh Trần và Quan Vũ - Sử Ta và sử Tàu
Mạc Kính Điển sinh khoảng năm 1525 ở vùng đất nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, thuở nhỏ ông ốm yếu, may nhờ có người vú nuôi là vợ của tướng Nhà Mạc - Phạm Quỳnh chăm sóc mà dần khỏe mạnh. Bởi vậy, khi đã lớn và nắm quyền bính trong tay, ông rất tin cậy cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao. Như nhiều triều đại khác trong lịch sử Việt Nam, sau khi Mạc Hiến Tông mất năm 1546, con là Mạc Phúc Nguyên còn nhỏ lên thay, tức là Mạc Tuyên Tông. Khiêm vương Mạc Kính Điển là người được Hiến Tông chọn làm phụ chính. Trong triều xảy ra biến loạn: Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi muốn lập người em của Mạc Thái Tông là Hoằng vương Mạc Chính Trung (con thứ hai của Mạc Thái Tổ) đã trưởng thành nhưng Mạc Kính Điển không thuận, quyết phò Phúc Nguyên là dòng đích lên ngôi. Tử Nghi bèn cùng Chính Trung khởi binh nổi loạn, nhưng đến năm 1551 thì bị Khiêm vương đánh dẹp hoàn toàn.
Trước đó, vào năm 1532, tướng Nhà Lê là Nguyễn Kim đã lập con cháu họ Lê lên ngôi vua ở Ai Lao, sau đó ban chiếu cần vương rồi hội quân luyện võ, đến năm 1540 thì tiến về chiếm đất Nghệ An. Trong đội quân của Nguyễn Kim có người tướng trẻ tài giỏi, gan dạ là Trịnh Kiểm được ông yêu thương nên gả con gái Ngọc Bảo cho để cùng ra sức phò tá Nhà Lê chống Nhà Mạc. Về sau, Trịnh Kiểm sẽ bước lên vũ đài chính trị Đại Việt, dù không chính thức mở phủ Chúa Trịnh nhưng bằng sự hiện diện của mình, Trịnh Kiểm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự chia cắt đất nước trong hơn 200 năm nữa...
Trở lại với vị Khiêm vương Nhà Mạc. Sau khi hai họ Nguyễn và Trịnh xây dựng lực lượng phò tá Vua Lê, nhiều trận chiến ác liệt xảy ra giữa hai bên để tranh giành từng tấc đất Đại Việt, dẫn đến giang sơn thống nhất thời Mạc Thái Tổ phân chia thành hai: từ Thanh Hóa trở vào thuộc Nhà Lê gọi là Nam triều, từ Sơn Nam trở ra thuộc về Nhà Mạc, gọi là Bắc triều. Lúc này, tướng Nguyễn Kim đã bị hàng tướng Nhà Mạc đầu độc chết, quyền hành quân Nam triều đều thuộc cả về tay Trịnh Kiểm. Họ Nguyễn chưa thật sự nổi lên như một thế lực độc lập và tách biệt, mà chỉ giữ ý chí khuông phò Vua Lê, thống nhất giang sơn về cho Họ Lê. Trịnh Kiểm nắm toàn bộ binh quyền, mượn danh Vua Lê hiệu triệu thiên hạ, gây ra thế giằng co với Khiêm vương Mạc Kính Điển của Nhà Mạc.
Khiêm vương Mạc Kính Điển. Ảnh: Hoang Ha Tran |
Mạc Kính Điển mười phen đánh Thanh Hóa thì cả mười phen thua về. Trịnh Kiểm sáu lần xuất Sơn Nam nhưng cũng không lần nào toàn thắng. Duy chỉ có năm 1599, Trịnh Kiểm đem theo 6 vạn quân Bắc tiến, chiếm giữ gần cả hết 7 tỉnh của Bắc triều, tưởng như gần đến lúc thu phục lại giang sơn, nhưng Mạc Kính Điển mang một đạo quân theo đường biển tiến đánh Thanh Hóa khiến Trịnh kiểm lo sợ phải rút toàn quân, bỏ miền Bắc mà về giữ Tây Đô. Thành ra, hai bên cứ thế giằng co, người đánh Bắc, kẻ đánh Nam, chiến loạn trong nước không bao giờ dứt.
Năm 1570, Thượng tướng Thái quốc công Trịnh Kiểm chết, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh ngôi. Mạc Kính Điển thừa cơ mang đại quân vào đánh Thanh Hoá. Trịnh Cối bị kẹp giữa hai bên địch quân phải hàng Mạc. Kính Điển thúc quân đánh nhiều tháng nhưng cuối cùng không thắng được quân Trịnh Tùng. Nhờ Trịnh Tùng là người thay thế xứng đáng của Trịnh Kiểm nên nhà Lê vẫn duy trì được thế cân bằng với nhà Mạc. Nhà Lê tuy đứng vững nhưng chỉ chủ yếu trên địa bàn Thanh Hóa. Mạc Kính Điển nhiều lần đánh Thanh Hóa không thắng nhưng khi đốc suất thủy quân vào đánh Nghệ An, nhờ sức tướng Nguyễn Quyện và Hoàng Quận công Mạc Đăng Lượng, lần nào cũng thắng. Sau đó phía nam nhà Mạc bị mất nốt Thuận Hoá, Quảng Nam vì xa cách nên không thể cứu ứng, tướng Mạc Lập Bạo gặp phải địch thủ lớn là Nguyễn Hoàng bị thua trận chết. Mặc dù Nguyễn Quyện và Hoàng quận công Mạc Đăng Lượng đánh thắng quân Lê nhiều lần ở Nghệ An nhưng vì địa thế cách trở, xa Đông Kinh ở Bắc Bộ không tiếp ứng được nên cuối cùng quân chủ lực của Mạc lại phải rút đi, quân Mạc lại yếu thế trước quân Trịnh. Lê Trịnh được yên phía nam nhờ sức của Nguyễn Hoàng. Nhà Mạc mất hẳn phía nam và chỉ còn kiểm soát Bắc Hà.
Tuy thế trận giằng co, nhưng xét về việc trong nước của Bắc triều, Khiêm vương Mạc Kính Điển lại là người được chính cả phe Lê - Trịnh kính trọng một bước khi nói về. Cho dù nhà Mạc là kẻ thù không đội trời chung với nhà Lê trung hưng, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư do các sử gia nhà Lê soạn phải thừa nhận:
"Kính Điển là người nhân hậu, dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén, hiểu đời, từng trải nhiều gian nan nguy hiểm, cần lao, trung thành";
sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn cũng ghi nhận:
"Ông tiếp đãi quan liêu có lễ độ, đối với quân sĩ có ân nghĩa, từng trải qua biết bao sự gian hiểm, mà vẫn cần lao trung thành, thời bấy giờ tựa vào ông làm trọng. khi ông chết, lòng người trong nước đều dao động!"
và
"Kính Điển là người nhân hậu, linh mẫn, dũng cảm có thừa".
Năm 1580, Khiêm vương Mạc Kính Điển qua đời, gần 10 năm sau, Nhà Mạc mất Đông Đô do không còn ai đủ khả năng gánh vác vương triều như Ông. Sau đó, dù Họ Mạc bị đánh phải chạy lên vùng giáp biên giới Nhà Minh, nhưng con cháu dòng dõi ông vẫn được quân thần Nhà Mạc phò tá làm vua, chiếm giữ đất Cao Bằng mãi đến năm 1677 mới bị thu phục hoàn toàn.
Trong buổi loạn lạc, tôi nào thờ chúa nấy, bên nào có đại nghĩa của bên nấy. Khiêm vương dùng tài sức của mình để giữ cơ đồ Họ Mạc do Mạc Thái Tổ gây dựng. Cũng phải nói, Mạc Thái Tổ dù đời sau có lời chê là cướp ngôi Nhà Lê nhưng đó là trong buổi Nhà Lê suy mạt, giai đoạn cuối triều Lê sơ (1516 – 1526) tương ứng với các triều vua Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng xảy ra khủng hoảng kinh tế - chính trị trầm trọng, chiến tranh loạn lạc liên miên còn dẫn đến hai cuộc nội chiến lớn về sau. Mạc Thái Tổ lên ngôi, phần nào chấm dứt các cuộc chiến loạn cuối thời Lê sơ nhưng buộc phải đối đầu với Nhà Lê trung hưng. Bởi vậy, Mạc Kính Điển ra sức phò tá không chỉ cho dòng họ mình, mà con cho cả thành quả chấm dứt khủng hoảng chính trị của Nhà Lê sơ do Mạc Thái Tổ gầy dựng nên!
Bởi vậy, trong một chừng mực nhất định, Nhà Hậu lê về sau đã đánh giá Ông như trên, "cần lao trung thành, thời bấy giờ tựa vào ông làm trọng. khi ông chết, lòng người trong nước đều dao động" - đó cũng là phẩn thưởng xứng đáng cho một người trung nghĩa vẹn toàn trong thời nội chiến, loạn lạc.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét