YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có triều đại nào như triều đại Nhà Tây Sơn và hiếm có bộ sách sử Việt nào đặc biệt như bộ sử 17 quyển Đại Việt Sử ký tiền biên. Trước hết, cần khẳng định rằng, triều đại Nhà Tây Sơn có xuất phát điểm từ sự rối ren, bạo loạn cuối thời các Chúa Nguyễn như một yếu tố tất nhiên của lịch sử quân chủ Việt Nam khi các chính quyền phong kiến đến thời tàn mạt. Nhưng bộ sử Việt "Đại Việt sử ký tiền biên" của danh thần Nhà Tây Sơn Ngô Thì Sĩ lại được biên soạn công phu và chính thức hoàn chỉnh, ra đời trong một triều đại vắn số lại càng đáng được trân trọng hơn hết. Triều Tây Sơn, hay phải nói chính xác là Hoàng đế Quang Trung mới thực sự có tầm nhìn về một Đại Việt thống nhất sau hàng trăm năm nội chiến nhưng số phận không cho phép Ngài hoàn thành điều đó. Với Đại Việt sử ký tiền biên, số phận lại ưu ái cho bộ Sử Việt mới toanh ấy mang trên mình những trọng trách mới.
Bài liên quan
Trước tiên, thông qua một góc nhìn khác của sử gia phương Tây - George Dutton với quyển sách "Cuộc nổi dậy của Nhà Tây Sơn" cộng với các dữ kiện lịch sử được ghi lại, chúng ta có thể nhận thấy một phần nào đó ý chí của Hoàng đế Quang Trung đã từng bị "o ép" bởi người anh cả Nguyễn Nhạc. Sự "o ép" này là vệ mặt ý chí và tầm nhìn, vì khi đã lên ngôi Thái đức Hoàng đế và đóng đô tại Quy Nhơn, đối với Nguyễn Nhạc như thế đã là quá đủ trong khi phía Bắc vẫn là "Vua Lê - Chúa Trịnh", phía Nam vẫn là Nguyễn vương Nguyễn Ánh (người nối dõi dòng họ Chúa Nguyễn sau này sẽ lên ngôi Hoàng đế Gia Long). Như vậy, từ việc chia đôi đất nước (Trịnh - Nguyễn), Nguyễn Nhạc lại đưa đất nước đến nguy cơ chia nhỏ hơn, chia ba: Trịnh - Tây Sơn - Nguyễn - một điều vô cùng tồi tệ. Năm 1788, Nguyễn Huệ đã kết thúc điều tồi tệ đó khi buộc Nguyễn Nhạc phải nhường ngôi cho mình và lên ngôi hoàng đế Quang Trung nhằm chuẩn bị cho cuộc đại chiến quét sạch Mãn Thanh đang xâm lược Đại Việt lúc bấy giờ. Diễn biến và kết quả là một phần của lịch sử Việt Nam.
Bằng chiến thắng quân xâm lược Mãn Thanh năm 1789 và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt, cũng như đã lên ngôi Hoàng đế thay thế hoàn toàn Nhà Hậu Lê, Quang Trung chính thức đặt ra những tham vọng rộng lớn hơn, vĩ đại hơn cho bản thân mình: thống nhất Đại Việt.
Có thể nói, hình ảnh của Hoàng đế Quang Trung vào thời điểm năm 1789 cho tới khi Ngài đột ngột qua đời năm 1792, là hình ảnh của sự kiêu hùng mà Sử Việt vẫn luôn luôn không thiếu trong dòng chảy ngàn năm qua và về sau của mình. Một vị thế hiên ngang trước Mãn Thanh ở phương Bắc và một ý chí thay đổi, chấn hưng đất nước sau nội chiến, tái thiết quốc gia sau bao nhiêu năm chia cắt đã đưa Quang Trung vào ngôi đền của những Anh hùng dân tộc Việt Nam. Ông qua đời đột ngột và không ai trong triều đại của Ông đủ sức đảm đương hay thay thế tham vọng của Ông. Những trung thần của Nhà Hậu Lê dù đã thực sự bị ánh hào quang chống quân phương Bắc xâm lược của Ông khuất phục thì nay quay trở lại với triều đại cũ và mong muốn tái lập cựu triều do sự tưởng nhớ chiến công xa xưa...!
Triều Tây Sơn vĩ đại đã thực sự chết theo Hoàng đế Quang Trung từ năm 1792 và với một con người mang ý chí sắt đá, lòng kiên trì một cách kiên định, hiếm thấy như Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh, sứ mệnh thống nhất Đại Việt chắc chắn là của Ông.
Mặc dầu vậy, dù Quang Trung đã mất nhưng ý chí của Ông vẫn không mất và trong số những điều chẳng còn hay ho gì sau ngày Ông mất, Triều Tây Sơn ngoài sự tận trung bi hùng của những hổ tướng từng sát cánh bên vị chủ cũ vẫn để lại cho hậu thế một bộ Sử Việt mới với những cách nhìn, góc nhìn mới: Đại Việt Sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ. Trong bộ sử ấy, ngoài những sửa chửa mang tính tra cứu kỹ lưỡng số liệu, sự kiện một vấn đề khác còn được đặt ra khi đề cập đến những nhân vật từng chép thành quốc thống của người Việt nay bị loại bỏ như Triệu Đà, Sĩ Nhiếp. Đáng lưu ý, Ngô Thì Sĩ và người đương thời vẫn thuộc Nho giáo, tin vào thuyết thiên mệnh của Nho giáo nhưng đã đề cao tính quốc thống, khác nhau giữa hai dòng máu Việt - Hán để đưa ra một cách nhìn khác về thời kỳ Bắc thuộc.
Có lẽ chúng ta cần phân biệt giữa thuyết thiên mệnh của Nho giáo và bản chất của một quốc gia cần được thừa nhận như thế nào? Nhưng trước hết, cũng cần xem xét thật kỹ những vấn đề có liên quan với nhau trong một khoảng thời gian, một sự kiện nhất định. Vấn đề thế giới quan hạn hữu mang yếu tố thời đại của tiền nhân dẫn đến phải chấp nhận cơ chế "thiên triều - chư hầu" và "thông lệ trong xưng đế - ngoài xưng vương" được áp đặt trên cơ sở "bá quyền" đế quốc - tiểu quốc sẽ cần được nhìn nhận ở thời đại mới theo cách nhìn mới. Và thời đại mới có lẽ đã bắt đầu từ Thời đại Quang Trung (chứ không hẳn là thời kỳ Tây Sơn). Vì thời đại Quang Trung với huyền thoại về một ý định lấy lại Lưỡng Quảng đã đặt ra ý niệm cơ bản, sơ khai đầu tiên về một tinh thần tự tôn dân tộc dựa trên dòng máu Lạc Hồng tinh tuyền nhất không hoàn toàn lệ thuộc vào tư tưởng Nho giáo. "Đại Việt sử ký tiền biên" có thể khẳng định là tiếng nói chính thức cho ý chí tự cường, độc lập, tự chủ của Thời đại Quang Trung.
Cũng giống như mô hình "thiên triều - chư hầu" được áp đặt dựa trên sức mạnh quân sự bá quyền của đế quốc Hán, Thời đại Quang Trung với hình ảnh đại diện duy nhất là Hoàng đế Quang Trung cũng đưa sức mạnh quân sự lên cán cân áp đặt Thanh - Việt để tự khẳng định vị thế của mình so với "thiên triều". Sự uyển chuyển trong quan hệ ngoại giao không đưa đất nước vào vị thế bị o ép phải thần phục nhưng đưa đất nước dưới thời Quang Trung tiến tới một niềm hy vọng mãnh liệt có cơ sở để thành hiện thực, về việc thoát khỏi sự thần phục theo truyền thống xa xưa dựa trên một nội lực vô cùng to lớn của người Việt vào lúc bấy giờ. Có thể người Hán và các triều đại của họ từ trước đến sau này không quan tâm Sử Việt viết gì về những Triệu Đà, Sĩ Nhiếp hay đền thờ Sầm Nghi Đống giữa Thăng Long nhưng nếu người Việt nhìn thấy và cảm nhận một dòng chảy Sử Việt tinh tuyền với những người Việt và máu của người Việt đổ xuống cho một nước Việt của người Việt - thì đó có phải là điều quan trọng hơn hết để thoát khỏi hoàn toàn sự lệ thuộc tư tưởng của hơn 1.000 năm Bắc thuộc, phải sống trong kiếp nô lệ của thuyết thiên mệnh???
Chung quy lại, mỗi thời đại trôi qua là mỗi lúc sự tiến tới cái mới, nhìn nhận những cái cũ bằng những góc nhìn mới bao quát hơn, toàn diện hơn lại được đặt ra. "Đại Việt sử ký tiền biên" của Triều đại Tây Sơn - Quang Trung đã đi xa hơn nhiệm vụ viết sử thông thường khi đặt ra những viên gạch nền tảng đầu tiên cho ý chí thoát khỏi thuyết thiên mệnh của người Hán, thoát khỏi những tư tưởng thần phục dựa trên cơ sở bá quyền đã tồn tại từ ngàn năm Bắc thuộc cho đến tận sau này. Người Việt đã mất hơn ngàn năm để phải chịu sự nô lệ trong tư tưởng nhưng vẫn giữ được ý chí phục quốc không gì dập tắt nổi, thì khi tiềm lực quốc gia đã vững vàng tận gốc rễ, những tiếng nói mạnh mẽ, mãnh liệt như của Thời đại Tây Sơn - Quang Trung là điều tất yếu phải xảy đến và thôi thúc thế hệ con cháu tiếp nối sứ mệnh của của thời kỳ đó.
"Đại Việt sử ký tiền biên" đã hoàn thành sứ mệnh của một bộ sử lưu truyền tinh thần của thời đại mà mình được xây dựng nên, thì những thời đại tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh thoát khỏi thuyết thiên mệnh của người Hán theo khả năng và sức mạnh của thời đại mình. Đó là tính tất yếu của lịch sử Việt Nam.
Để đặt mua sách "Đại Việt sử ký tiền biên" - Ngô Thì Sĩ bạn vui lòng click vào đây hoặc bấm chọn mua sách "Đại Việt sử ký tiền biên" - Ngô Thì Sĩ.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét