YEUSUVIET.COM - Ngay từ rất sớm, người Pháp nói riêng và phương Tây nói chung đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các quốc gia quân chủ ở phương Đông. Trong lịch sử Việt Nam, Vương triều Nguyễn và Hoàng đế Gia Long Nguyễn Phúc Ánh đối với người Pháp lại càng có những mối giao thoa vô cùng đặc biệt vì những lợi ích và toan tính riêng của mỗi bên. Bản dự thảo hiệp ước không bao giờ được phê chuẩn của cả Gia Long và người Pháp vào năm 1782 như một trong những cột mốc đầu tiên cho mối quan hệ kỳ lạ không chính thức giữa hai bên. Bản dự thảo "hiệp ước năm 1782 không bao giờ được phê chuẩn" đó sau này lại trở thành một trong những cái cớ để người Pháp đánh chiếm một quốc gia quân chủ Á Châu lạc hậu, lỗi thời về quân sự nhưng luôn luôn hừng hực tình thần ái quốc là Đại Nam. Dưới đây là nội dung bản dự thảo hiệp ước ấy:
Bài liên quan
"... Có lẽ rất thú vị khi đưa vào đây toàn bộ nội dung hiệp ước do một vì vua An Nam đề nghị với nước Pháp vào một giai đoạn mà chính sách của các bộ trưởng Pháp đặt nặng vấn đề thứ tự độc quyền, những cuộc phiêu lưu xa xôi được xem như những việc làm khinh suất, vô ích và tốn kém"
'Hội đồng Hoàng gia sau khi đã thảo luận về tình trạng hiện tại của công việc nhà nước, quyết định:
1. Rằng sự giúp đỡ của một cường quốc phương Tây trở nên cần thiết để khôi phục trở lại cương vị của Đức vua. Đức vua xin trao quyền lợi của mình vào tay Quốc vương nước Pháp, là quốc gia mà sức mạnh, lòng tốt và sự công chính của chính phủ được Đức vua biết đến, ưu ái hơn mọi cường quốc khác.
2. Rằng để bắt đầu và chấm dứt việc thương thảo cho công cuộc trọng đại này, Đức vua phó thác cho Giám mục Adran, người gốc Pháp, mà từ lâu cả nước đều biết tính cẩn trọng và lòng yêu mến điều thiện.
3. Rằng Đức vua ban cho giám mục những quyền hành không giới hạn, để nhân danh Ngài, yêu cầu triều đình Pháp quốc những hỗ trợ cần thiết và thực hiện cùng với triều đình Pháp quốc những thỏa thuận phù hợp nhất và thích đáng nhất để mang lại lợi ích cho hai quốc gia liên quan.
4. Rằng để bảo đảm với triều đình Pháp quốc sự trung thực trong những mục đích của mình, Đức vua chấp thuận ủy thác Hoàng tử, con trai duy nhất kế nghiệp của quốc gia, cho vị giám mục người Pháp nói trên tùy nghi săn sóc để giáo dục vị hoàng tử mà Đức vua rất yêu dấu và rất trân quý đối với quốc gia.
5. Rằng để tránh những khó khăn trong việc bảo chứng nội dung đích thực của văn bản được viết bằng ngôn ngữ nước ngoài trong một xứ sở chỉ có những người liên quan là thông hiểu, Đức vua ủy thác cho giám mục nói trên ấn tín Hoàng gia và, tại mọi quốc gia, được xem như là sự ủy nhiệm vương quyền, để trong mọi trường hợp, triều đình Pháp quốc được bảo chứng về những quyền hạn của Giám mục Adran và có thể tin cậy vào những thắng lợi của việc hợp tác mà triều đình Pháp quốc sẽ có thể thực hiện.
6. Rằng giám mục nói trên sẽ nhân danh quốc vương xứ Đàng Trong, yêu cầu triều đình Pháp quốc hỗ trợ một ngàn năm trăm binh sĩ, một số chiến hạm cần thiết để chuyên chở pháp binh diện địa, đạn dược quân nhu cần cho chiến tranh, và nói chung tất cả những gì cần thiết và hữu dụng cho cuộc viễn chinh.
7. Rằng đi cùng với Hoàng tử và Giám mục Adran có hai võ quan cao cấp của triều đình cùng đoàn tùy tùng; hai tướng này cũng là con tin đảm bảo ý muốn chân thành của Đức vua về việc hợp tác với triều đình Pháp quốc.
8. Rằng Giám mục Adran, thay mặt nhà vua và Nội các, có nhiệm vụ đề nghị nhượng và tặng cho quốc vương Pháp toàn quyền sử dụng hòn đảo hải cảng chính của Đàng Trong mà người Pháp gọi là Tourane còn người bản xứ gọi là Hội An, để tùy ý xây dựng cơ sở.
9. Rằng thừa nhận quyền sở hữu của Pháp quốc, cùng với người xứ Đàng Trong, đối với hải cảng nói trên để trông coi, sửa chữa hoặc đóng mới các tàu thuyền mà triều đình Pháp quốc nhận thấy cần thiết.
10. Rằng giám mục nói trên sẽ đề nghị triều đình Pháp quốc quyền sở hữu đảo Poulo-Condor (Côn Đảo)
11. Rằng Đức vua chấp thuận cho Pháp quốc buôn bán trên lãnh thổ của mình, loại trừ mọi quốc gia phương Tây khác.
12. Rằng Đức vua cam kết, nếu Pháp quốc giúp đỡ và khôi phục cho ông ngôi vị, thì ông cũng trợ giúp tương tự cho vua Pháp quốc bằng binh lính, thủy thủ, lương thực, tàu thuyền... vào mọi lúc khi được yêu cầu và mọi nơi khi cần thiết.
13. Rằng Đức vua báo trước cho Giám mục Adran, nếu triều đình Pháp quốc yêu cầu những điều mà hoàng thượng không lường trước được, thì giám mục nói trên chỉ được phép chấp thuận khi các điều khoản đòi hỏi không phương hại bằng mọi lẽ đến lợi ích của thần dân trong vương quốc. Rằng giám mục nói trên, là người hoàn toàn hiểu biết phong tục và tập quán của xứ Đàng Trong, sẽ trình bày với triều đình Pháp quốc rằng hiệp ước mà Đức vua mong muốn thực hiện với triều đình Pháp quốc sẽ chỉ nhất quán khi các điều khoản công bằng và hữu ích cho các quốc gia ký kết.
14. Cuối cùng, Đức vua cho Giám mục Adran hiểu rằng, lúc trao trọn cho giám mục số phận của mình và của tất cả thần dân, Đức vua chờ mong - bằng vào sự gắn bó của ông với bản thân Đức vua, giám mục sẽ tiến hành thương thảo này, với sự mau chóng tùy theo hoàn cảnh, mọi sự cẩn trọng mà Đức vua đã luôn luôn thừa nhận ở giám mục - rằng sự cứu rỗi một thánh chức mà ông đã luôn hoàn thành với nhiệt huyết phải tùy thuộc vào cuộc thương thảo này, và vì thánh chức ấy cho đến nay giám mục đã chịu nhiều hy sinh to lớn nhất.
Rằng cuối cùng, thành công này sẽ minh chứng cho lòng nhân từ của Đấng Tối Cao mà giám mục là sứ giả và lòng khoan dung quốc vương vĩ đại mà giám mục là thần dân, giám mục sẽ mãi mãi xứng đáng với lòng biết ơn của Đức vua và của vương quốc Đàng Trong.
Hội đồng Hoàng gia, ngày 10 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 43 (18-8-1782)'."
Nội dung bản dự thảo hiệp ước trên trích từ tác phẩm "Vua Gia Long" (Gia-Long) của tác giả người Pháp Marcel Gaultier, xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1933, được NXB Thế giới phát hành theo sự hợp tác của Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam và dịch giả Đỗ Hữu Thạnh. YÊU SỬ VIỆT trích đăng vì mục đích giới thiệu đến bạn đọc yêu lịch sử Việt Nam.
Có nhu cầu đặt mua sách "Vua Gia Long" bạn vui lòng click vào đây hoặc nhấn vào mua sách "Vua Gia Long"
Trần Trọng Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét