YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam, thế kỷ cuối cùng
của thiên niên kỷ thứ nhất đã ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc
Việt. Mở đầu, đó là sự kiện vào năm 905, Khúc Thừa Dụ lên nắm quyền Tiết độ sứ,
đặt nền móng cho sự độc lập tự chủ của dân tộc Việt sau 1.000 năm Bắc thuộc.
Năm 938, Ngô Vương Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt 1.000 năm đô hộ phong kiến phương Bắc. 30 năm sau, Đinh Tiên Hoàng Đế lên ngôi, kết thúc thời kỳ
loạn lạc, mà sử vẫn gọi là “Loạn 12 sứ quân”.
Cuối cùng, năm
981, khi Vua Đinh bị ám sát, tình hình đất nước rối ren, quân Tống quyết xâm lược
nước Nam, Lê Hoàn được triều thần tôn lên ngôi Vua, lãnh đạo nhân dân chiến đấu
chống cuộc xâm lược từ phương Bắc. Sử gọi là cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ
nhất năm 981.
Cuối năm 979,
Đinh Tiên Hoàng và thế tử Đinh Liễn bị ám sát. Nắm được tình hình Đại Cồ Việt,
Tống Thái Tông phong Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu lộ thủy lục kế độ chuyển vận sứ
lập tức chuẩn bị chiến tranh với Đại Cồ Việt. Tống Thái Tông sai Lư Đa Tốn viết
thư cho Lê Hoàn. Thư có đoạn:
Nay chín châu bốn biển đã yên, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời... Ngươi định về theo ta, hay muốn chuộc lấy tội. Ta đang chuẩn bị xe ngựa, binh lính, cờ lệnh, chiêng trống... nếu ngươi quy hàng ta tha, nếu trái mệnh thì ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy...
Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt Nam sử lược và một số
sách lịch sử khác chép rằng quân Tống có một đạo lục quân do Hầu Nhân Bảo và
Tôn Toàn Hưng chỉ huy tiến vào Đại Cồ Việt qua đường Lạng Sơn, và một đạo thủy
quân do Lưu Trừng chỉ huy tiến vào qua cửa sông Bạch Đằng.
Cuộc kháng chiến
trải qua các trận đánh nổi tiếng, như trận Chi Lăng, trận Lục Đầu, trận Bình Lỗ,
đặc biệt là cuộc chiến trên sông Bạch Đằng diễn ra 2 lần, lần thứ nhất quân Tống
giành chiến thắng, nhưng lần thứ hai quân Đại Cồ Việt giành thắng lợi quyết định,
đánh đuổi quân Trung Quốc đến tận biên giới, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống
lần thứ nhất.
Ngày 28 tháng 4 năm 981, trận quyết chiến Bạch Đằng diễn ra. Lê Đại Hành chọn khúc sông hiểm bố trí trận địa cọc, cho quân ra nhử quân Tống rồi vờ thua chạy, khi thời cơ đến liền dốc toàn lực ra đánh, phá được quân Tống, giết chết chủ tướng Hầu Nhân Bảo, nhấn chìm tham vọng xâm lược Đại Cồ Việt của nhà Tống xuống lòng sông Bạch Đằng
Sau này, vào năm
995, quân Đại Cồ Việt đã có hành động tiến quân sang đất Tống, như ở trấn Như Hồng
thuộc địa phận châu Khâm. Nhà Tống gửi thư trách, nhưng Lê Hoàn đã trả lời khá
"ngạo mạn":
Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở cõi ngoài, hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Nhung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi?
Bởi mới nói,
ngàn năm trước hay ngàn năm sau, dù là bạn thế nào, thì thù vẫn là thù. Vì giỏi
suy xét, tính đến đường sống cho con cháu về sau, tổ tiên ta đã trước chịu nhún
nhường trong quan hệ bang giao với Trung Quốc nhưng sau là quyết chiến đến cùng
để bảo vệ từng mảnh đất của Hùng Vương.
Lê Hoàn dù còn
nhiều nghi vấn trong lịch sử, dù cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất còn
nhiều ý kiến khác nhau, nhưng một điều không thay đổi, quân Tống đã mang dã tâm
xâm lược phương Nam với mong muốn cuồng ngông bành trướng lãnh thổ. Và dân tộc
Việt đã ngoan cường chiến đấu để bảo vệ nền độc lập non trẻ của mình.
Chính chiến thắng
này, đã tiếp tục tạo nên một nền móng vững chắc để sau này các triều đại Lý –
Trần – Lê đã dựa vào đó mà phát triển rực rỡ nền văn minh Lạc Việt. Đó cũng là
bài học cho hậu thế, đừng bao giờ quá tin vào người Trung Quốc, và đất Việt mãi
mãi là của người Việt, phải quyết giữ cho đến người Việt cuối cùng.
Lê Bình Ngô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét