YEUSUVIET.COM - Đức độ vua Thánh tổ. Tháng giêng năm Canh Thìn 1820, Hoàng thái tử húy là Đảm lên ngôi đặt niên hiệu là Minh Mệnh. Vua Thánh tổ là một ông vua có tư chất minh mẫn, có tính hiếu học và lại hay làm, phàm có việc gì, ngài cũng xem xét đến, và có trâu phê rồi mới được thi hành. Ngài tinh thâm nho học sùng đạo Khổng Mạnh, cho nên không ưa đạo mới, cho là một tà đạo, lấy trời thánh ra mà làm mê hoặc lòng dân, bởi vậy ngài mới nghiêm cấm và trừng trị những người theo đạo Gia-tô.
Bài liên quan
>>> Đại Việt những năm tháng điêu tàn - Cuối đời Nhà Lý
>>> Ngô Quyền khôi phục quốc thống, giành lại trời Nam
>>> Nội chiến Việt Nam - Trịnh - Nguyễn phân tranh và mưu đồ dòng họ.
Về sau, có nhiều nhà làm sử vì ý
riêng mà cho ngài là bạo quân thì thiết tượng điều ấy không hợp với lẽ công bằng.
Phải biết rằng nước ta từ xưa đến nay điều gì cũng theo Nho giáo, lấy tam cương
ngũ thường làm căn bản cho sự ăn ở. Vua tôi, cha con, vợ chồng ấy là cái khóa luân
lý của xã hội mình. Ai tháo cái khóa ấy ra thì cho là không phải loại người nữa.
Vậy con phải theo cha, tôi phải theo vua, ai trái với cái đầu ấy là phải tội nặng
đáng chém giết.
Lúc trong nước mình từ vua quan
cho chí dân sự, ai ai cũng lấy cái lý tưởng ấy làm phải, làm hay hơn cả, mà lại
thấy có người bỏ đi theo đạo khác, nói những chuyện mà lúc bây giờ lại không mấy
người hiểu rõ ra thế nào, thì tất cả cho là theo tà đạo, làm hư hỏng các phong
tục hay của mình. Bởi vậy cho nên nhà vua mới cấm không cho người trong nước đi
theo đạo mới.
Một ông vua nghiêm khắc như Thánh
tổ mà cấm không được, thì tức là phải giết. Trong khi cấm và giết như vậy là vẫn
tưởng mình làm việc bổn phận làm vua của mình, chứ có biết đâu là mình làm sự
thiệt hại cho dân cho nước. Vả lại, bao giờ cũng vậy, hễ người ta đã sùng tính
một tôn giáo nào thì tất cho tôn giáo của mình là hay hơn và cho người theo tôn
giáo khác là thù nghịch với mình, rồi hễ có quyền thế là làm thế nào cũng dùng
cách mà hà hiếp người khác đạo của mình.
Cũng vì lẽ ấy cho nên ngày trước
vua Philippe II nước I-pha-nho hay ua Louis XIV nước Pháp-lan-tây giết hại bao
nhiêu người trong nước, mà chắc rằng lúc bây giờ các ông ấy cũng tưởng là mình
làm điều phải chứ có biết đâu là mình làm điều trái lẽ.
Vẫn biết rằng sự giết đạo là không
lành, nhưng phải hiểu cái trí não người Việt Nam ta lúc bây giờ không rõ cái
tâm chỉ đạo Thiên Chúa ra thế nào, cho nên dẫu không phải là vua Thánh tổ nữa,
thì ông vua khác cũng không chắc đã tránh khỏi cái lỗi giết đạo ấy.
Nhà làm sử lại đổ cho vua Thánh
tông giết Nguyễn Văn Thành, song xét trong các truyện như sách Thực lục chínhbiên và Đại nam chính biên liệt truyện, thì chỉ thấy chép rằng Nguyễn Văn Thành
bị tội phải uống thuốc độc mà tự tử năm Gia Long thứ 15 mà thôi. Còn như vụ án
Lê Văn Duyệt và Lê Chất, thì có hẹp hòi thật, nhưng khi các ông ấy đã mất rồi
và lại vì có tên Khôi khởi loạn cho nên mới truy tội hai ông ấy mà làm án, chứ
lúc hai ông ấy còn sống thì vua Thánh tổ tuy có bụng nghi ngờ nhưng vẫn không bạc
đãi.
Việc nhà vua giết chị dâu là bà vợ
Hoàng tử Cảnh và các cháu, thì không thấy sách nào chép cả, chỉ thấy một đôi
người truyền ngôn như thế mà thôi. Vậy việc ấy thực hư thế nào không rõ.
Còn việc không biết giao thiệp với
nước ngoại dương, thì không phải chỉ là cái lỗi riêng của mình ngài. Lúc bây giờ
người mình ai cũng chỉ biết có nước Tàu là văn minh hơn, còn thì cho làm man di
cả. Phỏng sự có ai là người biết mà nói ở thiên hạ còn có nhiều nước văn minh
hơn nữa, cũng không ai tin. Bởi thế, hễ thấy người ngoại quốc vào nước mình,
thì không những là sợ có sự phản trắc và sẽ đem đạo mới vào nước mà thôi, lại
còn sợ lạy phải cái phong tục dã man nữa, cho nên không muốn giao thông với ngoại
quốc làm gì. Như thế thì có nên giận ghét một mình ai không?
Cái nghĩa vụ người làm sử, tưởng
nên kêu cứu cho tường tận, rồi cứ sự thật mà nói chứ không nên lấy lòng yêu
ghét của mình mà xét đoán. Dẫu người mình ghét mà có làm đều phải, mình cũng phải
khen; người mình yêu, mà có làm điều trái mình cũng phải chê. Vua Thánh tổ là một
ông vua chuyên chế, tất thế nào cũng có nhiều điều sai lầm và có nhiều điều tàn
ác, nhưng xét cho kỹ, thì thật ngài cũng có lòng vì nước lắm. Trong, lo sửa
sang mọi việc, làm thành ra nền nếp chỉnh tề, ngoài, đánh Tiêm, dẹp Lào, làm
cho nước không đến nỗi kém hèn.
Vậy cứ bình tĩnh mà xét, thì dẫu
ngài không được là ông anh quân nữa, thì cũng không phải là ông vua tầm thường,
cứ xem công việc của ngài làm thì hiểu rõ.
Vua thánh tổ mất năm Canh Tý, thọ
được 50 tuổi và trị vì được 21 năm, Miếu hiệu là Thánh tổ Nhân hoàng đế. Trong
đời vua Thánh tổ làm vua, pháp luật, chế độ điều gì cũng sửa sang lại cả, làm
thành một nước có cương kỷ. Nhưng chỉ vì ngài nghiêm khắc quá, cứ một mực theo
cổ chứ không tùy thời mà biến hóa phong tục, lại không biết khoan dung cho sự
sùng tín, đem giết hại những người theo đạo và lại tuyệt giao với ngoại quốc
làm thành ra Nước Nam ta ở lẻ loi một mình.
Đã hay rằng những điều lầm lỗi ấy
là trách nhiệm chung cả triều đình và cả bọn sĩ phu nước ta lúc bấy giờ, chứ
không riêng chỉ một mình ngài, nhưng ngài là ông vua chuyên chế một nước, việc
trong nước hay dở thế nào ngài cũng có một phần trách nhiệm rất to không sao chối
từ được.
Vậy cứ bình tĩnh mà xét, thì
chính trị của ngài tuy có nhiều điều hay nhưng cũng có nhiều điều dở: ngài biết
cương mà không biết nhu, ngài có uy quyền mà ít độ lượng, ngài biết có dân có
nước mà không biết thời thế tiến hóa. Bởi vậy, cho nên nói rằng ngài là một ông
anh quân thì khí quá, mà nói rằng ngài là ông bạo quân thì không công bằng. Dẫu
thế nào mặc lòng, ngài là một ông vua thông minh, có quả cảm, hết lòng lo việc
nước, tưởng về bản triều nhà Nguyễn chưa có ông vua nào làm được nhiều công việc
hơn ngài vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét