Nội chiến Việt Nam - Trịnh - Nguyễn phân tranh và mưu đồ dòng họ.
YEUSUVIET.COM - Lịch sử Việt Nam có một giai đoạn nội chiến hết sức đau thương nhưng cũng ly kỳ và đầy bi tráng. Sức mạnh dân tộc của cả một thời đại dù bị chia đôi, nhưng lại mang đến một sức sống trường tồn cho con cháu về sau. Sự chia cắt trong cuộc nội chiến Việt Nam ấy là định mệnh, và cũng định mệnh đã bắt buộc dân tộc Việt phải lữ hành trên một con đường mới. Dù kết thúc của cuộc nội chiến ấy là thống nhất, non sông thu về một mối nhưng khoảng thời gian hòa bình ngắn ngủi không trọn vẹn đã báo trước một tiền đồ tăm tối của dân tộc. Tuy nhiên, đọc - hiểu và cảm nhận về cuộc nội chiến Việt Nam ấy, chúng ta sẽ cảm nhận đầy đủ sự bi thương và kiêu hùng của dân tộc Việt Nam chúng ta, đó là cuộc nội chiến mà Sử Việt gọi là Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Bài liên quan
Nguyên nhân của nội chiến Trịnh - Nguyễn
Trịnh - Nguyễn phân tranh là một giai đoạn đất nước tiếp tục bước vào cuộc nội chiến quốc gia giữa các thế lực phong kiến để tranh giành sức ảnh hưởng. Triều đại lãnh đạo đất nước trong giai đoạn này là triều Hậu Lê - một triều đại oai hùng và có giai đoạn đưa chế độ phong kiến Việt Nam đến thời kỳ đỉnh cao của sự thịnh vượng, hùng mạnh dưới thời Hoàng đế Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, triều Hậu Lê trong giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh này, cùng trước đó là thời kỳ nội chiến Nam - Bắc triều thực chất chỉ còn là một quân cờ trong tay các thế lực phong kiến Mạc - Trịnh - Nguyễn. Chiến công huy hoàng và bất tử của Lê Thái Tổ Lê Lợi năm xưa chỉ đủ đảm bảo một uy tín triều đại không dễ dàng bị đánh đổ, nhưng con cháu của Thái Tổ trong thời đại này đã không còn khí chất uy hùng như cha ông. Vì thế, cuộc nội chiến giữa hai họ Trịnh - Nguyễn chỉ là một cuộc chiến tay đôi và nhà Hậu Lê chỉ là vị khán giả bất đắc dĩ trên ngai vàng của mình.
Nguyên nhân sâu xa nhất của cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, có lẽ bắt nguồn từ sự kiện Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế Đại Việt năm 1527. Sự suy yếu của một triều đại sẽ dẫn đến một triều đại mới ra đời là lẽ tất nhiên. Khi năm 1527, hoàng đế Lê Hiến Tông qua đời, cũng chính là lúc Đại Việt bước vào giai đoạn rối ren bằng sự kiện tiếm ngôi của vua Lê Uy Mục. Rồi sau đó, các hoàng đế Nhà Hậu Lê trong thế kỷ 16 đã không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước, thất bại trong việc điều hành quốc gia chống lại các cuộc nổi dậy trên cả nước cho đến khi Mạc Thái Tổ xuất hiện, dẹp yên các cuộc nội loạn và lên ngôi hoàng đế Đại Việt năm 1527.
Dù có công lao không thể chối cãi trong sự nghiệp chấn hưng Đại Việt, nhưng người Việt sau mấy trăm năm dựng lại đất nước, đã phát huy những tiềm lực sức mạnh về kinh tế và quân sự của dân tộc Việt một cách ngày càng mạnh mẽ hơn, khiến cho sự đóng góp của Nhà Mạc không được thừa nhận. Việc xuất hiện những đại biểu dòng tộc có khả năng tập hợp quân đội và xây dựng lực lượng riêng, cũng như uy tín của nhà Hậu Lê còn qua lớn và việc chiếm ngôi của họ Mạc đã tạo cơ hội cho những đại diện đầu tiên của hai họ Trịnh - Nguyễn bước lên vũ đài chính trị, đó là Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm. Họ Nguyễn và họ Trịnh đều bắt đầu thời kỳ sơ khai của mình có lẽ bằng thực tâm "phù Lê diệt Mạc", đặc biệt là vị võ tướng Nguyễn Kim - cha của Nguyễn Hoàng, vị chúa Tiên của Nhà Nguyễn về sau.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất về nguồn gốc sâu xa của cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, đó là sự kiện Mạc Đăng Dung lập ra Nhà Mạc năm 1527, thì đến năm 1533, Nguyễn Kim lập Lê Trang Tông lên ngôi vua ở Thanh Hóa, lấy danh nghĩa thiên tử nhà Hậu Lê mà tập hợp thiên hạ Đại Việt tiến đánh Mạc Thái Tổ ở Thăng Long. Trải qua một giai đoạn chiến tranh, đến năm 1539 nhà Hậu Lê khôi phục lại ở vùng đất tổ Thanh Hóa, Sử Việt gọi là Nam triều để đối xứng với Bắc triều của Nhà Mạc ở Thăng Long. Tuy nhiên, năm 1549, Nguyễn Kim bị đầu độc chết, người bảo vệ trung thành của nhà Hậu Lê không còn, con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm thay cha nắm quyền và bắt đầu những bước đi đầu tiên cho việc xây dựng thế lực của họ Trịnh. Việc làm đầu tiên của Trịnh Kiểm là việc giết Nguyễn Uông - con cả của Nguyễn Kim, sau đó muốn mượn tay Nhà Mạc để giết cả Nguyễn Hoàng là con thứ của Nguyễn Kim. Nguyễn Hoàng biết dã tâm đó của anh rể, dùng mưu bình định vùng đất Thuận Hóa... và cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh bắt đầu rõ hơn từng ngày...
Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng
Sự kiện cụ thể đầu tiên dẫn đến thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh là việc Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ vùng Thuận Hóa và được Trịnh Kiểm đồng ý. Việc Trịnh Kiểm đồng ý không phải vì thực tâm, nhưng vì muốn mượn thế lực Nhà Mạc ở đây để tiêu diệt Nguyễn Hoàng. Nhưng ý người không thể qua được ý trời, Nguyễn Hoàng không chết mà ngược lại Nhà Nguyễn bắt đầu phát sinh và Đại Viết bắt đầu cuộc trường chinh Nam tiến vĩ đại.
Năm 1559, Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa, đánh bại quân đội Nhà Mạc tại đây và thoát khỏi sự kiềm kẹp của Trịnh Kiểm.
Năm 1590, Nguyễn Hoàng trở về Thăng Long theo lệnh Trịnh Kiểm để hợp sức đánh Nhà Mạc ở Cao Bằng, nhưng cũng đồng thời bị họ Trịnh kiềm hãm, tìm cách giết đi.
Năm 1600, Nguyễn Hoàng dùng mưu để Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê nổi loạn, tự mình xin cầm quân đánh dẹp, Trịnh kiểm đồng ý, Nguyễn Hoàng tức tốc lên thuyền xuôi về Nam, từ đó không bao giờ trở về Thăng Long nữa và những con thuyền của Nguyễn Hoàng ấy đã trở thành hoa tiêu dẫn đường đưa đất nước bước vào thời kỳ lịch sử mới, huy hoàng và bi hùng hơn hết.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Trịnh - Nguyễn phân tranh và 150 năm đất nước chia cắt.
Trịnh Kiểm biết mình mắc mưu Nguyễn Hoàng, nên cố sức nài kéo Nguyễn Hoàng trở về Thăng Long một lần nữa nhưng không thành. Nguyễn Hoàng về Nam, hết sức đối đãi nhân từ với nhân dân ở đây, quy tập dân chúng để xây dựng vùng đất mới ngày càng trù phú và vững vàng hơn. Có thể nói, cuộc đối đầu giữa Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng chính là cuộc đối đầu trước hết của hai họ Trịnh - Nguyễn nhưng là ở mức độ ngoại giao và bằng mặt mà không bằng lòng. Thoát khỏi Trịnh Kiểm thì Nguyễn Hoàng đời nào chịu quay lại. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, cả Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng đều là những nhân tài trị quốc, khi ở Bắc, Trịnh Kiểm giành lại Thăng Long cho nhà Hậu Lê và bắc phạt dồn ép Nhà Mạc về Cao Bằng thì ở phía Nam, Nguyễn Hoàng đã nhanh chóng xây dựng được một vùng đất trù phú, đoàn kết và mạnh mẽ trong ý thức, ý chí chiến đấu chống lại họ Trịnh đang tiếm ngôi nhà Hậu Lê ở Thăng Long.
Năm 1570, Trịnh Kiểm qua đời, con trưởng Trịnh Cối nối nghiệp, sau bị Trịnh Tùng phế truất. Trịnh Tùng nối nghiệp cha, chính thức xây dựng phủ Chúa Trịnh bên cung vua trở thành vị Chúa đầu tiên của họ Trịnh ở đất Bắc.
Năm 1619, Trịnh Tùng chết, con thứ hai là Trịnh Tráng lên thay, chính thức xưng vương khi còn tại vị và nắm quyền điều hành miền Bắc Đại Việt.
Năm 1613, Nguyễn Hoàng qua đời, con thứ 6 Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp, mở ngôi Chúa Nguyễn đầu tiên ở phương Nam.
Năm 1625, Nguyễn Phúc Nguyên chính thức không nộp tô thuế về Bắc.
Tháng 3 năm 1627, Trịnh Tráng khởi 20 vạn đại binh Nam tiến, chính thức mở ra thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh.
Cuộc phân tranh của hai họ Trịnh - Nguyễn khởi đầu năm 1627 bằng cuộc chiến giữa Trịnh Tráng - Nguyễn Phúc Nguyên và tạm kết thúc năm 1672 bằng cuộc đối đầu giữa Trịnh Tạc và Nguyễn Phúc Tần. Sau 7 lần đại chiến lớn, đến năm 1672 hai bên Trịnh - Nguyễn tạm hòa và Đại Việt bước vào 100 năm đất nước hòa bình nhưng bị chia cắt tại bờ sông Gianh - Linh Giang.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Đại Việt và nỗi đau nội chiến
Kể từ năm 1627 đến năm 1672, hai họ Trịnh - Nguyễn trải qua 7 cuộc đại chiến lớn nhất, với thắng thua đều không rõ ràng. Họ Nguyễn từng đánh chiếm 7 huyện ở Nghệ An, tiến quân ra Bắc nhưng cũng bị quân Trịnh đánh lui và có lúc, họ Trịnh đã vượt được sông Gianh. Các tướng lĩnh cầm quân của cả hai bên đều là những anh tài thực sự. Quân Nam nổi bật nhất có thế tử Nguyễn Phúc Tần, quân sư Đào Duy Từ, các tướng Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật... quân Bắc có Trịnh Toàn, Trịnh Căn, Nguyễn Khắc Liệt, Lê Văn Hiểu, Phạm Tất Toàn... Tất cả đều là những dũng tướng thao lược, bước vào cuộc nội chiến với những ý thức về quyền lợi của phía bên mình mà chiến đấu. Trong cuộc nội chiến Việt Nam đó, không thể nói bên nào đã đúng, đã sai vì cả hai bên đều có những lý do riêng để tồn tại và tiến đánh phía bên kia.
Nhưng điều đáng nói, là những người lính đã bước vào cuộc nội chiến ấy, chiến đấu và ngã xuống cho lý tưởng của mình thì nhiều vô kể. Họ nằm xuống vì những tranh giành lợi ích dòng họ hơn là một sự nghiệp thống nhất Đại Việt lớn lao hơn. Dù cho nguyên nhân sâu xa có bắt nguồn từ phía bên nào đi chăng nữa, thì những mưu tính vì lợi ích riêng của dòng họ là không thể chối cãi từ cả hai phía Trịnh và Nguyễn. Nhưng sự thật lịch sử cần phải công bằng trong đánh giá công - tội của mỗi bên. Khi họ Trịnh đã diệt xong họ Vũ ở Tuyên Quang và họ Mạc ở Cao Bằng để thống nhất phía Bắc Đại Việt, chấm dức những dã tâm và âm mưu của nhà Minh ở phương Bắc; thì họ Nguyễn đã mở đầu cuộc Nam tiến về phương Nam của dân tộc, mở ra một tiền đồ tươi sáng cho thế hệ con cháu về sau. Đó đều là những công lao không thể nào chối bỏ. Và ý thức hệ, mưu đồ chính trị của mỗi bên cũng không thể nào chối bỏ.
Nhưng, cuộc nội chiến ấy vẫn không thể thoát khỏi nỗi đau dân tộc chia đôi, sông Gianh chia đôi đất nước, người Việt giết nhau và máu người Việt đổ trên người Việt. Dù rằng máu đó được đánh đổi vì một hy vọng ngày mai Tổ quốc thống nhất, dù rằng hòa bình cần phải trả cái giá rất đắt như bao thế hệ tiền nhân nước Việt đã phải trả giá, nhưng cái giá của nội chiến của người Việt giết người Việt bao giờ cũng tang thương hơn, đau đớn hơn và uất hận hơn. Người Việt có thể dễ dàng tha cho người ngoài như Lý Thường Kiệt tha cho Quách Qùy về Tống, Lê Thái Tổ tha cho Vương Thông và hàng vạn quân Minh về nước nhưng liệu có dễ dàng tha cho nhau, trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn này???
>>> Sự kiện Mạc Đăng Dung lập ra Nhà Mạc - Nhà Lê hết thì đến Nhà Mạc lên thay, đó là quy luật tất yếu.
>>> Hoàng đế Gia Long Nguyễn Phúc Ánh
>>> Trịnh Tùng phế vua như trò chơi - Gian hùng hay anh hùng một thời?
Câu trả lời là CÓ.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Gia Long, sau khi tiến quân ra Bắc, đã không những không bắt giết họ Trịnh, mà còn cấp cho 200 mẫu ruộng, lấy tình thông gia - thân gia của tổ tiên mà đối đãi và cuộc thanh trừng có lẽ phải tàn khốc nhất trong lịch sử - vì bề dày cuộc nội chiến tàn khốc Trịnh - Nguyễn, cuối cùng đã không xảy ra. Một bài học đối nhân giữa những người Việt cùng dòng máu mà đến trăm năm sau, người Việt còn phải học hỏi những tiền nhân của mình khi những cuộc nội chiến bắt buộc phải xảy ra.
Trở lại với cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, trong tác phẩm "Nam triều công nghiệp diễn chí" của Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm đã mô tả và diễn lại theo lối tiểu thuyết lịch sử một cách công tâm và chân thật nhất. Điều đáng nói, Nguyễn Khoa Chiêm là bầy tôi nhà Nguyễn, nhưng đã viết đầy đủ những mặt trái, sai lầm của họ Nguyễn ở phương Nam.
Cả bao nhiêu năm trời đất trời Đại Việt loạn lạc, tang thương bằng những mưu đồ của các tập đoàn phong kiến, đã đẩy dân tộc ta đến bến bờ tự diệt lẫn nhau. May rằng lúc đó dù là nội chiến, nhưng quân lực và tiềm lực nước ta vẫn còn mạnh, nên Nhà Minh chỉ dám mượn thế Nhà Mạc để bức ép mà không dám dấy binh sang đánh nước ta. Nhưng may mắn gấp trăm lần hơn khi hận thù dòng tộc đã không kết thúc bằng một cuộc tàn sát đẫm máu khi hoàng đế Gia Long - hậu duệ đầu tiên của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, trở về Thăng Long. Dù rằng sự trả thù tàn bạo nhà Tây Sơn là việc làm không thể chối cãi, nhưng trong việc đối đãi với kẻ thù không đội trời chung của cả một dòng họ, Gia Long đã làm một việc rất chính đáng và cần được ghi nhận
Kết thúc những bài viết về các cuộc nội chiến Việt Nam thời phong kiến, YÊU SỬ VIỆT xin mượn câu nói của người lính Bắc Trịnh nói với người lính Nam Nguyễn:
Chúng tôi với anh em đều là người với nhau cả, sao nỡ tàn giết nhau thế này. Chỉ vì nhà Chúa đối nghịch, mà anh em ta mới phải giết nhau. Vậy chúng tôi nói anh em, nếu trái phá rơi vào trong thành, ai ở gần thì năm sát xuống đất, ai ở xa mau tìm chỗ trốn cho nhanh, như thế thì không bị sao cả.
[QC] THẾ GIỚI DEAL. COM
Khi Tổ quốc phải bước đến bờ vực nội chiến, đó là sự kiện không một người dân nào mong muốn. Nhưng như những cuộc chiến chống ngoại xâm khác, kể cả những cuộc nội chiến có xảy ra, người dân Việt vẫn sẽ chọn đất nước lên trên hết lợi ích của bất kỳ một dòng họ nào. Sự thắng thế của một dòng họ, một tập đoàn quyền lực chỉ mang yếu tố thời kỳ, chỉ trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Khi tính chính danh không còn và những thủ đoạn chính trị được phơi bày ra hết, cũng như sự vững mạnh của sức mạnh nhân dân đã đến một giai đoạn nhất định, thì những vị anh hùng như Bình Tây đại Nguyên soái Trương Định sẽ xuất hiện và nhận lãnh trọng trích của người nói lên và thi hành ý chí của nhân dân:
Triều đình Huế không thừa nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
Nội chiến sẽ dẫn đến cơ hội cho những cuộc xâm lược ngoại bang. Nội chiến sẽ dẫn đến nỗi đau đất nước chia cắt, anh em cùng một nhà lại tàn sát lẫn nhau. Nội chiến sẽ đẩy lùi sự phát triển của dân tộc, sẽ thiêu rụi tiềm lực quốc gia và chỉ mang lại những mất mát, đau thương, thống khổ cho người dân. Những cuộc nội chiến trong quá khứ chính là những bài học lớn nhất, đau đớn nhưng sâu sắc nhất cho thế hệ hôm nay và tương lai, rằng không có bất cứ điều gì có thể lớn hơn Tổ quốc - Dân tộc và Nhân dân, lợi ích của Quốc gia và Dân tộc phải đặt lên trên lợi ích của dòng tộc đang nắm quyền, phải lấy Dân làm gốc và bất kỳ triều đại nào đi ngược lại những điều ấy, đều sẽ sớm chuốc lấy sự thất bại, sụp đổ và thời điểm xảy ra việc đó, chỉ mang tính thời gian.
Sau tất cả những cuộc nội chiến, chỉ có Dân tộc là đau thương nhất, tang thương nhất và cũng khi nội chiến kết thúc, chỉ có Dân tộc là vui mừng nhất, hạnh phúc nhất. Nhưng đừng để nỗi đau chia cắt dân tộc còn kéo dài từ thời kỳ nội chiến đến cả trong thời kỳ hòa bình, đó là điều mà Gia Long đã làm với họ Trịnh.
Lê Bình Ngô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét