Tượng thờ Lương Đắc Bằng ở xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Trong lịch sử Việt Nam, Bảng nhãn
Lương Đắc Bằng không chỉ nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chính trực, một
người thầy mẫu mực của nhiều quan lại, trí thức đương thời mà còn được biết đến
với tư cách là tác giả của Trị bình thập tứ sách - 14 sách lược trị nước mà
theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, nếu được thực thi trên diện rộng, rất
có thể nhà Lê Sơ sẽ không đi vào giai đoạn suy vong.
Bài liên quan
Tài liệu để lại cho biết: Lương Đắc
Bằng tên thật là Lương Ngạn Ích, người làng Hội Triều (còn có tên là Hội Trào)
xã Trào Âm, tổng Bái Trạch, nay thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (Thanh
Hóa), từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng (Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1,
Nhà xuất bản giáo dục, 2007, tr 302-303). Ông sinh năm 1472, sống trong suốt 6
triều vua: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực,
Lê Chiêu Tông và tham dự triều chính qua 4 triều vua, từ Túc Tông đến Chiêu
Tông.
Trải qua nhiều thập kỷ và đạt đến
đỉnh cao thịnh trị thời Lê Thánh Tông, đến đầu thế kỷ XVI, nhà Lê Sơ từng bước
suy vong. Uy Mục lên ngôi (năm 1505), “nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích
ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ
oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương, điềm loạn đã xuất hiện từ đấy” (Đại
Việt sử ký toàn thư, tr.521). Bất bình trước sự sa đọa của Lê Uy Mục, Lương Đắc
Bằng đã viết bài Hịch, vạch trần tội quên dân, chỉ chú mục vào hưởng lạc, sống
quá xa hoa đồi truỵ của triều đình.
Tranh vẽ Lương Đắc Bằng viết hịch
kêu gọi lật đổ vua Lê Uy Mục
Tháng 11 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Đoan
Khánh thứ năm (năm 1509), Giản Tu Công Lê Oanh trá xưng là Cẩm Giang Vương, dựng
cờ chiêu an kéo quân từ Tây Đô về Thăng Long đánh Uy Mục, Lương Đắc Bằng cùng
các đại thần đứng ra ủng hộ, đưa Giản Tu công lên làm vua và sau này tôn là
Tương Dực đế.
Tuy nhiên, kỳ vọng của Lương ĐắcBằng cùng những quần thần, quý tộc chung suy nghĩ với ông về một vị tân vương
anh minh đã không được đáp ứng. Tương Dực đế sau thời gian đầu lên ngôi “ban
hành giáo hóa, thận trọng hình phạt” đã trượt dài vào con đường chơi bời vô độ,
“xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên” (Đại Việt sử ký
toàn thư, tr.530).
Chán nản trước thời cuộc, lấy cớ
thân mẫu qua đời, Lương Đắc Bằng đã xin về quê chịu tang mẹ và dự định hưu dưỡng
ở quê nhà làm nghề dạy học. Đoán được suy nghĩ của Lương Đắc Bằng, người đứng đầu
nhà Lê Sơ đã ra chiếu chỉ triệu hồi ông về triều. Mùa đông tháng 10 năm Canh Ngọ
(1510), vua Lê khôi phục cho Lương Đắc Bằng chức Lại bộ Tả Thị lang kiêm Đông
các Học sĩ, Nhập thị kinh diên. Lương Đắc Bằng không những từ chối chức tước
vua ban mà nhân cơ hội này, ông đã dâng lên Tương Dực đế một bản kế sách trị quốc
gồm 14 điểm (Trị bình thập tứ sách).
Tranh vẽ Lương Đắc Bằng dâng Trị
bình thập tứ sách
Ông dẫn tích xưa “Bậc thánh nhân
thuở trước, không vì thiên hạ đã trị mà lơ là việc cảnh giác ngăn ngừa, người
hiền thần đời xưa không vì vua mình đã thánh mà quên lãng niềm khuyên răn, can
gián” để khẳng định: “Đế Thuấn nghe lời khuyên mà răn ngừa những việc đáng răn,
do đó đã trở thành bậc đại thánh… Văn Đế nghe lời khuyên mà lo nghĩ việc đáng
lo, do đó đã trở nên bậc hiền nhân”.
Theo Lương Đắc Bằng, kể từ khi Lê
Tương Dực lên ngôi, “hoà khí chưa thuận, can qua chưa dứt, kỷ cương triều đình
chưa dựng đặt, việc quân, việc nước chưa sửa sang; tai dị xảy ra luôn, sợ đạo
trời chưa thuận, núi đá bị sụt lở, e đạo đất chưa yên”. Trước thực tế đó, ông
“mỗi khi nghĩ tới việc ngày nay thì suốt đêm không ngủ, đến bữa không ăn, tấm
lòng khuyển mã trung thành không sao nguôi được”.
Trị bình thập tứ sách của Lương Đắc
Bằng có nội dung cụ thể như sau:
- Phải cảnh giác, răn ngừa để chấm
dứt tai biến,
- Dốc lòng hiếu thảo để khuyến
khích lòng trung hậu,
- Xa thanh sắc để làm chân chính
gốc của tâm,
- Đuổi tà nịnh để làm trong sạch
ngọn nguồn muôn việc,
- Dè dặt trao quan tước để thận
trọng việc khuyến khích, răn đe,
- Tuyển bổ công bằng để đường làm
quan trong sạch,
- Tiết kiệm tiêu dùng để khuyến
khích phong tục kiêm phác,
- Khen thưởng người tiết nghĩa để
coi trọng đạo cương thường,
- Cấm hối lộ để trừ bỏ thói tham
ô,
- Sửa sang võ bị để vững thế
“thành đồng hào nóng”,
- Lựa chọn quan can gián để gây
khí thế dám nói,
- Nới nhẹ việc lao dịch để thoả
lòng mong đợi của dân,
- Hiệu lệnh phải tín thực để thống
nhất ý chí của bốn phương,
- Luật pháp, chế độ phải thận trọng
để mở nền thịnh trị thái bình.
(Đại Việt sử ký toàn thư, tr.530)
Dẫu Trị bình thập tứ sách của
Lương Đắc Bằng được khen ngợi nhưng dường như Lê Tương Dực đã không áp dụng vào
thực tiễn (Đại Việt sử ký toàn thư chép là “vua nghe theo”; Lịch triều hiến
chương loại chí viết “vua khen ngợi và nhận lời”, tuy nhiên, theo Nam sử: “Mười
bốn kế sách trình lên không được dùng một kế sách nào” - Lê Văn Toan, Lương Đắc
Bằng danh Nho đạo nghĩa thanh liêm, Tạp chí Hán Nôm, Số 3, 2011, Tr.24 - 28). Đến
giai đoạn trị vì của Lê Chiêu Tông, chính trường nhà Lê Sơ cũng không cho thấy
dấu hiệu khởi sắc. Trước tình hình ấy, Lương Đắc Bằng đã cáo quan về quê dạy học.
Ông là thày dạy của nhiều danh sỹ nổi tiếng sau này như Trạng Trình Nguyễn BỉnhKhiêm (quê Hải Dương) Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy (quê Nghệ An), Bảng nhãn Nguyễn Mẫu
Đối, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưu, Hoàng giáp Lại Kim Bảng…
Lăng mộ Lương Đắc Bằng được xây cất
lại làng Hội Triều nay thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1994 khu lăng mộ và nhà thờ của ông đã được công nhận là Di tích lịch sử
văn hóa cấp Quốc gia.
Ngôi trường THPT mang tên ông tại
Hoằng Hóa - Thanh Hóa (ảnh: Internet)
Xét diễn biến lịch sử giai đoạn
cuối Lê Sơ cùng nội dung của Trị bình thập tứ sách, có thể khẳng định, quan điểm
của Lương Đắc Bằng đã chạm vào mâu thuẫn căn bản của nhà nước quân chủ đương thời.
Trị bình thập tứ sách không chỉ phác dựng cơ bản thực trạng đất nước những năm
đầu thế kỷ XVI mà còn vạch rõ sự tha hóa của vua, quan nhà Lê, đồng thời chỉ ra
đường hướng cải cách triều chính một cách đúng đắn.
Việc Trị bình thập tứ sách chỉ
phát huy tác dụng “trên giấy” đã gây nên sự tiếc nuối cho nhiều sử gia hậu thế,
nhất là trong bối cảnh chỉ một thời gian sau khi Lương Đắc Bằng dâng 14 kế sách
trị bình, nhà Lê Sơ tiếp tục trượt dài trên sự suy vi và từng bước mất ngai
vàng vào tay nhà Mạc./.
Nguồn: Phạm Hoàng Mạnh Hà
Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét