YEUSUVIET.COM - Ngày Giỗ tổ
Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội
truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi
lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng,
thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới
kỷ niệm.
Bài liên quan
Lễ hội Đền Hùng
Đền Hùng là
tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng
các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, gắn với Giỗ Tổ Hùng
Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng
3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất
nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng
trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện
tại.
Tín ngưỡng thờ
cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở
Việt Nam, chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật liên quan đến
thời Hùng Vương tiêu biểu như Thần Nông, Vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn
Tinh, Cao Sơn, Quý Minh. Loại tín ngưỡng này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1)
và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tối ngày
6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa
phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa
của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân
loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo mà chính là biểu
trưng của lòng thành kính, sự biết ơn- tri ân công đức các Vua Hùng là những
người có công dựng nước Văn Lang. Hiện tại theo kiểm kê của Sở VH,TT&DL Phú
Thọ, trên địa bàn tỉnh có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan
đến thời đại Hùng Vương trải rộng khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các
làng xã, song Đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn
nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Giỗ tổ Hùng Vương trong lịch sử
Theo Ngọc phả
Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý,
nhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đây nhân dân toàn
quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa. Ngày giỗ Hùng
Vương đã được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ
của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản
lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái,
làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình
miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.
Sang thế kỷ
20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25
tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch
thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm
phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế. Ngày 10 tháng Ba từ đó được
dùng cho toàn quốc.
Sau khi nền Cộng
hòa được thành lập rồi bị chia cắt, cả hai miền Nam Bắc đều tiếp tục chọn ngày
Mồng 10/3 là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Sau khi Việt Nam thống nhất, chính quyền vẫn
xem ngày 10 tháng 3 là một ngày lễ kỷ niệm nhưng không chính thức trở thành
ngày nghỉ lễ quốc gia. Mãi đến năm 2007, ngày 10 tháng Ba mới chính thức được
quy định là ngày lễ quốc gia, mọi người đều được nghỉ lễ.
Ngày nay, Giỗ
Tổ Hùng Vương trở thành một ngày nghỉ lễ quan trọng tại Việt Nam và trên hết tất
cả, đây là ngày nhắc nhở rõ nhất về nguồn gốc của người Việt Nam. Trải qua hơn
mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước và bảo vệ đất nước trước các cuộc ngoại xâm, từ
nền tảng những vị Vua Hùng đầu tiên, dân tộc Việt Nam đã cùng nhau đi qua một
thiên trường kỳ đầy chông gai, gian khổ nhưng cũng vô cùng hào hùng, bất khuất.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 năm chịu sự đồng hóa tàn bạo từ người
Hán ở phương Bắc, nhưng bằng chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền,
người Việt chấm dứt vĩnh viễn đêm trường nô lệ tăm tối đó và giữ vững nền độc lập,
tự chủ cho đến hôm nay và mai sau.
Các Vua Hùng đã có công dựng nước, các thế hệ người Việt Nam phải cùng nhau giữ nước.
Đó là trách
nhiệm, lòng tin và lòng tự hào của mỗi một người mang trong mình dòng máu Việt –
dòng máu Hùng Vương.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét