Nhà Hậu Trần - Kết thúc bi hùng của hào khí Đông A
YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam, Nhà Hậu Trần được nhắc đến chính thức trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhằm nói về một thời kỳ 7 năm các tôn thất Họ Trần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhà Minh, sau khi cuộc kháng chiến của Nhà Hồ thất bại. Nhà Hậu Trần tồn tại với hai đời vua và được xếp vào hàng ngũ các vị hoàng đế Họ Trần cai trị Đại Việt - dù thời kỳ Hậu Trần thì Đại Việt đã mất về tay người Hán. Trong 7 năm ngắn ngủi, Nhà Hậu Trần có lúc đã khiến cho hy vọng khôi phục quốc thống Đại Việt như được nhen nhóm hơn bao giờ hết, đã có lúc con cá kình tàn ác Trương Phụ như cá nằm trên thớt nhưng lại may mắn trốn thoát nhưng cuối cùng thời đại Họ Trần vẫn kết thúc trong bi thương, hào hùng. Hai vị hoàng đế của thời kỳ Hậu Trần là Giản Định đế Trần Ngỗi và Trung Quang đế Trần Qúy Khoáng.Bài liên quan
Tháng 1 năm 1407, quân Nhà Hồ đại bại tại thành Đa Bang, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược do Nhà Hồ lãnh đạo dần đi đến kết thúc đau thương, thất bại hoàn toàn và chính thức kết thúc tại cửa Kỳ La, khi hai vua Hồ bị bắt. Bắt được các vua Hồ và giải về Yên Kinh, Nhà Minh lộ rõ bộ mặt gian trá và Trương Phụ lỗ rõ bộ mặt dã tâm, khi chúng không những không lập lại tôn thất họ Trần làm vua như chiêu bài "Phù Trần diệt Hồ" lúc dẫn quân vượt ải Chi Lăng, mà còn thay đổi tên An Nam quốc thành Giao Chỉ quận - tức tên gọi thời kỳ Bắc thuộc với ý nghĩa nước ta là một châu, quận của Trung Hoa. Thời kỳ sau khi Nhà Hồ cướp ngôi Nhà Trần là một thời kỳ rối ren không những trong xã hội mà còn trong lòng người. Cuộc kháng chiến chống Minh của Nhà Hồ sở dĩ thất bại cũng chính vì không tập hợp được sự đoàn kết trong dân, như chính câu nói của Hồ Nguyên Trừng:
Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo.
Một phần lớn tôn thất Họ Trần đã tin lời quân Minh khi trở thành nội ứng để đánh bại Nhà Hồ nhằm khôi phục triều Trần bằng tay Nhà Minh và đã nhanh chóng tan giấc mộng khi Giao Chỉ quận được tái lập. Nhiều tôn thất họ Trần nhìn ra được dã tâm của quân xâm lược đã uất ức mà chết, có người cố tin chúng để đến nhận cầu phong với mục đích dựng lại Nhà Trần thì nhanh chóng bị bắt giết để trừ hậu họa. Nhưng, cũng có những kẻ bán nước cầu vinh, nhìn ra dã tâm xâm lược của giặc và cam tâm theo chúng, nhận quan chức Nhà Minh phong cho rồi đàn áp, cai trị nhân dân cùng giống nòi, đó là bọn người bán nước không thể nào dung thứ. Mặc dầu vậy, hào khí của dòng máu Đông Á vẫn chưa bị tuyệt diệt, vẫn còn những con cháu Họ Trần và tôi trung Nhà Trần hết lòng vì nước non, sẵn sàng hy sinh thân mình vị sự nghiệp khôi phục quốc gia.
Năm 1407, Nhà Minh nhanh chóng đổi tên An Nam quốc thành Giao Chỉ quận rồi cắt đặt quan lại, đặt phủ, huyện theo Trung Hoa để cai trị và đàn áp. Cùng năm đó, tại Ninh Bình, Giản Định vương là Trần Ngỗi lên ngôi, lấy hiệu Giản Định đế nhằm tập hợp lực lượng tiêu diệt quân xâm lược. Nhưng Đại Việt và lực lượng Họ Trần đã trải qua một thời kỳ suy yếu, thất bại trước sự cai trị của Họ Hồ và đàn áp của quân Minh, nên đã nhanh chóng tan rã ngay khi quân giặc vừa kéo đến. Giản Định đế buộc phải lui quân về Nghệ An sau nhiều phen thất bại và tại đây, tướng Đặng Tất trước vờ hàng giặc Minh để chờ thời cơ, nay thấy Họ Trần đã dựng lại cờ, liền giết quan Nhà Minh, cùng con trai là Đặng Dung kéo hết đại quân về với Giản Định đế. Ngoài ra, còn có hai cha con tướng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Cảnh Chân cùng kéo quân về để hội mưu đánh ngoại xâm.
Xem thêm
>>> Đêm hội Long Trì (Nguyễn Huy Tưởng) - Chúa Trịnh và mỹ nhân
>>> Nam Bắc triều - Khởi đầu nội chiến và bài học đoàn kết quốc gia
>>> Sử Việt - 12 khúc tráng ca
Xem thêm
>>> Đêm hội Long Trì (Nguyễn Huy Tưởng) - Chúa Trịnh và mỹ nhân
>>> Nam Bắc triều - Khởi đầu nội chiến và bài học đoàn kết quốc gia
>>> Sử Việt - 12 khúc tráng ca
Tháng 12 năm 1408, Giản Định đế quyết định hội quân tất cả các trấn, tiến ra Bắc, trực chỉ thành Đông Đô. Quân Nhà Minh cấp báo tin tức về Nam Kinh, Minh Thành Tổ Chu Đệ nhanh chóng điều hơn 40.000 binh bộ sang tiếp viện, cùng 20.000 quân thủy sẵn sàng tiếp chiến. Trong tình cảnh đó, đại quân Hậu Trần nhanh chóng tiến quân, cùng vừa lúc gặp quân của Chinh Di tướng quân Mộc Thạnh Nhà Minh tại bến Bô Cô (nay là xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) và diễn ra trận kịch chiến tại đây. Giản Định đế tự mình cầm trống thúc quân, quyết đánh cho quân Minh một trận đại bại, tướng sĩ ai nấy nức lòng, liều mình xông đến đánh tan quân xâm lược. Tướng giặc là Lữ Nghị chết tại trận, Mộc Thạnh đại bại trốn chạy về Đông Đô, sĩ khí đại quân Hậu Trần lại tăng lên gấp vạn. Tuy nhiên, trong tình thế đang sôi sục đó, quân Hậu Trần lại vấp phải hai sai lầm chiến lược: một là dùng dằng không quyết tiến về Đông Đô để thu phục kinh thành hay lui về Nghệ An trấn thủ và hai là vì nghe lời hoạn quan gièm pha, Giản Định đế giết mất hai đại tướng dẫn đầu quân là Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất, khiến cho lực lượng mất đoàn kết. Đúng lúc ấy, viện binh Nhà Minh đã kéo vào Đông Quan.
Tháng 2 năm 1409, Giản Định đế giết hai tướng Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất, con của hai vị là Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung uất ức, dẫn đại quân bỏ về Nghệ An, lập Trần Qúy Khoáng lên ngôi, lấy hiệu là Trùng Quang Đế. Trùng Quang Đế nhanh chóng đánh úp và bắt được Giản Định đế, sau tôn lên làm thái thượng hoàng, hai bên cùng dẹp bỏ hiềm khích, cùng bày mưu chống giặc.
Tháng 7 năm 1409, Trương Phụ cầm đầu viện binh kéo sang, tháng 9 năm 1409, Trùng Quang đế đối đầu Trương Phụ tại Bình Than, Đặng Dung giữ cửa sông Hàm Tử. Nhưng lúc này, lương thực thiếu thốn, quân Hậu Trần không đủ khả năng chống giữ trước đạo quân viện binh hùng mạnh vừa kéo sang nên nhanh chóng đại bại. Rồi sau đó, liên tiếp trong các tháng 9/1409, tháng 2/1410 và thậm chí tháng 5/1410 quân Trần còn Bắc tiến lần hai, quân Hậu Trần và quân Minh liên tục giao chiến các trận đánh lớn và quân Trần đều thất bại. Trước tình cảnh đó, quân Trần phải lui quân về Nghệ An, dựa vào địa thế hiểm trở để cầm cự và thực hiện chính sách ngoại giao nghị hòa để tranh thủ chờ thời cơ. Nhưng lúc này, có quan ngoại giao đi xin cầu phong thì bị quân Minh bắt giết, có lần đi ngoại giao lại tiết lộ tình hình chiến sự, địa thế canh giữ của quân Trần, dẫn đến việc Nhà Minh biết được và bắt đầu lên kế hoạch đánh quân Trần một trận lớn.
Tháng 6 năm 1412, Trương Phụ đẩy lui quân Trần chạy về Hóa Châu. Trùng Quang Đế sai Nguyễn Biểu đi nghị hòa. Nguyễn Biểu lúc đầu thương thuyết trôi chảy, khiến Trương Phụ không nghi ngờ rồi dần chịu nghị hòa. Đến khi Nguyễn Biểu đi, thì sực tỉnh vì nước Nam thế cùng lực kiệt mà còn người tài khôn khéo như Biểu thì nghĩa là chưa chịu cầu hòa mà còn tính đường khôi phục, bèn sai người chạy theo bắt lại. Nguyễn Biểu mắng rằng:
Trong bụng toan tính việc đánh chiếm nước người ta, ngoài mặt lại phô trương là quân nhân nghĩa, trước nói lập con cháu họ Trần, bây giờ lại lập quận huyện, không cững cướp bóc của cải, lại còn giết hại nhân dân, mày thật là thằng giặc bạo ngược.
Phụ tức giận, sai người trói Biểu dưới sông để thủy triều lên thì chết.
Tháng 6 năm 1413, giữa lúc Mộc Thạnh dùng dằng không dám tiến đánh quân Trần ở Hóa Châu, Trương Phụ liều chết, quyết đánh bằng được Hóa Châu với quyết tâm sống hay chết đều nằm tại Hóa Châu của Họ Trần. Phan Liêu là con của hàng quan Phan Qúy Hữu, cam tâm theo giặc, vì muốn tâng công nên chỉ hết các điểm hiểm yếu, bài trí chiến sự, tướng giỏi của họ Trần cho quân giặc biết hết.
Tháng 9 năm 1413, đang đêm, Đặng Dung phục kích doanh trại Trương Phụ, nhảy lên thuyền giặc định giết Phụ nhưng vì không biết mặt nên để Phụ trốn thoát. Quân Minh nhanh chóng phản kích, quân Trần thua to. Trận đánh tại Sái Già là trận đánh lớn cuối cùng của quân Trần và từ sau trận đánh này, quân Trần liên tiếp thất bại. Đến năm 1417, Trùng Quang Đế, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy đều bị bắt. Nguyễn Cảnh Dị mắng giặc không thôi nên bị chúng giết ngay. Trùng Quang Đế, Đặng Dung, Nguyễn Súy bị bắt giải về Yên Kinh. Đi đến giữa đường, Trùng Quang đế nhảy xuống biển tự vẫn, Đặng Dung và Nguyễn Súy thấy vậy cũng tuẫn tiết theo. Trước khi chết, Đặng Dung có làm bài thơ "Thuật hoài" để cảm thác nói về bước khốn cùng của người anh hùng trước vận nước điêu tàn:
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
Đến đây, cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Nhà Minh của Nhà Hậu Trần hoàn toàn chấm dứt. Cuộc khởi nghĩa bi hùng của Nhà Hậu Trần đã kết thúc trong máu và nước mắt của dân đen đang trên ngọn lửa hung tàn. Sự hiện diện của Nhà Hậu Trần trong buổi xế chiều của thời đại Đông A như một tiếng thét bất lực xé toang một khúc trời đen của đêm ác mộng Bắc thuộc lần thứ tư. Đó như nỗi uất hận, căm thù lũ ngoại xâm khát máu nhưng chẳng thể làm được gì hơn trong tình cảnh bấy giờ của những anh hùng nước Nam lỡ vận, không gặp thời. Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng, vua tôi Họ Trần từng đánh cho quân Minh tan tác, có lúc như suýt giết được Trương Phụ nhưng cuối cùng đành bại trận truốc quân địch hùng mạnh, không phải vì quân tướng bất tài nhưng là lúc vận trời đã khác...
Hình ảnh vua tôi Hậu Trần mãi mãi đi vào chính Sử Việt như hiện thân cho tinh thần bất khuất, kiêu hùng của dòng dõi Lạc Hồng không đầu hàng quân Hán cuồng xâm với giặc mộng đồng hóa dân Nam. Dù có kết thúc trong bi kịch, nhưng là một bi kịch hào hùng của những người con nước Việt thà chết cũng không hàng giặc hung ác. Chính tinh thần và ý chí của các ngài như thế, là ngọn lửa vĩnh cửu tiếp tục hun đúc cho tinh thần Đại Việt tiếp tục tỏa sáng giữa núi rừng Lam sơn.
Một năm sau ngày Trùng Quang đế cùng chư tướng tuẫn tiết, Bình Định vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa giữa núi rừng Lam Sơn (Thanh Hóa) với lời thề Lũng Nhai bất tử:
... chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước làm cho xóm làng được ăn ở yên lành.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét