YEUSUVIET.COM - Với tựa đề "Nước Việt Vĩ Đại", YÊU SỬ VIỆT có thể khiến người đọc có cảm giác lời văn không xuôi tai, lạ lẫm và khác xa so với những định hướng kiến thức lịch sử thông thường. Có thể như thế, nhưng với "Đại Cồ Việt", những mỹ từ đao to búa lớn, hoa mỹ văn phong như thế nào cũng không thể diễn ta hết sự vĩ đại của 86 năm nước Việt lập lại quốc gia và tồn tại với quốc hiệu Đại Cồ Việt trong dòng lịch sử Việt Nam. Đại Cồ Việt là quốc hiệu do Đinh Tiên Hoàng đặt khi sáng lập triều đại phong kiến đầu tiên của người Việt sau khi giành độc lập. Đại Cồ Việt cũng là quốc hiệu đầu tiên của người Việt được cường quốc Trung Hoa ở phương Bắc miễn cưỡng chấp nhận là một Nước chư hầu với sắc phong "Giao Chỉ quận vương".
Bài liên quan
Quốc hiệu Đại Cồ Việt tồn tại trong 86 năm, từ năm 968 - khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, và kết thúc năm 1054 dưới thời vua Lý Thánh Tông triều Nhà Lý. Khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đế đặt quốc hiệu nước Nam là Đại Cồ Việt với ước mong không chỉ một nước Việt lớn mạnh mà còn cả vụt rộng lớn qua bốn phương, tám hướng. Đại trong tiếng Hán nghĩa là lớn và "Cồ" cũng có nghĩa là lớn. Đó là khát vọng của một vị hoàng đế đã trải qua trăm chiến trận, đánh bại tất cả những ai ngáng đường thống nhất giang sơn của mình. Người "Anh hùng cờ lau" lớn lên trong những năm tháng người nước Nam đang trên con đường gầy dựng lại trời Nam. Từ họ Khúc dựng nền tự chủ, đến sứ mệnh dang dở của họ Dương và trực tiếp được sống trong những tháng ngày khúc ca Bạch Đằng huyền thoại ngân vang, thì chính những điều đó đã tạo nên một Đinh Tiên Hoàng với khát vọng Đại Cồ Việt phải rực rỡ nhất, huy hoàng nhất và không thua kém gì Trung Hoa của người Hán.
Nếu Đinh Tiên Hoàng đế là người khai sinh ra nước Đại Cồ Việt để gửi gắm tất cả ý chí, quyết tâm và khát vọng về một nước Nam ngang hàng với phương Bắc, thì Lê Đại Hành chính là người đã tiếp nối khát vọng đó một cách trọn vẹn nhất. Nhưng trước hết, với Đinh Tiên Hoàng, lần đầu tiên sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, người lãnh đạo của nước Nam đã gửi sứ thần sang phương Bắc để thông sứ, chính thức khẳng định sự độc lập, tự chủ và đối trọng của hai quốc gia tách biệt nhau hoàn toàn. Và cũng là lần đầu tiên, Đinh Tiên Hoàng khởi xướng chính sách "trong xưng Đế, ngoài xưng Vương" với Trung Hoa và dù với danh nghĩa được phong chức "Giao Chỉ quận vương" đầu tiên từ triều đình nhà Hán, Đại Cồ Việt từ đây đã là một quốc gia độc lập, được công nhận bên cạnh quốc gia của người Hán. Danh hiệu "Giao Chỉ quận vương" của người Hán chẳng khác nào một viên thuốc đắng mãi mãi không thể tan biến mà người Hán phải cố ngậm mà nhìn thấy người Việt ở phương Nam ngày càng lớn mạnh và trường tồn vĩnh viễn!
Trở lại với sự kế thừa trọn vẹn và rực rỡ của Lê Đại Hành trong việc tiếp tục đưa Đại Cồ Việt đến vị trí Vĩ Đại trong dòng Sử Việt, đó chính là sự kiện phá Tống năm 981 cũng ngay trên chính dòng sông Bạch Đằng huyền thoại. Ngô Vương Quyền đại phá Nam Hán năm 938, Đinh Tiên Hoàng thống nhất Giao Châu, chính thức lập quốc, xưng đế hiệu và Lê Đại Hành là người đứng ra nhận lãnh trọng trách chống lại cơn thử thách ngoại xâm của triều đình Trung Hoa. Cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 do Lê Đại Hành lãnh đạo chẳng khác nào cuộc kháng chiến do Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử lãnh đạo sau khi nhà nước Vạn Xuân thành lập năm 540. Sự so sánh này để nói lên một điều rằng: người Nam đã tuyên bố độc lập - gần 500 năm trước người Nam cũng đã từng làm điều đó nhưng thất bại, thì liệu lần này người Nam có giữ vững được lời tuyên bố đó của mình hay không? Kết quả cuối cùng đã là một phần của lịch sử Việt Nam, không thể chối cãi!
Từ Ngô Vương, qua Đinh Tiên Hoàng rồi đến Lê Đại Hành, cơn ác mộng Bắc thuộc gián tiếp và trực tiếp bằng một cuộc xâm lược với quân lính, thuyền chiến quy mô đã từng bước bị bẻ gãy, bị nhấn chìm và kết thúc hoàn toàn nơi lòng sông Bạch Đằng huyền thoại. Gắn liền với những năm tháng đó, là một quốc gia Đại Cồ Việt kiêu hùng, hiên ngang và lừng lững một phương trời Nam. Những năm tháng tiếp theo sau năm 981 lịch sử, Đại Cồ Việt trải qua hai triều vua đầu Nhà Lý với một cơn ác mộng khác - ác mộng nội chiến của "Loạn Tam vương", nhưng đã vượt qua tất cả. Và đến khi vị Hoàng đế Lý Thái Tông chính thức dẹp loạn, lên ngôi vua và thống nhất lòng đoàn kết quốc gia, hành trình Đại Cồ Việt đã đi tiếp những chặng đường cuối huy hoàng của mình. Năm 1054, Lý Thánh Tông quyết định đổi Đại Cồ Việt thành Đại Việt - bởi sự vững vàng của nền độc lập, tự chủ quốc gia đã được khẳng định cùng khát vọng một nước Việt hùng mạnh trải dài khắp bốn phương, tám hướng đã rõ ràng, nước Việt chỉ cần một chữ "Đại" để khẳng định sự tồn tại thịnh trị đến muôn đời của mình!
Sử Việt của chúng ta hay và ý nghĩa lắm! Chúng ta có thể tự hào, lâng lâng khi đọc những dòng chữ xúc động ghi lại chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền, có thể hừng hực khí thế trước những chiến công của Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành nhưng phía sau những câu chữ đôi trang đó, là cả một hành trình cả Dân tộc cùng đấu tranh không ngừng nghỉ, cả Quốc gia không bao giờ thôi khát vọng và Tổ quốc chưa bao giờ thôi vượt qua những thời khắc gian nan nhất, hiểm nguy nhất để cuối cùng vượt lên trên tất cả vì một nước Việt sẽ tồn tại độc lập mãi mãi đến thiên thu cho con cháu! Đại Cồ Việt chính là khát vọng nghi ngút, ngút tận trời xanh đầu tiên mà Cha Ông đã để lại cho chúng ta hôm nay. Nhắc đến Đại Cồ Việt, chúng ta phải nhớ ngay đến một thời kỳ đầy huy hoàng, đầy chông gai nhưng tất cả đã tạo nên một nước Việt Vĩ Đại - Kiên cường - Độc lập và Bất khuất. Chúng ta hôm nay phải sống xứng đáng với khát vọng của tiền nhân dựng nước năm xưa!
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét