Trong lịch sử Việt Nam, nhắc tới Nhà Lý, chúng
ta lại nghĩ về Lý Thái Tổ với công nghiệp sáng lập vương triều, Lý Thường Kiệt
với chiến công phá Tống, bình Chiêm hay vị nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng duy nhất
trong lịch sử Việt Nam… Nhưng Nhà Lý không chỉ có thế. Trong khoảng thời gian
216 năm trị vì và trải qua Tám đời Hoàng đế cai trị, Nhà Lý vẫn còn nổi lên một
vị minh quân khác. Mà với vị minh quân này, Ngài lên ngôi khi mới 3 tuổi, trải
qua đủ những cung bậc khác nhau cho sự tồn vong của một vương triều: hoàng hậu
nhiếp chính – quyền thần chèn ép – tự thân cầm quyền – lựa chọn tôi hiền và cuối
cùng đã giữ vững cơ nghiệp họ Lý được thịnh trị sau 37 năm trị vì của mình. Đó
là Hoàng đế Lý Anh Tông (1136 – 1175) – vị hoàng đế thứ sáu của Vương triều Lý trong lịch sử dân tộc ta
Bài liên quan:
Tuy là một vị vua sáng giá của lịch sử phong kiếnViệt Nam, nhưng sự khởi đầu của Lý Anh Tông lại không hoàn toàn như vậy.
Ngài tên thật là Lý Thiên Tộ, sinh năm 1136 tại
kinh đô Thăng Long và là người con thứ của Hoàng đế Lý Thần Tông – tức Ngài
không phải con trưởng và không phải là người khi sinh ra đã tất nhiên được nối
ngôi vua. Mẹ Ngài là người họ Lê, khi nhập cung được phong là Cảm Thánh Phu
Nhân, phi tần của Thần Tông. Mấy năm sau, Đỗ Anh Vũ nhập cung, Phu Nhân họ Lê
và Anh Vũ gặp nhau rồi phải lòng nhau, gian thông trong cung cấm mà Thần Tông
không hay biết.
Năm 1138, Hoàng đế Lý Thần Tông băng hà, trước
đó Lê Phu Nhân cùng Đỗ Anh Vũ mang tiền bạc đút lót cho viên quan hầu cận của
vua, để khi vua sắp băng hà có trối di chiếu thì gọi mình vào hay trước. Bởi vậy,
ngay lúc Lý Thần Tông sắp mất, sửa soạn di chiếu, Lê Phu Nhân vào bên vua khóc
lóc, năn nỉ, ỉ ôi khiến vua động lòng cuối cùng đổi ý không lập thái tử Thiên Lộc
lên ngôi vua, mà thay vào đó là Lý Thiên Tộ, con của Lê phu nhân – tức Hoàng đế
Lý Anh Tông sau này.
Câu chuyện đến đây như đi vào những mãnh ghép
logic của con đường diệt vong của một vương triều. Hoàng đế sắp băng hà vì một
người đàn bà mà sửa di chiếu của mình, người đàn bà đó còn đang tư thông với quan
thần của mình mà bản thân hoàng đế không hay biết, để cuối cùng đưa con của
mình và người đàn bà đó lên ngôi chí tôn, chống lại những sự định nghị sẵn lâu
nay của triều đình… đó đúng là vết xe đổ của sự sụp đổ một vương triều trong lịch
sử. Nhưng may mắn cho Nhà Lý, khi người kế vị lúc đó lại là Lý Thiên Tộ, một
minh quân được lịch sử chọn lựa. Và may mắn hơn, kẻ quyền thần dối vua Đỗ Anh
Vũ lại chết đúng khi Hoàng đế đã đủ tuổi trị vì quốc gia.
Lý Thiên Tộ lên ngôi Hoàng đế năm 1138, mẹ Ngài
là Cảm Thánh Phu Nhân buông rèm nhiếp chính, Đỗ Anh Vũ được phong làm Phụ quốc
thái úy, cùng Thái hậu điều hành quốc gia thay cho vua còn nhỏ tuổi. Từ đó, Đỗ
Anh Vũ cậy quyền thế, chèn ép ấu chúa và các quan, khiến triều thần bất mãn. Cuối
cùng, năm 1150, Hoàng đế đã 14 tuổi nhưng Đỗ Anh Vũ vẫn chèn ép vua, nên tướng
Vũ Cát Đái cầm đầu cuộc binh biến, bắt trói Anh Vũ và tiêu diệt phe cánh. Nhưng
Lê Thái hậu lại dùng tiền của đút lót chính… Vũ Cát Đái để y tha cho Anh Vũ, đồng
thời Lê Thái Hậu hằng năm tổ chức nhiều cuộc đại xá cho tù nhân. Và chuyện gì đến
đã phải đến, sau nhiều lần ân xá, Đỗ Anh Vũ được phục chức, ra lệnh tàn sát những
kẻ bắt ép mình khi trước một cách vô cùng tàn bạo…
Năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, Lý Anh Tông bắt đầu
có thể tự mình điều hành chính sự, không còn chịu sức ép của gian thần. Ngài bắt
đầu công việc đầu tiên là chọn người hiền tài để đứng vào vị trí Phụ quốc thái
úy – chức vụ có tầm quan trọng trực tiếp cùng với hoàng đế điều hành chính sự
quốc gia, chăm lo cho đời sống dân chúng và sự vững mạnh của vương triều. Cuối
cùng, Lý Anh Tông đã chọn Tô Hiến Thành – khi ấy đã 54 tuổi, gánh vác trọng
trách quan trọng này. Lúc đó, triều đình Nhà Lý vẫn còn rất nhiều những cựu thần
từ các thời Nhân Tông, Thần Tông đang phụng sự, Tô Hiến Thành chức vụ thấp hơn
và trẻ hơn họ nhưng đã được Anh Tông nhất quyết tin dùng.
Đáp lại sự tin dùng đó, Lý Anh Tông và Tô Hiến
Thành trở thành một cặp bài trùng “minh chúa, tôi hiền” điển hình trong lịch sử
dân tộc. Bên trong, Lý Anh Tông cắt đặt các chức tước tùy vào tài năng từng
quan lại, thì bên ngoài, Tô Hiến Thành ra sức dẹp yên loạn lạc, ngoại xâm từ bắc
chí nam. Nếu Hoàng đế còn đặt ra Xạ đình (1170) để làm nơi đặc biệt cho quan
quân rèn luyện binh pháp, bày trận từ đó mà cắt đặt người tài lo việc quốc gia,
thì Tô Hiến Thành dẫn quân đội Đại Việt tinh nhuệ được thao luyện đó mở mang bờ
cõi trước sự xâm lấn của Ai Lao, Chân Lạp, Chiêm Thành… làm cho vị thế của Đại
Việt ngày thêm một hùng cường.
Lý Anh Tông bắt đầu coi trọng Nho giáo. Ngài chỉ
đặt một Hoàng hậu duy nhất mà không phế hay lập mới trong suốt triều đại của
mình, và là vị hoàng đế đã chấm dứt việc lập ra nhiều hoàng hậu từ các vua trước
và các tiền triều trước. Ngài cho xây dựng hai miếu thờ Khổng Tử trong kinh
thành Thăng Long, đắp đàn Viên Khâu làm nơi tế trời đất và tổ chức các kỳ thi
tuyển bằng Nho học để tuyển chọn hiền tài. Trong thời đại lúc bấy giờ, đó là một
việc làm sáng suốt nhằm đưa nền cai trị quốc gia đến một mức độ thịnh trị, yên
bình nhất có thể!
Nhưng nếu Ngài may mắn có một Tô Hiến Thành
cùng mình cả đời giữ vững Nhà Lý, thì người nối dõi tức vua Lý Cao Tông lại
không may mắn được như thế…
Năm 1175, Lý Anh Tông qua đời. Vì con trưởng Lý
Long Xưởng phạm tội đại nghịch, nên bị phế chức Thế tử, con thứ là Lý Long Cán
lên nối ngôi, tức vua Lý Cao Tông. Trước khi mất, Anh Tông ủy thác con mình và
Vương triều Lý cho Tô Hiến Thành. Thái úy Tô Hiến Thành đã giữ trọn lời ủy thác
đó, nhưng chỉ được 4 năm. Năm 1179, Tô Hiến Thành bệnh nặng rồi mất, ông đã trối
lại với Đỗ Thái hậu mẹ vua Cao Tông nên lập Trần Trung Tá làm phụ chính nhưng
bà không nghe theo. Tô Hiến Thành mất, cùng với Lý Cao Tông – hai trụ cột cuối
cùng của Vương triều Lý đã sụp đổ, từ đây loạn lạc nổi lên khắp nơi và không đến
nửa thế kỷ sau, một triều đại mới đã bước lên vũ đài lịch sử thay thế vai trò của
Nhà Lý, tiếp tục làm rạng danh và giữ vững nền độc lập của Đại Việt – đó chính
là Nhà Trần.
Hoàng đế Lý Anh Tông qua đời khi 40 tuổi, chính
thức cầm quyền được khoảng 20 năm. Đó cũng là khoảng thời gian Ngài đã giữ vững
cơ nghiệp của Lý Thái Tổ, bằng cách hết lòng chăm lo cho dân chúng, biết cách
trọng dụng hiền tài, đồng thời không nghe theo lời xàm tấu của gian thần và đàn
bà hậu cung. Có thể nói rằng, chính nhờ tài năng điều hành triều chính của
mình, mà Hoàng đế Lý Anh Tông đã tạo thời cơ cho những hiền tài như Tô Hiến
Thành, Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Công Tín, Trần Trung Tá… có cơ hội thi thố tài năng
của mình, đóng góp hết sức mình cho sự hùng mạnh của Đại Việt và dân tộc ta vào
cuối thế kỷ XII.
Ngài mãi mãi là một vị Hoàng đế anh minh trong
lịch sử dân tộc, là một tấm gương của người lãnh đạo quốc gia hết lòng vì xã tắc
và biết trọng dụng nhân tài vì sự nghiệp chung của dân tộc!
Xin web ghi đúng nghĩa,thái tử và thế tử là 2 danh từ khác nhau.thái tử là chỉ người đc nối ngôi của hoàng đế,thế tử là chỉ người nối ngôi của các vương
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã góp ý! Mong nhận được nhiều góp ý hơn từ bạn!!!
Xóa