YEUSUVIET.COM - Trong loạt bài "Đại Việt những năm tháng điêu tàn" sắp kết thúc, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh tang thương và đau đớn của Tổ quốc cùng Nhân dân trong những năm tháng cuối cùng của những triều đại oai hùng trong Sử Việt. Dù rằng có tang tóc và thê lương, có hận thù và chia cắt, có phản nghịch và bạo loạn nhưng vẫn luôn có hình ảnh những vị anh hùng Sử Việt hiên ngang và kiên cường giữ vững lòng trung với Nước trên hết lòng trung với Vua Chúa. Hình ảnh của các vị xuất hiện trong những năm tháng Dân Việt phải sống trong cảnh lầm than, chiến tranh, loạn lạc lại càng tô thắm và sáng ngời ý nghĩa hơn cho tinh thần của những anh hùng hết mình vì Dân, vì Nước. Một trong số những vị anh hùng đó, là vị Quốc công Hoàng Đình Ái người Thanh Hóa.
Bài liên quan
Theo dòng Sử Việt, hình ảnh của những vị tướng oai hùng trên chiến trường và tấm lòng tận trung báo quốc là hình ảnh đẹp cũng như cao cả nhất. Trong thời loạn lạc, nội chiến với cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn thì hình ảnh đó lại càng giống như những ngôi sao giữ mãi ánh sáng chính nghĩa dân tộc lấp lánh hơn bao giờ hết. Trong cuộc nội chiến tranh chấp quyền lực của Họ Mạc với Nhà Lê, trong giai đoạn sôi sục và tàn khốc nhất, phía Nhà Mạc dưới sự thống lĩnh của Khiêm vương Mạc Kính Điển đáng lẽ đã xóa sổ và kết thúc vai trò lịch sử của Nhà Hậu Lê nếu lúc đó phía Nhà Lê không có Quốc công Hoàng Đình Ái. Thật vậy, sinh ra trong thời Lê - Mạc tranh chấp, lớn lên trong cuộc nội chiến Nam - Bắc triều và buổi đầu hình thành phủ Chúa, nhưng Hoàng quốc công vẫn sáng ngời hình ảnh của một trung thần Nhà Hậu Lê, có công lao đầu tiên cho sự nghiệp Nhà Hậu Lê trung hưng.
Quốc công Hoàng Đình Ái sinh ngày 23 tháng 12 năm 1527 tại vùng đất nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1527 cũng là năm kết thúc của thời kỳ Lê Sơ. 100 năm huy hoàng của Nhà Hậu Lê đã kết thúc bằng sự kiện Mạc Thái tổ Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê Cung Hoàng, lập ra Nhà Mạc. Sau đó, là khoảng thời gian Nhà Mạc cố gắng xây dựng một đất nước mới để thoát ra khỏi thời kỳ loạn lạc mà Nhà Lê sơ để lại. Nhưng đến năm 1533 - khi Hoàng Đình Ái vừa tròn 6 tuổi, danh tướng của Nhà Lê là Nguyễn Kim từ Ai Lao, lập vua Lê Trang Tông và đưa quân về đánh chiếm vùng Thanh Hóa. Từ đây, thời kỳ Lê Trung hưng được mở ra và bắt đầu xoay quanh cuộc chiến của thế hệ đầu tiên: Mạc Đăng Dung và Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm.
Sau đó, nội bộ Nhà Lê bất hòa, Nguyễn Kim bị hàng tướng Nhà Mạc đầu độc chết và Trịnh kiểm giết anh vợ là Nguyễn Uông để thâu tóm quyền lực. Mặc dầu vậy, Trịnh Kiểm là một kỳ tài thời loạn, đã đứng đầu lực lượng quân sự Nhà Hậu Lê mà chiến đấu với quân đội Nhà Mạc do Mạc Thái Tổ lãnh đạo. Các cuộc chiến giữa hai bên diễn ra vô cùng khốc liệt. Từ năm 1546 đến năm 1568, Trịnh Kiểm dẫn đầu lực lượng quân sự Nhà Lê, nhiều lần đánh tan quân Mạc và hai lần tiến chiếm Thăng Long - Đông Đô nhưng sức mạnh Nhà Mạc vẫn còn, Mạc Kính Điển nhiều lần đẩy lui các cuộc tiến chiếm đó. Từ năm 1546, Mạc Kính Điển làm phụ chính cho cháu là Mạc Mậu Hợp, trực tiếp điều động binh sĩ tiến đánh quân Nam triều. Năm 1557, Hoàng Đình Ái khi đó 30 tuổi, đặt phục binh tại bờ bắc sông Mã, đánh bại thủy quân Mạc do Mạc Kính Điển dẫn đầu một trận lớn, khiến quân Mạc tan tác phải bỏ chạy về Bắc.
Các năm 1561, 1570, 1575, 1576 quân Mạc dưới sự thống lĩnh trực tiếp của Mạc Kính Điển nhiều lần tiến đánh Thanh Hóa với uy thế vô cùng lớn, quyết tiêu diệt quân Nam triều. Dưới sự lãnh đạo của Trịnh Kiểm và trực tiếp từ Quốc công Hoàng Đình Ái, quân Nam triều vẫn đứng vững trước bốn lần tiến công lớn nhất này của quân Mạc. Trong mỗi lần tấn công, quân Mạc đều tập trung rất nhiều binh thuyền, với tổ chức kỷ luật và vô cùng tinh nhuệ khiến quân Nam triều không thể tiến hay không thể giữ được các vùng đất đanh chiếm được ở phía Bắc. Những lần quân Mạc tiến đánh khiến tình thế quân Lê nguy hiểm, Hoàng Đình Ái lại xoay chuyển trận thế, khiến quân Mạc không thể thực hiện được kế hoạch tiến chiếm đã vạch ra.
Năm 1580, Khiêm vương Mạc Kính Điển qua đời, Nhà Mạc bắt đầu suy yếu. Đến các năm 1591, 1592, Hoàng Đình Ái cùng Trịnh Tùng tiến đánh Bắc triều và chiếm được thành Thăng Long. Nhà Mạc chạy lên phía Bắc từ năm 1592. Tuy vậy, các vua Mạc lúc này có ý nhờ Nhà Minh can thiệp để được tồn tại, dẫn đến một tình hình vô cùng nguy khó, vì nếu quân Minh tràn vào, tình cảnh của cuộc nội chiến sẽ bị đẩy đi xa hơn, binh tướng và dân lính sẽ phải khốn khổ hơn. Nhận thấy trước những mối nguy hiểm tồn đọng đó, nên năm 1598, khi ủy quan Nhà Minh là Vương Kiến Lập đến lập hồi thề và lễ duyệt binh với Nhà Mạc tại ải Nam Quan, Hoàng Đình Ái đã nói vơi chúa Trịnh Tùng rằng:
Nhà Minh chuẩn bị chinh phục nước ta, có thể chỉ là để diễu võ giương oai, khiến nước ta phải sợ, nhưng cũng có thể muốn thực hiện mưu đồ mà xưa kia tổ tiên họ bị thất bại. Xin tiết chế cho lệnh được tùy nghi đối phó.
Trịnh Tùng nghe theo và tại cửa ải Nam Quan, giao cho Hoàng Đình Ái thanh gươm "An quốc", được toàn quyền quyết định chiến trận. Hoàng Đình Ái cùng Vua Lê và các tướng đốc thúc binh sĩ, voi, viên các lộ sắp thành đội ngũ chỉnh tề, cờ rợp trời, khí giới sáng loáng, binh hùng, tướng mạnh, uy nghi hùng tráng. Ủy quan Nhà minh thấy khí thế quân Lê như thế chỉ còn biết lẳng lặng xếp cờ, rút chạy về nước và từ bỏ giấc mộng xâm lược nước Nam trong tình thế nội chiến lúc bấy giờ. Khi Nhà Minh từ bỏ ý đồ mượn danh Nhà Mạc để can thiệp vào nước Nam, cũng là lúc người lão tướng Hoàng Đình Ái cùng binh tướng Nhà Hậu Lê đã ngăn chặn từ trong trứng nước tham vọng xâm lược của Nhà Minh và chỉ chờ đến khi khí số Nhà Mạc tận, cuộc nội chiến Nam - Bắc triều sẽ kết thúc...
Những năm tháng cuối đời, Quốc công Hoàng Đình Ái tiếp tục có công lao trong việc quy tụ dân chúng, lập lại thôn ấp ở vùng Hải Dương ngày nay sau nhiều năm ly tán vì chiến tranh loạn lạc. Ông đã sống một cuộc đời chinh chiến tận trung báo quốc và hết lòng giữ yên xã tắc trước họa ngoại xâm. Đồng thời, trước khi mất, ông đã để lại lời di ngôn sau khi chúa Trịnh Tùng muốn phong tước cho con cháu ông như một cách để tưởng thưởng công lao của ông, ông đã di ngôn lại rằng:
Người ta sinh ra ở đời, ai có bổn phận người ấy, công lao nên tự lập, chức tước chớ lạm phong.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét