YEUSUVIET.COM - Lịch sử Việt Nam thời phong kiến trải qua rất nhiều cuộc nội chiến, tàn sát giữa người Việt với người Việt. Có những cuộc nội chiến kéo dài vài năm, vài chục năm và cả trăm năm với hệ quả đất nước chia đôi, tiềm lực quốc gia bị thiêu rụi, đời sống nhân dân lầm than, khốn khổ... Dù cuối cùng, những cuộc nội chiến trong lịch sử Việt Nam đó có qua đi, người dân rốt cuộc cũng được vui hưởng thái bình nhưng những mất mát có khi phải trả giá bằng vận mệnh dân tộc, sự bỏ đi cuộc đời của một thế hệ hay Tổ quốc phải tụt hậu so với thời đại thì mãi là những vết đau không thể nào xóa mờ được. Trở về với cội nguồn, cuộc chiến giữa Văn Lang và Tây Âu có phải là cuộc nội chiến đầu tiên hay không? Trịnh - Nguyễn phân tranh có phải là cuộc nội chiến dài nhất, đẫm máu nhất hay không? Và trước sau hai sự kiện đó, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những cơn ác mộng nội chiến nào?
Bài liên quan
Nội chiến đầu tiên: Văn Lang - Âu Việt (Tây Âu)
Lịch sử Việt Nam hiện tại không xem cuộc chiến giữa Văn Lang của các Vua Hùng và Tây Âu của Thục Phán là một trong các cuộc nội chiến của người Việt Nam, đó là tư tưởng lịch sử chính thống hiện đại. Tuy nhiên, lịch sử do con người viết lên và mỗi người cũng có cách nhìn nhận hoặc đánh giá của riêng mình về một cuộc "nội chiến Việt Nam". Vậy, cuộc chiến giữa nhà nước Văn Lang và nước Tây Âu có phải cuộc nội chiến đầu tiên của dân tộc Việt Nam hay không?
Sách sử Việt lâu đời nhất của chúng ta là "Đại Việt Sử ký toàn thư" (Sử ký) do sử thần Ngô Sĩ Liên khởi soạn và đến năm 1697 đời vua nhà Hậu Lê là Lê Huyền Tôn cùng chúa Trịnh là Định vương Trịnh Căn, thì hoàn thành đã nhắc về cuộc chiến Văn Lang - Tây Âu đầu tiên. Nhưng những thông tin được nhắc đến cũng rất ngắn gọn. Theo đó, Thục Vương là vua của Tây Âu nhiều lần xâm chiếm Văn Lang của các Vua Hùng nhưng đều thất bại, vì Văn Lang binh hùng, tướng mạnh nên luôn giành chiến thắng. Sau đó đến đời cháu của Thục Vương là Thục Phán đã dẫn quân tiến đánh và chinh phục được nước Văn Lang của các Vua Hùng. Sử ký không nói đây là cuộc nội chiến và các thông tin được trình bày cũng không đưa ra hướng suy nghĩ đây là cuộc nội chiến, ngược lại đó còn là cuộc xâm lược của Tây Âu đối với Văn Lang.
Văn Lang là nhà nước đầu tiên ra đời trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu sự hình thành và phát triển của người Việt đến một giai đoạn đã cho ra đời một bộ máy quản lý xã hội. Vậy nếu Tây Âu xâm lược Văn Lang, chẳng khác nào lịch sử Việt Nam hiện đại nên ghi nhận cuộc chiến Văn Lang - Tây Âu là cuộc kháng chiến thất bại đầu tiên của người Việt chúng ta!? Sử ký không nói về cuộc chiến này quá nhiều và tư tưởng lịch sử hiện đại cũng không bình luận quá nhiều về cuộc chiến Văn Lang - Tây Âu mà cho đó là sự tiếp nối của hai nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Nhưng chúng ta chắc chắn hiểu điều này, thời kỳ cách đây hơn 2.000 năm thì những phạm trù khoa học hiện đại về quốc gia, dân tộc vẫn chưa được thể hiện rõ ràng và đầy đủ trong những Nhà nước sơ khai như Văn Lang, Tây Âu hay Âu Lạc sau này. Và điều chắc chắn thứ hai, cả Văn Lang, Tây Âu và Âu Lạc đều là những nhà nước của các tộc Việt thuộc dòng giống Bách Việt. Bách Việt là sự khẳng định khác biệt rõ ràng về giống nòi giữa người Việt và người Hán cũng như các giống tộc, bộ tộc khác. Vậy nên, nếu xét trên bình diện giống nòi của thời kỳ nhà nước sơ khai, chúng ta có thể xem cuộc chiến giữa Văn Lang và Tây Âu chính là cuộc nội chiến đầu tiên giữa hai bộ tộc Bách Việt để kết quả cuối cùng là sự ra đời của Nhà nước Âu Lạc - nhà nước của người Việt duy nhất còn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay.
Kết quả của cuộc nội chiến Bách Việt đầu tiên
Trên quan điểm nhìn nhận cuộc chiến Văn Lang - Tây Âu là cuộc nội chiến của các bộ tộc Bách Việt, chúng ta cùng xem xét về kết quả của cuộc nội chiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chúng ta.
Một quốc gia mới ra đời và hùng mạnh, thịnh vượng hơn hai nhà nước cũ, Nhà nước Âu Lạc. Sử ký đã chép vào năm 257 TrCN, Thục Phán đã thôn tính xong nước Văn Lang, hợp nhất Văn Lang và Tây Âu lập nên nước Âu Lạc, lấy hiệu là An Dương Vương. Sự kiện tiếp theo, là việc An Dương Vương cho đắp thành Cổ Loa và tướng Cao Lỗ dùng móng Rùa thần mà chế tác ra "Linh quang kim trảo thần nỏ" - nỗi khiếp sợ của quân đội Triệu Đà thuộc tộc người Hán. Như vậy, sau sự kiện hợp nhất hai nhà nước Bách Việt, Thục Phán An Dương Vương đã xây dựng xong hệ thống phòng phủ và sức mạnh quân sự quốc gia, đánh lui các cuộc xâm lược từ phương Bắc.
Bằng sức mạnh quân sự hùng mạnh tập trung của thời kỳ sơ khai đó, An Dương Vương đã lãnh đạo một bộ phận các tộc Bách Việt đã lập nên Nhà nước riêng là Âu Lạc, đánh lui các cuộc xâm lăng của quân đội Tần Thủy Hoàng - chuyện này được chép lại trong sách Hoài Nam Tử và sách Sử ký, cùng những cuộc tiến công đầu tiên của Triệu Đà và Nhâm Ngao - hai tướng của nhà Tần. Sau đó, Nhâm Ngao chết, Triệu Đà tiếp tục các cuộc tiến công xâm lược các bộ tộc Bách Việt, trong đó có các cuộc chiến xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương bằng sức mạnh của nỏ thần, đã đánh lui tất cả các cuộc xâm lược đó... cho đến khi hai bên bắt đầu thời kỳ hòa hiếu.
Năm 208 TrCN, Âu Lạc mất về tay Triệu Đà, mở ra thời kỳ đen tối đồng hóa người Việt của người Hán. Phải đến tận gần 250 năm sau, tức năm 40 SCN, Hai Bà Trưng mới phất cao ngọn cờ khởi nghĩa đòi lại độc lập, tự chủ đầu tiên. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, dân tộc Việt Nam lại chịu tiếp gần 500 năm đô hộ cho đến khi Lý Nam Đế khởi nghĩa, dựng nên nước Vạn Xuân và dân tộc ta lại chứng kiến cuộc nội chiến thứ hai (nhưng cũng là đầu tiên) của người Việt khi chúng ta giành được độc lập từ tay người Hán: nội chiến Triệu Việt Vương và Hậu Lý Nam Đế.
Như vậy, kết quả của cuộc nội chiến Bách Việt đầu tiên, một Nhà nước Âu Việt của người Việt đã hình thành với sức mạnh quân sự và sự quả cảm vô cùng của những chiến binh Việt giữ nước đầu tiên. Những cuộc tiến công từ quân đội Tần Thủy Hoàng, Triệu Đà đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ và trường kỳ của người Việt, dẫn đến cuối cùng họ phải rút lui hoặc giả vờ giảng hòa với người Việt để lập mưu lấy nước ta cho bằng được.
Nhưng dù sao đi nữa, sự kết thúc tốt đẹp của cuộc nội chiến Bách Việt đầu tiên - với quá ít dữ liệu được chép lại, vẫn là một bài học và dấu ấn tốt đẹp sơ khai để chúng ta cùng nhìn nhận về trường lịch sử bi hùng của dân tộc Việt Nam chúng ta. Đó là bài học về sự đoàn kết của những người cùng bộ tộc, có chung những điểm giống nhau và mục đích tồn tại giống nhau, chống trả những bộ tộc khác giống nòi khác. Có lẽ hoặc chắc chắn, sự kết thúc của cuộc nội chiến Bách Việt đầu tiên đó không có sự trả thù tàn bạo của bên chiến thắng với bên thất bại hay sự tổng diệt đến cùng tận dòng giống, tiềm lực của bên thất bại, vì suy cho cùng bên chiến thắng và bên thất bại đều cùng là những bộ lạc với nét giống nhau, gần gũi nhau cũng như cùng có mục đích chống lại các cuộc xâm lược từ các bộ tộc ở phương Bắc. Bởi thế, mà Thục Phán An Dương Vương đã lãnh đạo nhà nước Âu Lạc suốt 50 năm thật hùng mạnh và nếu không nhẹ dạ, cả tin và quá thật thà trong việc quan hệ với Triệu Đà người Hán, Âu Lạc đã không mất, An Dương Vương đã không mất và đêm trường 1.000 năm nô lệ đã không phủ bóng ma đồng hóa lên người dân Việt...
Và, cũng nhưng, nhưng đáng tiếc, những cuộc nội chiến tiếp theo trong lịch sử Việt Nam chúng ta đã không có kết thúc như cuộc nội chiến Bách Việt đầu tiên ấy.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét