Quốc khánh 2/9 - Nền Cộng hòa và bài học Lê Chiêu Thống - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Quốc khánh 2/9 - Nền Cộng hòa và bài học Lê Chiêu Thống

Share This
quốc khánh 02/9/2020, lịch sử việt nam, yêu sử việt, bảo đại, hồ chí minh, quảng trường ba đình, việt minh, trần trọng kim

YEUSUVIET.COM - Lịch sử Việt Nam đã trải qua những chương đau thương, đẫm máu và chia rẽ sâu sắc nhất trong cuộc chiến chống lại sự đô hộ của người Pháp trên đất nước mình. Một quá trình lịch sử và chính sách bang giao với vị thế "bề trên" của một đế quốc quân chủ lạc hậu vùng Viễn Đông xa xôi - Đại Nam, đối với các nước phương Tây cuối cùng đã đẩy người Việt vào con đường nô lệ. Từ tháng 9 năm 1858 đến tháng 9 năm 1945 là cuộc hành trình tròn 87 năm người Việt với mọi tầng lớp xã hội đứng lên và ngã xuống vì hai từ "Độc lập" cho nước Việt Nam. 87 năm đó, bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu chính phủ, bao nhiêu chính thể, bao nhiêu tư tưởng... đã xuất hiện với ít nhiều một mục tiêu tối thượng là Việt Nam độc lập. Nhưng cuối cùng, hoàn chỉnh nhất, chỉ có một tiếng hô "Độc lập" duy nhất vang vọng giữa quảng trường Ba Đình lịch sử vào. Như một sự thật hay được nhắc lại, "bóng ma Lê Chiêu Thống" đã từng xuất hiện trong hành trình đến ngày Độc lập ấy.

Bài liên quan

Ngày hôm nay, chúng ta đọc lại lịch sử được viết trong sách giáo khoa phổ thông với những dòng chữ hùng hồn, sôi động, dồn dập về sự kiện Cách mạng tháng 8 năm 1945. Những ngày tháng 8 mà lớp lớp người Việt Nam dồn dập đứng lên như từng cơn sóng biển vỗ vào bờ không bao giờ dứt cho khát vọng Việt Nam độc lập là sự thật lịch sử đã diễn ra và đã thành công bằng bản "Tuyên ngôn độc lập" của chủ tịch nước Hồ Chí Minh vào ngày 02/9/1945 nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế. Với những sự kiện như Nhật đảo chính Pháp giành quyền đô hộ Việt Nam vào ngày 19/3/1945, kéo theo sự thành lập "Đế quốc Việt Nam" không có Bộ Quốc phòng với Chính phủ do Trần Trọng Kim lãnh đạo, hoàng đế Bảo Đại với những nỗ lực đề nghị Đồng Minh công nhận một Việt Nam độc lập sau khi Nhật đầu hàng... đưa chúng ta đến một bức tranh toàn cảnh vẫn còn rất hỗn độn vào thời kỳ tháng 8, tháng 9/1945.

Tháng 3 năm 1945, Bảo Đại ký vào bản "Tuyên cáo Việt Nam độc lập" tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước Patenôtre năm 1884 giữa Nhà Nguyễn và Pháp, chấm dứt hoàn toàn sự chia cắt ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ theo ý muốn của người Pháp mà thống nhất về một quốc gia duy nhất, tất cả các hiệp ước bất bình đẳng đã ký với nước Pháp đều bị bãi bỏ, một Chính phủ mới do người Việt đứng đầu sẽ được thành lập và sẽ có sự hiện diện của Hoàng gia trong tổ chức mới. Đáng ra đây sẽ là một bản tuyên cáo độc lập lịch sử mà người Việt đang mong chờ, nhưng bằng việc buộc phải gắn nền độc lập vừa ra đời với những lợi ích tuyệt đối của người Nhật thông qua đoạn viết:

"Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung. Vậy chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên. Khâm thử!"

Chỉ một đoạn cuối này thôi, lời tuyên cáo đã chắc chắn đã chết non khi vẫn còn trên giấy. Vì độc lập của một quốc gia thì kiên quyết không thể phụ thuộc hoàn toàn bởi một quốc gia nào khác. Đó là chân lý vĩnh cửu và bất biến.

Nhưng muốn có chính quyền bắt buộc phải có quân đội và quân đội là điều mà chính phủ Đế quốc Việt Nam được thành lập sau lời tuyên cáo trên, đã không có để thực hiện những điều mình muốn hay ít nhất là những toan tính vì lợi ích quốc gia khi chấp nhận đi nước cờ phụ thuộc Nhật Bản. Khi Nhật giành quyền đô hộ Đại Nam từ tay người Pháp, chắc chắn người Việt không đứng yên trước những sự thay đổi hệ trong và nhìn thấy những cơ hội liên quan đến việc khôi phục chủ quyền quốc gia. Nhìn lại những gì chính phủ Trần Trọng Kim đã làm, khi cố gắng cải cách hành chính, đàm phán với Nhật Bản để thu hồi Nam kỳ dù chỉ trên danh nghĩa trước sức ép đòi vùng đất này của Cao Miên, cải tổ nền giáo dục bằng tiếng Pháp sang tiếng Việt, thả tù chính trị, thành lập đội trị an trực thuộc bộ Thanh niên vì không có Bộ quốc phòng... dù gì cũng chứng minh đây là một Chính phủ cố gắng làm những điều yếu ớt mà mình có thể. Điều quan trọng nhất là nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã xảy ra, chỉ vì Nhật Bản không chấp nhận mở kho thóc và thủ tướng Trần Trọng Kim không thể làm gì được người Nhật.

Điều duy nhất mà những dư âm của một thời kỳ Việt Nam quân chủ xa xôi đã làm và thật sự mang ý nghĩa to lớn, chính là sự kiện diễn ra tại điện Kiến Trung trong một thời khắc lịch sử vào chiều ngày 30/8/1945. Chính phủ Đế quốc Việt Nam đã thành lập và hoạt động dưới sự ảnh hưởng cùng hình ảnh của Hoàng gia Nhà Nguyễn và hoàng đế Bảo Đại. Tầm ảnh hưởng của một vị vua có thể dẫn đến một cuộc xung đột tranh giành quyền lực như vẫn thường xảy ra trong Sử Việt. Nhìn lại lịch sử, Lê Chiêu Thống trước sức mạnh của quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo đã lựa chọn việc bảo vệ quyền lực Dòng Họ mình hơn là một nền hòa bình, thống nhất của người dân. Đặt hai hình ảnh vua Bảo Đại và Lê Chiêu Thống để đối chiếu nhau là rất khập khiễng về sự kiện, thời điểm, tác động nhưng lại có hai điểm tương đồng cực kỳ quan trọng: tư tưởng quyền lực và quyền lựa chọn.

Lê Chiêu Thống khi nhìn thấy quyền lực Họ Lê vừa manh mún được xây dựng lại đã bị đe dọa bởi thế lực Tây Sơn từ Đàng Trong tiến ra đã lựa chọn việc cầu viện quân đội Mãn Thanh để chống lại thế lực mới. Nhà Mạc ở Cao Bằng vào thế kỷ XVI hay thời gian cầm quyền suốt 242 năm của Họ Trịnh đã không cho phép sự hiện diện quân sự dù bởi bất cứ lý do nào của người Hán trên lãnh thổ Đại Việt, nhưng Lê Chiêu Thống lại chấp nhận điều này vì đã để quyền lợi của Dòng Họ Lê lên trên quyền lợi của dân tộc, quốc gia. Với tư tưởng Nho giáo thì mặt nào đó đây là chuyện bình thường, vì Nho giáo đặt vua ở vị trí tối cao và quyền lợi của vua là tối thượng, dân chúng hay quốc gia đều là quyền sở hữu của vua nên nếu vị vua không đặt chủ quyền quốc gia lên trên hết mà đặt quyền lợi Dòng Họ mình lên trên hết sẽ tất yếu dẫn đến bằng mọi giá - thậm chí cầu viện nước ngoài để bảo vệ quyền lực của riêng mình. Không vượt qua khỏi tư tưởng lợi ích Dòng Họ đã đẩy Lê Chiêu Thống đến bi kịch của một vết nhơ ngàn năm không thể gột rửa: cõng rắn cắn gà nhà.

Hoàng đế Bảo Đại trong thời khắc đất nước đầy hỗn loạn đã lựa chọn con đường trái ngược hoàn toàn với Lê Chiêu Thống. Vị thế của một hoàng đế hoàn toàn đủ sức để ban bố một lời kêu gọi hay yêu cầu hỗ trợ quân sự từ quốc gia khác như Mãn Thanh, Pháp để bảo vệ quyền lợi của Dòng Họ Nguyễn - như sau này vào năm 1947 về sau nhiều thế lực sẽ làm với Ngài. Tuy nhiên, lựa chọn trong thời khắc đó, hoàng đế Bảo Đại đã tin tưởng vào lời hứa của chính quyền cách mạng Việt Minh, tin tưởng vào chân lý ngàn đời của dân tộc này rằng "đoàn kết là sống, chia rẽ là chết" và đặt quyền lợi quốc gia, quyền lợi dân tộc lên trên cao hơn quyền lợi của Dòng Họ, Ngài đã chấp nhận yêu cầu thoái vị của Việt Minh. Chiều ngày 30/8/1945, bầu trời kinh đô Huế mang một màu sắc buồn man mác của chiều thu chứng kiến thời khắc nền quân chủ Việt Nam kết thúc sau bao biến cố thăng trầm với những dấu ấn oanh liệt hay bi hùng. 143 năm sau ngày Hoàng đế Gia Long Nguyễn Phúc Ánh thống nhất Đại Việt sau hơn 270 năm nội chiến, chia cắt, triều đại Nhà Nguyễn kết thúc nơi người hậu duệ Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy với lựa chọn có lẽ ít hay nhiều cũng khiến Ngài an ủi: Nhà Nguyễn đã lựa chọn lợi ích quốc gia thay vì lợi ích riêng của Dòng Họ mình.

Những ngày sau đó và ngày 02 tháng 9 năm 1945 là một phần bất diệt của lịch sử dựng nước và giữa nước Việt Nam.

Tại quảng trường Ba Đình, trước hàng ngàn người dân thủ đô, Viên chức cao cấp Jean Stainteny của nước Pháp vừa được giải phóng khỏi phát xít Đức và những họng súng của lính Nhật ở khu đất thuộc phủ Toàn quyền chĩa thẳng ủy hiếp về khán đài, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước sẽ lãnh đạo và giành chiến thắng quyết định cuối cùng trong cuộc trường chinh giành độc lập, chủ quyền và thống nhất cho Nhân dân trên toàn dãi đất Việt Nam này. Ngày 02/9/1945 năm đó có sự đóng góp đáng kể của đồng bào Công giáo tại thủ đô Hà Nội khi các đoàn thể Công giáo với y phục chỉnh tề, nghiêm trang đã cùng Chính phủ lâm thời tận dụng khoảng thời gian lịch sử ngắn ngủi tuần hành về quảng trường Ba Đình trước sự ngỡ ngàng của Jean Stainteny và người Nhật. Sự hiện diện của người Công giáo Việt Nam - một tôn giáo vẫn luôn bị cho là "của Tây", cùng với sự thoái vị trong hòa bình của hoàng đế Bảo Đại đã chứng minh cho một khát vọng, một ý chí duy nhất của người Việt: Độc lập, độc lập và không có gì khác ngoài độc lập cho Việt Nam.

21 ngày sau ngày Tuyên bố Độc lập, Pháp theo chân Anh bước vào miền Nam và nổ tiếng súng đầu tiên cho một cuộc xâm lược mới. Nhưng trên bình diện quốc tế và vì ý thức hệ, đó chính là mảnh domino đầu tiên của cuộc chiến ý thức hệ Cộng sản - Tư bản sẽ còn kéo dài đến 30 năm nữa. Mỗi tình thế đều có nhiều lựa chọn, và nước cờ đề nghị thành lập Cộng hòa Tự trị Nam kỳ của nhiều người miền Nam có lẽ không hoàn toàn là một nước đi chắc chắn mang đến thành công. Tương tự như Đế quốc Việt Nam của Chính phủ Trần Trọng Kim - một chính thể thành lập dưới sự hậu thuẫn của Nhật Bản, quốc gia Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ được thành lập dưới sự hậu thuẫn của người Pháp và yếu tố ngoại lai đã là một thất bại đối với truyền thống bất biến của người Việt: không cho phép bất cứ quốc gia nào can thiệp hay đưa quân đội vào Tổ quốc của người Việt.

Ngày 02/9/2020, chúng ta sẽ đón nhận ngày kỷ niệm thứ 75 của nước Việt Nam mang trong mình hình thể Cộng hòa và nền Dân chủ. Nhìn lại chặng đường 75 năm đó, có buồn, có vui, có chia cắt, có hận thù, có ý thức hệ, có chia rẽ nhưng cũng có độc lập, có thống nhất, có nước mắt hạnh phúc từ đủ lý do và có một Tổ quốc Việt Nam duy nhất, bất biến suốt mấy nghìn năm nay vẫn vẹn nguyên một hình hài từ đỉnh Hà Giang xuống tận mũi Cà Mau và vươn ra Biển Đông vạn dặm. Một thế hệ mới sinh ra và lớn lên sau chiến tranh đang dần trưởng thành để gánh vác sứ mệnh thiêng liêng của những tiền nhân giữ nước Ngô Vương Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ về một nước Việt của người Việt không chỉ phải độc lập với người Han ở phương Bắc mà còn phải hùng cường, giàu mạnh với thế giới. Ngày hôm nay, thế hệ những người Việt Nam mới đã nhận ra chỉ có lợi ích của Tổ quốc, Dân tộc này là vĩnh viễn, còn bất cứ điều gì khác - miễn phục vụ cho lợi ích vĩnh viễn đó sẽ tồn tại, còn ngược lại sẽ nhanh chóng bị thiêu rụi. Đó là lý do vì sao Lê Chiêu Thống mãi mang vết nhơ ngàn năm!

Chúc mừng 75 năm nền Cộng hòa của nước Việt Nam!

YÊU SỬ VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (368) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (161) su-viet-hom-nay (100) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (85) su-kien-su-viet (76) sach-lich-su (73) facebook (53) sach-su-hien-dai (51) chong-phap (47) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (30) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (27) dia-danh-su-viet (23) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) cong-giao (5) ho-chi-minh (5) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)