YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam đang kéo dài cho đến hiện tại, mỗi triều đại phong kiến đều mang một vai trò, ý nghĩa riêng cho từng thời kỳ tồn vong của Dân tộc. Không được ghi nhận một cách chính thức, nhưng thời kỳ huyền sử Hùng Vương có thể xem như "triều đại" khởi đầu cho dòng chảy lịch sử Việt Nam vĩnh cửu! Tiếp nối bằng thời kỳ Thục Phán An Dương Vương và đêm trường nô lệ 1.000 năm Bắc thuộc, Dân tộc Việt Nam đã bước đi một hành trình cay đắng, xót xa, đau đớn, uất hận suốt ngàn năm đó để chờ đến ngày dựng lại ngọn cờ Độc lập, Tự do. Năm 938, Ngô Vương Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng bằng trận thủy chiến huyền thoại, nhưng đó chưa phải dấu chấm hết cho thời kỳ Bắc thuộc. Dấu chấm hết đó, được Dân tộc và vận mệnh chọn nơi triều đại Nhà Lý.
Bài liên quan
Nhận định đầy cảm xúc này không phủ nhận bước ngoặt Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền, trái lại, càng quan trọng hơn, chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của vị Ngô Vương chính là tia nắng bình minh Độc lập đầu tiên hé mở một cách rực rỡ nhất để chờ đến ngày mặt trời Họ Lý bừng lên vĩnh cữu ở phương Nam. Vì có thể ví von rằng, sự xuất hiện của người Anh hùng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng dù oai hùng như truyền thống của những Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế để lại nhưng đó vẫn là một truyền thống cũ của thời kỳ Bắc thuộc, khi kết thúc Dân tộc vẫn chưa nhìn thấy những tia nắng Độc lập đầu tiên, vẫn đau lòng! Trái lại, khi Họ Khúc bước lên vũ đài chính trị, lại là một câu chuyện khác!
Năm 905, Khúc Tiên Chủ Khúc Thừa Dụ dựng nền tự chủ, rồi trải qua những sự kiện năm 938 Ngô Quyền đại phá Nam Hán, năm 968 Đinh Tiên Hoàng thống nhất loạn 12 Sứ quân, năm 981 Lê Hoàn đại phá quân Tống... nhưng với những triều đại Ngô, Đinh, Lê lãnh đạo ngắn ngủi, vắn số thì chẳng khác nào một thời kỳ Bắc thuộc vẫn còn như đang kéo dài...! Chỉ đến khi Nhà Lý với vị Hoàng đế Lý Công Uẩn bước lên vũ đài chính trị và người tiếp nối xuất sắc cơ nghiệp của ngài Lý Thái Tông Lý Phật Mã xuất hiện, xây dựng một Vương triều Lý tồn tại vững vàng, xuyên suốt 216 năm thì chính lúc này đây, Ánh mặt trời Độc lập - Tự chủ - Tự do đã mãi mãi bừng sáng ở riêng một cõi trời Nam của người Việt chúng ta.
100 năm từ Họ Khúc đến Họ Lý
Nhìn lại thời Bắc thuộc, khi Lý Nam Đế lập nước Vạn Xuân năm 544 và kết thúc vào năm 602 thời Lý Phật Tử, quay lại ách đô hộ của Nhà Lương thì với 58 năm độc lập, tự chủ đó chẳng khác nào những quảng thời gian độc lập mà các Dòng họ đã nối tiếp nhau kể từ năm 905.
Từ Khúc Tiên Chủ năm 905 đến Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là 33 năm,
Từ Bạch Đằng năm 938 đến Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế năm 968 là 30 năm,
Từ Đinh Tiên Hoàng năm 968 đến Lê Hoàn đại phá quân Tống năm 981 là 13 năm,
Từ đại phá quân Tống năm 981 đến khi Nhà Lý thành lập năm 1009 là 28 năm,
Những con số đứt quảng từ năm 905 đến năm 1009 nói lên rằng, trong suốt 100 năm đó, Dân tộc Việt chúng ta đã bước những bước chân trên gai nhọn, sỏi đá của một hành trình đầy biến động, gian nan và thậm chí có những khoảnh khắc vận mệnh Tổ quốc này chẳng khác nào chỉ mành treo chuông như năm 938 và cơn ác mộng Bắc thuộc như lại chưa bao giờ hiện hữu rõ ràng như năm 981. Cuộc hành trình từ Họ Khúc năm 905 đến Họ Lý năm 1009 kéo dài hơn 100 năm nhưng chính là 100 năm gieo vãi, vun trồng, chăm sóc của lớp lớp những người Việt đã nhìn ra và nắm lấy một vận mệnh mới của Dân tộc mình sau hơn 1.000 năm chịu kiếp nô lệ. Những con số nêu trên cho thấy việc "chẳng có gì là chắc chắn" cho nền độc lập còn như trong trứng nước này và tất cả sẽ là con số 0 tròn trĩnh nếu trong một thời khắc nào đó trong 100 năm này, Dân tộc gục ngã, Đất nước sẽ gục ngã.
Vương triều Lý - Điểm cuối của hành trình 100 năm Tự chủ
Nhưng, từ khi Nhà Lý thành lập năm 1009 đến hai lần đại phá nhà Tống của danh tướng Lý Thường Kiệt vào các năm 1075, 1077 lại kéo dài đến 66 năm. Trong khoảng thời gian 66 năm, Nhà Lý không cưỡi ngựa xem hoa hay ngồi chơi xơi nước để kéo dài nền tự chủ, nhưng là không ngừng phát triển, không ngừng hoàn thiện, không ngừng tự cường để không kéo dài nền Tự chủ mà xây dựng một Nền Độc Lập của riêng mình. Trong các bộ sử Đại Việt Sử ký Toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên hay Việt Nam sử lược sau này... không ghi nhận việc tên gọi về nền Tự chủ hay Độc lập như trên, nhưng đây là sự cảm nhận về những thời khắc Dân tộc phải đối diện với hiểm nghèo, nô lệ trong quá khứ và sự xuất hiện của Nhà Lý như chấm dứt hoàn toàn cho sự lo sợ hiểm nghèo, nô lệ đó.
Nhà Lý khởi đầu bằng vị Hoàng đế Lý Thái Tổ sáng giá có công bình trị thiên hạ, thống nhất và củng cố giang sơn. Nhưng tiếp nối Lý Thái Tổ lại là... một cơn biến loạn mà sử gọi là "Loạn Tam vương". Cuộc nổi loạn ấy bắt nguồn từ chính những người con trai có khả năng nối tiếp Dòng họ Lý trị vì Đại Cồ Việt nhưng cũng chính cuộc nổi loạn ấy khi nhìn lại thế hệ kế tục truyền ngôi của họ Ngô, họ Đinh, họ Lê đã nói lên rằng: hơn lúc nào hết, Dân tộc đang cần một vị Minh đế nối ngôi và lãnh đạo đất nước vượt qua những bóng ma ám ảnh của các triều đại trước cũng như thời kỳ Bắc thuộc xa xăm...! Nếu người chiến thắng trong "Loạn tam vương" không phải Lý Phật Mã, nếu những trung thần như Lê Phụng Hiểu không hết lòng vì một Vương triều của Dân tộc... chúng ta chẳng nói trước được điều gì sẽ xảy ra. Bắc thuộc trở lại, có thể lắm chứ, lịch sử đã từng nhiều lần như thế!
Nhưng không. Người chiến thắng trong cuộc chiến Tam vương là Khai Thiên Vương Lý Phật Mã, là vị Hoàng đế Lý Thái Tông sáng giá bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và là người đã đưa triều đại của riêng mình, của Dòng họ Lý thành triều đại chính thức kết thúc thời kỳ Tự chủ, mở ra thời kỳ Độc lập trường tồn vĩnh viễn cho Dân tộc Việt chúng ta.
Lý Thái Tông lên ngôi Hoàng đế ngày 01 tháng 4 năm 1028, tự mình thân chinh cầm quân dẹp loạn Họ Nùng ở miền cao, thu phục Chiêm Thành, Ai Lao ở những miền biên viễn Tây, Nam xa xôi. Những vùng đất chưa đồng ý thuần phục chính quyền trung ương ở Thăng Long đã phải sớm thể hiện điều đó trước tài năng quân sự nhưng cũng đầy lòng nhân nghĩa của vị Hoàng đế thứ hai của Triều Lý. Cùng với thống nhất sức mạnh quốc gia, Lý Thái Tông bắt đầu kiến thiết lại cung điện, đền đài và lễ nghi của vương triều. Những cung điện mới được xây dựng hợp sức dân để khẳng định sự uy nghiêm của vương triều. Lễ cày ruộng Tịch Điền, lễ tế Thần Nông chính thức được thi hành hằng năm để thể hiện quyết tâm xây dựng tiềm lực sung túc của quốc gia. Phật giáo được lựa chọn như một tư tưởng trị quốc của họ Lý bên cạnh sự xâm nhập và lớn mạnh của Nho giáo. Và tất cả, đã tạo nên một hoàng đế Lý Thái Tông - vị hoàng đế mang trái tim nhà Phật trên lưng ngựa.
Sau thời kỳ Lý Thái Tông, Nhà Lý tiếp tục tồn tại và kéo dài tổng cộng 216 năm. Đại Việt của người Việt chính thức trở lại vị trí "thiên định" của mình là một Quốc gia - Dân tộc độc lập và tự lực, tự cường với các quốc gia, dân tộc xung quanh. Nền văn minh Đại Việt chính thức được mở ra và phát triển rực rỡ. Dân tộc Việt bước đi trên một hành trình mới tự hoàn thiện, tự cường và sánh vai với thế giới đại đồng.
Những gì bạn vừa đọc là những cảm xúc, cảm nhận riêng của YÊU SỬ VIỆT. Cảm nhận đó có thể hơi khác với cách chính sử ghi lại, cảm xúc đó có thể vượt quá những cảm nhận bình thường. Nhưng lịch sử là những gì đã xảy ra với tiền nhân, là bài học, là tiếng nói của ngày xưa cho hôm nay vì ngày mai. Muốn hiểu sử, muốn biết cha ông, tiền nhân đã từng như thế nào thì không có cách nào khác ngoài cách phải để bản thân, suy nghĩ của chính mình vào trong thời đại của những tiền nhân xưa. Và trong thời đại sau khoảng thời gian từ năm 905 đến năm 1009 - 100 năm hơn, chính là khỏang thời gian vô cùng khó khăn với những dấu ấn lịch sử mang vết xe đổ sẵn sàng tái hiện lại. Nhưng Nhà Lý đã làm được, Lý Thái Tông đã làm được và Dân tộc đã làm được - thoát khỏi Bắc thuộc, thoát khỏi Trung Hoa và thoát khỏi kiếp nô lệ ngoại bang!
Tiền nhân ta hào hùng như thế!
Dân tộc ta hào hùng như thế!
Tổ quốc ta hào hùng như thế!
Thì chắc chắn, chúng ta cũng sẽ hào hùng như thế!
Chúng ta sẽ giữ vừng và truyền lại cho con chúa chúng ta sự hào hùng đó!
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét