YEUSUVIET.COM - Trong lịch sử Việt Nam, Vạn Kiếp là căn
cứ thủy quân và cảng lớn thời Lý-Trần. Địa danh lịch sử này nằm gần những chỗ
giao nhau của sông Cầu, sông Thương, sông Đuống, sông Kinh Thầy với sông Thái
Bình, nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam.
Bài liên quan
Đầu năm 1285,
đây là địa bàn tập trung binh lực của quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Quốc
công Tiết chế Trần Hưng Đạo sau cuộc rút lui chiến lược khỏi Thăng Long trước
thế mạnh ban đầu của quân Nguyên xâm lược.
Từ ngày 11/2/1285
đến ngày 14/2/1285 tại Vạn Kiếp, 20 vạn quân Trần với hơn 1000 chiến thuyền đã
chống trả quyết liệt cuộc tiến công của 30 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ
huy. Trước thế giặc vẫn còn hung hãn và để bảo toàn lực lượng, quân Trần tiếp tục
rút khỏi Vạn Kiếp. Tháng 5 năm 1285, quân dân nhà Trần bắt đầu phản công.
Cuối tháng 5,
sau thảm bại tại Tây Kết và Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay), quân Nguyên
tìm cách rút quân về nước. Đầu tháng 6, trên đường rút chạy qua sông Như Nguyệt,
quân Nguyên tiếp tục bị cánh quân của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản chặn đánh. Tiếp
theo, cánh quân của Thoát Hoan và Lý Hằng chạy theo đường Vạn Kiếp bị quân phục
kích nhà Trần bố trí từ trước xông ra phản công. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều.
Lý Hằng tử trận. Thoát Hoan được một viên tì tướng "giấu trong ống đồng"
chạy thoát về Trung Quốc theo hướng Lạng Sơn. Cùng với các trận chiến khác, trận
Vạn Kiếp đã góp phần quan trọng quét sạch 50 vạn quân xâm lược ra khỏi bờ cõi Đại
Việt.
Vạn Kiếp nay thuộc
vùng Vạn Yên, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương có đền Kiếp Bạc thờ
Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Ngoài ra, liên
quan đến địa danh Vạn Kiếp, còn có “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” – là một tác
phẩm binh thư của Hưng Đạo Vương, đáng tiếc là đến nay đã thất lạc. Nhưng qua
đó cũng nói lên được vị trí và vai trò đặc biệt của Vạn Kiếp trong công cuộc
đánh đuổi quân xâm lược Nguyên – Mông của dân tộc ta vào thời Nhà Trần.
Những địa danh
như Vạn Kiếp được lưu giữ hơn trăm năm qua, nhắc nhở cho con cháu các đời sau,
trước là không quên công lao của tiền nhân đã đổ máu vì độc lập, tự do của dân
tộc, sau là lời nhắn nhủ con cháu nên biết làm sao cho giữ vững cơ nghiệp tổ
tiên và đưa quốc gia, dân tộc đến ngày hưng thịnh.
Đó là trách nhiệm
của mọi thế hệ người Việt và những người trẻ Việt.
Lê Bình Ngô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét