Việt Nam và lịch sử Việt Nam hôm nay của Chúng Ta! - LỊCH SỬ VIỆT NAM - YÊU SỬ VIỆT - VIETNAMESE HISTORY - HISTORY OF VIETNAM

Việt Nam và lịch sử Việt Nam hôm nay của Chúng Ta!

Share This
sử việt, lịch sử việt nam, quan hệ ngoại giao việt nam trung quốc hoa kỳ
YEUSUVIET.COM - Người Việt có câu nói: bán bà con xa mua láng giềng gần, câu nói thể hiện sự tương thân, tương ai giữa làng xóm làng giềng lắm lúc còn quan trọng hơn mối quan hệ bà con, thân thuộc khi người thân ở xa. Câu nói đó với người Việt luôn đúng, nhưng trên bình diện quốc gia và quốc tế thì chưa hẳn là đúng lắm, nhất là với mối quan hệ láng giềng Việt Nam - Trung Quốc.
Bài liên quan

Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có đường biên giới gần 1450km bao gồm cả đường biên giới trên bộ và trên biển. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Việt Nam luôn xung đột với Trung Quốc để giữ vững chủ quyền của mình cho đến nay. Đặc biệt nhất, phải kể đến gần 1.000 năm người Việt sống dưới sự đô hộ, đồng hóa của người Trung Quốc và điều đó đã dẫn đến dù nền văn hóa Việt vẫn có bản sắc riêng nhưng không hề thiếu những dấu ấn sâu đậm của văn hóa Trung Quốc, tiêu biểu là tư tưởng Nho giáo và các Văn miếu thờ Khổng Tử.  Rồi trải qua các triều đại độc lập, tự chủ từ năm 938, không có triều đại nào tránh khỏi các cuộc tấn công xâm lược của người Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam.

Mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại phong kiến luôn mang tính chất "ngoài cầu phong, trong tự chủ". Ngay đến như Hoàng đế Quang Trung hùng mạnh chỉ trong 5 ngày quét sạch hơn 20 vạn quân Thanh từ kinh đô Thăng Long chạy dài một mạch về Trung Quốc cũng phải nhún nhường khép mình mà xin được nhận làm nghĩa tử của Hoàng đế Càn Long. Ngài còn nói rằng nếu chiến tranh với Đại Thanh còn kéo dài 10 năm nữa, nước Nam thế nào cũng bị diệt. Điều đó để nói lên rằng nước Việt thật sự chỉ là một quốc gia với diện tích nhỏ bé bên cạnh một quốc gia Trung Quốc với diện tích lớn hơn mấy chục lần, thì chiến tranh xảy ra, Việt Nam có bảo toàn được độc lập, tự chủ nhưng cuối cùng vẫn là bên phải chịu thiệt hãi, tang thương lớn nhất.

sử việt, lịch sử việt nam, quan hệ ngoại giao việt nam trung quốc hoa kỳ

Nhưng cũng chính từ mối quan hệ láng giềng không hữu hảo đó, người Việt Nam như đã tự ăn sâu vào máu mình một tinh thần quật cường, sắt đá quyết tâm bảo vệ cho kỳ được và bằng mọi giá nền độc lập, tự chủ của mình trước người láng giềng Trung Quốc. Lý do để đến hôm nay Việt Nam vẫn luôn độc lập và tự chủ trước sự xâm lấn và đồng hóa của người Trung Quốc trong quá khứ, đó chính là tinh thần của người Việt, của lớp lớp người Việt từ Ông đến Cha đến Con rồi đến Cháu... không bao giờ chịu chấp nhận kiếp làm nô lệ ngoại bang. Tinh thần đó tùy vào thời kỳ, tùy vào giai đoạn lịch sử mà ngấm ngầm, mà thôi thúc hay bùng cháy dữ dội. Tinh thần đó không bao giờ tắt mà trải qua bao thế hệ Việt Nam, nó giống như ngọn lửa âm ỉ dưới đống than hồng, chỉ luôn chực bùng cháy để bảo vệ non sông khi hiểm họa nô lệ Bắc thuộc lại xảy đến!

Nhưng hôm nay, trong thế giới hiện đại, khi những tiếng súng cuối cùng của Gạc Ma 1988 kết thúc, Việt Nam đang cố gắng xây dựng một thời kỳ hữu hảo mới với Trung Quốc như bao lần trong lịch sử mà các chính quyền phong kiến đã làm khi kết thúc chiến tranh chống xâm lược. Việt Nam thật sự cần hòa bình và vô cùng cần nền hòa bình thật sự để giữ yên đất nước mình. Thậm chí đến khi giàn khoan Hải Dương 981 kéo sâu vào lãnh hải Việt Nam, đến lúc đó buộc lòng Chính quyền và Nhân dân cả nước phải đồng lòng lên tiếng khi sự nhân nhượng của chúng ta không thể kéo dài hơn nữa trước sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam của chính quyền Trung Quốc. Những câu nói và những bước tiến ngoại giao đã có, đã xảy ra và đã mang đến cho Việt Nam hy vọng về mối quan hệ hòa bình lâu dài với Trung Quốc. Nhưng thật sự, không ai biết được mối quan hệ hòa bình lâu dài đó có song hành với chủ quyền Việt Nam và chủ quyền Biển Đông của Việt Nam hay không.

Hoa Kỳ

Ngày 24 - 25/1/2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mattis đến Việt Nam khi mà trước đó vài ngày, người đồng cấp của ông Bộ trưởng Quốc phòng CH Liên bang Nga cũng đã thăm chính thức Việt Nam. Hơn nữa, một tuyên bố ngoại giao dự kiến đã chỉ ra thời điểm hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ sẽ lần đầu tiên sau năm 1975 ghé thăm Việt Nam vào tháng 3/2018, một bước tiến thật sự nhưng cũng là một bước đi làm sáng tỏ quan điểm, lập trường của nước Việt Nam hiện đại: mong muốn hòa bình thật sự và đa phương hóa vì hòa bình thật sự với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ.

Lịch sử nước Mỹ từng liên kết với Việt Nam vào thời kỳ Tổng thống Thomas Jefferson ở thế kỷ XVIII. Cả hai quốc gia trong thời kỳ phong kiến từng có những cơ hội giao thương, hợp tác với nhau nhưng đáng tiếc đã bị bỏ qua. Cho đến khi lực lượng OSS của Hoa Kỳ nhảy dù xuống vùng chiến khu Cao Bằng huấn luyện quân đội Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống Phát xít Nhật, Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu một chương ngoại giao mới giữa hai quốc gia trong thời kỳ hiện đại. Nhưng đáng tiếc, lần thứ hai, mối quan hệ đó đã bị cắt ngang và lần cắt ngang này đã mang lại những hậu quả nặng nề mà đến nay vẫn còn để lại di sản máu của nó trên lãnh thổ Việt Nam và trong lòng nước Mỹ.

sử việt, lịch sử việt nam, quan hệ ngoại giao việt nam trung quốc hoa kỳ

Cần nhớ rằng, khi Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 chấn động địa cầu xảy ra, người dân Việt Nam đã mơ về hòa bình và thực sự giấc mơ đó đang hiển hiện chưa bao giờ rõ ràng như vậy trước dân tộc Việt Nam. Nhưng những ý thức hệ khác nhau giữa những nhà lãnh đạo Việt Nam đã khiến Việt Nam phải tiếp tục 21 năm chiến tranh tiếp theo. Một số những người Việt Nam không muốn tham giá ý thức hệ Cộng Sản đã đi về miền Nam và lần lượt thành lập những chính thể quốc gia của người Việt tại đây. Cho đến năm 1955, Việt Nam Cộng hòa được thành lập với Tổng thống đầu tiên là ông Ngô Đình Diệm - một cựu thần nhà Nguyễn, với sự hậu thuẫn của... Hoa Kỳ từ bên kia Thái Bình Dương thuộc phe Đồng Minh vừa chiến thắng Phát xít.

Lịch sử phải khách quan và trung thực. Vì vậy, phải khẳng định sự hỗ trợ của các quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và cùng với hai sự hậu thuẫn lớn nhất của Liên Xô, Trung Quốc cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc trong cuộc chiến với nhà nước Việt Nam Cộng hòa ở phía Nam. Cả hai quốc gia đều được lãnh đạo bởi những người Việt, đều được chiến đấu bởi những người lính Việt và những cái xác trên chiến trường, gần như tất cả đều là người Việt. Bỏ qua những yếu tố chính trị trong bài viết này, bởi vì chính trị không đơn gian như 1 cộng 1 bằng 2 mà 1 cộng 1 có thể bằng 3 và lớn hơn hoặc bằng -3 và nhỏ hơn. Nhưng trên chiến trường, Hoa Kỳ đã trực tiếp tham chiến, người Mỹ đã trực tiếp cầm súng bắn vào người Việt, điều mà phải mãi đến năm 1979, người Trung Quốc mới "làm" với người Việt.

Năm 1972, giữa lúc chiến trường Việt Nam đang trong "mùa hè đỏ lửa" sau trận đánh Cổ thành Quảng Trị 1971, xác người Việt cả 2 chiến tuyến và xác lính Mỹ còn ngổn ngang ở chiến trường, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon - đồng minh viện trợ lớn nhất của Việt Nam Cộng hòa, lên đường thăm Trung Quốc. Ngày 21/2/1972, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại phi trường Thượng Hải, lịch sử thế giới hiện đại chính thức bước sang một trang sử mới: trang sử của lợi ích quốc gia phải lớn hơn lợi ích của ý thức hệ Cộng sản hay Tư bản. Cả hai nước Việt Nam ở phái Bắc và phía Nam đều nhận thấy những sự thay đổi rất lớn từ hai đồng minh của hai chiến tuyến. Cuối cùng, Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa một số lượng cực lớn. Đến năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và lời nhắn từ chối hỗ trợ của Hạm đội 7 Hoa Kỳ với Việt Nam Cộng hòa. Hơn lúc nào hớn, người Việt phải tự cứu lấy mình, cuộc chiến đó phải kết thúc, đó là mệnh lệnh của thời đại và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thời đại chọn thực hiện sứ mệnh thống nhất quốc gia đó. Điều tốt đẹp cuối cùng chính quyền Việt Nam Cộng hào đã làm với dân tộc, là trả lại một Sài Gòn nguyên vẹn không còn đổ máu người Việt kể từ 11g30 phút ngày 30/4/1975.

Hoa Kỳ đã có một vai trò nhất định trong việc xây dựng chính quyền Việt Nam Cộng hòa và để chính quyền đó sụp đổ. Trung Quốc cũng có một vai trò nhất định trong việc lựa chọn vĩ tuyến 17 sông Bến Hải - cầu Hiền Lương làm đôi bờ chia cắt đất nước. Nhưng người Việt đã đứng lên và tự quyết định vận mệnh của quốc gia mình: đó là Thống nhất đất nước bằng mọi giá.

Việt Nam và Trung Quốc, Hoa Kỳ hôm nay

Chắc chắn, hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà Tổng thống của nước cựu thù lại được người dân chào đón nồng nhiệt như ở Việt Nam, điều này chỉ đúng với Tổng thống Hoa Kỳ còn Chủ tịch Trung Quốc thì không. Điều này thậm chí là một vấn đề cực kỳ nan giải về phương diện ngoại giao quốc tế, vì những tình cảm này xuất phát từ cảm tính của người dân mà không thể được định hướng từ chính quyền và vì đó là lòng dân. Nhưng Nhà nước khi quản lý quốc gia, sẽ biết những cách nào phải làm để quan hệ song phương giữa các quốc gia không bị đổ vỡ chỉ vì lòng dân là điều không thể kiểm soát.

Người ta nói nhiều về những sự hỗ trợ của các cường quốc dành cho Việt Nam để đất nước nhỏ bé này được an toàn hơn, được vững vàng hơn. Nhưng có một điều mà người ta rất ít nói đến, đó là lợi ích của các cường quốc nếu giúp cho Việt Nam nhỏ bé này được an toàn, được vựng vàng hơn. Các cường quốc đó bao gồm cả Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ và xa hơn là Ấn Độ, Đức... Trong một thời đại toàn cầu hóa, nơi mà sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã mang lại những nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các siêu cường càng siêu cường hơn, cho các quốc gia như Việt Nam có cơ hội phát triển bền vững và nhanh hơn, thì yếu tố lợi ích quốc gia phải được tính toán lên trên tất cả.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lần đầu tiên trong lịch sử tiếp đón chính thức một Tổng bí thư Đảng Cộng sản mà theo thông lệ quốc tế, người đứng đầu Đảng không phải người đứng đầu Quốc gia, chỉ khác là Việt Nam khác với thông lệ đó. Nhưng nước Mỹ - cựu thù của Việt Nam, đã chấp nhận điều đó và vị thế của Việt Nam - một quốc gia theo chế độ Xã Hội chủ nghĩa với 4 trụ cột nhân sự chính quyền cao nhất, đã được siêu cường số 1 thế giới Hoa Kỳ thừa nhận. Đó cũng chính là một cơ hội, một nhận thức mới về nước Việt Nam trong thời đại mới.

Những đêm hôm qua, cả đất nước Việt Nam như mở hội non sông. Những lá cờ đỏ sao vàng và rừng rừng, lớp lớp người cùng kéo nhau xuống đường hô vang hai tiếng Việt Nam khi đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà và khu vực Đông Nam Á, chính thức ghi tên mình vào một trận đấu chung kết tầm châu lục. Mẹ Việt Nam tóc bạc 4.000 năm như mở mắt reo vui cùng con cháu với thời khắc lịch sử hai tiếng Việt Nam được vinh danh trên thế giới. Và xa hơn, rất nhiều người mong muốn vào một ngày cũng sẽ có hàng triệu người Việt đổ ra đường mừng ngày đất nước Việt Nam hóa rồng bay cao như những gì bóng đá đã làm được. Ngày đó, những lý tưởng, những chân lý ngời sáng qua tim sẽ thành hiện thực và mang đến cho Việt Nam nền thịnh vượng và tự chủ lâu dài, bền vững!

Nhưng cũng trong những ngày Việt Nam mở hội đó, những phiên tòa chống tham nhũng tiếp tục diễn ra. Những bản án dành cho những người bằng cách này hay cách khác, đã lấy tiền thuế của dân là tiền riêng cho mình với con số trăm tỷ, ngàn tỷ. Những số tiền trăm ngàn tỷ làm của riêng đó phải đánh đổi bằng những dự án "ma" ngàn, ngàn tỷ phải đổ sông, đổ biển. Và những số tiền ngàn ngàn tỷ đổ sông, đổ biển đó là tiền thuế, là nước mắt, là mồ hôi của từng người dân Việt Nam hôm nay. Dù vì bất cứ lý do gì đi nữa, những người đang đứng trước Tòa trong những ngày Mẹ Việt Nam mở hội đó xứng đáng với những bản án là kết quả những gì họ đã làm với Đất nước này, Tổ quốc này và Dân tộc này.

Lời kết

Lịch sử Việt Nam đã bước đi một hành trình dài hơn 4.000 năm và hành trình đó sẽ còn tiếp tục, sẽ còn kéo dài đến thiên thu, vạn đại. Nhưng trong từng thời kỳ, trong từng thời đại trong từng cuộc đời trên dưới trăm năm của một đời người, thì từng người Việt Nam sẽ làm gì để cống hiến cuộc đời mình cho dòng chảy Việt Nam thiên thu vạn đại đó? Nhất là trong một thế giới hiện đại nơi lợi ích quốc gia đang được đặt lên trên hết tất cả và Việt Nam cũng vậy, lợi ích của Tổ quốc Việt Nam, lợi ích của Nhân dân Việt Nam cũng phải được đặt lên trên hết tất cả, bất kể đó là mối quan hệ với các cường quốc như Trung Quốc hay Hoa Kỳ đi chăng nữa. Một lựa chọn thảo hiệp song phương nơi các quốc gia tìm được tiếng nói chung, lợi ích chung chính là mục tiêu cần đạt được. Nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn luôn luôn không thể thay đổi, đó là chủ quyền thống nhất, tự chủ và toàn vẹn quốc gia của Tổ quốc Việt Nam, của Nhân dân Việt Nam.

Không có thời kỳ nào trong lịch sử là dễ dàng để dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển bên cạnh các siêu cường của thế giới - nhất là bên cạnh người láng giềng khổng lồ Trung Quốc, và hôm nay cũng vậy. Nhưng cũng không có thời kỳ nào trong lịch sử mà cha ông chúng ta, tiền nhân Việt Nam của chúng ta chấp nhận đầu hàng số phận, chấp nhận để cho Tổ quốc, cho Dân tộc và Tương lai con cháu phải đi vào vòng xoáy đau thương, vòng xoáy tang tóc. Thì hôm nay, chúng ta cũng như thế, những con cháu đang nối tiếp truyền thống Việt Nam của các Ngài cũng phải như thế: dù cho có khó khăn như thế nào chúng ta cũng sẽ không để Tổ quốc này, Dân tộc này và Tương lai con cháu dân tộc này phải đi vào vòng xoáy đau thương, vòng xoáy tang tóc đã từng diễn ra trong lịch sử giữ nước của Việt Nam.

Dù thế giới có thay đổi và phức tạp đến thế nào chăng nữa trong mối quan hệ với các siêu cường, thì lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không bao giờ thay đổi chân lý vĩnh hằng của Dân tộc Việt Nam: "Không có gì quý hơn Độc lập và Tự do". Đó là lời nhắc nhở của quá khứ và là tiếng gọi của tương lai đối với thế hệ người Việt hôm nay, đối với thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay! Và Việt Nam hôm nay... chính là Chúng Ta!

YÊU SỬ VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

yeu-su-viet (365) lich-su-viet-nam-qua-cac-thoi-ky (161) su-viet-hom-nay (99) nha-nguyen (86) danh-nhan-su-viet (85) su-kien-su-viet (76) sach-lich-su (73) facebook (53) sach-su-hien-dai (50) chong-phap (47) nha-hau-le (45) chua-nguyen (38) nha-tran (36) tai-lieu-su-viet (35) bac-thuoc (33) nha-ly (32) nha-tay-son (30) vua-chua-su-viet (29) Danh mục sách lịch sử Việt Nam hay (27) dia-danh-su-viet (22) chua-trinh (21) phim-truyen (21) quang-trung (18) vo-tuong (18) cac-cuoc-noi-chien (16) Cách mạng Việt Nam (13) gia-long (13) nguyen-mong (13) phim-su-viet (13) le-dai-hanh (12) nha-dinh (12) cong-tac-vien (11) dinh-tien-hoang (11) nha-tien-le (11) dien-tich-su-viet (10) sach-luat (10) viet-su-kieu-hung (10) minh-mang (9) nguyen-anh (9) tay-son-that-ho-tuong (9) trinh-nguyen-phan-tranh (9) Chiến tranh thế giới thứ I (8) khoi-nghia-lam-son (8) nha-ho (8) tran-hung-dao (8) hung-vuong (7) ly-thuong-kiet (7) mien-trung (7) ngu-ho-tuong-gia-dinh (7) nha-mac (7) an-duong-vuong (6) chiem-thanh (6) hai-ba-trung (6) ho-quy-ly (6) le-thanh-tong (6) ly-thai-to (6) tieu-thuyet-lich-su (6) cong-giao (5) ho-chi-minh (5) le-thai-to (5) mien-bac (5) mien-nam (5) nha-tien-ly (5) gac-ma-1988 (4) hai-chien-truong-sa (4) le-quy-don (4) mac-dang-dung (4) nha-ngo (4) trung-vuong-she-kings (4) Alexandre-de-Rhodes (3) cham-pa (3) chien-tranh-bien-gioi (3) dai-nam (3) danh-tuong-su-viet (3) dao-duy-tu (3) hinh-anh-su-viet (3) hung-dao-vuong (3) huyen-tran-cong-chua (3) lịch sử việt nam qua các thời kỳ (3) nam-bac-trieu (3) vuong-quoc-co (3) xiem-la (3) chien-tranh-viet-xiem (2) dieu-tan (2) hùng vương (2) loa-thanh-ruc-lua (2) 17-2-1979 (1) Chế Thị Ngọc Hân (1) Cách mạng khoa học công nghệ (1) Cách mạng tháng 10 Nga (1) Lịch sử thế giới 1945 - 2000 (1) a-cha (1) am-che (1) binh-ngo-dai-chien (1) chiến tranh cục bộ (1) chua-tien (1) cong-chua-viet-nam (1) dai-viet-co-phong (1) hai-chien-hoang-sa (1) kieu-binh (1) mai-hac-de (1) y-van-hien (1) Đông Kinh Nghĩa Thục (1)