YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam, Đức Thánh Trần (? - 1300 SCN) là tước hiệu của một vị Anh hùng dân tộc Việt Nam được dành cho một con người có thật, có nhiều công lao và được lập đền thờ ngay khi còn sống, Ngài là Trần Quốc Tuấn, tước Hưng Đạo vương nên còn được nhân gian gọi kỵ húy bằng tên Trần Hưng Đạo. Với Quan Vũ (162 - 220 SCN), ông cũng là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa, sống cuối thời kỳ nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Hoa, ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán, nhưng thất bại của ông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Lưu Bị.
Bài liên quan
Từ điểm chung là những vị Thánh của mỗi dân tộc.
Cả Đức Thánh Trần và Quan Vũ đều có điểm chung là vị Thánh của dân tộc Việt và dân tộc Hán. Tín ngưỡng thờ Quan Công xuất hiện sơ khai vào khoảng thế kỷ thứ VI - VII SCN, vào đời Nhà Tùy (581 - 618) và hơn 500 năm sau khi chết, vào năm 782, Quan Vũ được Đường Đức Tông đưa vào Võ miếu, nơi thờ cúng các danh tướng trong lịch sử Trung Hoa. Tuy nhiên, để chính thức được gọi danh hiệu "Quan Thánh, "Quan Đế" thì phải đến tận năm 1614, khi Minh Thần Tông phong Quan Vũ làm "Tam Giới Phục Ma Đại Đế Thần Uy Viễn Chấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân".
Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần của người Việt xuất hiện muôn hơn rất nhiều so với tín ngưỡng thờ Quan Công. Điều này xuất phát từ một thời kỳ rất dài gần 1.000 năm người Việt bị người Hán đô hộ - sử Việt gọi là thời kỳ Bắc thuộc. Trong thời kỳ Bắc thuộc đó, những giá trị văn hóa, những truyền thống của người Việt đều bị người Hán tìm cách tiêu diệt hoặc đồng hóa vào nền văn hóa riêng của họ. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh sức sống trường tồn và cuối cùng người Việt giành lại được độc lập, tiếp tục xây dựng và phát huy nền văn hóa đậm bản sắc riêng của mình.
Tuy vậy, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIV, gắn với chiến công ba lần đánh tạn giặc Nguyên - Mông của Nhà Trần nói chung và Hưng Đạo Vương nói riêng. Sau đại thắng Nguyên - Mông lần thứ ba (1289), ông lui về tư dinh tại Vạn Kiếp, nhân dân kính trọng, nhớ ơn công lao đã lập đền thờ sống ông ngay tại nơi này. Tại đền có bài văn bia của vua Trần Thánh Tông, ví ông với Thượng phụ (tức Khương Tử Nha). Có thể nói, Đức Thánh Trần được thờ gắn liền với công lao, sự nghiệp hiển hách, tài trí và tấm gương Trung - Nghĩa - Lễ ngay khi Ngài vừa mất, khác với Quan Vũ phải trải qua hàng trăm năm tùy thuộc vào quan điểm chính trị của từng thời đại.
Quan Vũ lại khác. Ông là một võ tướng có thật, góp phần công lao rất lớn trong việc giúp Lưu Bị tranh thiên hạ với Tào Tháo, Tôn Quyền và lập ra Nhà Thục Hán, khôi phục phần nào giang sơn của Nhà Hán. Nhưng sự thần thánh hóa quá lớn của Tam Quốc diễn nghĩa do La Quán Trung sáng tác vào thế kỷ XIV dựa trên Tam Quốc chí, đã khiến cho nhiều vấn đề, sự kiện trong cuộc đời ông từ không có thật lại trở thành có thật. Hơn nữa, như trên đã nói, từ triều Nhà Tùy thế kỷ VI - VII đến tận thời Nhà Minh thế kỷ XIV - XVII, sau hàng loạt những quan điểm chính trị của các triều đại Nhà Đường, Thục Hán, Nhà Tống, Nhà Nguyên, Nhà Minh (và sau này là Nhà Thanh), tín ngưỡng thờ Quan Công mới được các triều đại này chấp nhận, cho thờ hoặc không cho thờ theo ý định của mình.
Nhưng, quan trọng hơn hết, trong cả hai vị Thánh được mỗi dân tộc tôn thờ, đều có phẩm chất rất riêng, rất khác mà một người bình thường khó làm được, đó là Tận trung báo quốc và đề cao Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín theo quan niệm Nho gia. Với riêng Đức Thánh Trần, phần nào đó ông vẫn gắn liền với vận mệnh quốc gia, dân tộc nhiều hơn.
Đến câu chuyện về sử Ta và sử Tàu
Từ rất lâu, với người Việt, câu chuyện sử Ta và sử Tàu là một câu chuyện muôn thuở với câu hỏi: Vì sao người Việt thuộc sử Tàu hơn sử Ta? Rồi bước sang tín ngưỡng, vì sao nhiều người Việt lại thờ Quan Công nhiều hơn Đức Thánh Trần, nhiều gia đình Việt vẫn còn quá lạ lẫm khi để ảnh tượng của vị Thánh của dân tộc mình - mà nếu không có vị Thánh ấy, số phận dân tộc vào thế kỷ XIII chắc hẳn còn chưa biết thế nào trước vó ngựa của đạo quân xâm lược từng gần như đè bẹp cả Âu Châu!? Hai vấn đề này là cả một quá trình phát triển trong sự bao trùm, ảnh hưởng và đối lập của hai quốc gia với hai nền văn hóa khác biệt nhưng có quá nhiều điểm chung. Đại Việt và Việt Nam hiện nay không nằm ngoài sự ảnh hưởng về văn hóa của người Hán trong khối Đông Á, tín ngưỡng cũng vậy. Nhưng cùng với những quốc gia chịu ảnh hưởng trong Vùng văn hóa Đông Á khác, người Việt cũng bị ảnh hưởng nhưng cũng có sự bứt phá khác biệt của riêng mình.
Sự hình thành Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần xuất hiện trong sự độc lập và tự do nên đã nhanh chóng được phát triển, bước vào vị thế tách biệt riêng của mình so với các tín ngưỡng truyền bá từ bên ngoài khác. Tín ngưỡng thờ vị Thánh có công lao hiển hách nhất qua mọi thời đại của người Việt chính là kết tinh của một ý chí "thoát Hán - thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa người Hán" nhằm khẳng định một vị thế riêng, độc lập và bình đẳng của nền văn hóa Việt. Mặc dù sử Tàu đã ăn sâu vào tiềm thức của rất đông người Việt và quan điểm Nho giáo vẫn còn rất nặng nề trong tâm thức người Việt, nhưng bản tính và sự nỗ lực thoát khỏi vòng kiềm kẹt cố hữu truyền thống trong từng thời đại của người Việt cũng dẫn đưa người Việt bước ra khỏi những sự lệ thuộc của một nền văn hóa cổ xưa cần thay đổi để phù hợp trong thời đại mới.
Câu hỏi về sử Ta và sử Tàu đã được các thế hệ người Việt đem ra mổ xẻ, tìm cách thay đổi để người Việt biết sử Việt, cũng như nét Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đã được các thế hệ người Việt gìn giữ suốt hơn 700 năm nay để đưa người Việt nhìn về cội nguồn, gốc rễ của dân tộc mình. Đó là những nỗ lực của những thế hệ người Việt luôn luôn và luôn luôn đề cao tinh thần dân tộc, độc lập, tự cường. Do đó, trong thời đại mới hôm nay, trong xu thế toàn cầu hóa và bình đẳng của mọi quốc gia, những người trẻ Việt cũng phải tiếp tục con đường của những tiền nhân đi trước, tiếp tục đưa sử Ta đến đúng vị trí của mình trong tâm thức và suy nghĩ của người Việt. Quan Vũ cần cả quá trình hơn 1.000 năm trải qua những quan điểm khác nhau để được thần thánh hóa thì lịch sử người Việt - dẫu bị thiệt thòi hơn về thời gian nhưng lại kiên cường hơn gấp nhiều lần, cũng vẫn cần một khoảng thời gian để khẳng định sự độc lập của mình!
Vấn đề lớn nhất là nếu mỗi thế hệ đều biết giữ gìn lịch sử Việt Nam, thì lịch sử quốc gia này, Tổ quốc này mãi mãi không bao giờ mất đi! Sử Việt còn, nước Việt còn!
================================
Thảo luận bài viết trên fanpage YÊU SỬ VIỆT - https://www.facebook.com/yeusuviet/posts/3916964801686332
================================
Lê Thành An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét