YEUSUVIET.COM - Lịch sử Việt Nam kiêu hùng cứ tuôn trào mãi mãi những bất khuất, hiên ngang trong suốt dòng chảy bất tử của những thời đại dựng nước và giữ nước. Trong dòng chảy đó, 20 năm tăm tối cả dân tộc Việt chịu đắm mình dưới sự đô hộ tàn ác và hung bạo của giặc Ngô là khoảng thời gian khốn cùng hơn cả. Không giấy bút nào có thể diễn tả hết những nỗi đau của một nền văn hóa vừa được gầy dựng lại vẫn còn non trẻ đã gần như bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhưng cũng chính trong giờ phút sự tồn vong của dân tộc như chỉ mành treo chuông, như ngọn đèn trước gió, thì cũng chính là lúc sức mạnh bất tử của Dân tộc Việt được trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, kiên cường hơn bao giờ hết và kiêu hùng hơn bao giờ hết. Là con cháu Đại Việt, sống cách thời đại ấy đến gần 600 năm, chúng ta thật sự tha thiết, da diết cảm nhận được khí thế hùng thiêng của cả Dân tộc trong thời đại ấy. Và, cảm ơn Việt Sử Kiêu Hùng cùng ngọn Đuốc Mồi "Bình Ngô Đại Chiến" đã mang tinh thần của tổ tiên đến gần với chúng ta hơn hết.
Bài liên quan
"Bình Ngô Đại Chiến" và tinh thần Đuốc Mồi
Tập phim "Bình Ngô Đại Chiến" là tác phẩm diễn họa cuối cùng của serie phim diễn họa thuộc dự án Việt Sử Kiêu Hùng của nhóm Đuốc Mồi. Thực hiện trong 15 tháng, trải qua 13 lần thay đổi kịch bản và sử dụng hơn 1.200 shot hình, "Bình Ngô Đại Chiến" đã chứng tỏ được tầm vóc, sự nỗ lực và quyết tâm trong giới hạn có thể của mình mà Đuốc Mồi đã làm hết sức để không phụ lòng khán giả, đặc biệt là không phụ lòng hơn 1.600 những cá nhân, tổ chức đã đóng góp nên số tiền hơn 1,3 tỷ đồng cho riêng tập phim này. Khán giả thật sự đã đón nhận Việt Sử Kiêu Hùng, nhất là những người Yêu Sử Việt vì nhờ có dự án này, chúng ta đã nhìn thấy những sự kiện Sử Việt được tái hiện thật sự hào hùng trên màn ảnh, như Tử chiến thành Đa Bang, Lý Thường Kiệt - Đại chiến Ung Châu thành, Huyết mạch Trần Gia, Võ Tánh... tất cả đã phần nào khắc họa được rất lớn một hình ảnh của Sử Việt xa xưa! Nhưng để đi xa hơn, Việt Sử Kiêu Hùng cần một Nhà đầu tư đúng nghĩa.
"Giặc là giặc. Đã là giặc thì phải giết."
Tập phim mở đầu với khí thế chiến thắng của các tướng sĩ Lam Sơn như Nguyễn Xí, Lý Triện, Đinh Lễ... trước cánh quân Minh do thái giám Lý Lượng chỉ huy. Tuy chỉ bằng diễn họa nội dung bằng hình ảnh, nhưng bằng chính hình ảnh sắc nét, cô đọng, thể hiện rõ tính cách nhân vật và giọng âm lồng tiếng hùng hồn, trận đánh và khí thế của tướng lĩnh cùng nghĩa quân Lam Sơn được diễn tả đầy chân thực, oai hùng. Lý Lượng là một hoạn quan đầy hung ác của giặc Minh và đường lối y muốn áp dụng để cai trị Đại Việt là bằng "máu" - phải bình định tàn bạo và dùng sức mạnh, nỗi sợ hãi để khuất phục, bắt buộc người Việt chấp nhận số phận nô lệ nhà Minh. Hình ảnh các dũng tướng Lý Triện, Đinh Lễ, Nguyễn Xí xuất hiện trong đầu phim chính là hình ảnh "đối lập không hoàn toàn" của Nghĩa quân Lam Sơn trước sự tàn bạo của quân Minh.
Trận chiến mở đầu này kết thúc bằng hình ảnh nhưng người lính Lam Sơn trên tay cầm thương nhọn đến từng xác quân Minh và thẳng tay chọc thẳng vào chúng, để những kẻ còn hấp hối... sẽ sớm được hóa kiếp. Đó không phải sự tàn bạo của riêng một bên nào - Lam Sơn hay giặc Minh, mà đó là sự tàn bạo của chiến tranh, của việc bắt buộc phải bảo vệ Non sông và Dân tộc này toàn vẹn bằng mọi giá. Và cảm xúc trong lời nói của cô gái mang tên Tiểu Nguyệt chính là hiện thân của phần đối lập còn lại - sự thương cảm, yếu đuối của con người khi chạnh lòng cho số phận của những con người chỉ khác màu áo, ngôn ngữ nhưng phải tận diệt và giết nhau.
Giặc thì là giặc. Đà là giặc thì phải giết.
Bài liên quan
Còn đây là câu trả lời của Nguyễn Xí - dũng tướng Lam Sơn và là Khai quốc công thần Nhà Hậu Lê, về những gì mà một chiến tướng và người lính phải làm trên chiến trận. Chúng ta có nhiều lý do để nhân từ với kẻ thù - những lẻ xâm lược, nhưng phải luôn luôn nhớ rằng: nhân từ với kẻ thù là tàn ác với chính mình, đồng bào mình. Câu nói này nhanh chóng được ứng nghiệm.
Phân đoạn tiếp theo, nghĩa quân Lam sơn về bản làng của Tiểu Nguyệt để cùng vui say với dân làng cô sau trận thắng. Hình ảnh những người già, phụ nữ, trẻ nhỏ vui đùa nhảy múa bên đống lửa và những chàng trai, thanh niên say bên chén rượu cùng câu chuyện đá đánh giặc Minh lui ra khỏi bản làng mình thêm phần ý nghĩa sâu sắc hơn cho lời thề Lũng Nhai năm nào của quân Lam Sơn - Làm cho xóm làng được yên bình. Tiếng trẻ nhỏ ríu rít nô đùa bên ánh lửa đêm bập bùng, nồng ấm như một chút thi vị cho những trận đánh máu đổ, thân rơi. Trẻ nhỏ - chúng vô tội, và chúng luôn luôn cần phải được đứng ngoài mọi cuộc chiến, mọi toan tính của người lớn. Hình ảnh chúng lớn lên trong yên vui và hòa bình chính là điều những người có trách nhiệm như quân Lam Sơn phải làm.
Một bé gái nhỏ trên tay cầm đèn hoa đăng nhìn thấy Tiểu Nguyệt đang ngồi cùng các chú tướng liền đi tới và mang cho cô lồng đèn đó. Nhưng khi lồng đèn hoa đăng sắp sửa rời tay cô bé nhỏ để đưa cho Tiểu Nguyệt, một tiếng "Đoàng" chát chúa vang lên. Đứa bé ngã xuống và máu của em lấm lem hết khuôn mặt thanh tao, trang nhã của Tiểu Nguyệt... Lý Lượng không chịu thua. Hắn mang phục binh Nhà Minh tới và chỉ chờ khi tất cả sơ hở, hắn cho nổ súng, xua quân và tàn sát tất cả, kể cả người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Tiểu Nguyệt đứng đó, lòng đau đớn và sau trận phục kích, cô gái nhỏ hỏi Lý Triện dân làng cô đâu - Lý tướng quân ngồi đó, chỉ cảm thán và gục đầu bằng một lời nói: "Xin lỗi". Dân làng của Tiểu Nguyệt bị giết tất cả và ai đã chỉ điểm, ai đã dẫn đường quân Minh???
Chiến thắng của quân Minh
Tháng 10/1426, Vương Thông nhận chiếu chỉ của Minh Tuyên Tông, dẫn 5 vạn binh tiến sang Giao Chỉ nhằm chặn đứng bước chân Bắc tiến của nghĩa quân Lam Sơn. Phần khởi đầu của "Bình Ngô Đại Chiến" chỉ là một giao chiến nhỏ của hai bên, trên thực tế, từ tháng 8/1426, Bình Định Vương Lê Lợi đã chia ba hướng quân Bắc tiến nhắm về Đông quan nhằm khôi phục kinh đô Đại Việt. Các cánh quân Lam Sơn đã gần như làm chủ thế trận phía Bắc về mặt chiến lược, đồng thời chặn đứng viện binh từ Vân Nam kéo sang. Tuy nhiên, Đại Việt thông sử ghi lại:
Nghĩa quân Lam Sơn tuy đánh thắng, nhưng vẫn dựa vào vùng đất Nghệ An, Thanh Hóa. [...] Người trong nước còn sợ oai quân Minh, chưa quy phục hết thảy.
Cùng với lực lượng Vương Thông kéo sang, chính những người dân Đại Việt cũng đang nhìn về đội viện quân này để biết rồi tình thế chiến trận sẽ ra sao. "Bình Ngô Đại Chiến" đã khắc họa cụ thể tình hình chiến sự và kế hoạch bày trận của quân Minh, cùng với những thất bại chiến lược của cánh quân Lam Sơn chủ lực do Lý tướng quân chỉ huy. Cho rằng viện binh giặc sẽ bị bất ngờ, Lý Triện cho quân đánh các trại của Vương Thông ở Cổ Sở nhưng nào ngờ giặc đã đoán trước, cho phục binh và chuẩn bị vũ khí đánh tượng quân. Hình ảnh trong "Bình Ngô Đại Chiến" tái hiện những tượng quân khí thế ngập trời, tiếng rống vang hơn trăm tiếng trống trận dốc thẳng vào hàng ngũ quân Minh mà dẫm đạt, tạo đà cho binh lính xông lên chém giết. Trong tình thế tưởng chừng đại thắng đó, quân Minh bỏ lại những tấm khiên có gắn sẵn chông nhọn, thế là tượng quân đạp trúng, rống lên thê thiết rồi tự xông vào hàng ngũ Lam Sơn... Lý Triện thất trận, đốt doanh trại, thu quân về nơi hiểm yếu và cáo cấp gọi viện binh của Đinh Lễ, Nguyễn Xí kéo sang... Tình thế hết sức ngặt nghèo.
Bắc tiến rồi có bị bẻ gãy?
Xuyên suốt phần phim, sự đan xen giữa tốt và xấu, nhân từ và bạo tàn như một sự giằng xé trong chính con người các tướng lĩnh lam sơn, như Lý Triện chẳng hạn. Khi thất bại trong trận tập kích Vương Thông tại Cổ Sở, nhìn thấy binh lính Lam Sơn thương vong, tiếng than khóc thấu trời, lòng của một trong những chiến tướng tài ba nhất của Lam Sơn đã có lúc chùng xuống... Chùng xuống không phải đầu hàng, không phải chấp nhận thất bại nhưng chùng xuống vì những anh em, binh lính sát cánh bên mình trên khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc vì mục tiêu thu hồi kinh đô cũ nay đã có quá nhiều người nằm xuống, mà chính mình - tướng cầm quân, là người nhận trách nhiệm lớn nhất. Trong những cung bậc cảm xúc đau thương đang đan xen vào nhau đó, bài hát "Chiêu hồn ca" bất chợt vang lên trong phim như tiếng lòng của những người ở lại...
Hồn hề, hồn quy laiNúi cao nay lấp thành hào,Hồn thiêng hóa xác non sôngDấu xưa mây phủ bụi mờ
Đó là tiếng hát của một nữ binh trong số những binh lính Lam Sơn vừa thảm bại đêm qua. Cô hát khi những người thân trong gia đình tham gia trận đánh ấy đã không còn. Cô không thể khóc vì nước mắt đã cạn khô và vì phải mở thật to để nhìn vào đống lửa đang đau đớn đưa dần những người lính về với đất mẹ Việt... Tiếng lòng cô và cũng là tiếng lòng của vị tướng lỡ đi sai một nước cờ:
Là ta đã hại anh em [...] Lương đã cạn. Chúng ta có thể hít gió, ăn sương mà cầm cự được sao. Chỉ còn cách rút quân về Thanh Hóa mà hội quân với chúa công.
Trong tình thế ngặt nghèo, khốn cùng đó, trong tình thế mà sử dụng nước cờ "đánh cho bay sĩ khí của giặc mới sang" đã bị chúng làm cho chính quân mình mất tan sĩ khí, thì hỏi có tướng lĩnh nào không đau đớn cho cái chết, hy sinh oan uổng của anh em. Nhưng đây cũng đâu phải lần đầu tiên những người con của Đất Việt, của Lam Sơn bị dồn đến chân tường, đến bước đường cùng, đến hung cảnh ngặt nghèo. Và chính trong những tình thế hiểm ác như lúc đó, hơn khi nào hết là lúc chính người tướng lĩnh phải trui rèn trở lại lý do vì sao mình đã đứng ở vị trí hôm nay:
Không phải ai khởi nghĩa cùng đều là anh hùng. Nhưng mỗi người nằm xuống đều là nghĩa sĩ. Huynh không phải là anh hùng, đệ cũng không phải là anh hùng. Chúng ta chỉ là những người dẫn đường, đưa họ, đưa dân tộc này tới ngày thái bình. Nếu bây giờ huynh buông xuôi, thì tất cả những hy sinh này đều vô nghĩa. Lần Bắc tiến này thất bại, huynh có thể ngẩng mặt nhìn huynh đệ đã tử trận, có thể ngẩng mặt nhìn Tiểu Nguyệt được hay không? Đệ dù có chảy tới giọt máu cuối cùng cũng không cho phép huynh bỏ cuộc. - Nguyễn Xí
Lời nói khẳng khái của vị tướng dẫn đầu đội Thiết Đột như làm cho Lý tướng quân bừng tỉnh và từ lời nói đó, cả dân tộc này sẽ bừng tỉnh, sau trận chiến tại Tốt Động - Chúc Động.
Hy vọng không bao giờ tắt
Giữa khi lòng quân Lam Sơn còn đang bối rối, phía bên kia, quân Minh đã nhanh chóng lên kế hoạch xây dựng hai gọng kiềm tại Tốt Động và Chúc Động với một chuỗi liên hoàn kế, tập kích và phục binh nhằm đưa đạo quân Bắc tiến chủ lực của Lam Sơn vào cửa tử. Cùng lúc đó, tại Ninh Kiều, Tiểu Nguyệt đã dâng lên cho tướng Minh là Trần Hiệp toàn bộ địa đồ của vùng Tốt Động - Chúc Động, tạo đà lợi thế cho chúng nắm được địa hình bố trí quân lực của quân Nam. Như vậy, Tiểu Nguyệt chính là nội ứng của quân Minh trong hàng ngũ Lam Sơn. Một "mẻ lưới" được giăng ra: từ căn cứ Ninh Kiều, Vương Thông sẽ dẫn 2.000 quân giả tiến thẳng về Cao Bộ nơi Lam Sơn đóng quân. Sau đó, nhử cho Lam Sơn chạy về hướng Tốt Động - Chúc Động và tại đây, lực lượng chính của nhà Minh sẽ... bóp chết quân Lam Sơn.
Trong lúc lòng quân Bắc tiến đang đầy những xáo động đó, từ phương xa, một bảo vật của Lam Sơn được mang đến: Thuận thiên kiếm. Thuận thiên kiếm là bảo kiếm trời ban cho Lê chúa Lam Sơn để mở cõi đến nay chưa khi nào rời khỏi người, nhưng trong lúc ngặt nghèo này lại đến với đại quân thì nghĩa là làm sao? Thì ra, không chỉ Thuận thiên kiếm, Bình Định Vương còn sai mang đến một thứ vô cùng đắt giá: Bản kế hoạch của quân Minh. Như vậy, toàn bộ kế hoạch của giặc đã lọt vào tay Lam Sơn và phần còn lại, là lịch sử...!
"Đại Việt trường tồn".
Nhưng để cắt trọn mẻ lưới quân Minh giăng ra, "Bình Ngô Đại Chiến" đã khắc họa sâu đậm những bi hùng mạnh mẽ nhất của trận chiến nơi người tử sĩ. Khi theo kế hoạch định sẵn, Vương Thông kéo quân tiến vào Cao Bộ, Lý Triện liền dàn quân nghênh chiến cùng hàng trăm tử sĩ Lam Sơn đứng sẵn phía sau. Họ là tử sĩ vì họ chấp nhận cùng nhau vài trăm người đứng lại nơi chiến trường Cao Bộ để giặc Minh tưởng rằng kế sách của chúng đã đúng, trong khi đó, đại quân Lam Sơn do Nguyễn Xí, Đinh Lễ đã âm thầm mai phục sẵn, luồn ra sau đại quân Minh đang mai phục và chờ đến lúc sẽ xông lên giết sạch chúng.
Khi đang dàn trận, hàng vạn mũi tên cùng hỏa lực của quân Minh đối đầu cùng những tử sĩ Lam Sơn quyết xả thân mình vì đại nghĩa để thắng hung tàn, vì họ đã khắc sâu lời nói của chủ tướng Lý Triện:
Tự do sao có thể để cho kẻ địch ban phát. Tự do phải do chính mình giành lấy.Để người dân không còn sợ đồ đao của quân thù. Để dân tộc này không phải sống đời nô lệ.Non sông này sẽ mãi mãi là của con dân Đại Việt.QUYẾT TỬ.
Rồi trong những bức hình diễn họa thật sâu sắc, thật ý nghĩa, hình ảnh những người tử sĩ Lam Sơn quyết hiến thân mình cho đại nghĩa xông thẳng vào quân thù bất chấp đang chờ phía trước là cái chết. Họ không một chút lo sợ dù đang đi vào tử địa, trong tim người lính không gì ngoài ngọn lửa đốt cháy ngoại xâm và lòng tin mãnh liệt về một cái chết, về một sự hy sinh để làm sống lại một dân tộc. Hình ảnh những người lính Lam Sơn chiến đấu, chém giết quân thù rồi gục xuống như in đậm vào tâm trí người xem ý chí của một thế hệ người Việt - 20 năm, đã quyết hy sinh để có ngày dân tộc sống lại. Và cuối cùng, trong trường đoạn phim đang cao trào của sự hy sinh quên mình nơi từng người lính, bức ảnh người lính Lam Sơn trên tay cầm chắc ngọn thương và tua tủa những mũi tên cắm trên người mình, môi cứ mấp máy không thể thốt liền mạch khi sự sống đang dần hóa vào Tổ quốc cho đến khi dõng dạc hét lên lời cuối cùng:
ĐẠI VIỆT TRƯỜNG TỒN
Là lúc người lính ấy ngã xuống.
Là lúc hàng vạn người Việt đứng lên,
Là lúc ở phia xa kia, nơi hừng đông của những ngọn đèn hoa đăng đang dần bay lên cao.
Đó là lúc, cả Dân tộc vùng dậy quật cường,
Là lúc đại quân Lam Sơn xua mình chém giết quân thù, rửa hận cho quê hương,
Là lúc Tốt Động cùng Chúc Động sẽ đi vào lịch sử như nơi chôn vùi 5 vạn quân ngoại xâm dưới bùn lầy để chính dân tộc Việt rũ mình đứng dậy trong đám bùn lầy đó.
Ngưu quân, khuyển quân, thần pháo Nhà Hồ và Lam Sơn phản công
Những thước phim cuối cùng, "Bình Ngô Đại Chiến" đã đưa người xem đến những cung bậc cảm xúc từ lo lắng, hy vọng đến thỏa chí khi nhìn thấy đại quân lam Sơn đã làm cho quân Minh kinh hồn, bạt vía như thế nào. Có lúc, những thước phim chân thật và giọng đọc truyền cảm đến nỗi khiến người xem như tự hỏi: Chẳng lẽ trận này Lam Sơn thua sao? Khi đoàn binh trâu với đuôi cột lửa xông thẳng vào hàng ngủ quân Minh tại Cao Bộ, dù cho có chút gì đó khiến chúng hoảng loạn nhưng rồi nhanh chóng những khẩu thần pháo năm nào Nhà Hồ dùng đánh chúng tại Đa Bang lại được chính chúng kéo ra mà bắn vào quân Nam. Binh trâu hoảng loạn, chạy dạt sang hai bên, xông vào hàng ngũ Lam Sơn giúp quân Minh thừa thắng tiến lên giáp chiến.
Nhưng rồi bất ngờ, những ngọn đèn trời được đốt sáng rồi bay lên, như thể báo hiệu cho ánh sáng dân tộc sắp được chiếu sáng giữa đêm đen. Hàng vạn mũi tên giặc bắn về phía doanh trại Lam Sơn nhưng chỉ nghe tiếng kêu loạt soạt, không một tiếng người. Lại gần hơn, chúng thất kinh bạt vía khi nhìn thấy hàng ngàn những bù nhìn rơm được trang bị như người đứng giữa đồng không và chúng nhận ra điều gì đang đợi chúng - lũ giặc tham lam và bạo ác, những bù nhìn rơm này sẽ bắt chúng phải trả nợ cho nước Nam. Khi giặc nhìn thấy hàng ngàn bù nhìn rơm dưới đất và hàng vạn chiếc hoa đăng sáng rực trên trời, cùng là lúc hàng ngàn nghĩa sĩ Lam Sơn xông ra chém giết chúng trong chính cái gọng kiềm mà chúng tưởng mình đã thắng. Nhưng, những thước phim cuối cùng của "Bình Ngô Đại Chiến" đã gửi đi thông điệp không phải chém giết để chiến thắng mà là thông điệp hy sinh, quên mình để chiến thắng.
Tiểu Nguyệt - ngỡ như là gián điệp của quân Minh lại chính là người đã mang bí mật mang toàn bộ kế hoạch của chúng cho Lam Sơn, và cô bị phát hiện. Trong trận chiến cuối cùng của phim, khi đại cuộc đã định, Vương Thông bắt Tiểu Nguyệt làm con tin để cho quân Minh một con đường rút lui. Lý tướng quân như thể đã đồng ý, giọng đọc diễn cảm đến nỗi như khiến cho người xem tin chắc rằng vị tướng gan sắt kia sẽ vì Tiểu Nguyệt mà để chúng thoát đi. Nhưng không. Tiểu Nguyệt đã tự quyết định vận mệnh của mình, như chính cách cô trả lời cho câu hỏi của mình ở đầu phim: Khi nào đất nước thái bình? Cô nắm lấy bàn tay tanh tưởi cầm thanh đoản đao của Vương Thông, nhanh chóng đưa xuống xương sườn thứ ba từ trên đếm xuống của mình và chọc thẳng vào chính mình. Cô chấp nhận hy sinh...
Tập phim cuối cùng của dự án "Việt Sử Kiêu Hùng" đã kết thúc trong hình ảnh những đoàn quân Bắc tiến dưới sự lãnh đạo của Chúa Lam Sơn Lê Lợi hùng dũng tiến về Đông Quan và chỉ nhanh chóng thôi, những ngày tháng Dân tộc này đứng dậy ca vang bài ca Khải Hoàn sẽ nhanh chóng được vang lên, người dân sẽ nhìn thấy lại nền Độc lập và ngọn cờ Đại Việt rồi sẽ bay trên đất Việt...!!!
Cảm ơn Việt Sử Kiêu Hùng vì đã làm nên "Bình Ngô Đại Chiến" với tất cả tâm huyết, nỗ lực và sự kỳ công của một ngọn Đuốc Mồi. Các bạn đã nhắc lại chính sứ mệnh của mình trong phim và tôi tin rằng ngọn Đuốc Mồi ấy thật sự đã lan tỏa đi rất nhiều, đốt cháy nên rất nhiều những ngọn lửa âm ỉ một tính thần, một tấm lòng cống hiến vì sự phát triển, vì sự hùng mạnh của quê hương nước Việt. Mong chờ vào một ngày nào đó, chúng tôi sẽ lại được nhìn thấy Việt Sử đầy Kiêu Hùng trên màn ảnh, nơi những con cháu của tổ tiên oai hùng xưa sẽ được nhìn thấy chân thật những tiếng thét xé toạc đêm đen mà người xưa đã từng khiến cho bao kẻ thù phải khiếp sợ. Cảm ơn "Bình Ngô Đại Chiến", cảm ơn Việt Sử Kiêu Hùng, cảm ơn Đuốc Mồi!
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét