Vân Đồn (Quảng Ninh) - Thương cảng xưa chôn vùi giấc mộng Đại Hán - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Vân Đồn (Quảng Ninh) - Thương cảng xưa chôn vùi giấc mộng Đại Hán

Share This
lịch sử việt nam, yêu sử việt, vân đồn, quảng ninh, trần khánh dư, trương văn hổ, nhà trần, nguyên mông
YEUSUVIET.COM - Nhìn về một thuở xa xăm Dân tộc vươn lên, bảo vệ và phát triển đất nước, chúng ta sẽ nhìn thấy những địa danh Sử Việt gắn với chiến tích hiển hách của người xưa! Có nơi ghi dấu bằng một địa thế tự nhiên tạo ra chiến thắng quan trọng cho những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thần thánh của Dân tộc như Bạch Đằng (Hải Dương), Chi Lăng (Lạng Sơn).... Có nơi lại trở thành một trung tâm thương mại sầm uất làm minh chứng cho sự giàu mạnh và phát triển về kinh tế quốc gia như Phố Hiến (Hưng Yên), Cù Lao Phố (Đồng Nai)... Nhưng hiếm có nơi nào như huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) - một địa danh Sử Việt đã ghi đậm dấu ấn của mình như từng là một thương cảng sầm uất nhưng cũng là nơi xảy ra trận ác chiến Vân Đồn năm 1287 dưới sự lãnh đạo của vị tướng Trần Khánh Dư lãnh đạo quân đội Nhà Trần chống lại quân xâm lược Nguyên - Mông.
Bài liên quan

Vân Đồn mặc dù có những di chỉ khảo cổ để chứng minh sự tồn tại và phát triển từ xa xưa của con người, nhưng để có một sự chính thức ghi nhận vào chính sử thì phải chờ đến năm 980 dưới đời vua Lê Đại Hành. Đó là vào lúc sau khi Thập đạo tướng quân của Đại Cồ Việt - Lê Hoàn, đã lên ngôi vua, thống nhất lòng người chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Đại Tống từ phương Bắc. Vân Đồn với địa thế cửa ngõ đi vào Đại Cồ Việt từ hướng Đông bắc theo đường thủy, đã được Lê Đại Hành thành lập một tiền đồn án ngữ chính thức tại đây để theo dõi mọi động tĩnh từ kẻ thù phương Bắc, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cuộc đại chiến vệ quốc sắp đến.

Sau khi được ghi nhận một cách chính thức như thế trong lịch sử Việt Nam, Vân Đồn bắt đầu trải qua những chuỗi ngày tháng... sung túc! Sung túc là bởi vì cũng nhờ chính địa thế ở vùng cửa ngõ của đất nước như thế, Vân Đồn bắt đầu từ thời Lý Anh Tông (năm 1194) được nâng lên thành "trang" - một đơn vị hành chính quan trọng, và từng bước trở thành thương cảng quốc tế sầm uất đầu tiên của nước ta. Tại Vân Đồn, các tàu buôn từ các nước như Indonesia, Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản... tấp nập ra vào để trao đổi hàng hóa, tạo nên một đất nước Đại Việt thêm phần vững mạnh, tự chủ và sung túc.

Nhưng trên tất cả, Vân Đồn đi vào Sử Việt với một trong những chiến tích vang dội của quân dân Nhà Trần dưới sự lãnh đạo của danh tướng Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba.

Tháng 12 năm 1287, đại quân Nguyên - Mông quyết tâm xâm lược Đại Việt lần thứ ba, đã xua quân hùng hậu tiến vào nước ta theo hai đường thủy bộ. Nhưng quan trọng nhất trong cuộc chiến lần thứ ba này, quân Nguyên - Mông đã chuẩn bị kỹ lưỡng về lương thực cho quân đội viễn chinh để chống lại các kế sách "vườn không nhà trống" trước đây của Nhà Trần. Lương thực cho quân đội viễn chinh vốn đã quan trọng thì nay trong cuộc báo thù lần thứ hai này, quân lương lại trở nên càng quan trọng hơn nữa. Hai danh tướng của Nhà Nguyên là Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp được lệnh dẫn cánh đại quân theo đường thủy tiến vào Đại Việt, đồng thời hộ tống là đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ - một tướng cướp người Hán đã quy thuận triều đình nhà Nguyên.

Trần Khánh Dư là một danh tướng giỏi thủy chiến, nhưng trước sức mạnh còn hung hãn và quân số, binh thuyền đông hơn gấp nhiều lần đã không thể cản bước đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp. Nhận được tin báo để thủy quân Nguyên dễ dàng vượt qua trận địa tiến vào lãnh thổ, thượng hoàng Thánh Tông sai người quở phạt Khánh Dư. Nhưng với bản tính của một chiến tướng gan góc, Trần Khánh Dư xin sứ giả chờ cho vài ngày để "lập công chuộc tội". Vì Ông đã dự đoán rằng đoàn thuyền lương của giặc đi theo sau dẫu rằng đông nhưng là quân tải lương, không có quân tinh nhuệ hỗ trợ chắc chắn có thể phá được. Qủa nhiên khi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ chậm chạp tiến vào Vân Đồn, Trần Khánh Dư chỉ cần một trận chiến vào cuối năm 1287 đã tiêu diệt gần như toàn bộ đoàn quân lương trọng yếu của giặc, góp một phần cực kỳ quan trọng cho cuộc kháng chiến kéo dài 4 tháng chống Nguyên - Mông của quân dân Nhà Trần.

Kết thúc cuộc chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba, quân dân Nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã một lần nữa tái hiện chiến thắng Bạch Đằng bằng trận địa cọc huyền thoại kết hợp với hỏa công, đánh đắm hoàn toàn ý chí xâm lược Đại Việt của quân Nguyên Mông.

Cuộc chiến vệ quốc vĩ đại xa xưa ấy của quân dân Nhà Trần đã ghi đậm một dấu ấn không nhỏ của danh tướng Trần Khánh Dư, của địa danh và người dân xã Vân Đồn. Ngày nay, để tưởng nhớ đến chiến tích oai hùng của người xưa, từ ngày 10 - 20/6 âm lịch hàng năm vẫn diễn ra Lễ hội Quan Lạn như một sự kiện ghi nhớ công ơn của hậu thế với những chiến tích hiển hách của cha ông giữ nước khi xưa. Tương truyền trong cuộc chiến Vân Đồn đó, đại tướng Trần Khánh Dư đã nhận được sự giúp sức đắc lực của hai anh em họ Phạm tại Vân Đồn...!

Năm tháng qua đi với những lớp bụi thời gian ngày càng phủ dày lên qua khứ, nhưng những tiếng vọng hào hùng của tiền nhân giữ nước vẫn như những tiếng sóng rì rầm ngày đêm không bao giờ ngơi nghỉ dội vào huyện đảo Vân Đồn hôm nay! Vân Đồn đã đi vào lịch sử Dân tộc như một thương cảng quốc tế từng sầm uất nhất và là một trong những địa danh đóng góp chiến công quan trọng nhất cho cuộc Vệ quốc vĩ đại bảo vệ Tổ quốc của Dân tộc ta vào thế kỷ 13.

Khi đến với Vân Đồn hôm nay, chúng ta sẽ cảm nhận được sự mới mẻ, vui tươi và đầy tràn sức sống thời đại mới của vùng đất tiền tiêu ở phía Đông bắc của Tổ quốc. Nhưng dù Đất nước có phát triển ra sao, Tổ quốc có chuyển mình thế nào thì Vân Đồn vẫn sừng sững ở một chân trời xa xôi của Dân tộc để trụ vững và bảo vệ lớp lớp thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta mãi mãi trường tồn đến vạn đại, thiên thu. Cha ông, tiền nhân của chúng ta khi xưa đã cùng Vân Đồn làm được điều đó, thì thế hệ chúng ta hôm nay và con cháu chúng ta mai sau sẽ còn phải làm được nhiều hơn nữa vì Tổ quốc thiêng liêng này! Đó là khát vọng và trách nhiệm của thế hệ chúng ta ngày nay!

YÊU SỬ VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (368) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (161) su-viet-hom-nay (100) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (85) su-kien-su-viet (76) sach-lich-su (73) facebook (53) sach-su-hien-dai (51) chong-phap (47) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (30) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (27) dia-danh-su-viet (23) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) cong-giao (5) ho-chi-minh (5) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)