YEUSUVIET - Trải qua một bề dày lịch sử thăng trầm trong sự đô hộ của phương Bắc, chữ viết cùng nền văn hóa Việc từng có một thời kỳ dài bị tiêu hủy trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Nhưng bằng nhiều cách khác nhau và trên hết là tình thần không bao giờ từ bỏ khát vọng khôi phục nền độc lập của tổ tiên, người Việt đã giành lại tự do. Nhưng với một ngàn năm Bắc thuộc, nên văn hóa Việt đã bị ảnh hưởng quá lớn của văn hóa Hoa Hạ và trong đó, chữ viết bằng Hán văn là điểm thể hiện sự lệ thuộc rõ ràng nhất. Sau đó, cùng với thời kỳ Tự chủ và thời kỳ hiện đại, người Việt xây dựng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ cho riêng mình.
Bài liên quan
Chữ Hán là loại văn tự ngữ tố xuất phát từ tiếng Trung Quốc. Người ta cho rằng loại ngôn ngữ này đã xuất hiện sơ khai vào khoảng triều đại Nhà Thương, tức vào khoảng 1.800 năm trước Công nguyên. Cùng với sự lớn mạnh, tập quyền của chính quyền phong kiến Trung Hoa, chữ Hán dần dần được củng cố, hoàn thiện và không chỉ trở thành ngôn ngữ chính thức của những người Hán, nó còn trở thành ngôn ngữ để đồng hóa những sắc tộc xung quanh trong cuộc bành trướng của họ. Khác với thế giới phương Tây sử dụng ngôn ngữ tượng thanh, chữ Hán được xây dựng theo lối tượng hình và do đó, điều tiên quyết để biết chữ, biết được văn tự này đó là người học phải học thuộc lòng cũng như phải có điều kiện để được tham gia vào việc học tập này.
A. Bellessort trong tác phẩm La societe Japonaise đã viết và đánh giá về loại chữ viết này như sau:
Thứ văn tự được cho là biểu ý này biểu đạt rất kém cái ý niệm phong phú, uyển chuyển, sống động, với những tương quan vô hạn, trong khi chúng chỉ thể hiện đối tượng trơ trơ, bất động, hạn hẹp, vô hồn. Tinh thần do đó không thể rộng mở, cũng không thể thanh lọc sự tạo nghĩa vật thể. Chúng chỉ tái hiện những cảm xúc, chỉ khơi dậy những ý niệm cụ thể và quá hạn hẹp nên không thể triển khai một cách tự do. Những học sinh, cho đến mười lăm hay mười sáu tuổi, học cách vạch vẽ những chữ này bằng đầu bút lông, những chữ liền và những chữ rời, ngoại trừ việc khiến cho tâm trí mệt mỏi, còn tạo thói quen khiến tư tưởng của chúng phải chịu ép vào những khuôn khổ chật hẹp và cố định. Những học sinh này tự biến thành kẻ nô lệ cho chữ nghĩa của mình trong khi những từ ngữ của chúng ta lại là những kẻ tôi tớ phục vụ tận tụy và nhanh nhẹn cho chúng ta. - Tâm lý người An Nam .- Paul Giran .- NXB. Hội Nhà Văn, 2019, tr. 123.
Tuy nhiên, trong vòng xoáy định mệnh và đau thương của dân tộc, người Việt rơi vào vũng lầy Bắc thuộc suốt 1.000 năm và buộc phải học lấy chữ viết của những kẻ đô hộ mình. Nhưng sau khi Ngô Vương Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở đầu thời kỳ độc lập, tự chủ vĩnh viễn cho người Việt, nền văn hóa, chữ viết và tiếng nói của chúng ta bắt đầu bước vào thời kỳ phục hưng. Về văn bản thì khi tìm chứng tích trước thời nhà Lý, văn tịch hoàn toàn không lưu lại dấu vết chữ Nôm nào cả. Sang thời Lý thì mới có một số chữ Nôm như trên quả chuông chùa Vân Bản, Hải Phòng (đúc năm 1076), bài bi ký ở chùa xã Hương Nộn, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ (tạc năm 1173 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 11) hay bia chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng (nay thuộc Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (tạc năm 1210 triều vua Lý Cao Tông).
Với sự ra đời của chữ Nôm, người Việt bắt đầu và nỗ lực cho hành trình vượt qua sự kiềm kẹp của quá khứ để khẳng định vị trí độc lập, tự chủ của mình. Ban đầu khi mới xuất hiện, chữ Nôm thuần túy mượn dạng chữ Hán y nguyên để ghi âm tiếng Việt cổ (mượn âm Hán để chép tiếng Quốc âm). Phép đó gọi là chữ "giả tá" (假借). Dần dần phép ghép hai chữ Hán lại với nhau, một phần gợi âm, một phần gợi ý được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Phép này gọi là "hài thanh" hoặc "hình thanh" (形聲) để cấu tạo chữ mới. Trải qua các triều đại Nhà Lý - Nhà Trần - Nhà Hậu Lê và thời Chúa Trịnh cai trị Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong, chữ Nôm tiếp tục được duy trì, phát triển và được đưa vào các khoa thi cử, được các danh sĩ hoặc quan lại đương triều sử dụng để soạn thi ca, biên soạn các tác phẩm lịch sử, văn hóa... Và, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa chính là cuốn từ điển chữ Hán giải thích bằng chữ Nôm thuộc loại sớm nhất, vào khoảng thế kỷ 15.
Tiếp đến, trong giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, cuộc nội chiến Việt Nam đẫm máu và lâu dài này cũng không ngăn cản những sự thay đổi về chữ viết trong tiếng Việt. Các nhà truyền giáo từ phương Tây trên hành trình rao giảng Tin Mừng và Đức tin của mình, dường như đã vô tình mang đến một khoa học ngôn ngữ với lối ký tự mới với mục đích đầu tiên là phục vụ cho công việc tôn giáo của mình. Thoạt nhìn, có vẻ sự kiện này chỉ mang mục đích tôn giáo thuần túy và các Thừa sai Tây phương cũng như nhiều người Việt không có sự thống nhất cần thiết cho việc tiếp nhận một lối viết mới, nhưng nếu đặt sự kiện này theo tiến trình lịch sử của người Việt nói riêng và thế giới nói chung, sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ là tất yếu, sớm muộn cũng sẽ được người Việt tiếp nhận và vô tình, lịch sử đã chọn bước chân của những Nhà truyền giáo làm bước chân của những người mang một ký tự mới...
Chữ Quốc ngữ là tên gọi cho bộ chữ Latinh phổ thông được dùng để viết tiếng Việt hiện nay. Chữ Quốc ngữ được tạo ra bởi các tu sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha và Ý, bằng việc cải tiến bảng chữ cái Latinh và ghép âm dựa theo quy tắc chính tả của văn tự tiếng Bồ Đào Nha và một chút tiếng Ý. Trải qua những thời điểm lịch sử để hình thành và hoàn thiện từ Bảng chữ cái La-tinh tiếng Việt trong Từ điển An Nam – Bồ Đào Nha – La-tinh in năm 1651 của Linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ) đến sự kiện ngày 22 tháng 2 năm 1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định "bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán" trong các công văn ở Nam Kỳ đã dần dần đưa chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam sau hơn 300 năm hình thành... Gia Định Báo, một tờ báo do Trương Vĩnh Ký làm chủ biên phát hành, là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ ra mắt năm 1865.
Cuối cùng, năm 1918, vua Khải Định chính thức bãi bỏ hình thức khoa cử đã tồn tại hàng mấy trăm năm và năm 1919 là năm cuối mở khoa thi ở Huế. Chữ Quốc ngữ từ đó trở thành văn tự diễn đạt phổ biến ở Việt Nam, trong khi đó người Việt đang dần "mù chữ" với Chữ Hán và chữ Nôm, hai dạng văn tự này trở nên ít được sử dụng. Và rồi, theo dòng chảy lịch sử ngày càng sôi động, cuối năm 1937, phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động lên cao, yêu cầu dạy và học chữ quốc ngữ ngày càng bức thiết. Xứ uỷ Bắc Kỳ chủ trương thành lập Hội truyền bá quốc ngữ để mở rộng phong trào học chữ quốc ngữ một cách công khai hợp pháp. Theo số liệu của UNESCO năm 1984, vào năm 1938, Việt Nam có khoảng 95% dân số mù chữ. Tính đến Cách mạng Tháng Tám 1945, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ (1938) đã giúp cho 70.000 người thoát nạn mù chữ.
Như vậy là, đứng giữa những dòng chảy lịch sử, những yêu cầu cấp thiết và thử thách của thời đại, người Việt bằng cách này hay cách khác, đã dần dần lựa chọn chữ Quốc ngữ thành ngôn ngữ chính thức cho cuộc phục hưng dân tộc của mình vào thế kỷ XX. Tiếng Việt hôm nay dù đã thoát khỏi lối ký tự tượng hình của Hán - Nôm, nhưng vẫn không mất đi những bản sắc văn hóa hàng nghìn năm được thể hiện qua âm thanh của lời nói. Tiếng Việt có sắc, bằng, hỏi, ngã, nặng là những thanh âm để tạo những vần điều của giọng nói, cũng như đó chính là những thăng trầm của Dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm vẫn giữ được một nền văn hóa riêng của mình. Dẫu chữ Quốc ngữ có thay chữ Hán, chữ Nôm để trở thành "Tiếng Việt" nhưng lịch sử của tổ tiên vẫn tiếp tục tồn tại cùng con cháu qua từng giọng nói, từng con chữ hằng ngày...
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét