YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam, Nhà Trần là một trong những triều đại huy hoàng, rực rỡ nhất, đặc biệt với đại thắng Ba lần đánh tan quân xâm lược Mông - Nguyên đã lừng lững đưa những chiến tướng Đông A vào ngôi đền huyền thoại của dân tộc. Tuy vậy, khi đến thời mạt, Triều đại Nhà Trần cũng có một kết thúc bi ai, bi hùng hơn hết. Đến thời cuối Nhà Trần, Nhà Minh dựa vào những người mang tiếng vì dòng họ Trần mang xua quân xâm lược Đại Việt dưới chiêu bài "phù Trần diệt Hồ" gian trá nổi tiếng trong Sử Việt. Dưới đây là đoạn trích trong tác phẩm "An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa" do tác giả Châu Hải Đường dịch và biên soạn.
Bài liên quan:
"Hoàng đế [vua nhà Minh] rất ghét, sai quan sang [An Nam] trách hỏi, lại có bồi thần triều cũ là Bùi Bá Kỳ đến cửa khuyết cáo nạn nói:
"Tổ phụ của thần đều nắm quyền Đại phu, chết vì nạn nước. Mẹ thần là tộc gần của họ Trần. Cho nên, thần từ nhỏ đã vào hầu Quốc vương, làm quan ngũ phẩm, sau theo làm tì tướng của Võ Tiết hầu Trần Khát Chân. Cuối đời Hồng Vũ, thay Khát Chân ra chặn giặc ở biển đông. Vậy mà cha con tặc thần Lê Qúy Ly giết chúa thoán ngôi, sát hại trung lương, diệt tộc họ Trần hơn một trăm mười người, anh em, vợ con thần cũng đều bị hại. (Lê Qúy Ly) sai người bắt thần, định giết làm mắm.
Thần bỏ quân trốn đi, ẩn nấp nơi sơn cốc, muốn đến nơi cửa khuyết, mà bầy hết gan mật, lăn lộn mấy năm nay, mới được thấy mặt trời. Trộm nghĩ, Qúy Ly vốn là con của quan Kinh lược sứ trước đây là Lê Quốc Mao, nối đời phụng sự họ Trần, trộm được vinh sủng, đến con là Thương, cũng được đội ơn quý nhậm. Một buổi thoán đoạt, bèn đổi họ thay tên, tiếm hiệu cải nguyên, chẳng kính triều mệnh. Những kẻ trung thần lương sĩ nhức óc đau lòng, mong (bệ hạ) hưng binh điếu phạt, dấy nghĩa kế tuyệt, trừ diệt gian hung, lập lại cho dòng dõi họ Trần, thì thần có chết cũng không mục nát.
Dám học theo lòng trung của Thân Bao Tư xưa, khóc than dưới cửa khuyết, xin bệ hạ soi xét!"
Hoàng đế xem bản tấu cảm động, mệnh cho hữu ty chu cấp cho y thực. Gặp khi Lão Qua đưa Trần Thiên Bình đến, nói rằng:
"Thần, Thiên Bình, là cháu của quốc vương Nhật Huyên trước đây, con của (Trần) Oảnh, em của Nhật Khuể vậy. tên giặc họ Lê tận diệt họ Trần, thần vượt ra châu ngoài nên thoát được. Các liêu tá của thần một lòng trung nghĩa, suy tôn thần làm chúa để trừ quân giặc. Thần vừa bàn bạc việc mộ quân thì quân giặc lại tới bức, phải vội vàng bôn tẩu, ẩn nấp nơi rừng núi, vạn tử nhất sinh, đến được Lão Qua.
Kính nghe Hoàng đế bệ hạ lên ngôi sửa sang đại thống, nên thần mới có nơi đến theo dựa. Bò lết trải muôn dặm, tố cáo đến minh đình. Hậu duệ họ Trần chỉ còn một mình thần, thần với lũ giặc ấy chẳng thể đội trời chung. Phủ phục khẩn cầu thánh từ rủ thương, nhanh chóng ruổi sáu quân, tỏ rõ đạo trời mà đến thảo phạt".
Hoàng đế lại càng cảm động, sai hữu ty sắp đặt quán xá cho ở. [...]
Tháng ba, bọn [Hoàng] Trung hộ tống Thiên Bình vào ải Kê Lăng, sắp đến Cần Trạm thì phục binh của Đê [Hồ Hán Thương] đổ ra giết Thiên Bình, bọn Trung thua chạy về. Hoàng đế nổi giận, vời bọn Thành Quốc công Chu Năng [sau chết, Trương Phụ lên thay] đến mưu tính thảo phạt. [...]
Tháng giêng năm thứ năm (1407), đại phá quân Qúy Ly ở sông Mộc Hoàn, tuyên chiếu tìm hỏi con cháu họ Trần. Vì thế có hơn một ngàn một trăm hai mươi kỳ lão đến cửa quân [Minh, lúc này đã chiếm đóng nước ta], nói: "Họ Trần đã bị Lê tặc giết hết, không còn ai có thể kế nối được. An Nam vốn là đất của Trung Quốc [trong mơ của người Hán] xin lại cho nhập vào bản đồ, giống như nội quận."
>>> Trích đoạn phim "Đường tới thành Thăng Long"
>>> Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu thành - Phần 2(Cuối) - Việt sử Kiêu hùng
>>> Nhà bác học Lê Qúy Đôn - 5 dấu hiệu dẫn đến mất nước
>>> Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu thành - Phần 2(Cuối) - Việt sử Kiêu hùng
>>> Nhà bác học Lê Qúy Đôn - 5 dấu hiệu dẫn đến mất nước
Hết trên đây là đoạn trích trong tác phẩm "An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa" do tác giả Châu Hải Đường dịch và biên soạn về việc Nhà Minh lấy cớ sang xâm lược nước ta.
Lịch sử là những bài học sống động của tiền nhân và người đời sau phải biết công bằng, khách quan khi nhìn lại những bài học đó. Trong hai nhân vật Bùi Bá Kỳ và Trần Thiên Bình nêu trên, tất cả đều có những lý do riêng để cầu viện nhà Minh đưa quân vào nước ta để diệt Nhà Hồ. Khách quan mà tìm hiểu, Nhà Trần yếu thì Nhà Hồ lên thay là chuyện tất yếu, rồi sau này hết sức đánh quân Minh xâm lược nhưng cũng vì giặc đã chuẩn bị lá bài ngụy nhân tâm "phù Trần diệt Hồ" từ trước nên phải thua.
Còn Đại phu Bùi Bá Kỳ trung với Nhà Trần là chuyện đáng khen nhưng vì trung với một họ mà u mê để xin người Hán đưa quân vào nước mình là chuyện đáng trách vô cùng. Dù sau này, khi nhìn rõ bộ mặt gian trá của Nhà Minh và thực chất chưa bao giờ Ông theo chúng làm hại người cùng giống nòi và thật sự đau xót thì cũng đã quá trễ khi nhân dân lầm than, quân giặc tàn ác, quốc gia bị đô hộ, đồng hóa. Cuối cùng, quân Minh sợ Ông sớm chống lại chúng bèn bắt về Nam Kinh rồi ngầm giết Ông.
Bi kịch của vị quan nặng tình trung nghĩa với Họ Trần nhưng không thật sự sáng suốt với vận mệnh quốc gia, dân tộc dường như chỉ là nốt nhạc buồn tiếp nối của nỗi bi ai họ Trần trong thời mạt vận. Mở đầu phần chép về Nhà Hậu Trần trong sách "Việt Nam sử lược", sử gia Trần Trọng Kim đã có nhận định về lý do vì sao người Việt cứ hay sang cầu cứu người Tàu như sau:
"1. NHÀ MINH CHIẾM GIỮ ĐẤT AN NAM. Nhà Minh không phải có yêu gì nhà Trần mà sang đánh nhà Hồ, chẳng qua là nhân lấy cái cớ nhà Trần mất ngôi mà đem binh snag lấy nước Nam. Lại nhân vì người An Nam ta hay có tính ỷ lại, có việc gì thì chỉ muốn nhờ người, chứ tự mình không biết kiên nhẫn, không có cố gắng mà làm lấy. Một ngày gì nữa mà còn lạ cái lòng hùm beo của người Tàu, thế mà hễ khi nào trong nước có biến loạn, lại chạy sang van lạy để rước chúng sang. Khác nào đi rước voi về giày mồ vậy.
Dẫu người Tàu có lòng vị nghĩa mà sang giúp mình nữa thì nghĩ cũng chẳng vẻ vang gì cái việc đi nhờ người ta, huống chi kỳ thực thì lúc nào chúng cũng chực đánh lừa mình, như đánh lừa trẻ con, để bóp cổ mình, thế mà người mình vẫn không biết cái dại, là tại làm sao?
Tại là cái nghĩa dân với nước ta không có mấy người hiểu rõ. Nhà nào làm vua, cho cả nước là của riêng của nhà ấy; hễ ai lấy mất thì đi tìm cách lấy lại, lấy không được thì lại đi nhờ người khác lấy lại cho, chứ không nghĩ đến cái lợi chung trước cái lợi riêng, cái quyền nước trước cái quyền nhà, thế cho nên mình cứ dại mãi, mà vẫn không biết là dại."
Lịch sử Việt Nam chúng ta đã trải qua những bước thăng trầm khác nhau trong cách cư xử giữa những người trong nước và các triều đại của Hán ở phương Bắc. Trải qua những thăng trầm, những cuộc bể dâu, chinh chiến, loạn lạc dù cho Tổ quốc có thống nhất, non sông cũng thu về một mối nhưng giá máu đổ ra bao giờ cũng là của người Việt. Cha ông chúng ta, những tiền nhân đi trước đã kiên cường, bất khuất giữ cho chúng ta một nước Việt Nam bất tử hôm nay. Các Ngài vẫn luôn ngự trị trên trời cao xanh và dõi theo từng bước đi của con cháu trong sự nghiệp bảo vệ một quốc gia thống nhất và toàn vẹn của người Việt ở phương Nam. Những bài học trong Sử Việt đã qua nhưng chúng ta không bao giờ được quên để không bao giờ vấp phải - đó chính là lời nói mà tiền nhân muốn chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ và truyền lại cho con cháu mình mai sau.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét