YEUSUVIET.COM - Tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, ở ngôi
được 12 năm (968 - 979), còn có danh xưng là Vạn Thắng Vương. Ông là người có công đánh dẹp loạn
12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam
sau thời Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ,
xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Đinh Bộ Lĩnh mở nước, lập đô, lấy
niên hiệu với tư cách người đứng đầu một vương triều bề thế: Thời kỳ phục quốc
của Việt Nam, từ họ Khúc chỉ xưng làm Tiết độ sứ, tới Ngô Quyền xưng vương và tới
vua Đinh xưng làm hoàng đế.
Bài liên quan
Sau một số vị vua xưng Đế từ trước
và giữa thời Bắc thuộc rồi bị thất bại trước hoạ ngoại xâm, đến thời nhà Đinh,
người cầm quyền Việt Nam mới thực sự vươn tới đỉnh cao ngôi vị và danh hiệu, khẳng
định vị thế vững chắc của quốc gia độc lập, thống nhất qua các triều đại Đinh –
Lê – Lý – Trần và buộc các điển lễ, sách phong của cường quyền phương Bắc phải
công nhận là một nước độc lập.
Từ Đinh Bộ Lĩnh trở về sau, các
Vua không xưng Vương hay Tiết độ sứ nữa mà đều xưng Hoàng đế như một dòng chính
thống. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến
trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, vì thế mà ông còn được gọi là người mở
nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử.
Cuối thế kỷ IX, nhà Đường (Trung
Quốc) suy yếu trầm trọng; đầu thế kỷ X, nước Nam có Khúc Thừa Dụ nhân lúc chính
trị rối ren, được nhân dân ủng hộ, tiến quân chiếm đánh thành Đại La (Hà Nội) tự
xin phong lên làm Tiết độ sứ (chức quan cao nhất cai quản người Việt của Trung
Quốc.).
Nhà họ Khúc trải qua 3 đời: Khúc
Thừa Dụ, Thúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, từ năm 905 đến năm 930, bắt đầu xây nền móng tự
chủ cho người Việt.
Năm 938, Ngô Quyền (898 - 944)
đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt 1.000 năm đô hộ phương Bắc,
mở ra thời kỳ độc lập tự chủ, tự xưng là Ngô Vương Quyền. Năm 944, Ngô Vương
Quyền mất, đất nước rơi vào cảnh rối ren, chiến tranh loạn lạc, quần hùng cát cứ
khắp nơi. Lúc bấy giờ có 12 sứ quân mạnh nhất, chia nhau lãnh thổ trong nước,
gây chiến liên miên, nhân dân rơi vào cảnh loạn lạc, sử gọi là "Loạn 12 Sứ
quân".
Buổi loạn thế, đất nước vừa khỏi
ngàn năm đô hộ, móng nền vừa xây còn chưa chắc, buổi đầu độc lập còn sơ khai,
mà nước Nam thời ấy anh hùng như sao trên trời, như cát dưới biển, dũng tài đủ
cả, duy chỉ thiếu người thống nhất được lòng dân.
Bởi vậy "ý trời vì nước Việt
ta mà lại sinh bậc thánh triết ", "đương lúc nước Việt ta không có chủ,
các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết"(1),
đó là Vạn Thắng Vương Đinh Tiên Hoàng - Đinh Bộ Lĩnh.
Đinh Tiên Hoàng là vị vua đầu
tiên của tộc Việc tự xưng là Hoàng Đế, ý nghĩa là chủ một phương Nam, đối trọng
với chủ phương Bắc là các Hoàng Đế Trung Quốc. Đặt tên nước là Đại Cồ Việt, để
nói lên một khát vọng của tộc Việt sau 1.000 năm, như đêm đen đầy sao nhưng thiếu
ánh mặt trời, nay đã bừng lên sáng chói thành một nước Việt lớn và hùng mạnh,
chẳng thua kém gì người phương Bắc.
Nhưng "Đế vương dấy nghiệp
không ai không nhờ ở trời. Nhưng thánh nhân không cậy có mệnh trời mà làm hết
phận sự của mình. Việc đã thành, lại càng lo nghĩ đề phòng.[...]Bởi vì lòng dục
không cùng, việc đời không bến, không thể không đề phòng trước.[...]Cho nên
Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc ngừơi, không phải mệnh
trời không giúp" (2), và vua băng hà do bị ngoại thích.
Nước Việt buổi sơ khai, bởi ý trời
đã có xưng Hoàng Đế, oai danh át cả phương Bắc, lòng dân trăm họ hướng về.
Nhưng Thiên triệu còn có ý khác, để nước Nam anh hùng còn ra tài dũng lược hơn.
Một thời kỳ thịnh trị tiếp nối, tuy mạnh yếu khác nhau nhưng là vẻ vang cho người
Việt với Lý - Trần - Lê, 3 triều hưng thịnh.
---
Hình ảnh vua Đinh như khát khao của
dân tộc hôm nay.
Đất nước thống nhất rồi, đã gần
40 năm, nhưng lòng dân Việt vẫn chưa thống nhất. Chẳng khác nào họ Khúc với Ngô
Vương ngày xưa đã gây xong nền móng tự chủ, nhưng rồi lại đến cảnh "huynh
đệ tương tàn, lòng người phân ly", làm miếng mồi ngon cho người phương Bắc
lăm le xâm chiếm hay ngồi trên mà chê cười, người nước Nam không biết đoàn kết.
Chiến tranh qua đi, có kẻ thắng
người bại, có kẻ buồn người vui, có kẻ cười người khóc nhưng chiến tranh qua rồi,
thì chỉ nhân dân được vui hòa bình. Hòa bình được xây bằng máu, nhưng đều là
máu người Việt. Như ngày xưa, 12 sứ quân đánh nhau đến bao năm, đổ ra bao máu tộc
Việt để mới có ngày Đinh Hoàng Đế thống nhất quốc gia, mở ra thời kỳ thịnh
vương?
Chỉ đến khi nào nỗi đau chiến
tranh qua đi, ý thức hệ không còn, người thắng đừng cười trên nỗi đau người bại,
người bại đừng ôm hận mãi với người cùng dòng máu; thì khi đó nước Nam ta mới
hùng cường, tộc Việt ta mới sánh được với cường quốc năm châu, bạn bè bốn bể và
thoát được cái họa Bắc phương Trung Quốc.
Đất nước đã thống nhất, nhưng
lòng dân thì chưa, hỏi Mệnh Trời đến khi nào mới có một Đinh Hoàng Đế thứ hai
cho dân Việt được nhờ? Họa này, còn kéo dài đến bao lâu nữa?
---
(1)(2) Trích trong Đại Việt Sử ký
toàn thư, Bản kỷ toàn thư, quyển nhất.
YÊU SỬ VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét