Lễ Tiết của người Hoa Nam bộ trong dòng Sử Việt - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM
lịch sử việt nam, yêu sử việt, lễ tiết người hoa nam bộ, mạc cửu
YEUSUVIET.COMViệt Nam là một trong những dân tộc có lịch sử xây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước đặc sắc. Đối với người Việt, bên cạnh một lịch sử giữ nước và dựng lại đất nước từ đống tro tàn đầy bi hùng, người Việt còn có thể tự hào về nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú và cởi mở của mình. Trong nền văn hóa độc đáo đó, người Hoa nói chung và đặc biệt người Hoa sinh sống ở vùng Nam bộ nói riêng, đã ghi đậm những dấu ấn văn hóa rất riêng, rất đặc sắc và cũng rất Việt Nam. Bài viết dưới đây của tác giả Chế Thị Ngọc Hân gửi về cho YÊU SỬ VIỆT với những cảm nhận về Lễ Tiết của người Hoa ở Nam bộ sẽ một phần hình dung về nét văn hóa đặc sắc của người Hoa trong dòng Sử Việt.
Bài liên quan

Một kỉ niệm nhỏ thời sinh viên – kỉ niệm tròn một năm được đến thăm và tìm hiểu về mái chùa đượm chất văn hóa người Hoa ở Nam Bộ - “Quảng Triệu hội quán”. Năm trước, cũng khoảng thời gian này, vừa thi xong chúng tôi lại “khăn gói lên đường”, vượt 60 cây số đến Cần Thơ để thực hiện chuyến hành trình ba ngày cho bài tiểu luận Hán Nôm.

Quảng Triệu hội quán” với chúng tôi khi ấy vừa lạ lẫm vừa đầy háo hức. Lạ bởi cái tên gọi mái chùa ấy khác với những ngôi đình, chùa ở vùng quê Long Xuyên chúng tôi, lạ bởi nền văn hóa mà những thương nhân người Hoa đã gìn giữ bao đời. Háo hức bởi nó là một phần của thanh xuân, của kỷ niệm bạn bè, của những thành tích ghi nhận quá trình nỗ lực mà cả nhóm đã cùng thực hiện.

Hè năm nay, tôi có dịp ghé lại bến Ninh Kiều, dừng chân thắp nén hương và may mắn gặp gỡ cộng động người Hoa nơi đây. Họ chủ yếu là con cháu của những thương nhân người Hoa đặt chân đến vùng đất này từ rất sớm, họ niềm nở kể cho tôi nghe những câu chuyện về cuộc sống thường ngày. Họ say sưa chuyện trò về những nét văn hóa như một cách để vơi đi nỗi buồn của người con xa xứ. Kẻ bán người buôn, bộn bề trong cuộc sống tìm miếng cơm manh áo, rồi gắn bó, rồi yêu, rồi tha thiết với mảnh đất này tự đã bao giờ, tình yêu đã làm “đất lạ hóa quê hương”. Cảm giác lạ lẫm ngày xưa chẳng còn nữa, tôi thấy một phần tâm hồn đất Việt trong Lễ tiết người Hoa ở Nam Bộ - nửa quen mà lạ, nửa lạ mà thương.

Hàng năm, người Hoa Nam Bộ có nhiều lễ hội, mang nét đắc trưng của tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán…
lịch sử việt nam, yêu sử việt, lễ tiết người hoa nam bộ, mạc cửu
Chùa Ông (Quảng Triệu hội quán, Cần Thơ) - Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên
Tết Nguyên Đán (người Hoa gọi là Xuân Tiết)

Khi cánh én chao nghiêng trời Nam cũng là thời điểm xuân sang Tết đến, người Hoa Nam Bộ đón Tết khởi đầu năm mới. Đây là một tết lớn trong năm. Ngay từ những ngày cuối năm, nhà nhà mua sắm Tết, phố phường rộn ràng nhộp nhịp “lắc mình” khoác áo mới, dường như cũng vui cùng không khí hân hoan từ bà con người Hoa, người Việt. Bởi lẽ, Tết Nguyên Đán cũng là Tết của hai dân tộc Việt, Hoa ở Nam Bộ. Thông thường ngày 23 tháng chạp, gia đình người Hoa cúng Ông Táo, tiễn đưa Ông Táo về trời. Mâm lễ ngoài nhang đèn hoa quả, thường có kẹo, bánh ngọt để Ông Táo “ngọt giọng” báo cáo với Ngọc Hoàng những chuyện tốt đẹp trong gia đình. Đôi khi, họ bôi mật ong hoặc kẹo nha lên miệng của tượng Táo quân khi cúng. Ông Táo của người Hoa về trời bằng ngựa, nên trên bàn thờ ông Táo có cúng con ngựa bằng giấy.

Sau ngày Ông Táo về trời, mọi công việc làm ăn buôn bán của người Hoa sẽ tạm gác lại để trang hoàng nhà cửa, dán câu đối đỏ ở cửa ra vào với ngụ ý cầu bình an may mắn như “Ngũ phúc lâm môn”, “Xuất nhập bình anh”, “Cát tướng như ý”… Nhiều nhà còn dán trên thềm cửa chữ “Phúc” ngược với ý nghĩa phúc đáo, dán cặp đồng tử cung chúc tân xuân… Không khí tết sôi động từ hàng xá ngập hương hoa đến các gian hàng, quầy quà Tết, đường phố ken người dạo chợ… Trẻ con những ngày này chẳng được đi chơi, bận rộn nhưng vui vẻ phụ giúp gia đình, hồ hởi đợi ngày vận áo mới. Nước trong những chum, vại luôn thật đầy, thật tràn như ý nghĩa dồi dào sung túc. Ẩm thực ngày Tết cũng được mua sắm đầy đủ bởi đến khoảng mùng 5 mùng 7 thì các gian hàng mới khai trương buôn bán. Ngày 30 tháng Chạp, mọi người xếp lại những bộn bề, tề tựu về mái nhà sum họp, cúng rước tổ tiên về ăn Tết.

Trong ngày Tết, bà con người Hoa, người Việt tổ chức thăm viếng, gặp gỡ họ hàng, gắn kết thêm thâm tình, cầu chúc cho nhau một năm an khang thịnh vượng. Người Hoa có tục mừng thọ những người trên 60, 70 tuổi. Con cháu sẽ tụ tập tại nhà, chúc thọ ông bà, cha mẹ, có nơi con cháu tặng cha mẹ quần áo mới hoặc lì xì cho ông bà để lấy sự may mắn. Trẻ em lại phấn khích bên bao lì xì đỏ, đây là tập tục tốt đẹp tương truyền để giúp các em thoát khỏi sự đe dọa của ma quỷ, khỏe mạnh, ngoan ngoãn…

Tết người Hoa cũng có nhiều phong tục như gặp nhau ngày đầu năm mới, dù quen dù lạ, mọi người vẫn chúc nhau sức khỏe, công việc, gia đình; kiêng kị gây gỗ bởi “hòa khí sinh tài”; tránh quét nhà để tiền tài khỏi đi ra. Người Hoa cũng có tục xông nhà đầu năm, họ chọn mời người nhiều tuổi, có uy tín, “đức cao vọng trọng” đến thăm nhà vào sáng mùng một Tết để lấy sự may mắn cho cả năm… Một số bà con người Hoa ngày đầu năm đến dâng hương cúng Phật và chư vị thánh thần như Quan Công, Bà Thiên Hậu. Các đội lân sư rồng biểu diễn phục vụ bà con, tăng thêm không khí náo nhiệt.

Tiết Nguyên Tiêu

Tiết Nguyên Tiêu đúng vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch. Trong dịp này, bà con người Hoa tập trung đông đảo tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như miếu Quan Thánh, miếu Thiên Hậu, miếu ông Bổn… để làm lễ đón mừng chính thức năm mới. Bà con đem theo các lễ vật như trái cây, heo, gà quay, hương hoa, đèn nến… đến các miếu điện để cúng, cầu mong chư thần phù hộ. Trong dịp này, tại một số đền, miếu có tục xin xăm, xin quẻ để đoán định vận mệnh, giải trừ những khó khăn năm cũ thuận buồm xuôi gió năm sau. Bà con có thể mua nhang vòng, nhờ viết tên tuổi lên khoanh nhang, treo ở chùa miếu để lấy sự may mắn.

Dường như cái dư âm của Tết vẫn chưa nguôi ngoai, nhân dịp Nguyên Tiêu, mọi người tụ họp, hỏi thăm nhau. Sau đó là những cuộc vui, ăn tiệc, uống rượu, thưởng trà, ngắm trăng, tận hưởng những giây phút thư thả, an yên. Đặc biệt, trong dịp Nguyên Tiêu, các miếu, cung thờ Bà Thiên Hậu và Quan Công, ban đêm có tổ chức tuồng trên sân khấu hát Quảng, hát Tiều, Hải Nam… Có khi biểu diễn hai ba đêm liền, mọi người chen nhau xem hát thật náo nhiệt. Tùy vào khả năng mà mọi người góp tiền, góp sức, trả thù lao cho đoàn diễn hoặc cùng hát giao lưu góp vui, gây dựng nguồn quỹ cho những hoạt động chung.

Tiết Thanh Minh
Thanh minh trong tiết tháng ba - Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh - Truyện Kiều, Nguyễn Du

Tiết Thanh Minh của người Hoa tổ chức vào một ngày trong tháng 2 hoặc tháng 3 Âm lịch (không cố định ngày), còn gọi là lễ tảo mộ. Tùy theo mỗi gia đình, dòng tộc, sẽ chọn  một ngày trong tiết Thanh Minh để đến nghĩa trang của dòng họ, tổ chức dọn dẹp sạch cỏ trên ngôi mộ ông bà, sửa chữa, san lấp những ngôi mộ sụp đổ, tô lại chữ son cho cả bia đá, làm lễ cúng, tưởng niệm người thân, người đã khuất. Ở Nam Bộ, người Hoa dùng các mảnh giấy ngũ sắc dán rải trên mộ, gọi là lợp lại mái nhà cho ông bà.

Mọi người thường đi cả gia đình, mang theo các món ăn, bánh, hoa, quả, nhang đèn… đến nghĩa trang. Tự tay con cháu với tấm lòng thành kính thắp hương khấn vái ông bà, tổ tiên phù hộ cho sức khỏe và công việc. Chờ hết tuần nhang, mọi người hạ mâm cúng và cùng nhau ăn uống vui vẻ, cảm ơn tổ tiên đã ban lộc cho gia đình, con cháu.
lịch sử việt nam, yêu sử việt, lễ tiết người hoa nam bộ, mạc cửu
Múa Rồng. Ảnh: TGCC
Tiết Đoan Ngọ

Tiết Đoan Ngọ của người Hoa tổ chức vào ngày mùng 5 tháng năm Âm lịch. Người Hoa còn gọi là tiết giết sâu bọ. Tương truyền tiết này, mọi người không nấu bếp, dùng thức ăn nguội để tưởng nhớ bậc trượng phu Khuất Nguyên trầm mình ở sông Mịch La. Người Hoa làm một loại bánh bằng nếp pha với nước tro, gói trong lá chuối có màu vàng nhạt, nhân đậu xanh và đường gọi là bánh tro để ăn vào ngày tết. Dịp này, bà con cũng thường vào rừng hoặc vườn tược, hái lá thuốc như bạch đàn, tràm, lá tre… đem về phơi khô nấu nước uống. Ở phố thị, bà con ra chợ mua một bó lá cây các loại cây thuốc, có tinh dầu thơm, đem về treo trước cửa nhà để trừ tà ma. Xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, bà con tin rằng việc hái và treo những lá thuốc trong ngày Đoan Ngọ không chỉ trừ tà ma, bệnh tật mà còn cả sâu bọ có hại bởi ngày tiết Đoan Ngọ là ngày hè nóng bức.

Tiết Vu Lan

Tiết Vu Lan tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy Âm lịch. Tiết này ảnh hường từ tích Vu Lan báo hiếu của Phật giáo được tổ chức tại nhà và các chùa thờ Phật. Người Hoa cho rằng tiết Vu Lan để cầu siêu, giải thoát cho những cô hoàn, những người chết bất đắc kỳ tử, để siêu thoát cho ông bà tổ tiên khỏi nghiệp dữ, tai ương. Mọi người thường bày một lễ cúng trước sân hoặc vỉa hè nhà, bao gồm gạo, muối trắng, các loại mứt bánh, cầu siêu độ cho cô hồn và ma quỷ đừng quấy phá. Sau khi khấn vái, gia chủ vải gạo, muối và đem các vật cúng để trên vỉa hè trước cổng cho trẻ em ăn xin, người lang thang đỡ lòng. Một số người Hoa không bày hương án thì vào chùa tụng kinh tịnh độ.

Tiết Trung Thu

Tiết này được người Hoa tổ chức vào ngày trăng tròn và sáng nhất năm – rằm tháng Tám Âm lịch. Tiết Trung thu gắn với một số truyền thuyết về việc chinh phục con Lân – một trong tứ linh – từ loài hoang dã trở thành vật thiêng. Có lẽ, đây là tiết mà trẻ em người Hoa thích nhất sau tiết Nguyên Đán bởi đường phố nhộn nhịp lân sư rồng, các em được tham gia rước đèn và thưởng ngoạn các loại bánh ngọt từ mâm cỗ gia đình. Loại bánh đặc sắc nhất phải kể đến bánh trung thu – thứ bánh đặc trưng của dịp lễ, người ta chỉ bán vỏn vẹn mươi ngày nhưng nó lại dược kết tinh từ cả năm ủ đường cho thơm, cho ngọt.

Ngày nay, hòa cùng nhịp sống hiện đại, bà con người Hoa còn tổ chức và tham gia các lễ như Tết Dương lịch, ngày Quốc Khánh 2/9... bà con treo cờ, khẩu hiệu đón chào đại lễ ở công viên, nơi công cộng... Cũng có một số lễ hội ảnh hưởng từ tôn giáo như lễ Phật Đản hay lễ mừng Chúa giáng sinh…

Thấp thoáng trong tâm hồn người Hoa Nam Bộ tôi thấy sự đồng điệu, giao thoa giữa hai nền văn hóa đồng văn, thấy cả niềm yêu trời Nam đất Bắc. Lễ tiết của người Hoa hòa cùng lễ tiết của dân tộc tạo nên nền văn hóa phù sa phong phú, giàu bản sắc. Khép lại buổi chuyện trò là sự vương vấn bởi thời gian quá ít ỏi, chẳng thể tâm tình được nhiều hơn, là bọc trái cây trĩu nặng của các cô, các chú tiểu thương gửi về cho gia đình ăn lấy thảo, là cái hẹn của dịp sau gặp gỡ, là cái ngoảnh đầu trước lúc chia tay- chia đất, chia lòng và chia cả nền văn hóa phong phú…

Tác giả: Chế Thị Ngọc Hân - Sinh viên Khoa Văn trường Đại học An Giang

Bạn đọc có bài viết, ý tưởng, chia sẻ... muốn gửi đăng trên website YEUSUVIET.COM, vui lòng gửi bài viết theo địa chỉ http://www.yeusuviet.com/2017/01/cong-tac-vien-yeu-su-viet.html này nhé!!!
Chế Thị Ngọc Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (368) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (161) su-viet-hom-nay (100) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (85) su-kien-su-viet (76) sach-lich-su (73) facebook (53) sach-su-hien-dai (51) chong-phap (47) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (30) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (27) dia-danh-su-viet (23) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) cong-giao (5) ho-chi-minh (5) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)